Giải mã Đông y

Thiện trị giả, trị bì mao - Thầy giỏi, chữa bệnh ở da lông

Nguồn tin:  Thuốc vườn nhà
Cập nhật: 15/01/2013 07:52 CH

quế chi

1. Thế nào là một thầy thuốc giỏi?

    Tài năng của thầy thuốc có thể được đánh giá theo những tiêu chuẩn khác nhau.

    Thí dụ:

        - Sách "Chu Lễ" thời xưa phân chia thầy thuốc thành "thượng công" và "hạ công", căn cứ vào hiệu quả chữa bệnh. "Thượng công" là những thầy thuốc có y thuật cao siêu, chữa 10 người khỏi được tới 9; còn "hạ công" chỉ là những thầy thuốc bình thường, không có khả năng gì đặc biệt, chữa 10 người chỉ khỏi được 5-6.

        - Sách "Nạn Kinh" - một trong "Tứ đại kinh điển" của Đông y, thì xếp hạng thầy thuốc theo tài chẩn đoán bệnh. Theo đó, thầy thuốc được phân chia thành 4 đẳng cấp: Vọng - Nhìn mà biết được bệnh là bậc "thần y"; Văn - Nghe và ngửi mà biết được bệnh là bậc "thánh y"; Vấn - Hỏi han mà biết được bệnh là thầy thuốc giỏi - "y công"; Thiết - Bắt mạch và sờ nắn mà biết được bệnh là chỉ có kỹ xảo - "xảo y" (Vọng nhi tri chi, vị chi thần; Văn nhi tri chi, vị chi thánh; Vấn nhi tri chi, vị chi công; Thiết nhi tri chi, vị chi xảo).

        - Còn "Nội kinh" - bộ "thánh kinh" của Đông y học, thì đánh giá thầy thuốc căn cứ vào cách thức chữa bệnh ngoại cảm. Như thiên "Âm dương ứng tượng đại luận" sách Nội Kinh nhận định: "Phong tà chi chí... Thiện trị giả, trị bì mao, kỳ thứ trị cơ phu, kỳ thứ trị cân mạch, kỳ thứ trị lục phủ, kỳ thứ trị ngũ tạng. Trị ngũ tạng giả, bán tử bán sinh dã". Nghĩa là: "Khi phong tà xâm phạm tổn thương cơ thể... Người thầy thuốc giỏi, chữa trị ngay khi bệnh tà còn ở bì mao. Thầy thuốc trình độ thấp hơn, chờ đến khi bệnh tà đã vào cơ bắp mới chữa. Thầy thuốc trình độ thấp hơn nữa, chờ đến khi bệnh tà đã vào gân mạch mới chữa. Thầy thuốc còn kém hơn nữa, chờ đến khi bệnh tà đã vào tới lục phủ, mới chữa. Thầy thuốc kém hơn một mức nữa, mãi đến khi bệnh đã vào ngũ tạng mới chữa. Bệnh tà đã xâm nhập vào tới ngũ tạng, thì bệnh tình đã rất nghiêm trọng, khi đó mới tiền hành chữa trị, thì một nửa bị chết và chỉ có thể cứu sống được một nửa".

    Phương pháp đánh giá của "Chu Lễ" và "Nạn Kinh" tương đối rõ ràng và cũng dễ hiểu. Cách đánh giá của "Nội Kinh" cần suy ngẫm và phân tích thêm, mới có thể thấy rõ đầy đủ ý nghĩa.

    Đoạn trích dẫn từ sách "Nội Kinh" nói trên có 2 ý chính:

        - Thứ nhất, khi cơ thể cảm nhiễm ngoại tà, bệnh diễn biến "từ nông vào sâu", đi từ "bì mao" đến "cơ phu", rồi từ "cơ phu" tới "kinh mạch", từ "kinh mạch" vào "lục phủ", cuối cùng từ "lục phủ" vào tới "ngũ tạng".

        - Thứ hai, khi cảm nhiễm ngoại tà, cần sớm điều trị, nếu không bệnh tà sẽ từ nông đi vào sâu, từ bệnh nhẹ biến thành bệnh nặng, thậm chí bị lâm vào tình cảnh không thể cứu chữa.

    Như vậy, theo sách "Nội Kinh", thầy thuốc giỏi chữa bệnh, thấy ngoại tà vừa mới xâm nhập vào bì mao, liền thực thi ngay các biện pháp điều trị hữu hiệu. Nếu không điều trị kịp thời, hoặc chữa sai, chăm sóc không chu đáo, khiến bệnh tà từ bì mao thâm nhập sâu, làm tổn thương tạng phủ, thành loại bệnh nặng, diễn biến phức tạp, điều trị rất khó khăn và khả năng chữa khỏi bệnh đã giảm đi nhiều.

