Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam: Cơ sở lý luận về tìm thuốc và tác dụng của thuốc theo Đông y (Kỳ 2)

Nguồn tin:  Thuốc vườn nhà
Cập nhật: 29/01/2015 08:03 CH

>> Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam: Một số điểm cần chú ý khi sử dụng thuốc Nam

>> Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam: Cơ sở lý luận về tìm thuốc và tác dụng của thuốc theo Đông y (Kỳ 1)

những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam, giáo sư tiến sĩ Đỗ Tất Lợi

D. Phân loại thuốc trong Đông y

Việc phân loại thuốc theo Đông y thay đổi tùy theo từng thời kỳ và tùy theo sự hiểu biết của người ta về vị thuốc.

Từ xưa đến nay đã có những lối phân loại chủ yếu sau đây:

1. Trong bộ "Thần Nông bản thảo" (một bộ sách thuốc cổ nhất của Đông y) người ta ghi chép tất cả 365 vị thuốc chia làm 3 loại: Thượng phẩm, trung phẩm và hạ phẩm.

    Thuốc thượng phẩm gồm các vị thuốc có tác dụng mà lại không độc.

    Thuốc trung phẩm gồm các vị thuốc có tác dụng nhưng có độc.

    Thuốc hạ phẩm gồm những vị thuốc có tác dụng nhưng rất độc.

2. Về sau trong bộ "Lôi Công dược đối", người ta lại chia thuốc ra làm 10 loại:

    Tuyên (giải rộng ra), thông, bổ, tiết, khinh, trọng, sáp, hoạt, táo, thấp. Về sau có người gọi lối phân loại đó là thập tễ.

    Dù sao lối phân loại này cũng giống như trong "Thần Nông bản thảo", chia thuốc theo tính chất chữa bệnh.

3. Đến đời nhà Minh (Trung Quốc) Lý Thời Trân trong bộ sách của ông là "Bản thảo cương mục", đã chia thuốc làm 16 bộ là:

    Thủy (thuốc lỏng như nước), hỏa (lửa), thổ (thuốc thuộc về đất), kim (kim loại), mộc (cây), thạch (đá), thảo (cỏ), cốc (ngũ cốc), thái (rau), quả, phục khí (gấm vải, bông, áo của người có bệnh), trùng (sâu bọ), lân (thuốc lấy ở giống vật có vẩy), giới (động vật có vỏ như con trai, con cua), cầm (chim), thú (giống vật), nhân (người).

    Mỗi bộ lại chia nhỏ thành mấy loại như bộ thảo lại chia ra sơn thảo (cỏ núi), phương thảo (cỏ có mùi thơm), thấp thảo (cỏ mọc nơi ẩm ướt), độc thảo (cỏ có độc), mạn thảo (cỏ leo), thủy thảo (cỏ mọc dưới nước), thạch thảo (cỏ mọc trên đá), thai (rêu), tạp thảo (linh tinh).

    Như vậy là đến Lý Thời Trân bắt đầu phân loại theo hình thái vị thuốc. Lối phân loại theo tác dụng chữa bệnh giúp cho người làm công tác điều trị, còn lối phân loại theo hình thái giúp cho người tìm thuốc và phân loại tốt xấu.

    Ở nước ta, từ thế kỷ thứ 17, Tuệ Tĩnh (1) tác giả bộ sách "Nam dược thần hiệu", đã phối hợp cả hai lối phân loại; mở đầu bộ sách Tuệ Tĩnh phân loại thuốc theo hình thái thành 23 loại thuốc: Loại cỏ hoang, loại cỏ dây, loại cỏ nước, loại ngũ cốt, loại chim .v.v.; những phần sau, Tuệ Tĩnh phân loại thuốc theo tật bệnh do đó cả thầy thuốc lẫn người tìm thuốc đều dễ sử dụng.

4. Trong các tập bản thảo, người ta còn giới thiệu chất thuốc theo hàn, nhiệt (thuốc nóng, thuốc lạnh), hay thuốc vào kinh lạc này hay kinh lạc khác. Muốn hiểu cách phân loại này cần hiểu qua cơ sở lý luận về Âm Dương Ngũ hành của Đông y.

(1) Trước đây có ý kiến cho rằng Tuệ Tĩnh sống và hoạt động vào thế kỷ XIV, nhưng qua nghiên cứu của chúng tôi và một số nhà nghiên cứu khác, Tuệ Tĩnh sống và hoạt động vào thế kỷ XVII (Nghiên cứu lịch sử số 3, 1986, tr. 42-45).

