Đại Danh y Thiền sư Tuệ Tĩnh (Kỳ cuối)

Nguồn tin:  Thuốc vườn nhà
Cập nhật: 07/07/2013 03:39 SA

>> Đại Danh y Thiền sư Tuệ Tĩnh (Kỳ 1)

tuệ tĩnh, tuệ tĩnh thiền sư, đại danh y tuệ tĩnh thiền sư, đại danh y tuệ tĩnh, thánh thuốc nam


THÂN THẾ VÀ SỰ NGHIỆP CỦA

ĐẠI DANH Y THIỀN SƯ TUỆ TĨNH (1623? - 1713)

(Những điều được mọi người thống nhất đồng tình)


TRỞ LẠI VẤN ĐỀ

ĐẠI DANH Y THIỀN SƯ TUỆ TĨNH

LÀ NGƯỜI CỦA THẾ KỶ 14 HAY CUỐI THẾ KỶ 17 - ĐẦU THẾ KỶ 18?

    Trong tạp chí "Nghiên cứu lịch sử" số 1 năm 1994, các tác giả Nguyễn Văn Bách, Lê Trần Đức, Mai Hồng, Nguyễn Thiện Quyến và Phó Đức Thảo đã công bố những bài viết nhằm chứng minh đại Danh y Thiền sư Tuệ Tĩnh sống và hoạt động ở thế kỷ 14; mặc dù trước đó trong hai bài đăng trên tạp chí "Nghiên cứu lịch sử" tháng 3 năm 2986 và tháng 1 năm 1993, chúng tôi đã giới thiệu nội dung đầu đủ của cây "Hương đá" do Tuệ Tĩnh dựng năm 1706 (Vĩnh Thịnh năm thứ 2).

    Cây "Hương đá" này được Tuệ Tĩnh dựng vào năm xây dựng chùa Giám có kể lại rằng Tuệ Tĩnh đi tu từ khi còn nhỏ, điều này xác nhận một điều mà trước đây tưởng chỉ có trong truyền thuyết.

    Trong số tạp chí "Nghiên cứu lịch sử" tháng 1 năm 1993, chúng tôi cũng công bố nội dung bản dịch đầy đủ tấm bia đá ở chùa Giám do nhà sư Như Ứng, học trò của Tuệ Tĩnh dựng năm 1717. Qua nội dung của bản dịch này, chúng ta được biết rằng Tuệ Tĩnh mất năm Quý Tỵ (năm 1713), nghĩa là ông sống và hoạt động ở thế kỷ 17 và mất ở đầu thế kỷ 18.

    Nhưng theo năm tác giả trên thì có hai Tuệ Tĩnh: Một Tuệ Tĩnh vừa là sư vừa là thầy thuốc và Tuệ Tĩnh này mới là tác giả của bộ sách "Hồng nghĩa giác tư y thư" có biệt danh Thận Trai (thận trong trai giới), Vô Dật (không chịu ngồi rồi), Tráng Tử (người khờ dại). Chữ Tĩnh này gồm có chữ Lập với chữ Thanh hay Thanh với Tranh, đọc là Tĩnh (yên tĩnh) (1); còn Tuệ Tĩnh trong bia ở chùa Giám là một người chỉ biết đi tu, không làm thuốc, ngoài hai chữ Tuệ Tĩnh là chức vụ của nhà chùa Sa môn Chân An Giác Tính Tuệ Tĩnh Thiền sư. Chữ Tịnh ở bia chùa Giám gồm hai chữ Băng và Tranh đọc là Tịnh (dấu nặng, có nghĩa là thanh tịnh) (2).

