Hỏi đáp Thuốc vườn nhà

Rễ củ bạt khế (kim cang) hỗ trợ điều trị ung thư?

Nguồn tin:  Thuốc vườn nhà
Cập nhật: 28/05/2012 08:38 CH

Hỏi:

Địa phương tôi, một số người thường khai thác cây bạt khế đem bán sang Trung Quốc. Tôi nghe nói, rễ củ cây này chữa đau nhức rất tốt và có thể chữa cả ung thư. Tôi có chú em bị ung thư thực quản mới điều trị phóng xạ ở Hà Nội về, nên cũng muốn cho dùng thử. Vì vậy, đề nghị "Thuốc vườn nhà" giới thiệu cho biết, cây bạt khế có tác dụng chữa ung thư không? Phương pháp sử dụng cụ thể như thế nào?

Nguyễn Văn Bình, Bình Liêu, Quảng Ninh

Đáp:

bạt khế, bạt kháp, kim cang, kim cương đằng, kim cương cốt, mã gia lặc, Smilax china L.

Cây "bạt khế" bạn hỏi, còn có tên là "bạt kháp", "kim cang", "kim cương đằng", "kim cương cốt", "mã gia lặc", ... tên khoa học là Smilax china L., thuộc Họ Kim Cang (Smilacaceae).

Bạt khế là một loài dây leo, sống nhiều năm, dài 0,7-2m, phân nhánh, thân có gai ngắn, giòn. Lá không có gai, mọc so le, hình trái xoan hoặc bầu dục thuôn, dài 5-7cm, rộng 2-5cm, nhẵn, đầu có mũi, có 3-5 gân gốc, tua quấn ngắn, có khi thu lại thành mụn. Hoa đơn tính khác gốc (hoa đực, hoa cái khác nhau), màu xanh vàng, thường xếp 10 cái thành tán đơn ở nách lá. Quả mọng tròn màu đỏ, to 8-10mm, chứa 3 hạt. Rễ củ thuôn dài 15-16cm, to nhỏ không đều, dáng tựa củ ấu, có cạnh, cứng chắc, vỏ sần sùi, màu nâu sẫm, có rễ con rắn như gai; thịt củ màu đỏ như máu, lúc tươi vị chát.

Cây mọc hoang khắp vùng rừng núi, đồi trọc ở nhiều nơi, nhiều nhất ở các tỉnh biên giới phía Bắc nước ta. Cây còn phân bố ở Nhật bản, Trung quốc, Ấn Độ, Lào, ...

Để dùng làm thuốc thường dùng củ, ngoài ra còn sử dụng cả lá. Củ rễ thu hái về, thường ngâm nước vo gạo một đêm, rửa sạch, rồi phơi khô. Khi dùng thái lát mỏng, tẩm rượu hoặc muối, sao qua.

Theo Đông y: Củ rễ bạt khế có vị ngọt, tính ấm; vào 2 kinh Can và Thận. Có tác dụng trừ phong thấp, lợi tiểu tiện, tiêu thũng độc. Chủ trị khớp xương đau nhức, da thịt tê bì, ỉa chảy, đi lỵ, phù thũng, tiểu tiện nhỏ giọt đau buốt, ...

Dân gian ở nước ta thường dùng thân rễ bạt khế chữa bệnh lậu, ghẻ lở, nhọt độc, phong thấp, nhức mỏi, đau nhức xương. Ngày dùng 20-30g sắc uống.

Tại Ấn Độ, người ta dùng thân rễ chữa thấp khớp mạn tính, giang mai và bệnh ngoài da. Tại Trung Quốc, rễ củ dùng chữa loét dạ dày, loét thực quản, loét trực tràng, loét cổ tử cung, loét mũi họng, viêm bụng sinh u, phong thấp đau xương, đái tháo đường (có thể dùng lá tươi, sắc uống thay trà), viêm ruột ỉa chảy, kiết lỵ, thận hư đái tháo.

