Hỏi đáp Thuốc vườn nhà

Huyết hư và thiếu máu không giống nhau?

Nguồn tin:  Thuốc vườn nhà
Cập nhật: 31/03/2014 09:26 SA

Hỏi:

Từ nhiều năm trước, đầu tôi thường bị đau nhấm nhói và mỗi khi mệt nhọc thì đau kịch liệt, kèm theo những triệu chứng của bệnh "thiếu máu", như người gầy, da xanh xao, môi nhợt nhạt, đang ngồi đứng dậy hay hoa mắt và chóng mặt, trống ngực, ... Mấy năm liền, tôi đã uống một số loại thuốc bổ máu, như viên sắt, vitamin B12, acid folic, ... nhưng đau đầu không đỡ. Gần đây tôi thử đi khám Đông y, thầy thuốc chẩn đoán là tôi bị đau đầu do "huyết hư", cho thuốc uống, bệnh giảm rõ ràng và hiện tại gần như khỏi hẳn. Tôi rất thắc mắc, vì sao uống thuốc chống "huyết hư" lại khỏi đau đầu? Nếu có thể được, rất mong "Thuốc vườn nhà" giải thích cho biết thêm về bệnh "huyết hư".

L.T.Tuyết, Ba Đình, Tp. Hà Nội

Đáp:

đương quy

"Thiếu máu" là tên bệnh trong Tây y, còn "huyết hư" là tên bệnh Đông y. Đó là những chứng bệnh khác nhau:

    - "Thiếu máu" (bần huyết, anemia) trong Y học hiện đại, chỉ hiện tượng giảm số lượng hồng cầu hoặc giảm nồng độ huyết cầu tố (hemoglobin) trong máu ngoại biên. Thường được chia thành các loại là thiếu máu do thiếu sắt, thiếu máu do thiếu vitamin B12, thiếu máu do thiếu acid folic, thiếu máu do thận, ...

    - Còn "huyết hư" là một bệnh Nội khoa trong Đông y cổ truyền; chỉ tình trạng bệnh lý, với những biểu hiện suy nhược toàn thân, do chức năng sinh lý của huyết không kiện toàn, hoặc mất máu quá nhiều, khiến âm huyết trong cơ thể không đầy đủ (thiếu máu và âm dịch), không đủ sức nuôi dưỡng tạng phủ, cơ nhục, kinh mạch, ... gây nên.

Như vậy "huyết hư" trong Đông y có nghĩa rộng hơn, bao gồm cả tình trạng huyết dịch hao tổn (thiếu máu).

"Thiếu máu" và "huyết hư" có những biểu hiện rất giống nhau, như da dẻ xanh xao, môi và móng tay chân nhợt nhạt; khi đang ngồi mà đứng ngay dậy thường hay bị hoa mắt, chóng mặt; làm việc chóng mệt; khi gắng sức thấy trống ngực, tim đập mạnh, loạn nhịp; tiêu hóa bị rối loạn; ...

Tuy nhiên, "thiếu máu" và "huyết hư" không giống nhau hoàn toàn, "thiếu máu" chú trọng tới "chất" và "lượng" của các thành phần trong huyết dịch; còn "huyết hư" chú trọng "chức năng sinh lý" của huyết dịch trong cơ thể và những biểu hiện suy nhược toàn thân, do huyết dịch hư tổn gây nên.

Chứng "huyết hư" còn có một số tên khác, như "huyết bất túc", "huyết khuy", "huyết thiểu", "tâm can huyết hư".

"Huyết hư" thường do làm lụng mệt nhọc, suy nghĩ tư lự quá độ, khiến cho tinh huyết bị hao tổn; hoặc do tiên thiên bất túc (bẩm sinh yếu ớt), hậu thiên ăn uống nuôi dưỡng không đầy đủ, dẫn đến Tỳ Vị hư nhược, các chất dinh dưỡng trong thức ăn không được hấp thụ đầy đủ để sinh thành khí huyết; hoặc do Thận hư tinh suy, dần dần dẫn tới Huyết hư; ngoài ra, một số bệnh mạn tính có tính tiêu hao, lâu ngày không khỏi, cũng có thể dẫn tới Huyết hư.

