Hỏi đáp Thuốc vườn nhà

Biện chứng luận trị chữa viêm xoang mũi

Nguồn tin:  Thuốc vườn nhà
Cập nhật: 14/04/2014 09:24 SA

Hỏi:

Cháu đọc một bài báo, trong đó có giới thiệu cách dùng bột tiêu đun nước để nhỏ mũi, chữa viêm xoang mũi. Cháu áp dụng thử mà không thấy có dấu hiệu gì cả. Cháu vẫn thấy trong cổ họng luôn có đờm và phải khạc nhổ nhiều, nhất là buổi sáng; đờm khạc ra có màu trắng và có mùi tanh, rất bẩn. Cháu đã uống qua thuốc "có ta xoang", nhưng thuốc có tác dụng phụ, làm cho cháu đau đầu liên tục và rất khó chịu. Cháu mong "Thuốc vườn nhà" giới thiệu một số bài thuốc để áp dụng thử.

Lê Thị Thu Hằng, Vân Đồn, Quảng Ninh

Đáp:

quả mướp đắng, mướp đắng, khổ qua

Quả mướp đắng

Theo "Thuốc vườn nhà" được biết, thì cách dùng hồ tiêu chữa viêm xoang như sau: Hồ tiêu trắng 30g, thêm 200ml nước, nấu cạn còn 60ml; dùng bông thấm nước thuốc nhỏ vào mũi, ngày 3-6 lần.

Đó là một bài thuốc kinh nghiệm, không có tác dụng phụ độc hại. Tuy nhiên, những bài thuốc kinh nghiệm thường hợp với người này, mà có thể không hợp với người khác.

Trường hợp bệnh diễn biến phức tạp, muốn chữa trị có kết quả chắc chắn, cần dùng thuốc theo nguyên tắc "biện chứng luận trị" của Đông y - nghĩa là căn cứ vào triệu chứng, biểu hiện cụ thể ở từng người, mà chọn dùng phép chữa, bài thuốc, vị thuốc tương ứng.

Dưới đây, "Thuốc vườn nhà" xin được giới thiệu sơ lược về cách dùng thuốc Đông dược chữa viêm xoang mũi, theo phương pháp "biện chứng luận trị", để bạn và các quý bạn đọc khác cùng tham khảo.

Viêm xoang mũi thường được chia thành 2 loại chính là cấp tính và mạn tính:

    - Viêm xoang mũi cấp có những biểu hiện chính: Phát sốt sợ rét, người khó chịu, ăn không ngon miệng, đau đầu, tắc mũi, mũi chảy nhiều nước trong hoặc đặc như mủ. Mũi có thể chỉ bị tắc một bên hoặc cả hai bên liên tục; kèm theo giảm khứu giác. Nếu do bệnh ở răng dẫn đến, nước mũi đặc như mủ và có mùi hôi. Tùy theo loại xoang bị viêm, cảm giác đau cũng xuất hiện ở vị trí và tính chất khác nhau, có khi đầu đau ở vùng trán, có khi đau ở gáy, có khi đau nhiều vào buổi sáng, có khi đau tăng về buổi chiều, ...

    - Viêm xoang mạn tính có những biểu hiện chính: Mũi tắc liên tục, nước mũi nhiều và đặc như mủ, thường có mùi hôi tanh, khứu giác bị giảm hoặc mất hẳn. Nói chung không có những biểu hiện toàn thân, hoặc chỉ kèm theo váng đầu, trí nhớ suy giảm. Nước mũi chảy ra nhiều dễ dẫn tới viêm họng, thường do viêm xoang cấp tính không được chữa triệt để, kéo dài ngày mà thành.

Viêm xoang mũi thuộc phạm vi các chứng "tỵ uyên" và "não lậu" trong Đông y. Trên lâm sàng thường chia ra 4 thể là "Phế kinh phong nhiệt", "Can đảm uất nhiệt", "Tỳ vị thấp nhiệt", "Phế tỳ khí hư".

Các thể "Phế kinh phong nhiệt", "Can đảm uất nhiệt", "Tỳ vị thấp nhiệt" thường gặp trong viêm xoang cấp tính, hoặc giai đoạn bệnh phát tác của viêm xoang mạn. Còn thể "Phế tỳ khí hư" thường gặp trong viêm xoang mạn tính.

Triệu chứng, biểu hiện cụ thể của từng thể, cùng cách chữa và bài thuốc tương ứng như sau:

1. Phế kinh phong nhiệt:

    - Biểu hiện: Mũi tắc, chảy nhiều nước đặc quánh, màu trắng hoặc hơi vàng, đầu đau, ho, khạc nhiều đờm. Khám mũi thấy niêm mạc sung huyết. Khứu giác giảm. Đầu lưỡi đỏ, rêu lưỡi vàng mỏng hoặc trắng mỏng, mạch phù sác (nổi, nhanh).

    - Phép chữa: Thanh nhiệt, trừ phong, thông khiếu.

    - Những bài thuốc thường dùng:

        (1) Ngân kiều tân di thang: Kim ngân hoa 15g, liên kiều 15g, tang diệp (lá dâu tằm) 10g, tân di (gói lại) 6g, bạc hà 4g, cát cánh 6g, hạnh nhân 6g, kinh giới 6g, sinh cam thảo 6g; sắc với 800ml nước, sắc 2 lần, hợp 2 nước, cô nhỏ lửa còn 450ml dịch thuốc; chia 3 lần uống sáng, trưa, chiều, lúc đói bụng.

        (2) Cháo tân di rau sam: Tân di 10g, rau sam 30g, gạo tẻ 50g; sắc tân di lấy nước bỏ bã, cho gạo vào nấu cháo, khi cháo gần chín cho rau sam vào, đun thêm một lát nữa là được; thêm mắm muối, ăn điểm tâm buổi sáng.

