Hỏi đáp Thuốc vườn nhà

Đông y chữa bệnh Tay - Chân - Miệng như thế nào?

Nguồn tin:  Thuốc vườn nhà
Cập nhật: 15/11/2011 05:21 SA

Hỏi:

Mấy năm gần đây, trẻ nhỏ thường bị mắc bệnh "tay chân miệng". Xin hỏi "Thuốc vườn nhà", đối với loại bệnh này, có thể dùng Đông y, thuốc Nam để chữa trị hay không?

Đoàn Trần Linh, Kinh Môn, Hải Dương

Đáp:

chi tử, dành dành

Bệnh "tay - chân - miệng" (Hand-foot-mouth disease) là loại bệnh xuất hiện do nhiễm một số loại virus đường ruột, thường là coxsakie A16, enterovirus 71 và enterovirus A16, gây nên. Các loại virus nói trên, thường tấn công vào trẻ nhỏ dưới 5 tuổi, do sức đề kháng cơ thể trẻ còn yếu.

Bệnh có tên là "tay - chân - miệng" vì những biểu hiện bệnh lý xuất hiện chủ yếu tại 3 bộ phận đó. Tuy nhiên, về thực chất, đây là một bệnh lý có tính toàn thân, không phải bệnh cục bộ, chuyên khoa riêng biệt.

Bệnh "tay - chân - miệng" lây lan chủ yếu qua đường miệng, nên cần chú ý rửa sạch tay khi cầm đồ ăn. Đồ chơi mua về phải vệ sinh rồi mới cho trẻ chơi, vì trẻ có thói quen đưa lên miệng gặm, mút. Bệnh còn truyền qua hơi thở, nước bọt, bát đĩa, đồ dùng chung trong lớp mẫu giáo, ...

• Nhận biết:

    - Trẻ bị nhiễm bệnh, khởi đầu thấy sốt nhẹ (37,5-38,5 độ); cho uống thuốc hạ sốt thấy dịu xuống, rồi lại tăng lên. Trẻ quấy khóc, vật vã, bỏ ăn, họng đỏ. Do có những biểu hiện như trên nên các bà mẹ thường tưởng nhầm là bị viêm họng và mua thuốc viêm họng cho uống.

    - Khoảng 2-3 ngày sau, ở miệng xuất hiện vết đỏ, rồi nhanh chóng chuyển thành bọng nước. Bọng nước vỡ ra thành vết loét, khiến trẻ đau, không chịu ăn bất kỳ thứ gì. Cùng lúc, ở lòng bàn tay, bàn chân, đầu gối, mông xuất hiện những vết đỏ, có thể biến thành bọng nước, không ngứa.

• Diễn biến:

    - Nếu không có biến chứng, khoảng 1 tuần sau khi phát bệnh, tất cả những biểu hiện bệnh lý kể trên sẽ biến mất; trẻ nhỏ lại ăn ngủ và chơi đùa bình thường.

    - Biến chứng thường xảy ra, khi bị nhiễm loại virus enterovirus 71. Biến chứng thường gặp là viêm não, viêm cơ tim.

    - Nếu thấy trẻ sốt cao, nôn ói, tiêu chảy, ngủ không yên, co giật, run cơ, yếu chân, mạch nhanh, hoặc méo miệng, phải lập tức đưa tới bệnh viện. Nếu không, trẻ có thể tử vong trong vòng vài giờ.

• Quan niệm Đông y:

Trong Đông y cổ đại, không thấy đề cập đến căn bệnh có tên "thủ - túc - khẩu" (tay - chân - miệng). Tuy nhiên, căn cứ vào triệu chứng biểu hiện, tốc độ lây lan nhanh thành dịch, Đông y hiện đại đã xếp bệnh "tay chân miệng" vào phạm trù của khoa "Ôn bệnh" và vận dụng các phương pháp chữa ôn bệnh, để tiến hành chữa trị bệnh "tay - chân - miệng" trên lâm sàng.

Kinh nghiệm thực tế những năm gần đây cho thấy, sử dụng thuốc Nam, Đông dược để phòng ngừa và chữa trị bệnh "tay - chân - miệng", theo nguyên lý của "Ôn bệnh học", có thể thu được kết quả rất khả quan.

Trên lâm sàng, Đông y thường căn cứ vào triệu chứng biểu hiện cụ thể, để phân loại chứng hậu (thể bệnh) và sử dụng vị thuốc, bài thuốc thích hợp, theo nguyên tắc "biệu chứng luận trị" như sau:

    (1) Thấp độc tập phu:

        - Nếu ở bệnh nhi xuất hiện các chứng trạng: Miệng và chân tay xuất hiện những phỏng nước kích thước to nhỏ khác nhau. Bộ phận các phỏng nước nhanh chóng vỡ ra thành vết loét. Kèm theo sốt nhẹ, kém ăn, chất lưỡi đỏ nhạt, mạch phù sác, ... Đó là chứng hậu (thể bệnh), trong ôn bệnh gọi là "Thấp độc tập phu".