    Trải qua hàng ngàn năm lịch sử, Đông y đã sáng tạo ra rất nhiều phương pháp chữa bệnh độc đáo, đồng thời còn phát hiện ra một chân lý, dường như rất đơn giản, song lại có giá trị thực tiễn vô cùng quan trọng, đó là "Bệnh tật phải chữa trị kịp thời, ngay từ khi còn ở bì mao".

2. Chữa "bì mao" là việc phức tạp:

    "Bì mao", hiểu theo nghĩa đen là "da lông" ("bì" = da, "mao" = lông). Đông y thường dùng "bì mao" làm biểu tượng đại biểu cho các tổ chức bao bọc ngoài cùng của cơ thể, gọi là "thể biểu" hay thường gọi tắt là "biểu".

    Theo lý thuyết Tạng phủ Kinh lạc, "bì mao" - "thể biểu" liên quan mật thiết với tạng Phế (Phế chủ bì mao). Bì mao cùng tạng Phế, cấu thành hệ thống phòng vệ ở tuyến ngoài cùng của cơ thể. Bì mao - Thể biểu bền vững, Phế khí thịnh vượng, thì cơ thể có sức đề kháng cao, ngoại tà khó xâm nhập và khó gây nên bệnh đối với cơ thể. Ngược lại, bì mao lỏng lẻo, Phế khí yếu ớt, thì cơ thể dễ bị ngoại tà xâm phạm và gây nên bệnh.

    "Ngoại tà", trong Đông y chỉ sự biến đổi bất thường của khí hậu và có thể khiến nhân thể phát sinh bệnh tật. "Ngoại tà" được chia thành 6 loại: Phong, Hàn, Thử, Thấp, Táo, Hỏa; gọi chung là "lục dâm". Ngoại tà xâm nhập vào cơ thể, trước hết làm tổn hại đến phần "bì mao" (thể biểu), gây nên trạng thái bệnh lý mà Đông y gọi là "biểu chứng".

    "Biểu chứng" có thể có những diễn biến rất phức tạp. Vì khi ngoại tà lục dâm xâm phạm vào cơ thể, tùy theo đặc điểm thể chất (cơ địa), thói quen ăn uống, điều kiện sinh hoạt, giới tính, tuổi tác, ... của từng người, mà có thể dẫn tới những trạng thái bệnh lý hết sức khác nhau. Thí dụ, cùng là bị cảm nhiễm phải "phong hàn" (gió lạnh), ở những người vốn ít mồ hôi, thường hay xuất hiện các chứng trạng như phát sốt, sợ lạnh, không mồ hôi, ... Đông y gọi đó là "Biểu thực ngoại cảm", chữa trị cần dùng loại thuốc có tác dụng phát hãn mạnh, như "Ma hoàng thang". Còn đối với những người hay vã mồ hôi, sau khi nhiễm lạnh, thường hay xuất hiện các chứng trạng như phát sốt, sợ gió, ra mồ hôi, Đông y gọi đó là "Biểu hư ngoại cảm”, chữa trị cần "công bổ kiêm thi" - tiêu trừ ngoại tà kết hợp với củng cố cơ thể, bài thuốc thường dùng trường hợp này là "Quế chi thang".

    "Biểu chứng" thường xuất hiện trong giai đoạn đầu của bệnh cảm mạo. Cảm mạo là loại bệnh ngoại cảm thường gặp, 4 mùa đều có thể phát bệnh, nhưng hay gặp nhất trong 2 mùa Đông, Xuân. Cảm mạo nhẹ, trong Đông y gọi là "thương phong" (cảm gió), Tây y gọi là "cảm mạo thông thường" (common cold); trường hợp bệnh tình tương đối nặng, già trẻ trai gái đều có thể mắc bệnh và dễ lây lan trở thành dịch bệnh, trong Đông y gọi là "thương phong nặng" hay "thời hành cảm mạo", còn Tây y gọi đó là cúm (influenza; grippe).

    Cảm mạo, tuy thường bị coi là "bệnh nhẹ", "bệnh lặt vặt", ... nhưng trị liệu, trên thực tế lại rất phức tạp. Thực tế lâm sàng cho thấy, phải là thầy thuốc giỏi, chữa bệnh ngoại cảm mới mau khỏi và không để lại các biến chứng, các tác dụng phụ. Chính vì vậy, từ xưa y gia vẫn cho rằng, có thể căn cứ vào hiệu quả chữa bệnh ngoại cảm, để đánh giá trình độ cao thấp của người thầy thuốc.

