Hỏi đáp Thuốc vườn nhà

Đinh lăng, lá tre chữa chóng mặt do hạ huyết áp

Nguồn tin:  Thuốc vườn nhà
Cập nhật: 27/12/2011 07:42 CH

Hỏi:

Ở vùng quê tôi, dân gian có kinh nghiệm dùng lá đinh lăng và lá tre (chỉ dùng tre đực) sắc uống để chữa những trường hợp hoa mắt, chóng mặt do mệt mỏi, thiếu máu. Bản thân tôi bị mắc bệnh huyết áp thấp, có lần mấy ngày liền hễ đang nằm đứng thẳng dậy hoặc thay đổi tư thế đột ngột là lại bị hoa mắt, chóng mặt, như bị say xe. Tôi áp dụng thử kinh nghiệm trên thấy có tác dụng rất tốt. Rất mong được "Thuốc vườn nhà" thông tin cho biết kinh nghiệm dân gian nói trên có cơ sở khoa học hay không? Uống lá tre và đinh lăng có gây nên tác hại gì không?

Nguyễn Bảng, Đông Anh, Hà Nội

Đáp:

IMG

Đinh lăng là vị thuốc dùng để bồi bổ và chống mệt mỏi đã được sử dụng từ lâu trong dân gian ở nước ta. Kết quả phân tích hóa dược đã phát hiện thấy trong củ đinh lăng có glucozit, alcaloit, saponin, flavonoid, tanin, vitamin B1, một số hoạt chất giống như trong củ nhân sâm. Đặc biệt, trong đinh lăng có tới 13 loại acid amin, trong đó có 3 loại acid amin thiết yếu đối với cơ thể (lyzin, xystein, methionin). Còn thử nghiệm lâm sàng cho thấy đinh lăng có tác dụng tăng lực, tăng sức dẻo dai và sức đề kháng của cơ thể, chống mệt mỏi, giúp ăn ngon, ngủ yên, tăng năng suất lao động, tăng cân và giải độc.

Như vậy có thể thấy kinh nghiệm dân gian dùng đinh lăng như một thứ thuốc bổ là có cơ sở.

Ngoài việc dùng lá đinh lăng sắc nước uống như uống trà để chống mệt mỏi, giúp ăn ngủ ngon, còn có thể dùng củ đinh lăng ngâm rượu để làm thuốc bổ. Các làm cụ thể như sau: Rễ đinh lăng khô thái lát 100g, rượu 30-35 độ 1000ml; ngâm ít nhất trong 7 ngày; ngày uống 2 lần, mỗi lần 10-15ml (nửa chén con).

cây tre, tre, lá tre

Tre

Lá tre cũng là vị thuốc đã được sử dụng từ lâu đời trong Đông y và trong dân gian.

"Thuốc vườn nhà" đã giới thiệu tương đối chi tiết về tác dụng của cây tre trong bài viết "Tác dụng chữa bệnh của lá tre", ở đây chỉ xin đề cập thêm về một khía cạnh: Từ lâu trong dân gian đã có kinh nghiệm dùng lá tre sắc nước uống để chữa những trường hợp bị đòn, ngã chấn thương, đau nhức, khát nước do mất nhiều máu. Có địa phương dân gian gọi đó là "thuốc đòn", hay "môn thuốc của kẻ trộm" vì kẻ trộm chẳng may bị ăn đòn nhừ tử thường dùng nước sắc lá tre uống cho đỡ đau và đỡ khát do mất máu.

Theo Đông y: Đinh lăng có tác dụng bổ khí và dưỡng huyết, lá tre có tác dụng sinh tận dịch (tăng dịch thể trong đó có máu). Nước sắc lá đinh lăng và lá tre có tác dụng ích khí, tăng huyết dịch vì vậy có thể chữa trị hiện tượng chóng mặt hoa mắt do "huyết hư" (thiếu máu, huyết áp thấp). Tuy nhiên hoa mắt chóng mặt do huyết áp thấp có nhiều thể, nước sắc đinh lăng và lá tre theo chúng tôi nghĩ chỉ thích hợp với một số thể bệnh nhất định.

Đinh lăng và lá tre là những vị thuốc tương đối an toàn. Kết quả nghiên cứu cho thấy: Liều độc DL50 (liều gây chết 50% động vật thí nghiệm) của đinh lăng là 32,9g/kg; trong khi đó DL50 của nhân sâm là 16,5g/kg, của ngũ gia bì là 14,5g/kg. Chứng tỏ đinh lăng ít độc hơn nhân sâm và ngũ gia bì. Tuy nhiên nếu dùng quá liều vẫn có thể gây nên ngộ độc. Vì vậy chỉ nên sử dụng khi cần thiết theo đúng sự hướng dẫn của thầy thuốc.

Vị thuốc "trúc diệp" trong Đông y chỉ lá tre, lá trúc hoặc lá vầu. Trong các sách thuốc Đông y không thấy nói tới sự khác biệt giữa lá "tre đực" và các loại "trúc diệp" khác. Về kinh nghiệm "chỉ dùng lá tre đực" theo chúng tôi nghĩ cần tìm hiểu thêm.

Một điều cần đặc biệt lưu ý là đinh lăng có nhiều loài; chỉ sử dụng làm thuốc loại đinh lăng lá xẻ nhỏ, còn gọi là "cây gỏi cá", tên khoa học là Polyscias fruticosa (L.) Harms. Cây "đinh lăng - gỏi cá" là một loại cây nhỏ thân nhẵn, không có gai, thường cao 0,8-1,5m. Lá kép 3 lần xẻ lông chim dài 20-40cm, không có lá kèm rõ. Lá chét có cuống gầy dài 3-10mm, phiến lá chét có răng cưa không đều, lá có mùi thơm. Cụm hoa hình chùy ngắn 7-18mm gồm nhiều tán, mang nhiều hoa nhỏ. Quả dẹt dài 3-4mm, dày 1mm, có vòi tồn tại. Tránh nhầm lẫn với các loại "đinh lăng lá tròn", "đinh lăng lá ráng", "đinh lăng viền bạc", ... không dùng làm thuốc.


Lương y HƯ ĐAN


Xin vui lòng ghi rõ nguồn "Thuốc vườn nhà - http://www.thuocvuonnha.com" khi phát hành lại thông tin.


Tuyên bố trách nhiệm:
Thông tin trên thuocvuonnha.com chỉ phục vụ nghiên cứu học tập và mở rộng kiến thức. Không sử dụng làm căn cứ để tiến hành chẩn trị trên lâm sàng. Thông tin trên thuocvuonnha.com có thể được trích dẫn, thu thập từ các ấn phẩm, các trang tin điện tử liên quan trong nước và ngoài nước. Nếu phát sinh vấn đề bản quyền, kính đề nghị phản hồi cho chúng tôi.

Viết bình luận

Để thuận tiện cho việc đăng tải, xin vui lòng nhập tiếng Việt có dấu.
Chúng tôi mong muốn nhận được những bình luận theo hướng mở rộng hoặc bổ sung thông tin liên quan đến bài viết.
Chúng tôi sẽ khóa những bình luận có ngôn từ mang tính kích động hoặc bất nhã.

  Đơn vị bảo trợ thông tin

ĐỐI TÁC - LIÊN KẾT
[ Lên đầu trang ]