Hỏi đáp Mỹ phẩm từ thiên nhiên

Bài thuốc thường dùng chữa cháy nắng

Nguồn tin:  Thuốc vườn nhà
Cập nhật: 29/07/2012 08:46 CH

Hỏi:

Tôi và các con rất hay bị cháy nắng, chỉ cần ra ngoài nắng một lúc là da bị ửng đỏ, mụn nước mọc dầy đặc, nóng rát, chạm vào rất đau và phiền phức nhất là những chỗ da bị cháy sau đó đen xạm, ảnh hưởng rất lớn đến thẩm mỹ. Tôi rất muốn biết, có thể dùng các vị thuốc Nam có sẵn trong vườn nhà để chữa cháy nắng hay không? Mong "Thuốc vườn nhà" chỉ dẫn giúp.

Lê Thị Minh Tâm, Đầm Hà, Quảng Ninh

Đáp:

rau sam, mã xỉ hiện

Tình trạng nổi ban đỏ cấp tính, viêm da dạng mụn nước, sau khi bị ánh nắng gay gắt chiếu, y học gọi là "Tổn thương da do ánh nắng", còn dân gian thường gọi là "cháy nắng" hoặc là "bỏng nắng". Mức độ "cháy nắng" nặng hay nhẹ, tùy thuộc vào cường độ ánh sáng, thời gian và phạm vi chiếu xạ, điều kiện môi trường, cũng như màu da thẫm hay nhạt. Bệnh dễ phát sinh trong mùa xuân và mùa hè; thường hay gặp nhất ở thanh thiếu niên và nữ giới.

Cháy nắng là một loại bệnh có thời hạn: Bệnh nhẹ thường sau một tuần là tự khỏi; bệnh nặng thì phải 2-3 tuần, hoặc lâu hơi, mới có thể hồi phục.

Thông thường, sau khi bị ánh nắng gay gắt chiếu vào, trong vòng vài giờ những chỗ bị nắng chiếu như mặt, cổ, tay, chân, ... da sưng đỏ tấy, bỏng rát, đau nhấm nhói như kim châm, chạm vào rất đau. Trường hợp bỏng nắng nhẹ, sau khoảng 2-3 ngày thì hết viêm, vùng da "cháy" trở lại bình thường, da bong vẩy và để lại những vết thâm nhạt. Trường hợp bỏng nắng nặng, da sưng tấy, mọc nhiều mụn nước hoặc loét và rỉ nước. Có thể kèm theo những chứng trạng toàn thân như sốt, chóng mặt, đau đầu, buồn nôn, nôn mửa, phải vài tuần mới có thể hồi phục. Một số trường hợp sau khi bị ánh nắng chiếu xạ, lại xuất hiện những tổn thương ở dạng mạn tính, như da bị dầy lên, hóa sừng, mao huyết quản bị giãn; da đen sạm (do tăng hắc sắc tố) hoặc trắng bợt (do giảm sắc tố).

"Cháy nắng" thuộc phạm vi các chứng "nhật sái sang" (lở loét do phơi nắng) và "sái ban" (nổi ban do phơi nắng) trong Đông y.

Theo Đông y: Nguyên nhân gây cháy nắng có thể do bẩm sinh "tấu lý bất mật" (da thịt không bền chắc), khó thích ứng với sự biến động cường độ ánh nắng; hoặc do thử thấp nhiệt độc xâm phạm vào cơ thể, ứ đọng ở cơ bắp, ngấm vào bì phu (da), mà dẫn tới hiện tượng "cháy nắng" - da sưng tấy đỏ, sẩn mụn nước hoặc bị bỏng rộp.

Để chữa trị, trên lâm sàng Đông y thường chia cháy nắng thành 2 thể: "Nhiệt độc" và "Thấp độc". Bạn có thể căn cứ vào chứng trạng cụ thể để nhận biết  thể bệnh và chọn dùng bài thuốc tương ứng như sau:

    1. Thể nhiệt độc:

        - Chứng trạng: Vùng da bị chiếu xạ cháy bỏng sưng thũng, mặt da căng, sáng bóng; hoặc những nốt sẩn đỏ mọc dày đặc - kết thành từng vệt như khi bị mẩn tịt, nóng rát, đau nhấm nhói hoặc đau như gai đâm. Kèm theo miệng khô, khát nước, bồn chồn không yên; chất lưỡi đỏ, rêu lưỡi vàng mỏng; mạch phù (nổi, ấn nhẹ tay đã thấy).

