Giải mã Đông y Tư duy độc đáo

"Thông nhân thông dụng" - Chữa thương thực ngày lễ tết

Nguồn tin:  Thuốc vườn nhà
Cập nhật: 29/01/2013 01:57 SA

sơn tra, sơn tra bắc

1. Thông nhân thông dụng

    Vào những ngày lễ, tết tại các phòng khám và bệnh viện, thường có nhiều bệnh nhân bị ỉa chảy, nôn mửa, ôm bụng kêu đau, ... đến khám chữa. Theo Y học hiện đại, rõ ràng đó là những người bị viêm dạ dày - ruột cấp tính.

    Nếu những người bệnh trên, tìm đến các chẩn trị của Đông y, họ sẽ được các thầy thuốc cho dùng những loại thuốc "tiêu thực đạo trệ" như đại hoàng, chỉ thực, thần khúc, tân lang, sơn tra, phục linh, trạch tả, ...

    Vì sao đối với bệnh nhân bị "tiết tả" (ỉa chảy), Đông y không dùng thuốc "chỉ tả" (cầm ỉa chảy), mà lại sử dụng thuốc "tiêu thực đạo trệ" (tiêu thức ăn, trừ tích trệ), thậm chí còn sử dụng đến cả thuốc "tả hạ" (thuốc tẩy, thông đại tiện mạnh) như đại hoàng?

    Theo Đông y: Nguyên nhân dẫn đến tiết tả có rất nhiều. Có thể do ngoại tà (tác nhân gây bệnh từ bên ngoài) gây nên. Có thể do chức năng dạ dày - ruột rối loạn, tỳ vị hư nhược gây nên; có thể do ưu tư não nộ, chịu sự ảnh hưởng của tình cảm gây nên; cũng có thể do ăn uống không điều độ, ăn uống ngốn ngấu, làm cho tỳ vị bị tổn thương, chức năng tiêu hóa bị rối loạn, gây nên.

    Từ xưa, thầy thuốc Đông y đã cảnh báo: "Ẩm thực tự bội, tràng vị nãi thương" - Nghĩa là ăn uống quá nhiều, thì dạ dày và ruột ắt bị tổn thương. Trong những dịp lễ tết, do có nhiều món ăn ngon lạ, nên ăn uống thường kém điều độ, dùng quá nhiều món ăn béo ngọt, uống quá nhiều rượu, hoặc ăn phải thức ăn không bảo quản tốt, bị nhiễm khuẩn, ... cũng có thể khiến cho tỳ vị bị tổn thương. Thức ăn tích đọng lại, gây ứ trệ, cản trở tiêu hóa, khiến cho chức năng của tỳ vị bị rối loạn, dẫn tới các chứng trạng như ngực bụng đầy trướng, vùng bụng dưới đau tức, sôi bụng, ... Thức ăn tích trệ không tiêu hóa, bị thối rữa, bốc hơi ngược lên trên, dẫn tới nấc, ợ chua, ợ hôi, đại tiện khắm như trứng thối, bụng ấm ách, đại tiện không thông sướng, ...

    Từ xưa, các thầy thuốc Đông y đã phát hiện thấy, ở những bệnh nhân bị đau bụng, nôn mửa, ỉa chảy do thức ăn tích trệ nói trên, rêu lưỡi thường dầy và cáu bẩn, mạch tượng hoạt sác (mạch đập trơn và nhanh); đặc biệt sau khi đại tiện đã thông sướng, trọc khí ô uế trong cơ thể đã được tống theo phân ra ngoài, hiện tượng đau bụng sẽ giảm nhẹ và tiết tả cũng sẽ cầm lại. Do đó, cần biết cách "nhân thế lợi đạo" (dẫn dắt theo xu thế có lợi), "theo gió bẻ măng", dùng nguyên tắc "thông nhân thông dụng", để thực hiện biện pháp chữa trị.

    "Thông nhân thông dụng" có nghĩa là sử dụng các vị thuốc có tác dụng "thông lợi" để chữa trị các bệnh có tính "thông thoát". Thí dụ, đối với trường hợp thức ăn tích trệ, dẫn tới đau bụng ỉa chảy (ỉa chảy là triệu chứng có tính "thông thoát"), không những không thể sử dụng thuốc cầm ỉa chảy, ngược lại cần sử dụng loại thuốc "tiêu thực đạo trệ" để giải trừ, thông tống thức ăn bị tích trệ từ dạ dày - ruột theo phân ra ngoài.

