CÂY THANH HAO và Giải Nobel Y học 2015 - Những vấn đề còn chưa sáng tỏ (Kỳ 3)

Nguồn tin:  Thuốc vườn nhà
Cập nhật: 23/01/2016 04:49 SA

>> CÂY THANH HAO và Giải Nobel Y học 2015 - Những vấn đề còn chưa sáng tỏ (Kỳ 1)

>> CÂY THANH HAO và Giải Nobel Y học 2015 - Những vấn đề còn chưa sáng tỏ (Kỳ 2)

Giáo sư Đồ U U - Nhận giải Nobel Y học 2015

CÔNG LAO CỦA ĐÔNG Y HAY CỦA TÂY Y

    Trong buổi lễ công bố giải thưởng, giáo sư Hans Forssberg thành viên Hội đồng giải Nobel đã nói: "Đây không phải là giải thưởng dành cho Đông y truyền thống của Trung Quốc. Chúng tôi trao giải thưởng này cho một nhà phát minh; nhờ có sự dẫn dắt của Y Dược cổ truyền, đã tạo ra một loại thuốc mới, để cho toàn thế giới sử dụng".

    Một nhà báo Ấn Độ đã đặt câu hỏi: "Phải chăng việc Đồ U U nhận được giải Nobel chứng tỏ rằng, quan điểm của giới Y học phương Tây đối với thuốc thảo dược của Y học truyền thống đã thay đổi?".

    Đó là một câu hỏi bất ngờ đối với các thành viên Hội đồng.

    Thế nhưng, giáo sư Hans Forssberg đã trả lời một cách hết sức ngoại giao: "Có rất nhiều con đường để tìm ra các loại thuốc mới. Dựa vào các loài thực vật để tìm ra những phương thức trị liệu mới, là biện pháp nhân loại đã sử dụng từ lâu ...".

    Và để cho rõ ràng hơn, ông đã nói thêm: "Tôi không cho rằng, chúng ta sẽ sử dụng trực tiếp những thảo dược đó".

    Khi đó, Urban Lendahl, người phụ trách lĩnh vực Sinh học và Y học trong Hội đồng giải Nobel đã vội bổ sung: "Thảo dược chỉ có tác dụng gợi ý cho những sáng tạo mới. Kết quả cuối cùng là loại thuốc hiện đại, thực sự hữu hiệu, được tạo ra bởi các phương tiện kỹ thuật hiện đại".

    Ngày 5 tháng 10 năm 2015, ngay sau khi đoạt giải Nobel, thông qua các bộ môn hữu quan, bà Đồ U U đã phát biểu cảm tưởng: "Thuốc chữa sốt rét artemisinin là lễ vật mà Đông y truyền thống của Trung Quốc tặng cho nhân dân thế giới. Nó có ý nghĩa quan trọng trong phòng trị bệnh sốt rét, bệnh truyền nhiễm và bảo vệ sức khỏe của nhân loại. Phát hiện artemisinin là thí dụ điển hình về sự thành công của tập thể trong khai thác Trung dược, là phần thưởng của sự nhiệp khoa học của Trung Quốc, là vinh dự của Trung Y dược".

    Tuy nhiên, ngay ở tại Trung Quốc cũng có những quan điểm trái chiều. Không ít người cho rằng, sự ra đời của thuốc artemisinin chỉ liên quan rất ít với Đông y dược. Artemisinin không phải là một vị thuốc Đông dược.

    Trên thực tế, có rất nhiều loại thuốc hóa học, ban đầu cũng được chiết xuất hoặc hợp thành bởi các thành phần hữu hiệu có trong  thảo mộc. Ví dụ như thuốc chống viêm giảm đau aspirin được chiết xuất từ cây liễu, thuốc chữa sốt rét quinin được bào chế từ cây canhkinna, ... Aspirin, quinin, ... là những đơn chất có cấu trúc hóa học rõ ràng, tuy được chiết xuất từ thảo mộc, nhưng không phải là thuốc của Đông y dược.

    Mặt khác, với phương pháp "Biện chứng luận trị", Đông y cổ truyền chỉ có khả năng chữa khỏi bệnh sốt rét cho một số cá nhân riêng lẻ. Khi bệnh lây lan thành dịch, khi hàng nghìn người đồng thời bị bệnh, thì phương pháp chữa bệnh của Y học truyền thống rất khó phát huy được tác dụng.

    Từ xưa, tuy sách "Thần Nông bản thảo kinh" đã đề cập đến một số vị thuốc chữa sốt rét như "thường sơn", "thục tất", "thảo cao" (thanh hao), ... nhưng hiệu quả trị liệu thực sự của những vị thuốc đó còn chưa được chứng minh đầy đủ.