2. Can đảm uất nhiệt:

    - Biểu hiện: Tắc mũi, đầu đau tương đối nặng, mũi chảy nhiều nước vàng đặc quánh như mủ, mùi hôi, khứu giác giảm sút, có thể kèm theo ù tai, đắng miệng, bồn chồn, dễ nổi giận, người nóng, miệng khát, đại tiện khô táo. Khám mũi thấy niêm mạc sung huyết rõ ràng. Chất lưỡi đỏ, rêu lưỡi vàng, mạch huyền sác (căng, nhanh).

    - Phép chữa: Thanh can, thông khiếu.

    - Những bài thuốc thường dùng:

        (1) Long đảm tân di thang: Long đảm thảo 6g, sài hồ 6g, hoàng cầm 10g, sơn chi tử 10g, tân di (gói lại) 6g, liên kiều 15g, xích thược 10g, mộc thông 6g, sinh cam thảo 6g; sắc với 1000ml nước, sắc 2 lần, hợp 2 nước, cô nhỏ lửa lấy 450ml dịch thuốc; chia 3 lần uống sáng, trưa, chiều, lúc đói bụng.

        (2) Hoắc đảm hoàn: Hoắc hương 120g, mật lợn 4 cái; lá hoắc hương trộn đều với mật lợn, sấy khô, tán mịn, trộn với nước làm viên; uống cách xa bữa ăn, ngày 3 lần, mỗi lần 10g, chiêu bằng nước đun sôi.

        (3) Dịch mướp đắng: Mướp đắng 1 trái, đường trắng 60g; mướp đắng giã nhuyễn, trộn đều với đường, sau khoảng 2 giờ thấy nước tiết ra, thì lọc lấy nước (bỏ bã), uống hết một lần (uống lạnh).

3. Tỳ vị thấp nhiệt:

    - Biểu hiện: Tắc mũi, chảy nước mũi, bệnh dai dẳng không dứt, váng đầu, ăn không ngon miệng. Niêm mạc mũi sung huyết sưng thũng. Chất lưỡi đỏ, rêu vàng nhớt, mạch nhu sác (yếu, nhanh).

    - Phép chữa: Thanh lợi thấp nhiệt, thông khiếu.

    - Bài thuốc thường dùng:

        (1) Hoạt thạch tân di thang: Hoạt thạch (gói lại) 20g, hoắc hương (cho vào sau) 10g, ý dĩ nhân 20g, hoàng cầm 10g, mộc thông 6g, phục linh 10g, trạch tả 10g, tân di (gói lại) 6g; sắc với 1000ml nước, hoạt thạch và các vị thuốc khác sắc trước, trước khi bắc ra khoảng 5 phút mới cho hoắc hương vào; sắc lấy 450ml, chia ra uống sáng, trưa, chiều, lúc đói bụng.

4. Phế tỳ khí hư:

    - Biểu hiện: Tắc mũi, chóng mặt, trí nhớ giảm, mũi chảy nước đục, lúc nhiều lúc ít, gặp lạnh bệnh nặng hơn. Sắc mặt vàng xạm hoặc trắng nhợt; kém ăn, thở yếu, mệt mỏi, đuối sức, đại tiện lỏng loãng. Niêm mạc mũi sưng thũng nhưng không sung huyết; khứu giác giảm hoặc mất hẳn. Chất lưỡi nhợt, rêu lưỡi trắng, mạch tế nhược (nhỏ yếu).

    - Phép chữa: Bổ tỳ ích phế, thông khiếu.

    - Bài thuốc thường dùng:

        (1) Sâm kỳ tân di thang: Hoàng kỳ (tẩm mật sao) 15g, đảng sâm 15g, bạch truật (sao) 10g, phục linh 10g, phòng phong 6g, thương nhĩ tử 6g, tân di (bọc lại) 6g, bạch chỉ 6g, cát cánh 6g; sắc với 1000ml nước, sắc 3 lần, hợp 3 nước, cô nhỏ lửa còn 300ml; chia 2 lần uống sáng sớm và buổi tối, lúc đói bụng.

        (2) Canh hoàng kỳ bí đao: Hoàng kỳ 30g, bí đao 100-200g; sắc hoàng kỳ lấy nước (bỏ bã), nấu với bí (gọt bỏ vỏ, hột, thái miếng), thành món canh, ăn trong bữa cơm.


Lương y HUYÊN THẢO


Xin vui lòng ghi rõ nguồn "Thuốc vườn nhà - http://www.thuocvuonnha.com" khi phát hành lại thông tin.


Tuyên bố trách nhiệm:
Thông tin trên thuocvuonnha.com chỉ phục vụ nghiên cứu học tập và mở rộng kiến thức. Không sử dụng làm căn cứ để tiến hành chẩn trị trên lâm sàng. Thông tin trên thuocvuonnha.com có thể được trích dẫn, thu thập từ các ấn phẩm, các trang tin điện tử liên quan trong nước và ngoài nước. Nếu phát sinh vấn đề bản quyền, kính đề nghị phản hồi cho chúng tôi.

Viết bình luận

Để thuận tiện cho việc đăng tải, xin vui lòng nhập tiếng Việt có dấu.
Chúng tôi mong muốn nhận được những bình luận theo hướng mở rộng hoặc bổ sung thông tin liên quan đến bài viết.
Chúng tôi sẽ khóa những bình luận có ngôn từ mang tính kích động hoặc bất nhã.

  Đơn vị bảo trợ thông tin

ĐỐI TÁC - LIÊN KẾT
[ Lên đầu trang ]