Giải mã Đông y

Sử dụng Đông dược như thế nào để tránh ngộ độc?

Nguồn tin:  Thuốc vườn nhà
Cập nhật: 04/05/2012 09:24 CH

Lâu nay, nhiều người vẫn thường quen cho rằng: "Thuốc Nam, Đông dược là thứ thuốc an toàn tuyệt đối". Có điều, thời gian gần đây, số trường hợp tai biến do sử dụng Đông dược ngày càng gia tăng và tính chất càng phức tạp. Trước thực tế đó, không ít người ngỡ ngàng, đặt ra câu hỏi: "Đông dược có an toàn hay không an toàn? Những nguyên nhân nào đã dẫn tới ngộ độc Đông dược?"

nhân sâm, nhân sâm việt nam

Để tham khảo, xin mạnh dạn trình bày một vài suy nghĩ:

(1) Đông y vốn coi trọng độc tính của thuốc:

    Thực ra, từ xưa, Đông y vốn đã rất coi trọng độc tính của thuốc, quan niệm: Đã là thuốc ắt có phần độc (thị dược tam phân độc). Cho nên, ngay trong "Thần Nông bản thảo kinh" (bộ sách thuốc cổ nhất của Đông y học), thành thư từ khoảng 2000 năm trước, đã chia dược liệu thành 3 loại: "Thượng phẩm", "Trung phẩm" và "Hạ phẩm". Trong đó nói rõ, những vị thuốc trong loại "Hạ phẩm" phần lớn là có độc tính cao, không thể uống lâu (đa độc, bất khả cửu phục); đồng thời cũng nói đến những cách bào chế, nhằm mục đích làm mất hoặc làm giảm độ độc của thuốc.

    Truyền thống coi trọng độc tính đó được truyền thừa cho đến ngày nay. Hiện tại, trong các sách thuốc chính thống của Đông y, trong phần nói về tính năng và tác dụng của vị thuốc, bao giờ cũng có đề cập tới độc tính. Cụ thể, về mặt độc tính, dược liệu được Đông y chia thành 3 loại: "Không độc", "Có độc" và "Hơi độc". Cho nên, trong phần tính năng của mỗi vị thuốc, đều ghi rõ: "Vô độc" (không độc), "Hữu độc" (có độc) hoặc "Hữu tiểu độc" (hơi độc).

    Tiếc rằng, để kích thích tiêu thụ, trong các quảng cáo, nhiều hãng dược phẩm đã khuyếch trương quá mức tính an toàn của các loại thuốc có nguồn gốc thiên nhiên, khiến người tiêu dùng lầm tưởng rằng, đã là thuốc thảo dược, đông dược, ắt là không độc.

    Có thể nói, quan niện sai lầm này là một trong những nguyên nhân quan trọng, khiến cho tình trạng ngộ độc Đông Nam dược trong những năm gần đây ngày càng nghiêm trọng.

(2) Tính an toàn của Đông dược có tính tương đối:

    Mặt khác, tính an toàn của Đông dược là khái niệm có tính tương đối. Như chúng ta biết, "ô đầu", "phụ tử", "mã tiền", "cà độc dược", "hạt thầu dầu", ... đều là những vị thuốc có chứa chất độc, chỉ cần vài mi-li-gam ô đầu đã có thể quật ngã một anh lực điền, chỉ cần vài gam hạt thầu dầu đã có thể giết chết một con bò nặng hàng trăm cân, ...

    Thế nhưng, trong các đơn thuốc chữa chứng bệnh "hàn tí" (phong thấp do hàn tà) của Đông y lại thường có "ô đầu", "phụ tử", và thực tế lâm sàng đã cho thấy, những đơn thuốc có chất độc như vậy vẫn có tác dụng điều trị tốt, mà lại không gây ra trúng độc.

    Trong khi đó, một số loại thuốc bổ, như "nhân sâm", "hoài sơn", "cam thảo", ... tuy bản thân không chứa chất độc, từng được "Thần Nông bản thảo kinh" suy tôn là thượng phẩm, nhưng nếu sử dụng không chính xác, vẫn có thể dẫn tới trúng độc, thậm chí chết người.

    Như vậy, độc tính của Đông dược là khái niệm có tính tương đối, tùy thuộc cách sử dụng có đúng hay không.

(3) Không tuân theo nguyên tắc "biện chứng luận trị":

    Đây chính là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến trúng độc Đông Nam dược.

    Như mọi người đều biết, trước khi kê đơn bốc thuốc cho bệnh nhân, thầy thuốc Đông y nhất thiết phải "vọng, văn, vấn, thiết" (dùng 4 phép chẩn đoán) để xác định "biểu - lý", "hàn - nhiệt", "hư - thực", ... Sau đó mới có thể "lập pháp dụng phương" (đưa ra phép chữa và kê ra đơn thuốc cụ thể).