Đối với ung thư: Sách "Trung dược đại từ điển" (Thượng Hải Khoa học Kĩ thuật XBX, 1979), có tóm tắt kết quả nghiên cứu lâm sàng, về tác dụng hỗ trợ điều trị ung thư của rễ củ bạt khế, thực hiện tại Bệnh viện số 1, thành phố Phúc Châu, tỉnh Phúc Kiến. Nội dung tóm tắt như sau:

    "Dùng củ bạt kháp (bạt khế) rửa sạch, thái lát, phơi trong bóng râm cho khô. Mỗi ngày dùng 250-500g, ngâm trong 4 lít nước 1 giờ, rồi nấu nhỏ lửa trong 3 giờ; sau bỏ bã, chắt lấy nước thuốc, nấu với 30-60g thịt lợn trong 1 giờ; sau khi nấu còn độ 500ml, chia ra vài lần uống và ăn cả thịt trong ngày. Do trong rễ củ bạt khế có các hợp chất chứa saponin và tanin, có tác dụng kích thích niêm mạc dạ dày, ruột, gây buồn nôn hoặc nôn, nên khi dùng đem nấu với thịt lợn, để làm giảm bớt tác động kích thích".

Thử nghiệm sử dụng thuốc đối với 200 ca, bao gồm các bệnh nhân ung thư dạ dày, ung thư thực quản, ung thư trực tràng, ung thư vú, ung thư cổ tử cung và ung thư mũi họng. Kết quả cho thấy:

    "Đối với ung thư dạ dày và thực quản, thuốc có tác dụng tương đối tốt. Sau khi dùng thuốc, bệnh nhân ăn ngon miệng hơn, bớt nôn, thực quản đỡ nghẽn tắc, lượng hồng cầu và bạch cầu tăng lên; còn có tác dụng tăng cường thể lực, giảm đau và an thần ở mức độ nhất định. Có 45 ca có tác dụng tốt trong thời gian ngắn, bệnh tình cải thiện rõ ràng; có trường hợp bệnh khỏi hoàn toàn; có trường hợp cả năm không xuất hiện các chứng trạng bệnh lý. Ở một số ít bệnh nhân kích thước khối u giảm, nhưng đại đa số kích thước khối u không thay đổi".

Phân tích theo cách phân loại chứng trạng của Đông y: Thuốc tương đối thích hợp với những bệnh nhân có thể chất thuộc loại hình "tỳ vị hư hàn". Với loại hình này, sau khi uống thuốc dạ dày, ruột cảm giác dễ chịu hơn, bụng đỡ trướng, ăn ngon miệng hơn, giảm rỗ rệt hiện tượng chảy nước dãi ở bệnh nhân ung thư thực quản. Ngược lại, đối với các bệnh nhân thể chất thuộc loại hình "âm suy thiên nhiệt", sau khi dùng thuốc thường dẫn đến khô miệng, phiền táo, bí đại tiện, tiểu đỏ, loét niêm mạc miệng, hoặc tiểu tiện ra máu, xuất huyết dạ dày ruột. Do đó, đối với những bệnh nhân sau khi điều trị bằng phóng xa, nếu có những biểu hiện thiên về nhiệt, không nên sử dụng củ bạt khế chữa theo cách trên.

Tóm lại: Rễ củ bạt khế có tác dụng hỗ trợ trị liệu nhất định đối với bệnh ung thư thực quản. Tuy nhiên, trước khi sử dụng thử, bạn nên đưa người em đi khám Đông y, để được các thầy thuốc xác định xem thể chất thuộc loại hình nào. Có như vậy, dùng thuốc mới có kết quả và tránh những tác dụng phụ ngoài sự mong muốn.

Lương y HUYÊN THẢO


Xin vui lòng ghi rõ nguồn "Thuốc vườn nhà - http://www.thuocvuonnha.com" khi phát hành lại thông tin.


Tuyên bố trách nhiệm:
Thông tin trên thuocvuonnha.com chỉ phục vụ nghiên cứu học tập và mở rộng kiến thức. Không sử dụng làm căn cứ để tiến hành chẩn trị trên lâm sàng. Thông tin trên thuocvuonnha.com có thể được trích dẫn, thu thập từ các ấn phẩm, các trang tin điện tử liên quan trong nước và ngoài nước. Nếu phát sinh vấn đề bản quyền, kính đề nghị phản hồi cho chúng tôi.

Viết bình luận

Để thuận tiện cho việc đăng tải, xin vui lòng nhập tiếng Việt có dấu.
Chúng tôi mong muốn nhận được những bình luận theo hướng mở rộng hoặc bổ sung thông tin liên quan đến bài viết.
Chúng tôi sẽ khóa những bình luận có ngôn từ mang tính kích động hoặc bất nhã.

  Đơn vị bảo trợ thông tin

ĐỐI TÁC - LIÊN KẾT
[ Lên đầu trang ]