Hỏi đáp Thuốc vườn nhà

Rễ đẹt ác (bách bộ) chữa ho lâu ngày

Nguồn tin:  Thuốc vườn nhà
Cập nhật: 05/09/2012 12:20 SA

Hỏi:

Tôi bị viêm họng mạn tính đã nhiều năm. Cứ tới mùa đông là bệnh lại tái phát và ho rất nhiều, phải tiêm kháng sinh rất tốn kém và người rất mệt. Gần đây, tôi nghe nói, rễ đẹt ác có tác dụng chữa ho và viêm họng rất tốt. Đề nghị "Thuốc vườn nhà" thông tin cho biết, dây đẹt ác có hình dạng như thế nào, có thể kiếm ở đâu và cách sử dụng để chữa bệnh như thế nào? Mong được hồi âm trong thời gian sớm nhất.

Nguyễn Đình Tam, Thái Nguyên

Đáp:

đẹt ác, bách bộ, Radix Stemonae, Stemona tuberosa Lour.

"Đẹt ác" là một dị danh (tên khác) của "bách bộ". Vị thuốc "bách bộ" trong Đông y là rễ phơi hay sấy khô (Radix Stemonae) của cây bách bộ; loài cây mọc hoang ở khắp nơi; tên khoa học là Stemona tuberosa Lour., thuộc họ Bách bộ (Stemonaceae).

Dây đẹt ác (Bách bộ) là một thứ cây leo, thân nhỏ nhẵn. Lá thường mọc đối, hình trái tim, trên mặt lá ngoài gân chính còn có những gân phụ chạy dọc từ cuống lá đến đầu lá và có những gân ngang nhỏ và rõ. Cụm hoa mọc ở  kẽ lá, màu vàng đỏ. Quả nang có 4 hạt. Rễ củ gồm 10-20 hoặc 30 củ, có khi tới 100 củ dài 15-20cm, đường kính 1,5-2cm, màu trắng vàng.

Bách bộ là vị thuốc chữa ho và sát trùng, đã được sử dụng từ rất lâu đời trong Đông y và dân gian.

Theo Đông y: Bách bộ có vị đắng ngọt, tính hơi ấm; vào kinh Phế. Có tác dụng ôn nhuận phế khí, chỉ khái và sát trùng. Dùng chữa chứng ho do phong hàn, ho gà, ho lao, người già hen suyễn, giun đũa, giun kim và lên mề đay.

Kết quả nghiên dược lý hiện đại cho thấy, bách bộ có một số tác dụng chủ yếu như sau:

    - Tác dụng chữa ho: Nước sắc củ bách bộ có tác dụng làm giảm độ hưng phấn của trung khu hô hấp, ức chế phản xạ ho, do đó có tác dụng chữa ho. Bác sĩ Diệp Đình Thiện (Trung Quốc) còn thí nghiệm dùng bách bộ chữa lao hạch, cũng thu được kết quả rất khả quan.

    - Tác dụng sát trùng: Ngâm giun vào dung dịch 0,15% stemonin chiết từ bách bộ, giun sẽ tê liệt sau 5-10 phút. Dùng dung dịch bách bộ 1/10 trong rượu 70 độ phun vào rận, con rận sẽ chết sau một phút; nếu ngâm rệp trong dung dịch bách bộ, rệp sẽ chết mau chóng hơn. Theo cố Giáo sư Tiến sĩ Đỗ Tất Lợi: Thời gian kháng chiến chống thực dân Pháp, bộ đội thường dùng cao nước bách bộ, uống với liều 3 thìa cà phê 1 lần, giun ra rất nhiều.

    - Tác dụng kháng sinh: Diệt khuẩn ở ruột già, có tác dụng kháng sinh đối với vi trùng bệnh lỵ và phó thương hàn.

Một số bài thuốc có sử dụng bách bộ:

    (1) Chữa ho do cảm lạnh: Bách bộ 12g, kinh giới 8g, cát cánh 8g, cam thảo 6g, gừng tươi 6g; sắc nước uống trong ngày.