    Ví dụ, vị thuốc "hoàng kỳ" là một vị thuốc "bổ khí" quan trọng trong Đông y, có phạm vi tác dụng tương đối rộng, có tác dụng rất tốt trong điều trị phù thũng do viêm thận mạn tính dạng "tỳ hư" (dùng độc vị hoàng kỳ hoặc phối hợp với một số vị thuốc khác tùy theo chứng trạng). Có điều, nếu dùng hoàng kỳ trong trường hợp viêm thận thể "âm hư nhiệt thịnh", thì sẽ làm bệnh càng thêm trầm trọng.

(4) Lẫn lộn khái niệm:

    Tây y và Đông y có một số nhiều khái niệm cùng tên, nhưng nội dung lại không giống nhau.

    Ví dụ, trong Tây y "thận" là một cơ quan cụ thể (hai quả thận), còn trong Đông y "thận" lại là một nhóm chức năng, bao gồm nhiều chức năng, như tiết niệu, sinh dục, nội tiết, ... Do đó không thể chỉ căn cứ vào bệnh danh Tây y mà sử dụng một vị thuốc hay phương thuốc Đông y nhất định để chữa.

    Thí dụ, thuốc bổ thận của Đông y thường không thể sử dụng trong điều trị "viêm thận" Tây y. Hay như khi bị "nhiễm trùng đường hô hấp trên", không thể nhất loạt sử dụng các loại thuốc giải độc của Đông y để chữa, mà trước hết phải tiến hành "vọng văn vấn thiết" để xác định thể bệnh, là "hư" hay "thực", "hàn" hay "nhiệt", ...

    Nếu dùng thuốc Đông dược theo kiểu rập khuôn máy móc, chẳng những không thể chữa khỏi bệnh, mà còn dẫn đến những hậu quả ngoài sự mong muốn.

(5) Phối hợp thuốc với nhau không thích đáng:

    Trên lâm sàng, Đông dược ít khi dùng đơn độc, các đơn thuốc thường là những tổ hợp của nhiều vị thuốc, rất ít khi chỉ dùng một vị.

    Các vị thuốc trong đơn thuốc được phối hợp với nhau theo phép tắc nhất định (gọi là "phối ngũ"). Nếu như các vị thuốc phối hợp với nhau không đúng với phép tắc "phối ngũ", có thể sinh ra tác dụng phụ hoặc là ngộ độc, Đông y gọi đó là hiện tượng "tương phản".

    Từ xưa Đông y đã phát hiện thấy rất nhiều vị thuốc có tính tương phản, thậm chí y gia còn đặt ra những bài vè (ca quyết) để phổ biến cho dễ ghi nhớ.

    Chẳng hạn, trong bài vè "Thập bát phản" (18 vị thuốc phản nhau) có nói "tế tân" dùng cùng với "lê lô" có thể dẫn đến trúng độc, điều này đã được kiểm chứng trên động vật thí nghiệm.

    Trường hợp sử dụng hai vị thuốc khiến cho hiệu lực của một vị thuốc bị giảm bớt hoặc mất tác dụng, thì Đông y gọi là "tương ố" (ghét nhau). Thí dụ, sử dụng nhân sâm với hạt củ cải, thì tác dụng bổ của nhân sâm sẽ bị giảm bớt.

    Ngoài ra, sử dụng đồng thời một số Đông dược và Tân dược, cũng có thể dẫn tới những hiện tượng "tương phản" hoặc "tương ố" tương tự như vậy.

(6) Không có bệnh dùng thuốc quá lâu:

    Cam thảo là vị thuốc rất "lành", rất thông dụng, cho nên mới nói là "thập phương cửu thảo" (trong 10 đơn thuốc Đông y có tới 9 đơn dùng cam thảo).

    Theo Đông y, cam thảo có tính vị bình hòa, có công dụng bổ hư tổn, thông 12 kinh mạch, giải trừ độc tính và điều hòa các vị thuốc, ... Thế nhưng, nếu sử dụng cam thảo quá lâu, vẫn có thể gây nên trúng độc. Một số báo cáo lâm sàng tại Trung Quốc cho biết, dùng riêng một vị cam thảo hoặc thuốc chế từ cam thảo liên tục trên 4-5 tuần, có thể bị chóng mặt, đau đầu và phù thũng.

    Trong thập niên 70, cam thảo đã từng bị tẩy chay ở Canada và Nhật Bản. Nhưng sau khi tiến hành điều tra, người ta đã phát hiện ra rằng, phần lớn những trường hợp ngộ độc đều là do lạm dụng cam thảo. Vì sợ béo phì, nhiều người đã sử dụng cam thảo làm chất ngọt thay thế cho đường, có người đã sử dụng liên tục nhiều năm, ...

