Hỏi đáp Thuốc vườn nhà

Nước rửa bát từ bồ kết có độc hay không?

Nguồn tin:  Thuốc vườn nhà
Cập nhật: 21/01/2016 09:34 SA

Hỏi:

Gần đây tôi đọc được cách làm nước rửa bát từ các nguyên liệu tự nhiên không hóa chất như sau: 5-6 củ sả cắt khúc, 100-150g bồ kết rửa sạch rồi nướng thơm bẻ nhỏ, vỏ 1 quả bưởi ngâm rửa sạch cắt miếng; cho vào nồi đun xâm xấp nước cho đến khi nước thôi ra có vẻ đặc và sẫm màu; để nguội vắt bã bỏ đi. Tôi đã thử nghiệm và thấy nước đun ra dùng để rửa bát rất sạch dầu mỡ, thân thiện với môi trường. Tuy nhiên tôi nghe nói trong bồ kết có độc tố, vậy xin được hỏi "Thuốc vườn nhà" có ảnh hưởng gì đến sức khỏe con người nếu sử dụng làm nước rửa bát như trên không?

Kiều Thu, Hà Nội

Đáp:

bồ kết, cây bồ kết, quả bồ kết

Theo Đông y: Quả bồ kết (tạo giáp, trư nha tạo) có vị cay, mặn; tính ôn hơi có độc (có sách nói là "độc"); vào các kinh Thủ thái âm Phế, Túc thiếu âm Thận và Thủ dương minh Đại trường. Có năng lực thông khiều, tiêu đờm, sát trùng, làm cho hắt hơi; chủ trị trúng phong cấm khẩu, phong tê, tiêu đồ ăn, đờm xuyễn thũng, sáng mắt, ích tinh, ...

Cách dùng, liều dùng: Sắc uống từ 1,5-5g; nghiền mịn uống từ 1-1,5g; dùng ngoài lượng thích hợp.

Bồ kết đã được sử dụng từ lâu đời trong dân gian; hiện nay đã có nhiều công trình nghiên cứu về thành phần hóa học, cũng như tác dụng Dược lý và Độc lý của bồ kết.

Theo "Trung Dược đại từ điển" và "Trung Hoa Bản thảo" - những bộ từ điển có uy tín bậc nhất hiện nay ở Trung Quốc:

    - Thành phần hóa học của trái bồ kết bao gồm: Gledinin, gledigenin, gleditschia saponin; ced alcohol, nonacosane, hepta-cosane, stigmasterol, sitosterol, tannin, ...

    - Độc tính:

    (1) Bồ kết có độc tính rất cao đối với các loại cá. Nhưng độc tính đối với động vật bậc cao (bao gồm con người) thì độc tính, cũng như khả năng hấp thụ bồ kết rất thấp. Cho nên y thư cổ mới viết "hữu tiểu độc" - nghĩa là chỉ hơi độc.

    (2) Tác hại chủ yếu của bồ kết là kích thích niêm mạc cục bộ, làm tăng sự tiết dịch.

    (3) Dùng bồ kết liều cao, dưới dạng thuốc sắc, có thể gây kích thích mạnh và dẫn đến tổn thương niêm mạc dạ dày. Những người bị viêm loét dạ dày cần rất thận trọng khi sử dụng, độc tố trong nước sắc có thể thẩm thấu qua vết loét và gây tác hại đối với cơ thể. Triệu chứng trúng độc trong trường hợp này là sau khoảng 10 phút sẽ nôn mửa, rồi ỉa chảy.

    (4) Bồ kết có độc tính cao nhất đối với người khi sử dụng dưới dạng thuốc tiêm: Gây trúng độc toàn thân, làm tan tế bào máu, kích thích thần kinh gây co giật, tê liệt, thậm chí tử vong.

Từ những thông tin trên có thể thấy: "Nước rửa bát" trong thành phần có bồ kết mà bạn hỏi, nói chung không thể gây trúng độc hoặc làm ảnh hưởng đến sức khỏe của người sử dụng.

Nhân tiện cũng xin được nói thêm: Từ xưa dân gian còn dùng loại nước tương tự như trên để gội đầu mà cũng chưa thấy có trường hợp nào trúng độc.

Trái và cây bồ kết còn có nhiều công dụng khác, kính mời Quý bạn đọc tham khảo thêm một số bài viết đã được đăng tải trên website của "Thuốc vườn nhà":

    (1) Bồ kết chữa mụn trứng cá bọc: http://www.thuocvuonnha.com/c/bo-ket-chua-mun-trung-ca-boc/my-pham-tu-thien-nhien

    (2) Bồ kết chữa bí đại tiện và nhiều chứng bệnh khác: http://www.thuocvuonnha.com/c/bo-ket-chua-bi-dai-tien-va-nhieu-chung-benh-khac/thuoc-vuon-nha


Lương y HUYÊN THẢO


Xin vui lòng ghi rõ nguồn "Thuốc vườn nhà - http://www.thuocvuonnha.com" khi phát hành lại thông tin.


Tuyên bố trách nhiệm:
Thông tin trên thuocvuonnha.com chỉ phục vụ nghiên cứu học tập và mở rộng kiến thức. Không sử dụng làm căn cứ để tiến hành chẩn trị trên lâm sàng. Thông tin trên thuocvuonnha.com có thể được trích dẫn, thu thập từ các ấn phẩm, các trang tin điện tử liên quan trong nước và ngoài nước. Nếu phát sinh vấn đề bản quyền, kính đề nghị phản hồi cho chúng tôi.

Viết bình luận

Để thuận tiện cho việc đăng tải, xin vui lòng nhập tiếng Việt có dấu.
Chúng tôi mong muốn nhận được những bình luận theo hướng mở rộng hoặc bổ sung thông tin liên quan đến bài viết.
Chúng tôi sẽ khóa những bình luận có ngôn từ mang tính kích động hoặc bất nhã.

  Đơn vị bảo trợ thông tin

ĐỐI TÁC - LIÊN KẾT
[ Lên đầu trang ]