Hỏi đáp Thuốc vườn nhà

Cách dùng đan sâm chữa tăng lipid máu

Nguồn tin:  Thuốc vườn nhà
Cập nhật: 11/12/2012 08:10 CH

Hỏi:

Tôi là độc giả thường xuyên của thuocvuonnha.com, năm nay tôi 50 tuổi. Trong đợt khám sức khỏe định kỳ vừa qua, phát hiện thấy mỡ máu hơi cao; bác sĩ khuyên tôi nên ăn nhiều rau xanh, giảm chất béo, để phòng bệnh xơ vữa động mạch. Có người bạn nói, dùng "đan sâm" pha trà uống có tác dụng phòng ngừa bệnh tim mạch rất tốt. Mong được "Thuốc vườn nhà" tư vấn cho biết: Vị thuốc "đan sâm" có hình dạng như thế nào, có những tác dụng gì? Có thể sử dụng pha trà uống để phòng ngừa các bệnh về tim mạch hay không?

Lê Văn Viễn, Đà Nẵng

Đáp:

đan sâm, huyết sâm, xích sâm, huyết căn, sơn sâm, tử đan sâm, hồng căn, tử sâm, Salvia multiorrhiza Bunge

"Đan sâm" còn có tên là "huyết sâm", "xích sâm", "huyết căn", "sơn sâm", "tử đan sâm", "hồng căn", "tử sâm", ... tên khoa học là Salvia multiorrhiza Bunge, thuộc họ Hoa môi - Labiatae. Tuy không thuộc cùng một họ với "nhân sâm" (họ Ngũ gia bì - Araliaceae), nhưng vì rễ có hình dạng tựa như "nhân sâm" nên cũng được gọi là "sâm", lại có màu đỏ (đan) nên có tên là "đan sâm".

Đan sâm là một loại cỏ, sống lâu năm, cao 30-80cm, toàn thân mang lông ngắn màu vàng trắng nhạt. Rễ nhỏ dài hình trụ, đường kính 0,5-1,5cm, màu đỏ nâu. Thân vuông, trên có các gân dọc. Lá kép, mọc đối, với 3-5 lá chét, có khi tới 7 lá chét. Lá chét dài 2-7,5cm, rộng 0,8-5cm. Mép lá chét có răng cưa tù. Mặt trên lá chét màu xanh, có lông mềm màu trắng, mặt dưới màu xanh tro, cũng có lông nhưng dài hơn. Gân nổi ở mặt dưới, chia phiến lá chét thành những múi nhỏ. Cụm hoa mọc thành chùm, ở đầu cành hay ở kẽ lá, chùm hoa dài 10-20cm. Hoa mọc vòng, mỗi vòng 3-10 hoa, thường là 5 hoa. Hoa có tràng màu xanh tím nhạt, 2 môi, môi trên trông nghiêng hình lưỡi liềm, môi dưới xẻ 3 thùy, thùy giữa có răng cưa tròn. Hai nhị ở môi dưới, bầu có vòi dài lòi ra ở môi trên. Quả nhỏ, dài 3mm, rộng 1,5mm.

Đan sâm mới được di thực vào nước ta vài chục năm trước. Hiện đang gây giống ở Tam Đảo. Thu hoạch rễ vào mùa đông. Đào rễ về rửa sạch đất, cắt bỏ thân và rễ con, rồi phơi hoặc sấy khô. Bảo quản ở nơi khô mát để dùng dần.

Đan sâm là một vị thuốc đã được sử dụng trong Đông y từ 2000 năm trước và được sách "Thần Nông bản thảo kinh" - bộ sách thuốc đầu tiên của Đông y, xếp vào loại "thượng phẩm".

Theo Đông y: Đan sâm có vị đắng, hơi hàn, không độc; vào 3 kinh Tâm, Can và Tâm bào. Có tác dụng hoạt huyết thông kinh, hóa ứ, chỉ thống (cắt cơn đau), dưỡng huyết, an thần, lương huyết tiêu ung (mát máu tiêu ung nhọt), bài nung sinh cơ (trừ mủ, kích thích sinh da non). Trong Đông y cổ truyền, thường được sử dụng để chữa tâm giao thống (đau thắt ngực), nguyệt kinh bất điều (rối loạn kinh nguyệt), thống kinh (hành kinh đau bụng), bế kinh, băng huyết, đới hạ (khí hư, huyết trắng), chứng hà tích tụ (trong bụng có khối cứng) và một số chứng bệnh phụ khoa.