    (2) Chữa ho lâu ngày: Dùng bách bộ, ý dĩ, bách hợp, mạch môn đông - mỗi thứ 12g; tang bạch bì, bạch phục linh, sa sâm, địa cốt bì - mỗi thứ 6g; sắc nước uống. Có tác dụng chữa ho dai dẳng lâu ngày không khỏi, khiến cơ thể suy mòn, suy hô hấp, buổi chiều phát sốt, mũi tắc, gáy cứng đơ, nằm nghiêng bên trái đỡ ho, nghiêng sang phải thì ho rũ rượi.

    (3) Chữa ho gà:

        - Dùng bách bộ 250g, sắc kỹ lấy nước cốt, thêm lượng đường thích hợp chế thành 800ml xi-rô bách bộ; ngày uống 3 lần, trẻ nhỏ trên 2 tuổi mỗi lần uống 10-15ml, dưới 2 tuổi mỗi lần uống 2-5ml, liên tục trong 10 ngày.

        - Hoặc dùng bách bộ 50g, hạnh nhân 20g, cát cánh 20g; thêm nước 700ml, sắc lấy 350ml, thêm 60g đường trắng vào hòa đều; ngày uống 3 lần, trẻ dưới 1 tuổi mỗi lần uống 2-4ml, từ 1-3 tuổi mỗi lần uống 4-6ml, từ 3-6 tuổi mỗi lần uống 7-9ml, từ 7-9 tuổi mỗi lần uống 10-13ml, trên 10 tuổi mỗi lần uống 15ml; khi uống hòa thêm chút nước ấm; liên tục trong 6 ngày.

    (4) Chữa viêm họng mạn tính: Dùng bách bộ 12g, sắc với nước, thêm chút đường hoặc mật ong vào, chia 3-4 lần uống trong ngày.

    (5) Chữa viêm khí quản mạn tính: Dùng bách bộ 20g, sắc hai lần, hợp hai nước cô đặc lại còn 60ml; chia 3 phần uống trong ngày.

    (6) Chữa viêm mũi dị ứng: Bách bộ, tân di, bạch chỉ, ngưu bàng tử, tật lê, ngư tinh thảo (diếp cá), địa phu tử, nga bất thực thảo - mỗi thứ 160g; kinh giới 120g, bạc hà 70g; sắc lấy nước đặc thành "thuốc nhỏ mũi"; cách 2-3 tiếng lại nhỏ mũi 1 lần.

    (7) Chữa mũi đỏ (mũi mọc trứng cá đỏ - brandy nose): Bách bộ rửa sạch, thái ngắn, ngâm trong rượu 95 độ cồn khoảng 5-7 ngày, chế thành rượu thuốc 50% (tỷ lệ 1g/2ml); mỗi ngày dùng bông thấm rượu thuốc, xát vào chỗ da mũi bị bệnh 2-3 lần, liên tục trong 1 tháng.

Lương y HUYÊN THẢO


Xin vui lòng ghi rõ nguồn "Thuốc vườn nhà - http://www.thuocvuonnha.com" khi phát hành lại thông tin.


Tuyên bố trách nhiệm:
Thông tin trên thuocvuonnha.com chỉ phục vụ nghiên cứu học tập và mở rộng kiến thức. Không sử dụng làm căn cứ để tiến hành chẩn trị trên lâm sàng. Thông tin trên thuocvuonnha.com có thể được trích dẫn, thu thập từ các ấn phẩm, các trang tin điện tử liên quan trong nước và ngoài nước. Nếu phát sinh vấn đề bản quyền, kính đề nghị phản hồi cho chúng tôi.

Viết bình luận

Để thuận tiện cho việc đăng tải, xin vui lòng nhập tiếng Việt có dấu.
Chúng tôi mong muốn nhận được những bình luận theo hướng mở rộng hoặc bổ sung thông tin liên quan đến bài viết.
Chúng tôi sẽ khóa những bình luận có ngôn từ mang tính kích động hoặc bất nhã.

  Đơn vị bảo trợ thông tin

ĐỐI TÁC - LIÊN KẾT
[ Lên đầu trang ]