    Chuyên luận đầy đủ nhất về bệnh  sốt rét của Đông y truyền thống là "Ngược tật luận" (do Hàn Thiện Chủy biên sọan, ấn hành 1879, thời nhà Thanh), trong chuyên luận này có giới thiệu 12 phương thuốc cổ và 31 phương thuốc mới, dùng chữa bệnh sốt rét. Trong 12 phương thuốc cổ, không có phương thuốc nào sử dụng thanh hao. Còn trong 31 phương thuốc mới, có 2 phương sử dụng thanh hao, nhưng đều là dưới dạng thuốc thang, nghĩa là sắc lấy nước uống và trong điều kiện đó, hoạt chất chữa sốt rét trong các phương thuốc đó đã bị phá hoại.

    Trước khi phát hiện ra artemisinin, trong các giáo trình nội khoa của Đông y, thanh hao tuy cũng được xếp cùng một số vị thuốc chữa sốt rét khác, nhưng cách sử dụng vẫn là sắc lên uống, vì vậy artemisinin đã bị phá hoại một phần hoặc hoàn toàn. Do đó tác dụng thanh hao đối với sốt rét trong Đông y truyền thống, vẫn là chuyện còn nhiều nghi vấn.

    Trong lịch sử Trung Quốc, sốt rét đã nhiều lần hoành hành ghê gớm, nhưng các biện pháp phòng trị của Đông y cổ truyền đều không có hiệu quả.

    Thí dụ, như vào năm vạn lịch thứ năm (1577) thời nhà Minh, sốt rét đã lây truyền trong phạm vi lớn, theo các tài liệu lưu trữ, khi đó ở nhiều địa phương "... số người chết không sao đếm nổi ...". Còn vào năm 1963, hoàng đế Khang Hy, nhà Thanh, cũng đã bị sốt rét. Các thầy thuốc trong cung đình và dân gian đều phải bó tay. Sau khi được một giáo sĩ người Pháp chữa khỏi bằng thuốc chế từ vỏ cây canhkina, Khang Hy đã trách mắng thậm tệ, gọi Đông y là "một lũ lang băm phương nam".

    Theo số liệu thống kê, những năm 50, hàng năm do sốt rét có tới vài chục vạn người bị tử vong, sốt rét bị liệt vào danh sách 5 bệnh truyền nhiễm nguy hiểm nhất. Trải qua hàng ngàn năm lịch sử, cách chữa sốt rét của Đông y hầu như không cải thiện. Cho đến khi phát hiện ra artemisinin, với bệnh sốt rét Đông y vẫn ở trong trạng thái "bó tay".

    Từ những phân tích trên, đối với vấn đề "công lao của Đông y hay của Tây y", có thể tạm thời rút ra một số kết luận:

    (1) Chất artemisinin trong cây thanh hao hoa vàng (artemisia annua L.) có tác dụng ưu việt trong chữa bệnh sốt rét.

    (2) Đông y có vai trò khởi phát (dẫn dắt), trong quá trình tìm kiếm thuốc chữa sốt rét mới và phát hiện artemisinin.

    (3) Phương pháp chiết xuất và phân lập artemisinin là phương pháp hóa dược của Y học hiện đại.

    (4) Quan điểm cho rằng artemisinin là cống hiến của Đông y truyền thống đối với sức khỏe của nhân loại, chưa đủ sức thuyết phục.

    (5) Ngược lại, phủ nhận mối quan hệ giữa việc phát hiện artemisinin với thư tịch cổ của Đông y, cũng là không phù hợp thực tế.


Lương y THÁI HƯ

(Bài đã đăng trên Tri Thức Trẻ - số 519)


Xin vui lòng ghi rõ nguồn "Thuốc vườn nhà - http://www.thuocvuonnha.com" khi phát hành lại thông tin.


Tuyên bố trách nhiệm:
Thông tin trên thuocvuonnha.com chỉ phục vụ nghiên cứu học tập và mở rộng kiến thức. Không sử dụng làm căn cứ để tiến hành chẩn trị trên lâm sàng. Thông tin trên thuocvuonnha.com có thể được trích dẫn, thu thập từ các ấn phẩm, các trang tin điện tử liên quan trong nước và ngoài nước. Nếu phát sinh vấn đề bản quyền, kính đề nghị phản hồi cho chúng tôi.

Viết bình luận

Để thuận tiện cho việc đăng tải, xin vui lòng nhập tiếng Việt có dấu.
Chúng tôi mong muốn nhận được những bình luận theo hướng mở rộng hoặc bổ sung thông tin liên quan đến bài viết.
Chúng tôi sẽ khóa những bình luận có ngôn từ mang tính kích động hoặc bất nhã.

  Đơn vị bảo trợ thông tin

ĐỐI TÁC - LIÊN KẾT
[ Lên đầu trang ]