E. Khái niệm về cơ sở lý luận trong Đông y

Ở đây chúng tôi chỉ đóng khung trong việc giới thiệu những cơ sở lý luận có liên quan tới tác dụng của vị thuốc, mà không đi sâu vào việc vận dụng những lý luận đó trong điều trị.

Chúng ta biết rằng hiện nay trong giới Đông y có những người chỉ biết một số đơn thuốc gia truyền kinh nghiệm, nhưng cũng lại có rất nhiều người trong khi điều trị tìm thuốc chế thuốc đều hay vận dụng những cơ sở lý luận rất đặc biệt của Đông y.

Lý luận đó đúng sai thế nào, dần dần khoa học sẽ xác minh. Chỉ biết rằng hiện nay những nhà Đông y đã vận dụng lý luận ấy để chữa khỏi một số bệnh và đã phát hiện một số thuốc mới. Cho nên chúng tôi nghĩ rằng ta nên tìm hiểu tiếng nói của những nhà Đông y để có thể gần gũi họ mà học tập để rồi trên cơ sở những kinh nghiệm của họ, thừa kế và phát huy theo khoa học hiện đại.

Điều đáng chú ý là cơ sở lý luận của Đông y đã có từ lâu mà không thay đổi cho nên có điều còn đúng, có điều đã sai rồi, không nên cái gì cũng coi là sai cả hay đúng cả.

Các nhà Đông y coi người và hoàn cảnh là một khối thống nhất. Con người chẳng qua cũng là cơ năng của trời và đất thu nhỏ lại (nhân thân tiểu thiên địa). Cơ sở lý luận của Đông y dựa vào quan niệm vũ trụ chung trong triết học Á đông hồi xưa. Quan niện về vũ trụ này bao trùm nhiều ngành khoa học cổ khác như khí tượng, tử vi, địa lý, .v.v.

Theo quan niệm này vũ trụ khi mới sinh ra là một khối rất lớn gọi là thái cực: Thái cực biến hóa sinh ra 2 nghi (Lưỡng nghi) là Âm và Dương. Âm Dương kết hợp lại với nhau để sinh ra 5 hành (Ngũ hành) là Kim, Mộc, Thủy, HỏaThổ.

Ngũ hành sẽ lại kết hợp với nhau để tạo ra ba lực lượng bao trùm vũ trụ (tam tài) là Thiên (trời), Địa (đất) và Nhân (con người). Trong mỗi lực lượng này lại có sự kết hợp chặt chẽ và cân bằng giữa Âm Dương, Ngũ hành. Nếu thiếu sự cân bằng giữa Âm và Dương trong mỗi lực lượng hoặc thiếu sự cân bằng giữa ba lực lượng đó người ta sẽ mắc bệnh. Việc điều trị bệnh tật chẳng qua là lập lại được sự cân bằng của Âm Dương trong con người, giữa con người và trời đất.

Sau đây xin giới thiệu tương đối chi tiết hơn về Âm Dương Ngũ hành là cơ sở của cả quan niệm về vũ trụ và vận dụng trong Đông y.

thái cực đồ

G. Thuyết Âm Dương

Căn cứ nhận xét lâu đời về giới tự nhiên, người xưa đã nhận xét thấy sự biến hóa không ngừng của sự vật (Thái cực sinh Lưỡng nghi, Lưỡng nghi sinh Tứ tượng, Tứ tượng sinh Bát quái. Lưỡng nghiÂmDương; Tứ tượngThái âm, Thái dương, Thiếu âmThiếu dương; Bát quáiCàn, Khảm, Cấn, Chấn, Tốn, Ly, KhônĐoài).

Người ta còn nhận xét thấy rằng cơ cấu của sự biến hóa không ngừng đó là ức chế lẫn nhau, giúp đỡ ảnh hưởng lẫn nhau, nương tựa lẫn nhau và thúc đẩy lẫn nhau.

Để biểu thị sự biến hóa không ngừng và quy luật của sự biến hóa đó người xưa đặt ra Thuyết Âm Dương.

Âm Dương không phải là một thứ vật chất cụ thể nào, mà là thuộc tính mâu thuẫn nằm trong tất cả mọi vật. Nó giải thích hiện tượng mâu thuẫn chi phối mọi sự biến hóa và phát triển của sự vật.