    Bình thường chúng ta biết rằng một chữ Tĩnh (dấu ngã), người gốc Thanh Hóa, Nghệ An hay ở một vùng nào đó đọc là Tịnh (dấu nặng), nhưng ở đây lại thành chuyện hai người khác nhau sống cách nhau tới 3 thế kỷ. Năm tác giả đó đã nhấn mạnh đến lập luận này và "được một buổi họp của Viện Khảo cổ học thông qua, có công văn trả lời", trong khi đó Giáo sư Hàn Văn Tấn, Viện trưởng Viện Khảo cổ đã cùng chúng tôi đến khảo sát tại chỗ và đã thông báo trong Hội nghị hàng năm của Viện Khảo cổ, đồng thời viết trong tập "Những phát hiện mới về khảo cổ học năm 1992" một số kết luận mà chúng tôi đã viết trong "Nghiên cứu lịch sử" tháng 1 năm 1993. Chúng tôi đến Viện Khảo cổ học để xin đọc văn bản mà năm tác giả đã ghi trong bài viết.

    Chúng tôi đã được đọc văn bản này gồm có 13 trang viết tay. Bản sao được gửi cho Viện Y học dân tộc vào tháng 7 năm 1986, vì văn bản này đã làm theo yêu cầu của Viện Y học dân tộc do cụ Lê Trần Đức đại diện phát biểu trong buổi họp hàng năm của Viện cũng như không thấy công bố trong các niên giám của Viện Khảo cổ học.

    Theo nội dung của văn bản, sau Hội nghị hàng năm lần thứ 19, Viện Khảo cổ học có tổ chức một đoàn công tác hỗn hợp gồm các ông: Trịnh Cao Tưởng - Trưởng đoàn Viện Khảo cổ học, Phan Tiến Ba - Viện Khảo cổ học, Chu Quan Trứ - Viện Nghiên cứu nghệ thuật Bộ Văn hóa, Nguyễn Thịnh - Bộ Văn hóa và Lê Hiệu - Đại học Sư phạm Hà Nội. Sau khi đến đền Bia, đền Thánh thuốc Nam, chùa Giám và làm việc với Phòng bảo tàng Hải Hưng, đoàn đã có một vài nhận định như sau (Chúng tôi - Đỗ Tất Lợi - chỉ trích một số ý kiến có liên quan):

    1. Các di tích thờ Tuệ Tĩnh đã được khảo sát cho đến nay chưa tìm thấy dấu vết nào chứng tỏ Tuệ Tĩnh đã sống và dựng chùa, xây dựng tháp, chữa thuốc ở thế kỷ 14 (đời Trần), ... các di tích thờ Tuệ Tĩnh cũng như bản thân pho tượng có niên đại từ cuối thế kỷ 17 cho đến năm 1900, ... (Những chữ ở đây chúng tôi viết nghiêng vì trong văn bản chúng tôi gạch dưới).

    2. Về tấm bia ở chùa Giám do nhà sư Như Ứng hiệu Tuệ Trảo cùng các hội chủ lập năm Vĩnh Thịnh thứ 13 (năm 1717) không có liên quan gì tới đại Danh y Tuệ Tĩnh. Ở đây rõ ràng là có sự nhầm lẫn giữa Tuệ Tĩnh - nhà sư đứng chủ trì công việc hưng công xây dựng, đúc tượng Quan Âm 24 tay là do đọc không đúng âm của chữ ... Cụ Lê Hiệu còn cho biết thêm rằng theo sách "Kế đăng lục" ghi chép thì vị sư tự là Chân Nguyên, hiệu là Tuệ Đăng (1653 - 1734), quê ở làng Tiên Liệt, huyện Thanh Hà, Hải Dương, sống cùng thời với vị sư chùa Giám, tự Chân An, hiệu Tuệ Tĩnh.

    Chúng tôi xin lược phần cụ Lê Hiệu trình bày sự khác nhau giữa cách viết 2 chữ Tuệ Tĩnh và Tuệ Tịnh, vì trên phần mở đầu chúng tôi đã trình bầy ... ở tấm bia chùa Giám có khắc: Vị đứng đầu hưng công là Sa môn Chân An Giác Tính Tuệ Tĩnh Thiền sư, trong khi đó ở trang đầu "Hồng nghĩa giác tư y thư" lại ghi Hồng nghĩa đường Tráng Tử Vô Dật túc thiền ...