    Trên lâm sàng, để chữa trị ỉa chảy do thức ăn tích trệ, Đông y thường sử dụng thuốc "Bảo hòa hoàn" có tác dụng chủ yếu là tiêu thực đạo trệ, kiêm thêm tác dụng hòa vị hóa thấp (điều hòa tỳ vị và trừ thấp), để tiến hành chữa trị, đạt kết quả tốt. Đối với trường hợp tích trệ tương đối nặng, thì dùng thuốc "Chỉ thực đạo trệ hoàn", để thông đại tiện; sau khi đại tiện thông, thì thức ăn tích trệ cũng tiêu.

    Nguyên tắc "Thông nhân thông dụng" cũng thường được ứng dụng để chữa các chứng "băng lậu" ở phụ nữ. "Băng lậu", còn gọi là "băng huyết rong kinh". "Băng huyết" là huyết ra liên tục, khác với hành kinh, lượng huyết nhiều, chảy xuống như trút, cấp tốc như núi lở, nên gọi là "băng". Còn "lậu huyết" hay "rong huyết" thì máu chỉ ra nhỏ giọt, nhưng cứ lâm râm mãi không ngớt.

    "Băng lậu" bao quát các chứng xuất huyết từ tử cung, như xuất huyết cơ năng, xuất huyết do đẻ non, sản hậu, viêm xoang chậu và ung thư tử cung. Băng lậu là một chứng bệnh tương đối nặng trong phụ khoa, không thể sử dụng thuốc cầm máu một cách mù quáng, mà cần tìm hiểu rõ nguyên nhân và cơ chế bệnh. Trên lâm sàng, Đông y thường chia "băng lậu" thành 3 loại hình (thể) chính, là "Huyết nhiệt", "Khí hư" và "Huyết ứ".

    Đối với băng lậu thể huyết ứ, Đông y cho rằng, đó là do tình cảm bệnh nhân bị u uất, can khí thất sơ tiết; hoặc do khi bị sảy thai, hay đẻ non, một vài sản vật còn sót lại; hoặc do sản hậu xuất huyết, hay máu hôi (ác lộ) chưa ra hết mà vợ chồng đã gần gũi nhau; hoặc do nội thương khí trệ, hay ngoại cảm tổn thương, ... khiến cho huyết dịch lưu thông không thông suốt, ngưng kết, ứ đọng thành huyết ứ, mà gây nên bệnh.

    Nhận định về tình trạng như vậy, y gia xưa thường nói "ứ huyết bất khứ, tân huyết bất sinh" - có nghĩa là "huyết ứ chưa đi hết, thì huyết mới chưa thể sinh ra". Do đó, khi máu kinh chảy ra đầm đìa không dứt, hoặc đột nhiên máu chảy ra nhiều, sắc tím đen kèm theo huyết khối, bụng dưới đau tức, phải tới khi huyết khối tống xuất ra hết, đau mới giảm dần. Đối với những bệnh nhân bị băng lậu thuộc thể huyết ứ, trên lâm sàng thường áp dụng phép trị có tên là "hoạt huyết hóa ứ", để tống khứ huyết ứ tích đọng từ tử cung ra ngoài. Sau khi huyết ứ đã bài trừ ra hết, huyết mới mới có thể sinh ra, và băng lậu mới có thể khỏi.

2. Phương thuốc tiêu biểu chữa thương thực

    (1) Bảo hòa hoàn:

        - Thành phần: Sơn tra 180g, thần khúc 60g, bán hạ 90g, phục linh 90g, trần bì 30g, liên kiều 30g, lai phục tử (hạt cải củ) 30g.

        - Cách dùng: Tất cả tán bột, làm thành viên cỡ hạt ngô đồng; ngày uống 2-3 lần, mỗi lần 6-9g, chiêu bằng nước đun sôi. Cũng có thể theo nguyên phương, giảm lượng thuốc còn 1 phần 10; sắc nước uống.

        - Công dụng: Tiêu thực hóa trệ.

        - Chứng thích ứng: Dùng chữa thương thực; thức ăn tích trệ, ngực bụng đầy tức hoặc trướng đau, nấc, ợ nước chua hôi, chán ăn, hoặc đại tiện bất điều, rêu lưỡi cáu bẩn hoặc vàng nhớt, mạch hoạt.

        - Phân tích: Sơn tra, thần khúc, lai phục tử, là những chủ dược, có tác dụng tiêu thực hóa trệ, hỗ trợ tiêu hóa, thông lợi tràng vị. Lại phối hợp với bán hạ, trần bì để hành khí đạo trệ, hòa vị chỉ ẩu (chống nôn); kết hợp với phục linh kiện tỳ hòa trung; dùng thêm liên kiều để thanh nhiệt, vì thức ăn tích trệ dễ hóa hỏa sinh nhiệt.