        - Khi đó có thể sử dụng các vị thuốc, bài thuốc có tác dụng "thanh nhiệt giải độc" và "hóa thấp hoạt huyết" để chữa.

        - Bài thuốc tiêu biểu (Thanh ôn bại độc ẩm gia giảm): Sinh thạch cao 30g, sinh địa hoàng 10g, sừng trâu 20g, hoàng liên 8g, chi tử (dành dành) 10g, huyền sâm 12g, đan bì 10g, tiên trúc diệp (lá tre tươi) 5g, cát cánh 6g, cam thảo 5g; sắc nước uống trong ngày.

    (2) Thấp nhiệt uẩn kết:

        - Nếu ở bệnh nhi xuất hiện các chứng trạng: Mặt, lưng hoặc chung quanh các móng ở ngón chân, ngón tay và gót chân, bàn chân, bàn tay xuất hiện nhiều nốt phỏng nước, nhỏ như hạt gạo, to như hạt đậu; kèm theo miệng loét, hơi thở hôi, trướng bụng, kém ăn, phiền khát, đại tiện táo kết, tiểu tiện sẻn đỏ hoặc tiểu đục, chất lưỡi đỏ, rêu lưỡi vàng mỏng nhớt, mạch nhu sác, ... Đó là thuộc chứng hậu "Thấp nhiệt uẩn kết".

        - Có thể sử dụng những vị thuốc, bài thuốc có tác dụng "thanh hóa thấp nhiệt" và "giải độc" để chữa.

        - Bài thuốc tiêu biểu (Tả hoàng thang gia giảm): Hoắc hương 20g, chi tử (dành dành) 6g, sinh thạch cao 15g, nhẫn đông đằng 12g, kinh giới 8g, sinh cam thảo 6g; sắc nước uống trong ngày.

    (3) Tâm tỳ tích nhiệt:

        - Nếu thấy ở bệnh nhi xuất hiện các chứng trạng: Trong khoang miệng và vòm khẩu cái có nhiều mụn nước, da quanh mụn ửng đỏ, đầu các ngón chân, ngón tay cũng xuất hiện nhiều mụn nước hoặc vết loét; kèm theo miệng khô khát nước, tiểu tiện sẻn đỏ; lưỡi ít rêu hoặc rêu lưỡi mỏng; mạch tế sác, ... Đó là thuộc chứng hậu "Tâm tỳ tích nhiệt".

        - Có thể sử dụng những vị thuốc, bài thuốc có tác dụng "thanh tả tâm tỳ" và "lợi niệu giải độc" để chữa.

        - Bài thuốc tiêu biểu (Đạo xích tán gia giảm): Mộc thông 3g, sinh địa 12g, trúc diệp (lá tre) 14g, xa tiền tử 8g, đăng tâm thảo 4g, liên tử tâm 4g, cam thảo 3g; Sắc nước uống.

"Tay - chân - miệng" là căn bệnh diễn biến phức tạp. Việc sử dụng Đông y, Đông Nam dược để chữa, tất nhiên nên tiến hành dưới sự hướng dẫn, giám sát của các thầy thuốc tại các cơ sở khám chữa bệnh y học cổ truyền.


Lương y HƯ ĐAN


Xin vui lòng ghi rõ nguồn "Thuốc vườn nhà - http://www.thuocvuonnha.com" khi phát hành lại thông tin.


Tuyên bố trách nhiệm:
Thông tin trên thuocvuonnha.com chỉ phục vụ nghiên cứu học tập và mở rộng kiến thức. Không sử dụng làm căn cứ để tiến hành chẩn trị trên lâm sàng. Thông tin trên thuocvuonnha.com có thể được trích dẫn, thu thập từ các ấn phẩm, các trang tin điện tử liên quan trong nước và ngoài nước. Nếu phát sinh vấn đề bản quyền, kính đề nghị phản hồi cho chúng tôi.

Viết bình luận

Để thuận tiện cho việc đăng tải, xin vui lòng nhập tiếng Việt có dấu.
Chúng tôi mong muốn nhận được những bình luận theo hướng mở rộng hoặc bổ sung thông tin liên quan đến bài viết.
Chúng tôi sẽ khóa những bình luận có ngôn từ mang tính kích động hoặc bất nhã.

  Đơn vị bảo trợ thông tin

ĐỐI TÁC - LIÊN KẾT
[ Lên đầu trang ]