Hỏi đáp Thuốc vườn nhà

Dứa bà - cây cảnh, vị thuốc

Nguồn tin:  Thuốc vườn nhà
Cập nhật: 11/09/2012 08:31 CH

Hỏi:

Vườn nhà tôi có trồng mấy khóm dứa bà làm cảnh. Gần đây nghe có người nói, cây này cũng có thể chữa một số bệnh. Đề nghị "Thuốc vườn nhà" cho biết, loại cây này có tác dụng chữa những bệnh gì và cách sử dụng cụ thể như thế nào?

Nguyễn Toản, Hà Nội

Đáp:

dứa bà, dứa Mỹ, thùa, lưỡi lê, long thiệt lan, nil pisey, agave, Agave americcana L.

Dứa bà còn gọi là "dứa Mỹ", "thùa", "lưỡi lê", "long thiệt lan" (Trung Quốc), "nil pisey" (Cămpuchia), "agave" (Pháp), ... tên khoa học Agave americcana L., thuộc họ Thủy Tiên (Amaryllidaceae).

Dứa bà vốn nguồn gốc từ Bắc và Trung Mỹ, nhưng hiện nay được phát triển trồng ở khắp những vùng khô cằn tại các nước nhiệt đới châu Á, châu Phi và châu Mỹ. Ở nước ta, dứa bà được trồng làm cảnh, làm hàng rào, một số nơi trồng lấy sợi, nhiều nhất tại các tỉnh Hà Bắc, Hà Tây, ... Cây mọc rất tốt ở những đồi đất đỏ, khô cằn, cho nên ta có thể nghiên cứu cho trồng lớn tại những vùng đồi trọc hiện đang bỏ hoang tại nhiều tỉnh ở nước ta.

Dứa bà là một loại cây sống dai do thân rễ, thân trên mặt đất ngắn. Lá hình kiếm dài 1,2-1,5m; quãng giữa rộng 13cm; ngọn lá có gai to, nhọn, rắn, dài khoảng 1,5cm. Gai ở mép lá có màu đen, bóng như sừng. Mỗi cây có khoảng 30-50 lá, mọng nước, mỗi lá có thể cân nặng 1,5kg. Sau nhiều năm (10-15 năm) cây ra hoa. Hoa đính trên một trục lớn, thẳng đứng, mọc từ giữa vòng lá. Trục hoa cao 4-6cm, có khi tới 10m, trên có tới hàng nghìn hoa. Sau khi ra hoa thì cây lụi đi. Hoa màu xanh, nhị mọc thò ra ngoài.

Dứa bà trước đây chủ yếu chỉ được khai thác lấy sợi, một số bộ phận được dùng làm thuốc. Gần đây được một số nước khai thác làm nguyên liệu chiết hecogenin, dùng làm nguyên liệu bán tổng hợp các thuốc loại coctizon. Theo thống kê, trên thế giới có khoảng 300 loài Agave, trong đó khoảng 60% số loài có chứa hecogenin. Những loài được khai thác vừa để lấy sợi vừa để chiết hocogenin là các loài Agave americana, Agave sisalana Perr., Agave foureroydes Lem, đều nguồn gốc Mêhicô (Trung Mỹ).

Muốn khai thác dứa bà làm nguồn chế hecogenin, hoặc là người ta ép lá dứa bà (được khoảng 60% trọng lượng lá), đem cô nước ép này đến độ cao mềm rồi đưa về chiết lấy hecogenin. Cũng có nơi không cô mà để dịch ép lên men, được một thứ bùn cặn chứa từ 5-10% hecogenin, đưa về nhà máy để chiết xuất.

Nước ép từ lá có chất ngọt, trước đây ở một số nước được nhân dân dùng cho lên men thành một thứ rượu. Tại Mêhicô rượu này được nhân dân gọi là rượu puncơ (pulque) còn có tên là "vang dứa bà" (vin d'agave), nếu đem cất thì được rượu gọi là rượu mescal.

Hiện nay ở nước ta dứa bà mới được trồng chủ yếu để làm cảnh, làm hàng rào, và một số nơi dùng lấy sợi. Một số nơi, nhân dân dùng lá, hoặc thân rễ, sắc uống chữa sốt, lợi tiểu. Thân và lá phơi khô, thái nhỏ ngâm rượu uống giúp sự tiêu hóa, chữa đau nhức, thấp khớp. Dùng ngoài giã nát lá đắp lên những vết thương vết loét.

Theo Đông y: Dứa bà có vị ngọt, hơi cay, tính bình, không độc. Có tác dụng nhuận phế hóa đàm, chỉ khái. Dùng chữa ho, ho ra máu do lao phổi; thổ huyết; hen suyễn.

Tại Ấn Độ, dịch lá được sử dụng làm thuốc nhuận tràng, lợi tiểu, điều kinh. Rễ dùng làm thuốc lợi tiểu, làm ra mồ hôi, chống giang mai. Tại Trung Quốc lá được dùng làm thuốc trị ho do hư lao, cầm máu, chứng thở khò khè.

Một số đơn thuốc có sử dụng dứa bà:

    (1) Hỗ trợ điều trị lao phổi, chữa ho, thổ huyết: Dùng lá dứa bà 30g, ngó sen 20g, bách bộ 12g, bạch cập 8g; sắc nước uống.

    (2) Trị suyễn thở, ho do phế nhiệt khái thấu: Dùng lá dứa bà 30g, kin ngân hoa 12g; sắc nước uống.

    (3) Chữa khớp xương đau nhức, thấp khớp: Dùng rễ cây dứa bà rửa sạch, thái mỏng phơi hay sao vàng; cân đủ 100g, thêm vào 1 lít rượu 30 độ; ngâm từ 15-30 ngày; ngày uống 2 lần, mỗi lần 1-2 thìa nhỏ (5-10ml). Rượu này còn có tác dụng hỗ trợ tiêu hóa.

Lương y HUYÊN THẢO


Xin vui lòng ghi rõ nguồn "Thuốc vườn nhà - http://www.thuocvuonnha.com" khi phát hành lại thông tin.


Tuyên bố trách nhiệm:
Thông tin trên thuocvuonnha.com chỉ phục vụ nghiên cứu học tập và mở rộng kiến thức. Không sử dụng làm căn cứ để tiến hành chẩn trị trên lâm sàng. Thông tin trên thuocvuonnha.com có thể được trích dẫn, thu thập từ các ấn phẩm, các trang tin điện tử liên quan trong nước và ngoài nước. Nếu phát sinh vấn đề bản quyền, kính đề nghị phản hồi cho chúng tôi.

Viết bình luận

Để thuận tiện cho việc đăng tải, xin vui lòng nhập tiếng Việt có dấu.
Chúng tôi mong muốn nhận được những bình luận theo hướng mở rộng hoặc bổ sung thông tin liên quan đến bài viết.
Chúng tôi sẽ khóa những bình luận có ngôn từ mang tính kích động hoặc bất nhã.

  Đơn vị bảo trợ thông tin

ĐỐI TÁC - LIÊN KẾT
[ Lên đầu trang ]