Hỏi đáp Mỹ phẩm từ thiên nhiên

Thuốc Nam chữa viêm bờ mi

Nguồn tin:  Thuốc vườn nhà
Cập nhật: 07/05/2012 07:49 SA

Hỏi:

Khoảng 3 năm trước, có một lần tôi bị đau mắt, đi bệnh viện khám được chẩn đoán là "viêm bờ mi". Bác sĩ kê đơn cho đi mua thuốc uống và thuốc nhỏ, bệnh khỏi khá nhanh. Nhưng từ vài tháng sau, bệnh rất hay tái phát, mỗi năm bị viêm 5-6 lần, và các loại tân dược hầu như không còn tác dụng nữa. Vì vậy tôi muốn chuyển sang chữa trị bằng thuốc Nam, rất mong được "Thuốc vườn nhà" chỉ dẫn giúp hộ.

Trần Thị Minh Tâm, Thanh Hóa

Đáp:

dâu tằm

Viêm bờ mi là một bệnh mắt rất thường gặp, nhất là ở nữ giới sau tuổi 30. Bệnh dễ tái phát và có thể dẫn tới rất nhiều biến chứng, như chắp, lẹo, rụng lông mi, lông quặm, viêm giác mạc, ... Viêm bờ mi (Blepharitis) chỉ hiện tượng viêm á cấp tính hoặc mạn tính, ở trên bề mặt bờ mi, ở nang lông mi, cũng như ở các tổ chức tuyến dưới mi mắt.

Y học hiện đại thường chia viêm bờ mi thành 3 dạng chính: Thể bong vẩy; Thể viêm loét; Thể góc mắt.

    - Thể bong vẩy: Thường do bị nhiễm tụ cầu khuẩn, với một số biểu hiện chủ yếu, như bờ mi tấy đỏ do sung huyết, ngứa dai dẳng, chân lông mi biến sắc (trở thành trắng xám), với rất nhiều vẩy nhỏ như cám, dễ bong, lông mi thường bị rụng nhưng vẫn có thể tái sinh.

    - Thể viêm loét: Là thể viêm bờ mi tương đối nghiêm trọng; bờ mi luôn ẩm ướt do chứa nhiều dịch phân tiết, nên dễ bị nhiễm trùng, mưng mủ, đóng vẩy, với những vết loét nhỏ; nang lông mi bị hủy hoại nên lông mi mọc loạn xạ, xiên vào trong trở thành lông quặm; trường hợp nặng lông mi bị rụng nhiều, không thể tái sinh, dẫn tới trụi mi; kèm theo cảm giác mắt đau nhói, sợ ánh sáng, chảy nhiều nước mắt.

    - Thể góc mắt: Viêm chỉ giới hạn ở hai khóe mắt; khóe mắt đỏ ửng, loét và rất ngứa; trong một số trường hợp mép và rìa lỗ mũi cũng có những biểu hiện tương tự; thường do cơ thể bị thiếu vitamin B2, hoặc do nhiễm trực khuẩn Movax - axenfeld gây nên.

Bệnh viêm bờ mi trong Đông y gọi là "Kiểm huyền xích lạn" ("kiểm huyền" = bờ mi, "xích" = đỏ, "lạn" = loét) hoặc "Phong xích sang di" ("phong" = tác nhân gây bệnh, "xích" = đỏ, "sang di" = viêm loét).

Theo lý luận về "ngũ luân" của Đông y: Mắt được chia thành 5 khu vực (ngũ luân), mỗi khu vực chịu sự chi của một tạng nhất định. Trong đó mi mắt (nhãn bào) do tạng tỳ chủ quản. Tạng tỳ kiện toàn, thì mi mắt có thể thực hiện tốt chức năng bảo vệ nhãn cầu và không bị mắc bệnh.

Theo Đông y: Viêm bờ mi chủ yếu do trong cơ thể vốn có thấp nhiệt ứ đọng ở 2 kinh tỳ, vị, hoặc do tạng tâm vốn quá nóng (tâm hỏa), lại bị cảm nhiễm phải "phong tà", "thấp tà", hay "hỏa tà", từ môi trường bên ngoài, mà gây nên bệnh.

Để chữa trị bằng Đông Nam dược, bạn có thể tiến hành theo 2 phương hướng sau:

1. Sử dụng thử một số phương thuốc kinh nghiệm:

    Tùy theo điều kiện cụ thể, có thể áp dụng thử một trong số các Bài thuốc kinh nghiệm sau:

    - Bài thuốc kinh nghiệm 1: Dùng 15g mầm, ngọn, hoặc cành non của cây hoa cúc, rửa sạch, thái nhỏ, thêm chút muối, cùng với 60g gạo tẻ nấu cháo, mỗi ngày ăn một lần, vào buổi sáng sớm.