Nói chung, phàm cái gì có tính cách hoạt động, hưng phấn, tỏ rõ, ở ngoài, hướng lên, tiến lên, vô hình, nóng nực, sáng chói, rắn chắc, tích cự, đều thuộc Dương.

Tất cả những cái gì trầm tĩnh, ức chế, mờ tối, ở trong, hướng xuống, lùi lại, hữu hình, lạnh lẽo, đen tối, nhu nhược, tiêu cực đều thuộc Âm.

Từ cái lớn nhất như Trời, Đất, Mặt trời, Mặt trăng, đến cái nhỏ như con sâu, con bọ, cây cỏ đều được quy vào Âm Dương.

Ví dụ về thiên nhiên thuộc Dương ta có thể kể: Mặt trời, ban ngày, xuân, hè, đông, nam, phía trên, phía ngoài, nóng, lửa, sáng.

Thuộc Âm ta có: Mặt trăng, ban đêm, thu, đông, tây, bắc, phía dưới, phía trong, lạnh, nước, tối.

Trong con người, Dương là mé ngoài, sau lưng, phần trên, lục phủ, khí, vệ; Âm là mé trong, trước ngực và bụng, phần dưới, ngũ tạng, huyết, vinh.

Về bệnh tật thuộc Dương thường khô khan, táo, ôn nhiệt, tiến mạnh, hay động, cấp tính, kinh giật. Bệnh thuộc Âm thường ẩm thấp, nhuận, hàn, lạnh, giảm thoát, trầm tĩnh, suy yếu, mãn tính, tê liệt.

Âm Dương tuy bao hàm ý nghĩa đối lập, mâu thuẫn nhưng còn bao hàm cả ý nghĩa nguồn gốc ở nhau mà ra nữa, hỗ trợ chế ức nhau mà tồn tại, không thể chỉ có Âm hoặc chỉ có Dương. Trong hình vẽ hình tượng Âm và Dương người ta vẽ hai phần bằng nhau Đen và Trắng, Trắng là Dương, Đen là Âm, nhưng trong phần Trắng có một điểm Đen, trong phần Đen có một điểm Trắng có nghĩa là trong Âm có mầm mống Dương và trong Dương có sẵn mầm mống của Âm rồi.

Người xưa thường nói Âm ở trong để giữ gìn cho Dương, Dương ở ngoài để giúp đỡ cho Âm. Hoặc có Âm mà không có Dương, hay có Dương mà không có Âm thì tất nhiên một mình Âm không thể phát sinh được, một mình Dương không thể trưởng thành được.

Lại có người nói, trong Âm có Âm Dương, trong Dương cũng có Âm Dương, Âm đến cực độ sinh ra Dương, Dương đến cực độ sinh ra Âm tức là hàn đến cực độ sinh ra nhiệt, nhiệt đến cực độ sinh ra hàn.


>> Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam: Cơ sở lý luận về tìm thuốc và tác dụng của thuốc theo Đông y (Kỳ 3)

>> Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam: Cơ sở lý luận về tìm thuốc và tác dụng của thuốc theo Đông y (Kỳ 4)


Theo "Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam"

Tác giả: Giáo sư Tiến sĩ khoa học ĐỖ TẤT LỢI


Xin vui lòng ghi rõ nguồn "Thuốc vườn nhà - http://www.thuocvuonnha.com" khi phát hành lại thông tin.


Tuyên bố trách nhiệm:
Thông tin trên thuocvuonnha.com chỉ phục vụ nghiên cứu học tập và mở rộng kiến thức. Không sử dụng làm căn cứ để tiến hành chẩn trị trên lâm sàng. Thông tin trên thuocvuonnha.com có thể được trích dẫn, thu thập từ các ấn phẩm, các trang tin điện tử liên quan trong nước và ngoài nước. Nếu phát sinh vấn đề bản quyền, kính đề nghị phản hồi cho chúng tôi.

Viết bình luận

Để thuận tiện cho việc đăng tải, xin vui lòng nhập tiếng Việt có dấu.
Chúng tôi mong muốn nhận được những bình luận theo hướng mở rộng hoặc bổ sung thông tin liên quan đến bài viết.
Chúng tôi sẽ khóa những bình luận có ngôn từ mang tính kích động hoặc bất nhã.

  Đơn vị bảo trợ thông tin

ĐỐI TÁC - LIÊN KẾT
[ Lên đầu trang ]