        - Kết quả nghiên cứu hiện đại: Thần khúc chứa nhiều loại men tiêu hóa; sơn tra, lai phục tử, cũng đều là những vị thuốc có tác dụng xúc tiến tiêu hóa, tăng cường chức năng của dạ dày (kiện vị); sơn tra còn có tác dụng giãn rộng huyết quản, cải thiện tuần hoàn huyết dịch trong hệ thống tiêu hóa; sơn tra, liên kiều còn có tác dụng kháng khuẩn, có khả năng làm sạch ống tiêu hóa, tiêu trừ viêm nhiễm. Cho nên "bảo hòa hoàn" là thuốc có tác dụng trị liệu tương đối tốt đối với chứng rối loạn tiêu hóa, viêm đường tiêu hóa.

    (2) Chỉ thực đạo trệ hoàn:

        - Thành phần: Đại hoàng 30g, chỉ thực 15g, thần khúc 15g, phục linh 9g, hoàng cầm 9g, hoàng liên 9g, bạch truật 9g, trạch tả 6g.

        - Cách dùng: Tất cả các vị thuốc nghiền mịn, làm thành viên cỡ hạt ngô đồng; ngày uống 2 lần, mỗi lần 6-9g, cách xa bữa ăn, chiêu thuốc bằng nước ấm. Cũng có thể cải tiến thành thuốc thang, sắc nước uống, nhưng đại hoàng phải cho vào sau.

        - Công dụng: Tiêu thực đạo trệ; thanh nhiệt hóa thấp.

        - Chứng thích ứng: Dùng trong trường hợp thấp nhiệt tích trệ ở tràng vị, đau tức trướng đầy (bĩ muộn trướng mãn), đi lỵ (hạ lỵ), hoặc đau bụng ỉa chảy (tiết tả phúc thống), lý cấp hậu trọng, hoặc đại tiện bí kết; tiểu tiện sẻn vàng đỏ, rêu lưỡi nhớt bẩn (trọc nhị) hoặc vàng nhớt (hoàng nhị), mạch trầm hữu lực.

        - Phân tích: Thuốc dùng đại hoàng, chỉ thực để công trục tích trệ; hoàng liên, hoàng cầm để táo thấp thanh nhiệt; phục linh, trạch tả để thẩm lợi thấp nhiệt; thần khúc để tiêu thực hòa trung; bạch truật để kiện tỳ táo thấp. Phối hợp với nhau, không những có thể thanh trừ thấp nhiệt tích trệ, mà còn có khả năng phôi phục chức năng vận hóa của tỳ vị. Nên rất thích hợp với trường hợp thấp nhiệt thực trệ ngăn trở ở tràng vị, ngực bụng đầy tức, đau bụng đi lỵ.

        - Theo kết quả nghiên cứu hiện đại: Đại hoàng có tác dụng tả hạ thông tiện (tẩy), lại có thêm tính năng kháng khuẩn, mạnh dạ dày, nên có tác dụng trị liệu tốt đối với các chứng viêm dạ dày - ruột. Chỉ thực tăng nhu động dạ dày - ruột; hoàng cầm, hoàng liên đều có tác dụng ức chế vi khuẩn tương đối mạnh; thần khúc là thuốc có tác dụng hỗ trợ tiêu hóa tốt. Nhờ tác dụng hiệp đồng của các vị thuốc, toàn phương có tác dụng điều trị xác thực, đối với các chứng viêm nhiễm dạ dày - ruột kèm theo rối loạn tiêu hóa.

Lương y THÁI HƯ 

(Bài đã đăng trên tạp chí "Dược & Mỹ Phẩm" của Cục Quản lý dược - Bộ  y tế) 


Xin vui lòng ghi rõ nguồn "Thuốc vườn nhà - http://www.thuocvuonnha.com" khi phát hành lại thông tin.


Tuyên bố trách nhiệm:
Thông tin trên thuocvuonnha.com chỉ phục vụ nghiên cứu học tập và mở rộng kiến thức. Không sử dụng làm căn cứ để tiến hành chẩn trị trên lâm sàng. Thông tin trên thuocvuonnha.com có thể được trích dẫn, thu thập từ các ấn phẩm, các trang tin điện tử liên quan trong nước và ngoài nước. Nếu phát sinh vấn đề bản quyền, kính đề nghị phản hồi cho chúng tôi.

Viết bình luận

Để thuận tiện cho việc đăng tải, xin vui lòng nhập tiếng Việt có dấu.
Chúng tôi mong muốn nhận được những bình luận theo hướng mở rộng hoặc bổ sung thông tin liên quan đến bài viết.
Chúng tôi sẽ khóa những bình luận có ngôn từ mang tính kích động hoặc bất nhã.

  Đơn vị bảo trợ thông tin

ĐỐI TÁC - LIÊN KẾT
[ Lên đầu trang ]