Các kết quả nghiên cứu dược lý hiện đại cho thấy: Đan sâm có nhiều tác dụng tốt đối với hệ tim mạch. Làm giãn động mạch vành tim, khiến lưu lượng máu trong động mạch vành tăng lên rõ ràng. Cải thiện quá trình trao đổi chất và chức năng của cơ tim, do đó có khả năng hạn chế nhồi máu cơ tim. Có tác dụng ức chế tiểu cầu phóng thích chất gây co mạch máu, làm giảm sự tụ tập tiểu cầu, cải thiện tuần hoàn ngoại vi. Đối với quá trình chuyển hóa mỡ, đã thực nghiệm trên thỏ cho thấy, thuốc có tác dụng làm giảm triglicerit và cholesterol trong huyết thanh máu. Do đó thường được sử dụng để phòng trị bệnh động mạch vành và một số bệnh tim mạch khác. Ngoài ra, đan sâm còn có tác dụng kiềm chế quá trình lão suy, tăng cường miễn dịch, an thần, kháng khuẩn, ....

Trên lâm sàng, hiện tại đan sâm được sử dụng để chữa bệnh mạch vành tim, huyết khối trong mạch máu não, làm giảm mỡ máu và tuyến tiền liệt phì đại. Còn dùng chữa viêm gan mạn tính kéo dài, xơ gan, cổ trướng, viêm mạch máu do huyết khối gây nghẽn tắc, viêm khung chậu mạn tính.

Trong điều kiện gia đình, có thể sử dụng đan sâm theo một số phương pháp như sau:

    (1) Giảm mỡ máu: Có thể dùng độc vị đan sâm 8-12g, tán thô, hãm trà uống trong ngày. Để tăng cường tác dụng, còn có thể dùng đan sâm 6g, hà thủ ô 10g, trạch tả 5g; sắc uống trong ngày. Hoặc dùng đan sâm, tam thất, xuyên khung, trạch tả, nhân sâm, đương quy, hà thủ ô, hoàng tinh - lượng bằng nhau; tán mịn, ngày uống 4g, chia 2 lần sáng chiều; liệu trình 15 ngày.

    (2) Phòng trị bệnh mạch vành: Đan sâm 30g, rửa sạch, ngâm trong 500g rượu trắng, khoảng 7 ngày có thể sử dụng; ngày uống 2-3 lần, mỗi lần khoảng 10ml, trước bữa ăn.

    (3) Chữa đau thắt ngực: Dùng đan sâm 10g, bạch đàn hương 4g, sa nhân 4g; sắc nước uống trong ngày, uống khi thuốc ấm.

    (4) Chữa viêm gan mạn tính: Đan sâm 10g, nhân trần 15g; sắc lấy nước, thêm đường đỏ 15g; chia 2-3 lần uống trong ngày.

Lương y HUYÊN THẢO


Xin vui lòng ghi rõ nguồn "Thuốc vườn nhà - http://www.thuocvuonnha.com" khi phát hành lại thông tin.


Tuyên bố trách nhiệm:
Thông tin trên thuocvuonnha.com chỉ phục vụ nghiên cứu học tập và mở rộng kiến thức. Không sử dụng làm căn cứ để tiến hành chẩn trị trên lâm sàng. Thông tin trên thuocvuonnha.com có thể được trích dẫn, thu thập từ các ấn phẩm, các trang tin điện tử liên quan trong nước và ngoài nước. Nếu phát sinh vấn đề bản quyền, kính đề nghị phản hồi cho chúng tôi.

Viết bình luận

Để thuận tiện cho việc đăng tải, xin vui lòng nhập tiếng Việt có dấu.
Chúng tôi mong muốn nhận được những bình luận theo hướng mở rộng hoặc bổ sung thông tin liên quan đến bài viết.
Chúng tôi sẽ khóa những bình luận có ngôn từ mang tính kích động hoặc bất nhã.

  Đơn vị bảo trợ thông tin

ĐỐI TÁC - LIÊN KẾT
[ Lên đầu trang ]