    - Bài thuốc kinh nghiệm 2: Thảo quyết minh (hạt muồng ngủ, sao cháy đen), hoa cúc trắng - mỗi thứ 15g; cho vào nồi đất (hoặc đồ gốm) sắc lấy nước, thêm 60g gạo tẻ nấu cháo, ngày ăn 1 lần.

    - Bài thuốc kinh nghiệm 3: Thảo quyết minh (hạt muồng ngủ, sao cháy đen) 15g, hạ khô thảo 10g; sắc nước uống thay trà trong ngày.

    - Bài thuốc kinh nghiệm 4 (Thuốc bôi): Dùng dầu lòng đỏ trứng gà (lòng đỏ trứng gà nướng cháy, sẽ tiết ra chất dầu màu nâu thẫm), bôi ngày 2-3 lần.

    - Bài thuốc kinh nghiệm 5 (Thuốc rửa): Hàng ngày hái khoảng 9-10 lá dâu tằm, sắc lấy nước, rửa mắt ngày 4-5 lần.

      Tôi có người nhà bị tắc lệ đạo, dẫn tới viêm bờ mi mạn tính, mắt luôn đỏ như mắt cá chầy, bôi và nhỏ đủ các loại tân dược không khỏi, đã áp dụng cách này, sau vài tháng đã khỏi hoàn toàn.

2. Dùng thuốc theo chứng trạng:

    Nếu áp dụng các Bài thuốc kinh nghiệm ở trên, mà bệnh không cải thiện, có thể tiến hành dùng thuốc căn cứ vào chứng trạng cụ thể ở bản thân (Đông y gọi đó là "biện chứng luận trị") như sau:

        (1) Nếu thấy bờ mi bị sung huyết, lở loét nặng và bong nhiều vẩy trắng, chân lông mi trắng xám, sử dụng bài thuốc có tác dụng trừ phong thắng thấp sau: Kinh giới 12g, thương truật 9g, khổ sâm 12g, hoạt thạch 12g, xa tiền tử 12g; sắc nước uống mỗi ngày 1 thang, liên tục 10 ngày, nghỉ 5 ngày lại tiếp tục đợt khác.

        (2) Nếu thấy bờ mi đỏ tấy, lở loét, ngứa, mủ có mùi tanh, nhức mắt, sử dụng bài thuốc có tác dụng thanh hóa thấp nhiệt, tả hỏa giải độc như sau: Kim ngân hoa 9g, nhẫn đông đằng (dây kim ngân) 12g, bồ công anh 15g, cành lá bọ mẩy 10g, vỏ núc nác 9g; sắc và uống như trường hợp (1).

        (3) Bờ mi đỏ ửng, ẩm, chỉ hơi ngứa nhưng dai dẳng, dùng bài thuốc có tác dụng thành nhiệt hóa thấp: Vỏ núc nác 6g, thương truật 6g; sắc nước uống thay trà trong này, uống theo từng đợt như trường hợp (1).

        (4) Bờ mi đỏ ửng, đau nhấm nhói, ngứa, dùng bài thuốc có tác dụng thanh tâm, tả hỏa, hóa thấp: Hoàng đằng 6g, kim ngân hoa 9g, sinh địa 12g, trúc diệp (lá tre, trúc) 15g, xa tiền tử (hạt mã đề) 15g, mao căn (rễ cỏ tranh) 12g; sắc và uống như trường hợp (1).

Lương y HUYÊN THẢO


Xin vui lòng ghi rõ nguồn "Thuốc vườn nhà - http://www.thuocvuonnha.com" khi phát hành lại thông tin.


Tuyên bố trách nhiệm:
Thông tin trên thuocvuonnha.com chỉ phục vụ nghiên cứu học tập và mở rộng kiến thức. Không sử dụng làm căn cứ để tiến hành chẩn trị trên lâm sàng. Thông tin trên thuocvuonnha.com có thể được trích dẫn, thu thập từ các ấn phẩm, các trang tin điện tử liên quan trong nước và ngoài nước. Nếu phát sinh vấn đề bản quyền, kính đề nghị phản hồi cho chúng tôi.

Viết bình luận

Để thuận tiện cho việc đăng tải, xin vui lòng nhập tiếng Việt có dấu.
Chúng tôi mong muốn nhận được những bình luận theo hướng mở rộng hoặc bổ sung thông tin liên quan đến bài viết.
Chúng tôi sẽ khóa những bình luận có ngôn từ mang tính kích động hoặc bất nhã.

  Đơn vị bảo trợ thông tin

ĐỐI TÁC - LIÊN KẾT
[ Lên đầu trang ]