Hỏi đáp Thuốc vườn nhà

Tác dụng chữa bệnh của rau má ngọ

Nguồn tin:  Thuốc vườn nhà
Cập nhật: 30/09/2012 07:22 CH
Hỏi:

Đề nghị "Thuốc vườn nhà" cho biết, cây "rau má ngọ" có phải là cây "rau má lá rau muống" hay không? Có thể sử dụng để chữa những bệnh gì?

Trần Thị Duyên, Bắc Giang

Đáp:

rau má ngọ, rau sông chua dây, thồm lồm gai, giang bản quy, Polygonum perfoliatum L.

Đó là 2 loài cây, thuộc 2 họ thực vật khác nhau. "Rau má ngọ" là 1 loài có thân mọc bò hoặc mọc leo, thân chia nhiều nhánh, có gai quặp xuống, lá 3 cạnh, ... Còn "rau má lá rau muống" là loài cây nhỏ, thân mọc đứng, cao chừng 20-40cm, ...

Rau má ngọ còn có tên là "rau sông chua dây", "thồm lồm gai", trong Đông y Trung Quốc gọi là "giang bản quy", tên khoa học là Polygonum perfoliatum L., thuộc họ Rau răm.

Rau má ngọ mọc hoang ở khắp những nơi ẩm thấp, vùng đồng bằng cũng như vùng cao đều có. Để làm thuốc, có thể dùng toàn cây, hoặc chỉ dùng lá, rễ. Dùng tươi hoặc phơi, sấy, khô. "Rau má ngọ" và "rau má lá rau muống" đều là thuốc thanh nhiệt giải độc, nhưng tác dụng không hoàn toàn giống nhau.

Theo Đông y: Rau má ngọ có vị đắng, chua, tính bình; vào 2 kinh Can và Thận. Có tác dụng thanh nhiệt giải độc, hoạt huyết tiêu thũng, tức phong chỉ khái (trừ phong, chống ho). Thường dùng chữa ho gà, hoàng đản (vàng da), sốt rét, kiết lỵ, tiểu tiện buốt, tiểu tiện lẫn máu, trĩ, khí hư, ... Ngoài công dụng làm thuốc chữa bệnh, rau má ngọ còn dùng để làm mềm ngà voi và xương (để uốn nắn và nhuộm màu); trong nông nghiệp còn có thể dùng để diệt trừ sâu bọ.

Một số bài thuốc có sử dụng rau má ngọ:

    (1) Chữa ho gà: Dùng rau má ngọ 30g, sao với rượu, thêm chút đường phèn, sắc lấy nước; chia ra 2 lần uống trong ngày. Có thể thêm ngư tinh thảo (rau diếp cá) 20g, cùng sắc uống.

    (2) Chữa xơ gan cổ trướng: Dùng rau má ngọ 20g, nhân trần 15g, kim tiền thảo 10g, phượng vĩ thảo (cỏ seo gà) 10g, mộc hương 10g, đại phúc bì 10g, hoàng liên 6g, thổ phục linh 12g; sắc lấy nước, chia 3 lần uống trong ngày.

    (3) Chữa phù do viêm thận mạn: Dùng rau má ngọ 20g, đông qua tử (hạt bí đao) 15g, đông qua bì (vỏ bí đao) 20g, xa tiền tử (hạt mã đề) 15g, bạch mao căn (rễ cỏ tranh) 20g, hải kim sa (bòng bong) 10g; sắc lấy nước, chia ra 3 lần uống trong ngày.

    (4) Chữa trĩ, hậu môn lở loét: Dùng rau má ngọ 20-30g, lòng lợn một lượng thích hợp, hầm lên ăn trong bữa cơm.

    (5) Chữa viêm da dị ứng: Dùng rau má ngọ 30g, dã cúc hoa 30g, phượng vĩ thảo (cỏ seo gà) 20g; sắc nước uống mỗi ngày 1 thang. Cách sắc: Sắc 3 nước, 2 nước đầu hợp lại chia ra 2-3 lần uống trong ngày; nước thứ 3 dùng để rửa chỗ da bị bệnh.

    (6) Chữa viêm nang lông: Dùng rau má ngọ 20g, bồ công anh 15g; sắc nước uống trong ngày.

        Thuốc bôi ngoài: Dùng rau má ngọ 2 phần, ô tặc cốt (mai mực) 1 phần; 2 thứ tán thành bột mịn, trộn với dầu vừng, dùng bông chấm thuốc bôi lên chỗ da bị bệnh 3-4 lần trong ngày.

    (7) Chữa viêm da đầu do tăng tiết bã nhờn: Dùng rau má ngọ 100g, lá thông đuôi ngựa 30g; tất cả rửa sạch, thái nhỏ, sắc lấy nước để gội đầu hàng ngày hoặc cách ngày.

Lương y HUYÊN THẢO


Xin vui lòng ghi rõ nguồn "Thuốc vườn nhà - http://www.thuocvuonnha.com" khi phát hành lại thông tin.


Tuyên bố trách nhiệm:
Thông tin trên thuocvuonnha.com chỉ phục vụ nghiên cứu học tập và mở rộng kiến thức. Không sử dụng làm căn cứ để tiến hành chẩn trị trên lâm sàng. Thông tin trên thuocvuonnha.com có thể được trích dẫn, thu thập từ các ấn phẩm, các trang tin điện tử liên quan trong nước và ngoài nước. Nếu phát sinh vấn đề bản quyền, kính đề nghị phản hồi cho chúng tôi.

Viết bình luận

Để thuận tiện cho việc đăng tải, xin vui lòng nhập tiếng Việt có dấu.
Chúng tôi mong muốn nhận được những bình luận theo hướng mở rộng hoặc bổ sung thông tin liên quan đến bài viết.
Chúng tôi sẽ khóa những bình luận có ngôn từ mang tính kích động hoặc bất nhã.

  Đơn vị bảo trợ thông tin

ĐỐI TÁC - LIÊN KẾT
[ Lên đầu trang ]