Hỏi đáp Thuốc vườn nhà

Thuốc hàn, thuốc nhiệt - xác định như thế nào?

Nguồn tin:  Thuốc vườn nhà
Cập nhật: 22/01/2013 07:41 CH

Hỏi:

Khi khám Đông y, tôi hay nghe các thầy thuốc nói đại thể: "Nhục quế, can khương, ... tính nhiệt"; "Hoàng liên, chi tử, ... tính hàn". Nhưng khi tôi cầm, nắm thử vị thuốc trong tay, thì nhục quế, can khương, ... không làm nóng tay; hoàng liên, chi tử, ... không làm lạnh tay. Vậy thì dược tính hàn nhiệt của thuốc xác định như thế nào? Mong được "Thuốc vườn nhà" thông tin cho biết.

Trần Đình Bân, Yên Dũng, Bắc Giang

Đáp:

chi tử, dành dành

"Dược tính" là những tính chất và tính năng nội tại, có liên quan đến tác dụng chữa bệnh của vị thuốc. Nội dung lý luận về "Dược tính" của Đông dược bao gồm: "Tứ khí", "Ngũ vị", "Quy kinh", "Thăng giáng phù trầm", "Độc tính", ...

Vấn đề bạn quan tâm thuộc phạm vi của "Tứ khí".

"Tứ khí" còn gọi là "Tứ Tính". Đó là 4 loại dược tính: Hàn - Nhiệt - Ôn - Lương; "Hàn" = lạnh, "Nhiệt" = nóng, "Ôn" = ấm, "Lương" = mát.

Sách thuốc xưa thường viết: "Nhập khẩu tắc tri kì vị. Nhập phúc tắc tri kì tính". Nghĩa là: "Đưa vào miệng thì biết được vị. Ăn vào bụng thì biết được tính chất". Nghĩa là phải xem, sau khi uống vào bụng, cơ thể có phản ứng ra sao, mới có thể xác định được tính chất của thuốc.

Trong Đông y: Những vị thuốc có thể giảm nhẹ, hoặc tiêu trừ các chứng nhiệt, được xác định là loại thuốc có tính hàn lương. Ngược lại, những vị thuốc có thể giảm nhẹ, hoặc tiêu trừ các chứng hàn, được xác định là loại thuốc có tính ôn nhiệt.

Thí dụ:

    - Bệnh nhân có những biểu hiện thuộc chứng nhiệt, như sốt nóng, phiền khát, mặt ửng hồng, mắt đỏ tía, họng sưng đỏ đau, ... sau khi sử dụng các vị thuốc như thạch cao, tri mẫu, ... thì thấy các chứng trạng nhiệt giảm nhẹ, hoặc tiêu trừ hết, chứng tỏ thạch cao, tri mẫu là những vị thuốc có tính hàn lương.

    - Ngược lại, khi bệnh nhân có những biểu hiện thuộc chứng hàn, như tứ chi quyết lãnh (chân tay lạnh ngắt), sắc diện nhợt nhạt, bụng lạnh đau, .... sau khi sử dụng các vị thuốc như phụ tử, nhục quế, can khương (gừng khô), ... thì thấy các chứng trạng hàn giảm nhẹ, hoặc tiêu trừ hết, chứng tỏ phụ tử, nhục quế, can khương là những vị thuốc có tính ôn nhiệt.

Như vậy, tứ khí (tứ tính) hàn nhiệt ôn lương, được xác định căn cứ vào tác động của vị thuốc đối với cơ thể. Chứ không phải căn cứ vào "tính trạng" - tức hình dạng, màu sắc, mùi vị, chất thuốc (cứng hay mềm, đặc hay xốp), nhiệt độ, ... của vị thuốc. Giữa các vị thuốc ôn nhiệt và các vị thuốc hàn lương, nói chung không có sự khác biệt về nhiệt độ của bản thân vị thuốc, do đó tính năng của chúng không thể phân biệt bằng cách, sờ hoặc nắm cảm thấy nóng tay hay lạnh tay.

Tứ khí - hàn nhiệt ôn lương, có ý nghĩa rất quan trọng đối với việc dùng thuốc chữa bệnh. Căn cứ vào đặc tính hàn nhiệt của vị thuốc, người xưa đã đưa ra quy tắc: "Hàn giả nhiệt chi, nhiệt giả hàn chi". Nghĩa là: "Chứng hàn cần dùng thuốc nhiệt để chữa; chứng nhiệt dùng thuốc hàn để chữa". Đây là một quy tắc vô cùng quan trọng, khi dùng thuốc trên lâm sàng nhất thiết phải tuân theo. Làm ngược lại, sẽ khiến cho bệnh thêm trầm trọng, thậm chí còn dẫn tới tử vong. Chính vì vậy, y gia từ xưa đã cảnh báo: "Quế chi hạ yết, dương thịnh tắc tử. Thừa khí nhập vị, âm thịnh dĩ vong". Nghĩa là: "Chữa chứng dương nhiệt, mà sử dụng phương thuốc "quế chi thang" (loại  thuốc có tính nhiệt), thì thuốc vừa xuống tới cổ họng đã chết. Chữa chứng âm hàn, dùng phương thuốc "thừa khí thang" (loại thuốc có tính hàn), vào tới bụng khó tránh tử vong".

"Hàn lương" và "Ôn nhiệt" là hai loại dược tính đối lập nhau. "Hàn lương" là "âm dược", thuộc âm; còn "ôn nhiệt" là "dương dược", thuộc dương. Giữa "hàn" và "lương", "nhiệt" và "ôn", có sự khác nhau về mức độ: "Lương" không lạnh bằng "hàn"; "Ôn" không nóng bằng "nhiệt". Đó cũng là vấn đề cần lưu ý khi sử dụng thuốc. Thí dụ, bệnh hàn nặng, cần dùng đến thuốc nhiệt, lại dùng thuốc ôn; hay bệnh nhiệt nặng, cần dùng thuốc hàn, lại dùng thuốc lương, sẽ dẫn tới tình trạng "bệnh nặng dùng thuốc nhẹ", sẽ không đủ sức để phát huy tác dụng trị liệu. Ngược lại, bệnh cần dùng thuốc ôn mà dùng thuốc nhiệt, sẽ dễ gây tổn thương âm dịch. Hay bệnh cần dùng thuốc lương, mà dùng thuốc hàn, ắt sẽ gây tổn thương dương khí.

Lương y HUYÊN THẢO


Xin vui lòng ghi rõ nguồn "Thuốc vườn nhà - http://www.thuocvuonnha.com" khi phát hành lại thông tin.


Tuyên bố trách nhiệm:
Thông tin trên thuocvuonnha.com chỉ phục vụ nghiên cứu học tập và mở rộng kiến thức. Không sử dụng làm căn cứ để tiến hành chẩn trị trên lâm sàng. Thông tin trên thuocvuonnha.com có thể được trích dẫn, thu thập từ các ấn phẩm, các trang tin điện tử liên quan trong nước và ngoài nước. Nếu phát sinh vấn đề bản quyền, kính đề nghị phản hồi cho chúng tôi.

Viết bình luận

Để thuận tiện cho việc đăng tải, xin vui lòng nhập tiếng Việt có dấu.
Chúng tôi mong muốn nhận được những bình luận theo hướng mở rộng hoặc bổ sung thông tin liên quan đến bài viết.
Chúng tôi sẽ khóa những bình luận có ngôn từ mang tính kích động hoặc bất nhã.

  Đơn vị bảo trợ thông tin

ĐỐI TÁC - LIÊN KẾT
[ Lên đầu trang ]