Hỏi đáp Thuốc vườn nhà

Bồ cu vẽ - Diệt khuẩn, chữa bệnh ngoài da

Nguồn tin:  Thuốc vườn nhà
Cập nhật: 02/01/2012 08:16 CH

Hỏi:

Đề nghị "Thuốc vườn nhà" cho biết có thể dùng cây Bồ cu vẽ để chữa những bệnh gì?

L.T.T, Nghệ An

Đáp:

bồ cu vẽ, sâu vẽ, bọ mảy, đỏ đọt, đẻ đọt, dẻ bụi, mào gà, bồ long anh, cứt cu, máy hồ vài (dân tộc Tày), Breynia fruticosa Hool. F.


Bồ cu vẽ

Bồ cu vẽ còn có tên là cây "sâu vẽ", "bọ mảy", "đỏ đọt", "đẻ đọt", "dẻ bụi", "mào gà", "bồ long anh", "cứt cu", "máy hồ vài" (dân tộc Tày), ... tên khoa học là Breynia fruticosa Hool. F., thuộc họ Thầu dầu (Euphorbiaceae).

Bồ cu vẽ là một cây nhỏ, thân nhẵn. Lá có hình dáng và kích thước thay đổi, đầu nhọn, phía cuống tù hay nhọn. Chiều dài của lá từ 3-6cm, rộng 20-45mm, cuống rất ngắn, màu nâu sẫm hay đen. Mặt dưới lá thường có đường vẽ đen do một loại sâu bò để vết lại. Hoa mọc thành chùm ở kẽ lá, gồm 5-6 hoa đực và 1-3 hoa cái. Quả hình cầu dẹt, màu đen nhạt, đường kính 5mm, phía cuống bao bọc bởi một đài.

Bồ cu vẽ là loại cây đã được sử dụng làm thuốc trong dân gian từ nhiều thế kỷ trước.

Theo Đông y:

    - Bồ cu vẽ có vị đắng, tính hàn, có độc. Có tác dụng thanh thấp nhiệt, hóa ứ trệ. Dùng chữa đau bụng thổ tả, đinh nhọt sưng đau, lở loét ngoài da, eczema, viêm da, lở sơn, đầu gối sưng đau, đòn ngã sưng đau, ...

    - Liều dùng: 15-30g sắc uống trong. Dùng ngoài: Nấu nước rửa, giã nát đắp, tán bột rắc lên vết thương.

    - Kiêng kỵ: Phụ nữ có thai không dùng.

Một số cách sử dụng cây bồ cu vẽ để chữa bệnh:

    (1) Chữa viêm khí quản mạn tính: Dùng lá bồ cu vẽ tươi 30g, lá tầm xoọng tươi 15g, lá xoài tươi 15g, đường đỏ 10g, ngày sắc uống 2 lần, liên tục 10 ngày. Tại một bệnh viện ở Trung Quốc đã thử nghiệm điều trị 872 ca, tổng tỷ lệ khỏi bệnh và có chuyển biến tốt đạt 91%. Một số trường hợp uống thuốc thấy có hiện tượng váng đầu, mệt lả, khó chịu trong dạ dày, cần ngừng dùng thuốc.

    (2) Chữa viêm họng, viêm amiđan mới phát: Dùng rễ bồ cu vẽ 20g, sắc nước uống trong ngày.

    (3) Chữa đinh nhọt sưng đau: Dùng lá tươi, giã nát đắp vào chỗ bị bệnh.

    (4) Phụ nữ bị tắc tia sữa, sữa ít: Dùng lá tươi 15-20g, giã nát, hòa thêm chút rượu và mật ong, sắc lấy nước uống.

    (5) Trị thấp chẩn (eczema), viêm da dị ứng, ngứa: Dùng cành, lá nấu nước rửa, hoặc giã lá vắt lấy nước bôi vào chỗ bị bệnh.

    (6) Trị mụn nhọt, vết thương lở loét: Dùng lá bồ cu vẽ tươi 30g, bán biên liên 15g, cỏ nhọ nồi 10g. Giã nát đắp vào chỗ bị bệnh.

    (7) Trị nhện cắn, đao thương xuất huyết: Giã lá bồ cu vẽ tươi, đắp vào chỗ bị bệnh.

    (8) Chữa da nổi mẩn, trẻ nhỏ chốc đầu: Dùng lá bồ cu vẽ tươi, giã nát đắp lên chỗ bị bệnh.

    (9) Chữa rắn cắn: Dùng lá bồ cu vẽ tươi, giã nát, chế nước vào vắt lấy nước cốt, mài hùng hoàng 1-2g vào uống (Kinh nghiệm dân gian, chỉ nên tham khảo).


Lương y HƯ ĐAN


Xin vui lòng ghi rõ nguồn "Thuốc vườn nhà - http://www.thuocvuonnha.com" khi phát hành lại thông tin.


Tuyên bố trách nhiệm:
Thông tin trên thuocvuonnha.com chỉ phục vụ nghiên cứu học tập và mở rộng kiến thức. Không sử dụng làm căn cứ để tiến hành chẩn trị trên lâm sàng. Thông tin trên thuocvuonnha.com có thể được trích dẫn, thu thập từ các ấn phẩm, các trang tin điện tử liên quan trong nước và ngoài nước. Nếu phát sinh vấn đề bản quyền, kính đề nghị phản hồi cho chúng tôi.

Viết bình luận

Để thuận tiện cho việc đăng tải, xin vui lòng nhập tiếng Việt có dấu.
Chúng tôi mong muốn nhận được những bình luận theo hướng mở rộng hoặc bổ sung thông tin liên quan đến bài viết.
Chúng tôi sẽ khóa những bình luận có ngôn từ mang tính kích động hoặc bất nhã.

  Đơn vị bảo trợ thông tin

ĐỐI TÁC - LIÊN KẾT
[ Lên đầu trang ]