Hỏi đáp Thuốc vườn nhà

Rau mồng tơi - Vị thuốc quý

Nguồn tin:  Thuốc vườn nhà
Cập nhật: 12/01/2012 08:26 CH

Hỏi:

Tôi hay bị táo bón và đi đái dắt. Có người mách là có thể sử dụng rau mồng tơi để chữa. Rất mong "Thuốc vườn nhà" cho biết, dùng rau mồng tơi có thể chữa được bệnh của tôi hay không? Ngoài ra, rau mồng tơi còn có những tác dụng gì khác?

Nguyễn Đình Minh, Tân Lạc, Hòa Bình

Đáp:

mồng tơi, tơi tía, tầm tơi, lạc quỳ, đằng quỳ, đằng nhi thái, hồ yên chi, yến chi thái

Mồng tơi vốn là loài rau mọc hoang dại và đã được sử dụng làm thuốc từ thời xưa. Cây còn có tên là "tơi tía"; sách thuốc của Tuệ Tĩnh gọi mồng tơi là "tầm tơi"; sách thuốc Trung Quốc gọi là "lạc quỳ". Do mồng tơi là loài dây leo nên còn có tên là "đằng quỳ" (đằng = dây leo), "đằng nhi thái". Quả mồng tơi chín có màu đỏ tím, bóp ra có chất dịch màu đỏ như son, có thể sử dụng để nhuộn vải hoặc trang điểm nên gọi là "hồ yên chi", "yến chi thái".

Theo Đông y: Rau mồng tơi có vị chua ngọt, tính lạnh, không độc, vào 5 kinh Tâm, Can, Tỳ, Đại tràng và Tiểu tràng. Có tác dụng thanh nhiệt, hoạt tràng, lương huyết, giải độc. Dùng chữa đại tiện bí kết, đại tiện xuất huyết, tiểu tiện không thông, đái dắt, đái nhỏ giọt, kiết lỵ, ban chẩn, đinh sang, ...

Một số bài thuốc có sử dụng mồng tơi:

    (1) Đại tiện táo bón: Dùng mồng tơi 500g, thêm mắm muối, tương, giấm, nấu thành món canh ăn trong bữa cơm, sau vài ngày đại tiện sẽ thông.

    (2) Đại tiện xuất huyết kinh niên: Rau mồng tơi 30g, gà mái già 1 con (bỏ đầu, chân, nội tạng), hầm lên ăn (sau khi thịt gà chín cho mồng tơi vào nấu thêm 20 phút là được).

    (3) Tiểu tiện không thông suốt, đái dắt, đái nhỏ giọt: Dùng rau mồng tơi tươi 70-100g, sắc nước uống thay trà trong ngày.

    (4) Chảy máu mũi do huyết nhiệt: Dùng mồng tơi tươi, giã nát, dùng bông thấm nước cốt nhét vào lỗ mũi.

    (5) Ngực bồn chồn, đầy tức: Rau mồng tơi 60g, sắc lấy nước đặc, hòa thêm chút rượu trắng vào uống (uống ấm).

    (6) Khớp xương tay chân đau nhức do phong thấp: Rau mồng tơi cả cây 50-100g, móng chân giò 1 cái, hầm với nước và rượu cho chín làm món ăn trong bữa cơm hàng ngày.

    (7) Chữa bỏng: Dùng mồng tơi tươi, giã nát, lấy nước bôi lên chỗ da bị bỏng.

    (8) Lợi sữa: Phụ nữ sau khi sinh ít sữa, thường xuyên ăn rau mồng tơi sữa sẽ nhiều.

    (9) Chữa đinh nhọt: Dùng lá rau mồng tơi tươi, giã nát, đắp vào chỗ bị bệnh, ngày thay thuốc 2-3 lần.

    (10) Ngoại thương xuất huyết: Dùng rau mồng tơi trộn với đường phèn, giã nát, đắp vào chỗ bị thương.

Lương y HƯ ĐAN


Xin vui lòng ghi rõ nguồn "Thuốc vườn nhà - http://www.thuocvuonnha.com" khi phát hành lại thông tin.


Tuyên bố trách nhiệm:
Thông tin trên thuocvuonnha.com chỉ phục vụ nghiên cứu học tập và mở rộng kiến thức. Không sử dụng làm căn cứ để tiến hành chẩn trị trên lâm sàng. Thông tin trên thuocvuonnha.com có thể được trích dẫn, thu thập từ các ấn phẩm, các trang tin điện tử liên quan trong nước và ngoài nước. Nếu phát sinh vấn đề bản quyền, kính đề nghị phản hồi cho chúng tôi.

Viết bình luận

Để thuận tiện cho việc đăng tải, xin vui lòng nhập tiếng Việt có dấu.
Chúng tôi mong muốn nhận được những bình luận theo hướng mở rộng hoặc bổ sung thông tin liên quan đến bài viết.
Chúng tôi sẽ khóa những bình luận có ngôn từ mang tính kích động hoặc bất nhã.

  Đơn vị bảo trợ thông tin

ĐỐI TÁC - LIÊN KẾT
[ Lên đầu trang ]