Hỏi đáp Thuốc vườn nhà

Uống hà thủ ô bị đau bụng ỉa chảy

Nguồn tin:  Thuốc vườn nhà
Cập nhật: 01/11/2011 05:54 SA

Hỏi:

Tôi đọc trên một tờ báo, biết hà thủ ô có thể chữa được tóc bạc sớm, nhưng khi đến một nhà thuốc Đông dược ở phố Lãn Ông mua về sắc uống thì đã bị đau bụng đau và ỉa chảy. Xin "Thuốc vườn nhà" giải thích giúp vì sao?

Đinh Văn Lâm, Trần Hưng Đạo, Hà Nội

Đáp:

hà thủ ô, hà thủ ô đỏ

Trong Đông y người ta chia hà thủ ô thành 2 loại, là loại sống và loại chín. Củ hà thủ ô đã phơi khô gọi là "hà thủ ô sống" (sinh hà thủ ô); còn hà thủ ô chín thường gọi là "hà thủ ô chế", là đã qua quá trình chế biến, muốn cho tóc đen và khỏi bị bạc sớm phải dùng loại này.

Bạn bị đau bụng và ỉa chảy có thể là vì đã mua hà thủ ô sống về sắc uống, hoặc là mua phải loại "chín" nhưng chế biến không đúng quy trình.

Vấn đề ở đây là, trong thành phần của hà thủ ô, có một số dẫn xuất  anthraquinone, có tác dụng làm tăng nhu động ruột, thông đại tiện và gây ỉa chảy. Sau khi chế biến, các chất dẫn xuất gây ỉa chảy đã bị phân giải, độ độc của thuốc giảm đi nhiều, đồng thời còn hình thành thêm một số hoạt chất có tác dụng bổ dưỡng và làm đen râu tóc.

Cách chế hà thủ ô tuy không phức tạp nhưng tốn nhiều thời gian và nhiên liệu.

Xin giới thiệu một cách chế tương đối thông dụng: Hà thủ ô mua về rửa sạch, đem ngâm nước vo gạo một ngày đêm; rửa lại cho sạch rồi tiếp tục chế với nước đậu đen. Mỗi 1kg hà thủ ô cần dùng 100g đậu đen. Trước hết cho đậu đen vào nồi, đổ khoảng 2 lít nước, nấu cho đậu đen chín nhừ rồi chắt lấy nước. Tiếp theo, trộn hà thủ ô với nước đỗ đen, cho vào đồ đựng không chế bằng sắt, đặt vào nồi hấp đến khi nước đỗ đen thấm hết vào các miếng hà thủ ô, sau đó lấy ra phơi hoặc sấy khô là được. Đó là cách chế thông thường, muốn chế kỹ cần "cửu chưng cửu sái", nghĩa là 9 lần nấu 9 lần phơi, nấu và phơi (sấy) hà thủ ô với nước đậu đen theo cách nói trên 9 lần.

Trên lâm sàng, hà thủ ô sống thường được dùng chữa chứng táo bón ở người già và sản phụ, hoặc trường hợp huyết hư gây nên táo bón: Dùng 10g hà thủ ô sống và 10g vừng đen (sống); sắc nước uống trong ngày.

Còn muốn dùng hà thủ ô như một thứ thuốc bổ, thì cần sử dụng hà thủ ô chế. Cũng là bài thuốc thành phần như trên, nhưng với các vị thuốc đã qua chế biến, thì tác dụng sẽ khác.

Thí dụ, để chữa tóc khô, dễ gãy và sớm bạc, có thể làm như sau: Dùng vừng đen đã sao chín và hà thủ ô chế - 2 thứ liều lượng bằng nhau; nghiền thành bột mịn, trộn với mật ong hoàn thành viên; mỗi lần uống 6g, ngày uống 3 lần sau bữa cơm.

Các vị thuốc Đông y, nói chung được bào chế hết sức cẩn thận, tác dụng của vị thuốc cũng biến đổi sau khi bào chế. Vì vậy, khi đi mua thuốc ở cửa hàng Đông dược, bạn cần nói rõ mục đích sử dụng, khi đó các thầy thuốc mới có thể bán cho bạn vị thuốc thích hợp.


Lương y HƯ ĐAN


Xin vui lòng ghi rõ nguồn "Thuốc vườn nhà - http://www.thuocvuonnha.com" khi phát hành lại thông tin.


Tuyên bố trách nhiệm:
Thông tin trên thuocvuonnha.com chỉ phục vụ nghiên cứu học tập và mở rộng kiến thức. Không sử dụng làm căn cứ để tiến hành chẩn trị trên lâm sàng. Thông tin trên thuocvuonnha.com có thể được trích dẫn, thu thập từ các ấn phẩm, các trang tin điện tử liên quan trong nước và ngoài nước. Nếu phát sinh vấn đề bản quyền, kính đề nghị phản hồi cho chúng tôi.

Viết bình luận

Để thuận tiện cho việc đăng tải, xin vui lòng nhập tiếng Việt có dấu.
Chúng tôi mong muốn nhận được những bình luận theo hướng mở rộng hoặc bổ sung thông tin liên quan đến bài viết.
Chúng tôi sẽ khóa những bình luận có ngôn từ mang tính kích động hoặc bất nhã.

  Đơn vị bảo trợ thông tin

ĐỐI TÁC - LIÊN KẾT
[ Lên đầu trang ]