"Huyết hư" là một trạng thái bệnh lý và cũng là nguyên nhân trực tiếp dẫn tới một số chứng bệnh khác, như chóng mặt hoa mắt (huyễn vựng), trống ngực (tâm quý), đau đầu, đại tiện táo bón, ... Để chữa trị "huyết hư", cùng một số chứng bệnh liên quan, thường sử dụng các bài thuốc sau:

    (1) Bài thuốc chữa đau đầu:

        - Thành phần: Đương quy 10g, xuyên khung 5g, thục địa 15g, bạch thược 8g, nhân sâm 3g, bạch truật 10g, phục linh 8g, cam thảo 5g; sắc nước uống mỗi ngày 1 thang, theo từng đợt 10-15 ngày.

        - Tác dụng: Bổ dưỡng khí huyết. Dùng chữa đau đầu do "huyết hư". Với những biểu hiện như đầu nhấm nhói đau, khi mệt nhọc bệnh nặng thêm, kèm theo chóng mặt, hoa mắt, trống ngực, mất ngủ, ngủ mê nhiều, tinh thần uể oải người mệt mỏi, ăn không ngon miệng, lưỡi nhợt, mạch sáp nhược (rít, yếu).

    (2) Bài thuốc chữa trống ngực (tâm quý):

        - Thành phần: Nhân sâm 12g, bạch truật 9g, phục linh 12g, cam thảo 6g, hoàng kỳ 20g, đương quy 12g, long nhãn nhục 15g, táo nhân 15g, viễn chí 6g, mộc hương 3g; sắc nước uống mỗi ngày 1 thang, theo từng đợt 10-15 ngày.

        - Tác dụng: Bổ huyết dưỡng tâm, ích khí an thần. Dùng chữa tâm quý do "huyết hư". Với những biểu hiện tâm quý (trống ngực, tim đập dồn dập, loạn nhịp từng cơn), kèm theo chóng mặt, mất ngủ, ngủ mê nhiều, sắc mặt trắng nhợt không tươi, mệt mỏi đuối sức, chất lưỡi hồng nhạt, mạch tế nhược (nhỏ yếu).

    (3) Bài thuốc chữa táo bón:

        - Thành phần: Đương quy 15g, sinh địa 15g, đào nhân (nhân hạt đào) 12g, ma nhân (hạt vừng) 15g, cam thảo 6g; sắc nước uống mỗi ngày 1 thang, theo từng đợt 10-15 ngày.

        - Tác dụng: Bổ huyết dưỡng âm, nhuận tràng thông tiện. Dùng chữa đại tiện táo bón do "huyết hư", với những biểu hiện như đại tiện táo kết, người mệt mỏi, tinh thần uể oải, sắc mặt xanh xao, môi lưỡi nhợt nhạt, đầu choáng mắt hoa, trống ngực, lưỡi nhợt, mạch tế (mạch nhỏ).


Lương y HUYÊN THẢO


Xin vui lòng ghi rõ nguồn "Thuốc vườn nhà - http://www.thuocvuonnha.com" khi phát hành lại thông tin.


Tuyên bố trách nhiệm:
Thông tin trên thuocvuonnha.com chỉ phục vụ nghiên cứu học tập và mở rộng kiến thức. Không sử dụng làm căn cứ để tiến hành chẩn trị trên lâm sàng. Thông tin trên thuocvuonnha.com có thể được trích dẫn, thu thập từ các ấn phẩm, các trang tin điện tử liên quan trong nước và ngoài nước. Nếu phát sinh vấn đề bản quyền, kính đề nghị phản hồi cho chúng tôi.

Viết bình luận

Để thuận tiện cho việc đăng tải, xin vui lòng nhập tiếng Việt có dấu.
Chúng tôi mong muốn nhận được những bình luận theo hướng mở rộng hoặc bổ sung thông tin liên quan đến bài viết.
Chúng tôi sẽ khóa những bình luận có ngôn từ mang tính kích động hoặc bất nhã.

  Đơn vị bảo trợ thông tin

ĐỐI TÁC - LIÊN KẾT
[ Lên đầu trang ]