3. Hai bài thuốc tiêu biểu chữa trị bì mao:

    (1) Ma hoàng thang

        - Thành phần: Ma hoàng 9g, quế chi 6g, hạnh nhân 9g, chích cam thảo 3g; sắc nước uống, uống khi thuốc còn nóng, sau đó đắp chăn ấm cho ra mồ hôi.

        - Tác dụng: Phát hãn giải biểu (làm ra mồ hôi, chữa biểu chứng).

        - Chủ trị: Chữa ngoại cảm phong hàn, thuộc loại hình "Biểu thực". Biểu hiện bởi chứng trạng chủ yếu: Phát sốt, sợ lạnh, không mồ hôi, đau đầu, đau mình mẩy, mạch phù khẩn hữu lực; hắt hơi, sổ mũi (nước mũi trong), miệng không khát, rêu lưỡi trắng mỏng.

        * Nghiên cứu hiện đại cho thấy, ma hoàng, quế chi, cam thảo có tác dụng ức chế nhất dịnh đối với vi rút cúm. Ma hoàng còn có tác dụng chống co thắt phế quản, khiến đường hô hấp được thông suốt. Hạnh nhân có tác dụng ức chế trung khu hô hấp, giảm ho. Trên lâm sàng "Ma hoàng thang" còn có thể dùng chữa viêm phổi giai đoạn đầu, viêm phế quả, hen phế quản, viêm mũi cấp tính, viêm mũi dị ứng, ...

        * Lưu ý: Không dùng "Ma hoàng thang" trong trường hợp cảm lạnh ra nhiều mồ hôi.

    (2) Quế chi thang

        - Thành phần: Quế chi 9g, thược dược 9g, sinh khương 9g, chích cam thảo 6g, đại táo 7 trái; sắc nước uống, uống khi thuốc còn nóng.

        - Tác dụng: Giải biểu, điều hòa doanh vệ.

        - Chủ trị: Chữa ngoại cảm phong hàn, thuộc loại hình " Biểu hư”. Biểu  hiện bởi chứng trạng chủ yếu: Phát sốt, sợ gió, mồ hôi tự ra (tự hãn), mạch phù hoãn. Có thể kèm theo một số chứng trạng khác như đầu đau, mũi tắc, hắt hơi, chảy nước mũi, miệng không khát, chất lưỡi không đỏ, rêu lưỡi trắng mỏng, nôn khan.

        * Kết quả nghiên cứu hiện đại cho thấy, "Quế chi thang" có tác dụng giải nhiệt, giảm đau, kháng viêm và an thần. Quế chi còn có tác dụng nâng cao ngưỡng chịu đau, giải trừ sự co thắt huyết quản.

        * Lưu ý: Nếu dùng "Quế chi thang" trong trường hợp "Biểu thực" (cảm lạnh không ra mồ hôi), hoặc nhiệt thịnh miệng khát, mạch sác, ... có thể dẫn tới biến chứng chảy máu mũi.

Lương y THÁI HƯ 

(Bài đã đăng trên tạp chí "Dược & Mỹ Phẩm" của Cục Quản lý dược - Bộ y tế) 


Xin vui lòng ghi rõ nguồn "Thuốc vườn nhà - http://www.thuocvuonnha.com" khi phát hành lại thông tin.


Tuyên bố trách nhiệm:
Thông tin trên thuocvuonnha.com chỉ phục vụ nghiên cứu học tập và mở rộng kiến thức. Không sử dụng làm căn cứ để tiến hành chẩn trị trên lâm sàng. Thông tin trên thuocvuonnha.com có thể được trích dẫn, thu thập từ các ấn phẩm, các trang tin điện tử liên quan trong nước và ngoài nước. Nếu phát sinh vấn đề bản quyền, kính đề nghị phản hồi cho chúng tôi.

Viết bình luận

Để thuận tiện cho việc đăng tải, xin vui lòng nhập tiếng Việt có dấu.
Chúng tôi mong muốn nhận được những bình luận theo hướng mở rộng hoặc bổ sung thông tin liên quan đến bài viết.
Chúng tôi sẽ khóa những bình luận có ngôn từ mang tính kích động hoặc bất nhã.

  Đơn vị bảo trợ thông tin

ĐỐI TÁC - LIÊN KẾT
[ Lên đầu trang ]