    Về pho tượng, văn bản (trang 10) ghi: Tương truyền đây là tượng Tuệ Tĩnh thì các nhà nghiên cứu nghệ thuật đã khẳng định tượng được làm vào thế kỷ 19 ... (trang 11), bên trong pho tượng có tờ yểm tâm … nếu đúng có tờ yểm tâm đó thật thì chữ Tuệ Tĩnh ở đây viết đúng với chữ Tuệ Tĩnh in trong "Hồng nghĩa giác tư y thư" tái bản lần thứ nhất năm 1723 ... không giống với tên hiệu Tuệ Tĩnh đã thấy ở văn bia Vĩnh Thịnh, chùa Giám đã nói ở trên.

    Như vậy văn bản này còn lưu ở Viện Khảo cổ học đã xác nhận:

    1. Không có dấu hiệu nào chứng tỏ Tuệ Tĩnh sống và dựng chùa, xây tháp, chữa thuốc ở thế kỷ 14.

    2. Có hai Tuệ Tĩnh: Một Tuệ Tĩnh vừa là nhà sư vừa là thầy thuốc (dấu ngã), một Tuệ Tịnh chỉ làm sư không thôi (dấu nặng) còn có mặt ở Việt Nam từ năm 1706 đến năm 1713 và mất tại Việt Nam vào năm Quý Tỵ (năm 1713).

    Muốn trả lời câu 2, chúng ta phải tìm đến quê hương của người viết và khắc bia ở chùa Giám. Đó là một điều rất khó thực hiện trong điều kiện hiện nay. Chúng ta thử dùng lời văn để phân biệt về hai vị sư đều mang tên Tuệ Tĩnh. Như chúng ta đã biết, Tuệ Tĩnh vừa làm sư vừa làm thuốc có một niềm tự hào về đất nước Việt Nam thể hiện qua câu sau đây:

"Tôi tiên sư kính đạo tiên sư

Thuốc Nam Việt chữa người Nam Việt"

("Phú thuốc Nam").

"Thiên thư riêng định cõi Nam

Thổ sản, khác nhiều đất Bắc".

("Phú thuốc Nam" viết bằng chữ Hán).

    Người ta thường xem đấy như là "Tuyên ngôn" về thuốc của Tuệ Tĩnh, chưa có người thứ hai nào nói lên niềm tự hào này về thuốc Nam như ông. Bây giờ chúng ta thử xem lời văn trên bia ở chùa Giám của nhà sư Như Ứng. Trước hết cần xem Như Ứng là học trò của ai?

    Theo "Việt Nam Phật giáo sử luận" (tập 2), sư Minh Hành (có lẽ là thầy của các nhà sư mang pháp danh có chữ đầu là Chân như Chân An, Chân Nguyên ...) khi mất đi có để lại một bài kệ truyền pháp như sau:

    "Minh Chân Như Tĩnh Hải ...". Đây là câu đầu trong 4 câu kệ, và các chữ ở bài kệ này được dùng để đặt pháp danh cho những thế hệ kế tiếp của phái Lâm Tế ở Đàng ngoài (miền Bắc). Qua bài kệ này, chúng ta biết Tuệ Tĩnh là học trò của Minh Hành và Như Ứng là học trò của Chân An, tức Tuệ Tĩnh.

    Nhưng đây là Tuệ Tĩnh nào? Rất may là Tuệ Tĩnh vừa là sư vừa làm thuốc có một niềm tự hào về đất nước, về nguồn gốc thuốc Nam thể hiện trong lời văn không thể pha trộn được như trên đã dẫn. Như Ứng là học trò của ông chắc cũng bị ảnh hưởng, tuy chưa sâu sắc lắm, chúng ta hãy đọc đoạn văn sau đây trong sách thuốc của Tuệ Tĩnh:

"Dục huệ sinh dân ...

Tiên tầm thánh dược

Thiên thư việt định Nam bang

Thổ sản hữu thù Bắc quốc ...".

(Tuệ Tĩnh - "Trực giải chỉ Nam dược tính phú").