        - Để chữa trị, có thể sử dụng bài thuốc có tác dụng thanh nhiệt lương huyết, giải độc và tiêu thũng sau:

            Bài thuốc: Huyền sâm 12g, trúc diệp (lá tre, trúc) 10g, kim ngân hoa 10g, bồ công anh 10g, vỏ đậu xanh (lục đậu y) 15g, cam thảo 6g, thông thảo 6g; sắc lấy nước, chia 2 lần uống trong ngày; liên tục 5-7 ngày.

            Gia giảm: Nếu miệng khát nhiều, thêm cát căn (củ sắn dây) 20g, lô căn (rễ sậy) 20g; nếu sưng nóng đau nhiều, thêm vỏ núc nác 12g, chi tử (trái dành dành) 10g.

    2. Thể thấp độc:

        - Chứng trạng: Vùng da bị chiếu xạ nổi ban đỏ, sưng thũng, nóng rát, đau nhức, mụn nước nhỏ mọc dày đặc, vỡ loét chảy nước. Kèm theo miệng khát nhưng không uống nhiều nước, ngực bồn chồn, bụng đầy tức; chất lưỡi đỏ, rêu vàng nhớt; mạch hoạt sác (trơn, nhanh).

        - Để chữa trị, có thể sử dụng bài thuốc có tác dụng thanh nhiệt, giải độc và trừ thấp dưới đây:

            Bài thuốc: Bạch mao căn (rễ cỏ tranh) 30g, sinh thạch cao (thạch cao chưa nung) 30g, sinh địa 15g, đan bì 15g, đại thanh diệp (lá cây bọ mẩy) 15g, xa tiền tử (hạt mã đề) 15g, ý dĩ nhân (hạt bo bo) 30g; sắc uống ngày 1 thang, liên tục 2 tuần (tổng cộng 14 thang). Nếu chưa khỏi nghỉ 1 tuần, sau đó uống thêm 7 thang nữa.

            Gia giảm: Nếu sưng đỏ nhiều, thêm bồ công anh, dã cúc hoa - mỗi thứ 10g; nếu người nóng, miệng khát, thêm tang diệp (lá dâu tằm) 10g, lô căn (rễ sậy) 15g; nếu mọc nhiều mụn nước, loét chảy nước, thêm thương truật 8g, mã xỉ hiện (rau sam) để tăng thêm tác dụng trừ thấp.

    3. Thuốc dùng ngoài: Ngoài việc lựa chọn bài thuốc theo thể bệnh như trên, có thể kết hợp thêm với một số loại thuốc dùng ngoài như sau:

        (1) Dùng dưa chuột: Dưa chuột thái thành từng lát, xát nhè nhẹ vào những chỗ da bị cháy nắng.

        (2) Dùng rau sam: Rau sam 50-100g tươi, sắc lấy nước đặc, dùng gạc tẩm nước thuốc, đắp vào chỗ da bị cháy nắng, mỗi lần 30-40 phút, ngày 2 lần. Dùng cho trường hợp da cháy nắng, mụn nước vỡ, loét rữa, rỉ nước.

        (3) Dùng lá phù dung: Lá phù dung phơi khô, tán thành bột mịn, trộn đều với dầu vừng, ngày bôi 2-3 lần vào những chỗ da bị cháy nắng.

Lương y HUYÊN THẢO


Xin vui lòng ghi rõ nguồn "Thuốc vườn nhà - http://www.thuocvuonnha.com" khi phát hành lại thông tin.


Tuyên bố trách nhiệm:
Thông tin trên thuocvuonnha.com chỉ phục vụ nghiên cứu học tập và mở rộng kiến thức. Không sử dụng làm căn cứ để tiến hành chẩn trị trên lâm sàng. Thông tin trên thuocvuonnha.com có thể được trích dẫn, thu thập từ các ấn phẩm, các trang tin điện tử liên quan trong nước và ngoài nước. Nếu phát sinh vấn đề bản quyền, kính đề nghị phản hồi cho chúng tôi.

Viết bình luận

Để thuận tiện cho việc đăng tải, xin vui lòng nhập tiếng Việt có dấu.
Chúng tôi mong muốn nhận được những bình luận theo hướng mở rộng hoặc bổ sung thông tin liên quan đến bài viết.
Chúng tôi sẽ khóa những bình luận có ngôn từ mang tính kích động hoặc bất nhã.

  Đơn vị bảo trợ thông tin

ĐỐI TÁC - LIÊN KẾT
[ Lên đầu trang ]