(7) Sử dụng không đúng chỉ định và quá liều:

    Điển hình là những vụ ngộ độc mật cá trắm. Vài chục năm nay, cứ đến vụ thu hoạch cá cuối năm, báo chí lại đề cập đến những trường hợp tử vong do uống mật cá trắm. Mật cá trắm là vị thuốc đã được sử dụng từ lâu đời trong Đông y, nhưng chủ yếu là dùng bên ngoài; dùng uống trong phải qua bào chế, thường phối hợp với những vị thuốc khác và chỉ dùng với liều rất nhỏ.

    Thí dụ, trong "Nam dược thần hiệu", Tuệ Tĩnh nói tới cách chữa chứng họng mọc mụn sưng tê như sau: Mật cá trắm một cái, phơi khô, mỗi lần dùng một chút, hòa vào mật ong mà ngậm và nuốt dần. Nhưng không hiểu hiện nay một số người đã học được "kinh nghiệm" ở đâu, mà đã nuốt toàn bộ cả cái mật sống hoặc là hòa vào rượu uống luôn một lần, vì thế nên đã bị trúng độc, tử vong.

(8) Không nắm vững dạng thuốc và cách sắc thuốc:

    Trong Đông y có nhiều dạng thuốc, thuốc thang thường dùng chữa các bệnh cấp tính, thuốc hoàn thường đùng chữa các bệnh mạn tính, ... Có loại dược liệu cần ép lấy nước cốt uống tươi mới phát huy tác dụng, có loại lại cần đun kỹ với nước rồi mới uống, ...

    Thí dụ, có một tờ báo đã đưa tin về trường hợp cháu bé 11 tháng tuổi ở Tiền Giang bị ngộ độc do uống nước hoa sứ (hoa đại): "Nghe nói uống nước hoa sứ sẽ hết ho, thân nhân cháu đã lấy khoảng năm bông đem giã nát cho cháu uống. Sau nửa tiếng cháu ói mửa, toát mồ hôi, tím tái, khó thở, ..."

    Đúng là hoa đại có thể chữa một số dạng ho (không phải tất cả), nhưng phải sắc với nước rồi hòa thêm chút đường hoặc mật ong vào uống, chứ không phải "giã nát" cho uống sống như trường hợp trúng độc nói trên, lại càng không thể áp dụng đối với cháu bé mới 11 tháng!

    Có những vị thuốc cần sắc kỹ để trừ khử một số chất độc. Ví dụ, aconitine là một chất cực độc có trong "phụ tử", tuy nhiên sau khi đun liên tục khoảng 3-4 giờ, chất độc đó có thể bị phá huỷ hoàn toàn. Vì vậy đối với những thang thuốc có phụ tử, cần lấy riêng phụ tử ra sắc trước, sắc thật kỹ, sau đó mới cho các vị thuốc còn lại vào sắc, như vậy mới có thể tránh được trúng độc.


Từ những phân tích trên ta có thể thấy: Nguyên nhân trúng độc Đông dược chủ yếu do sử dụng không đúng phương pháp, không theo đúng y lý và dược lý của Đông y học. Không có thuốc an toàn tuyệt đối, thuốc Đông hay thuốc Tây đều như vậy cả, thuốc có thể chữa khỏi bệnh và cũng có thể dẫn tới trúng độc.

Đối với những vụ trúng độc Đông dược gần đây, xem ra không thể đổ lỗi hoàn toàn cho... bản thân vị thuốc! Không nên vì một số trường hợp ngộ độc, mà cho rằng tất cả các loại thuốc Đông y đều không an toàn.


Lương y THÁI HƯ  

(Bài đã đăng trên tạp chí "Dược & Mỹ Phẩm" của Cục Quản lý dược - Bộ y tế) 


Xin vui lòng ghi rõ nguồn "Thuốc vườn nhà - http://www.thuocvuonnha.com" khi phát hành lại thông tin.


Tuyên bố trách nhiệm:
Thông tin trên thuocvuonnha.com chỉ phục vụ nghiên cứu học tập và mở rộng kiến thức. Không sử dụng làm căn cứ để tiến hành chẩn trị trên lâm sàng. Thông tin trên thuocvuonnha.com có thể được trích dẫn, thu thập từ các ấn phẩm, các trang tin điện tử liên quan trong nước và ngoài nước. Nếu phát sinh vấn đề bản quyền, kính đề nghị phản hồi cho chúng tôi.

Viết bình luận

Để thuận tiện cho việc đăng tải, xin vui lòng nhập tiếng Việt có dấu.
Chúng tôi mong muốn nhận được những bình luận theo hướng mở rộng hoặc bổ sung thông tin liên quan đến bài viết.
Chúng tôi sẽ khóa những bình luận có ngôn từ mang tính kích động hoặc bất nhã.

  Đơn vị bảo trợ thông tin

ĐỐI TÁC - LIÊN KẾT
[ Lên đầu trang ]