    Cũng ý ấy, chúng ta hãy đọc Như Ứng trong văn bia: "Thương nước Việt được định bởi sách trời như đất Trung Hoa, là nước văn minh, đời đời thờ phật, lộc nước dài lâu ...".

    Bây giờ chúng ta thử tìm hiểu tại sao ở cây "Hương đá" do Tuệ Tĩnh dựng năm 1706 cũng như trên bia của chùa Giám do nhà sư Như Ứng dựng năm 1717, không thấy ghi thêm những biệt danh khác của Tuệ Tĩnh như Thận Trai, Vô Dật, Tráng Tử?

    Nội dung của bài "Phú thuốc Nam" cho chúng ta biết khi soạn bài phú này, Tuệ Tĩnh chưa có chức vụ nào quan trọng ở chùa, cho nên chỉ dám nhận mình là "sãi". Khi ấy Tuệ Tĩnh còn ở chùa Hộ Xá thuộc huyện Giao Thủy, chắc là còn trẻ lắm. Chỉ là một chú "sãi", học được của "thầy" nghề chữa bệnh bằng thuốc Nam, mà thuốc Nam không phải chỉ dùng cây cỏ, mà phải dùng những con vật, phải sát sinh, giết chóc, cho nên chắc chắn ông không tránh khỏi bị nhiều người chỉ trích, chê bai.

    Bởi thế Tuệ Tĩnh phải lấy biệt danh là "Thận Trai", nghĩa là thận trọng trai giới. Rồi chắc có người lại chê bai ông viết sách, làm thơ phú để làm gì nên Tuệ Tĩnh đã trả lời là "Vô Dật", "Tráng Tử" (không thể ngồi rồi, tôi đành là một người khờ dại). Đến một độ tuổi nào đấy, Tuệ Tĩnh được đề bạt và giao trách nhiệm xây dựng chùa Giám.

    Lúc đó Tuệ Tĩnh chỉ chăm chú vào việc xây dựng chùa, tô tượng, đúc chuông ... cho nên trước hết là Tuệ Tĩnh (trong cây "Hương đá") sau đến Như Ứng (trong bia ở chùa Giám) chỉ kể lại công đức của thầy vào việc tô tượng đúc chuông, còn việc dùng thuốc chữa bệnh thì không cần nhắc đến nữa.

    Hiện nay chúng ta không có tài liệu nào chứng tỏ sau khi Tuệ Tĩnh được giao trách nhiệm xây dựng chùa Giám thì tại đây ông có tiếp tục làm thuốc như khi còn ở chùa Hồ Xá hay không, cũng như sau khi Tuệ Tĩnh mất năm 1713, phong trào dùng thuốc Nam do Tuệ Tĩnh đề xướng còn mạnh, yếu như thế nào; nhưng sách "Đại Nam Thực lục chính biên" - đệ tam kỷ, quyển 11 cho biết và chúng tôi đã nói ở trên, cùng với những truyền thuyết vô lý tới mức độ vua Thiệu Trị phải ra lệnh cấm chỉ việc lễ bái và xin thuốc.

    Qua nội dung của tấm bia ở chùa Giám, cộng với nội dung của đoạn văn trong "Đại Nam Thực lục chính biên" vừa trích ở trên, chúng ta có tể rút ra một số nhận xét sau đây:

    1. Truyền thuyết về Tuệ Tĩnh bắt đầu xuất hiện vào năm 1846, sau khi Tuệ Tĩnh đã mất được hơn 130 năm.

    2. Trong báo cáo của xã, huyện, tỉnh về tình hình nhân dân ta đến lễ bái, xin thuốc ở khu vực đền Bia thuộc xã Văn Thai là nhằm mục đích xin phong thần cho Tuệ Tĩnh. Nhưng xét thấy có nhiều điều quá đáng không có thật nên vua Thiệu Trị đã nổi giận hạ lệnh cấm việc lễ bái, bắt đục chữ ở bia, bỏ tù bia (cho vào kho cất đi), trong lịch sử ghi là ngoa truyền. Chỉ tiếc rằng toàn bộ hồ sơ về vụ đền Bia được lưu trữ trong "Chân bản triều Nguyễn" đều đã bị thất lạc cho nên chúng ta đã mất quá nhiều thời gian vào việc tìm sự thật trong truyền thuyết về Tuệ Tĩnh.

