Hỏi đáp Thuốc vườn nhà

Tác dụng chữa bệnh của lá trầu không

Nguồn tin:  Thuốc vườn nhà
Cập nhật: 11/11/2011 09:05 SA

Hỏi:

Tôi nghe nói lá của cây trầu không ngoài việc để ăn trầu (nhai với cau và vôi) còn có rất nhiều tác dụng chữa bệnh khác. Đề nghị "Thuốc vườn nhà" cho biết cụ thể.

Lê Thị Minh Tâm, Tân Yên, Bắc Giang

Đáp:

cây trầu không, lá trầu không

Theo Đông y: Lá trầu không có vị cay, tính ấm. Có tác dụng hạ khí, tiêu đờm, chống lạnh, sát trùng. Dùng chữa ho do cảm lạnh, đau bụng, cước khí, mụn nhọt lở loét, bỏng, ...

Trong dân gian, ngoài dùng để ăn trầu (nhai với cau và vôi) cho ấm người, chống lạnh trừ sốt rét ngã nước và phòng bệnh, còn dùng lá trầu không giã nhỏ, cho thêm nước sôi vào rồi dùng rửa những vết loét, mẩn ngứa, hạch sưng đau.

Nước pha lá trầu không còn được dùng làm thuốc nhỏ mắt chữa viêm kết mạc, chữa bệnh chàm mặt ở trẻ nhỏ.

Có nơi còn giã lá trầu không đắp lên ngực để chữa ho và hen, hoặc đắp lên vú để cho sữa không ra nữa. Ít dùng trong, chủ yếu là dùng ngoài.

Một số cách sử dụng cụ thể:

    (1) Chữa các vết lở loét, mụn nhọt, vết chàm: Dùng lá trầu không tươi 2 hoặc 3 lá, cắt thật nhỏ, cho vào 1 cốc con; dội nước sôi vào cho ngập lá trầu không (làm như khi ta pha chè); đợi chừng 10-15 phút cho chất thuốc trong lá trầu thôi ra nước; dùng nước này rửa các vết loét, mụn nhọt, vết chàm ở trẻ sơ sinh. Ngày làm như vậy 2 hoặc 3 lần. Nếu vết loét rửa bằng lá trầu không còn có nước vàng rỉ ra thì có thể dùng giấy bản đốt lấy tro đắp vào. Rất chóng khỏi. Nếu vết loét quá to, thì có thể dùng số lượng lá trầu không nhiều hơn, đáng lẽ pha thuốc như trên, có thể đem lá trầu không đun với nước cho sôi kỹ để ấm mà dùng.

    (2) Chữa ho do cảm phải gió lạnh: Dùng trầu không 5-7 lá, hạnh nhân 12g, thịt lợn nạc 50-60g; hầm chín ăn trong bữa cơm.

    (3) Chữa cảm mạo: Dùng lá trầu không để đánh gió, xát dọc theo hai bên xương sống từ trên xuống dưới.

    (4) Chữa đau bụng lạnh dạ, thổ tả, nôn mửa, nấc cụt: Dùng lá trầu không 3-5 lá, rửa sạch, cho vào miệng nhai và nuốt dần nước. Kinh nghiệm cho thấy, chỉ cần dùng 3-4 lá trầu không đem hơ nóng cho héo, đắp lên rốn rồi băng cố định lại, cũng có tác dụng tốt.

    (5) Chữa sót nhau: Dùng lá trầu không giã nát, vắt lấy 1 chén con nước cốt, cho sản phụ uống; nhau thai sẽ co lại và bị đẩy ra ngoài.

    (6) Chữa hắc lào, mề đay, ghẻ lở, sâu kiến đốt bị thương: Dùng lá trầu không vò nát, sát vào chỗ vết thương, có tác dụng chống viêm và giảm ngứa tốt.

    (7) Chữa vết thương chảy máu: Dùng lá trầu không, lá thanh táo, lá cỏ răng cưa - 3 thứ liều lượng bằng nhau, giã nát đắp.

    (8) Chữa đau răng: Dùng một nắm lá trầu không, rửa sạch, giã nát, ngâm với rượu để dùng dần. Khi bị đau răng lấy rượu ngậm và súc miệng ngày 2-3 lần. Có người cho thêm lá lốt, tuy nhiên kinh nghiệm cho thấy chỉ cần dùng độc vị trầu không vẫn có tác dụng tốt.


Lương y HUYÊN THẢO


Xin vui lòng ghi rõ nguồn "Thuốc vườn nhà - http://www.thuocvuonnha.com" khi phát hành lại thông tin.


Tuyên bố trách nhiệm:
Thông tin trên thuocvuonnha.com chỉ phục vụ nghiên cứu học tập và mở rộng kiến thức. Không sử dụng làm căn cứ để tiến hành chẩn trị trên lâm sàng. Thông tin trên thuocvuonnha.com có thể được trích dẫn, thu thập từ các ấn phẩm, các trang tin điện tử liên quan trong nước và ngoài nước. Nếu phát sinh vấn đề bản quyền, kính đề nghị phản hồi cho chúng tôi.

Viết bình luận

Để thuận tiện cho việc đăng tải, xin vui lòng nhập tiếng Việt có dấu.
Chúng tôi mong muốn nhận được những bình luận theo hướng mở rộng hoặc bổ sung thông tin liên quan đến bài viết.
Chúng tôi sẽ khóa những bình luận có ngôn từ mang tính kích động hoặc bất nhã.

  Đơn vị bảo trợ thông tin

ĐỐI TÁC - LIÊN KẾT
[ Lên đầu trang ]