    Trước Cách mạng Tháng 8, nhân dân ta chỉ biết về Tuệ Tĩnh, ít biết về Lãn Ông. Ngay nhà thư mục học Việt Nam nổi tiếng là ông E.Gaspardone cũng đánh giá cao về Tuệ Tĩnh: "Có thể nói không quá đáng rằng Tuệ Tĩnh là người sáng lập thực sự ra nghề thuốc ở Việt Nam, về sau Lãn Ông chỉ là người tuyên truyền rất có hiệu quả cho nghề này. Thực tế Tuệ Tĩnh luôn luôn được coi là vị Thánh thuốc Nam, người thầy của những người hành nghề Y Dược cổ truyền Việt Nam. Chùa Hồng Vân đã được dựng lên để thờ Tuệ Tĩnh".

    Nhưng sau Cách mạng Tháng 8, chỉ có Lãn Ông mới được ngành Y ở nước ta hàng năm tổ chức lễ kỷ niệm, và cứ năm năm một lần cả nước ta lại tổ chức kỷ niệm Lãn Ông, trong khi đó Tuệ Tĩnh hầu như ít được nhân dân ta nhắc đến.

    Với bài viết này, một lần nữa tôi cho rằng đại Danh y Thiền sư Tuệ Tĩnh đã sống và hoạt động trong lĩnh vực Y Dược học cổ truyền Việt Nam vào cuối thế kỷ 17 - đầu thế kỷ 18.

    Ghi chú:

    Một số bia đời Lê liên quan đến Tuệ Tĩnh mới phát hiện từ năm 1992-1996.

    1. Trùng tu Nghiêm Quan Tự, niên hiệu Chính Hòa năm thứ 17 (năm 1697).

    2. Tạo đình thiết bi, niên hiệu Chính Hòa năm thứ 21 (năm 1701).

    3. Trú tạo phật tượng bi, niên hiệu Chính Hòa năm thứ 24 (năm 1704).

    4. Thiên đài, niên hiệu Vĩnh Thịnh năm thứ 2 (năm 1706).

    5. Nghiêm Quang Tự, niên hiệu Vĩnh Thịnh năm thứ 13 (năm 1717).

    (*) Phong thần phải có đỗ đạt nên thêm vào Đậu hoàng giáp ở thế kỷ 14 Vua và triều đình mới phê là Ngoa truyền.


HAI TÀI LIỆU THAM KHẢO THÊM

(TUỆ TĨNH) TÀI LIỆU 5.1

    (Theo Dương Quảng Hàm "Việt Nam văn học sử yếu" biên soạn và in lần đầu vào tháng 6 năm 1941 tại Hà Nội). Ở đây dựa theo bản in lần thứ 10 tại Sài Gòn do Trung tâm học liệu Sài Gòn (năm 1968).

    Tra chữ Tuệ Tĩnh ở "Bảng kể tên các tác giả và tác phẩm có nói đến ở trong sách" từ 478 - 492 sẽ đọc được ở trang 489.

    Tuệ Tĩnh 223 (22) nhưng khi tra phải tìm đọc ở trang 237 dòng 7.

    Vua Trần Thái Tông cũng như nhiều vị vua khác đời Trần sau khi thoái vị đi tu và nghiên cứu phật học Ngài có soạn ra cuốn "Khóa hư lục" dạy về đạo hư không (22).

    Tra chữ (22) cùng trang sẽ đọc thấy.

    (22) quyền này do vị sư Thận Trai (pháp hiệu Tuệ Tĩnh tức Vô Dật ở vào giữa thế kỷ 17 về đời nhà Lê dịch ra Quốc âm và đã khắc in năm 1830 - Minh Mệnh thứ 21).


(TUỆ TĨNH) TÀI LIỆU 5.2

    (Trích từ "Thành ngữ, Điển tích, Danh nhân, Từ điển" tổng hợp trên 10.000 thành ngữ, 5000 điển tích rút trong hàng trăm bộ sách nổi tiếng Giáo sư Trịnh Văn Thanh biên soạn. Nhà xuất bản "Hồn thiêng", quyển 2, trang 1257 - 1258 Gia Định 07/07/1697 tại miền Nam trước giải phóng). Cho đến nay chúng tôi chưa tìm thấy được tác giả đã trính đoạn tài liệu này từ đâu (Đỗ Tất Lợi).

    Một vị danh sư và cũng là người đầu tiên dạy nghề thuốc ở nước ta, sinh sống vào khoảng cuối đời nhà Đinh và đời nhà tiền Lê.

    Khi chưa xuất gia, ông nổi tiếng là người thông minh, trí tuệ. Người làng Văn Thai, huyện Cẩm Giàng, phủ Ninh Giang thuộc huyện Hải Dương (Bắc phần). Đã có lần vua Đinh Tiên Hoàng mời ông ra làm quan, nhưng ông khước từ. Sau thấy vua bắt ép, ông liền trốn vào chùa Hồng Vân (phủ Đa Phúc tỉnh Phúc Yên). Nhưng không bao lâu bị bại lộ, ông phải lánh sang Tầu, tu tại chùa Vạn Phúc. Nơi đây ông được vị Danh y về nha khoa là Vương Quan Thanh truyền cho nghề chữa thuốc. Sau hơn 10 năm trời trì chí học hành, ông được họ Vương tận tình chỉ bảo, sau đó ông xin trở về nước.

    Tại chùa Hồng Vân, ông đã cứu chữa cho nhiều người lành bệnh, ông còn truyền nghề thuốc lại cho một số môn đệ. Chính ông đã chữa lành bệnh răng cho vua Lê Trang Tôn (con Lê Hoàn - 1005, theo T. L. Kim trang 94).

    Khi sư Tuệ Tĩnh viên tịch, vua Lê truyền lập đền thờ. Ông còn truyền lại tập sách Y học tên là "Nam dược" ghi chép những điều nghiên cứu về dược tính của nhiều thứ thuốc Nam.


Chú thích thêm (Lương y THÁI HƯ):

    Chú thích (1): Lập với chữ Thanh (靖) hay Thanh với Tranh (静), đọc là Tĩnh (yên tĩnh);

    Chú thích (2): Chữ Tịnh ở bia chùa Giám gồm hai chữ Băng và Tranh (净), đọc là Tịnh (dấu nặng, có nghĩa là thanh tịnh).


Theo "Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam"

Tác giả: Giáo sư Tiến sĩ khoa học ĐỖ TẤT LỢI


Xin vui lòng ghi rõ nguồn "Thuốc vườn nhà - http://www.thuocvuonnha.com" khi phát hành lại thông tin.


Tuyên bố trách nhiệm:
Thông tin trên thuocvuonnha.com chỉ phục vụ nghiên cứu học tập và mở rộng kiến thức. Không sử dụng làm căn cứ để tiến hành chẩn trị trên lâm sàng. Thông tin trên thuocvuonnha.com có thể được trích dẫn, thu thập từ các ấn phẩm, các trang tin điện tử liên quan trong nước và ngoài nước. Nếu phát sinh vấn đề bản quyền, kính đề nghị phản hồi cho chúng tôi.

Viết bình luận

Để thuận tiện cho việc đăng tải, xin vui lòng nhập tiếng Việt có dấu.
Chúng tôi mong muốn nhận được những bình luận theo hướng mở rộng hoặc bổ sung thông tin liên quan đến bài viết.
Chúng tôi sẽ khóa những bình luận có ngôn từ mang tính kích động hoặc bất nhã.

  Đơn vị bảo trợ thông tin

ĐỐI TÁC - LIÊN KẾT
[ Lên đầu trang ]