Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam: Bào chế thuốc theo Đông y (Kỳ 2)

Nguồn tin:  Thuốc vườn nhà
Cập nhật: 08/02/2015 08:43 SA

>> Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam: Một số điểm cần chú ý khi sử dụng thuốc Nam

>> Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam: Cơ sở lý luận về tìm thuốc và tác dụng của thuốc theo Đông y (Kỳ 1)

>> Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam: Cơ sở lý luận về tìm thuốc và tác dụng của thuốc theo Đông y (Kỳ 2)

>> Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam: Cơ sở lý luận về tìm thuốc và tác dụng của thuốc theo Đông y (Kỳ 3)

>> Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam: Cơ sở lý luận về tìm thuốc và tác dụng của thuốc theo Đông y (Kỳ 4)

>> Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam: Bào chế thuốc theo Đông y (Kỳ 1)

những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam, giáo sư tiến sĩ Đỗ Tất Lợi

4. Làm viên tròn bằng phương pháp lắc thúng:

    Làm viên tròn bằng phương pháp lắc thúng là một phương pháp độc đáo trong bào chế Đông y.

    Nguyên tắc của phương pháp lắc thúng là dùng nước hay nước thuốc loãng và bột gây một nhân nhỏ gọi là con viên, sau đó cho bột thuốc bao dần vào xung quanh cho tới mức độ yêu cầu.

    Phương pháp làm viên tròn bằng lắc thúng thường chỉ áp dụng đối với những bài thuốc không có đường hay mật, hoặc có ít đường mật; trọng lượng bột thuốc thừ 500g trở lên.

    Một người có trình độ nghiệp vụ vừa phải, trong một ngày có thể viên tới 5-10kg bột thuốc, dụng cụ lại rất đơn giản, cho nên rất thích hợp với các phòng thuốc ở xã, huyện.

    a) Dụng cụ cần thiết cho phương pháp lắc thúng:

    - Thuyền tán hay cối giã. Thuyền tán tốt nhất, có thể dùng máy xay.

    - Rây cõ nhỏ mắt. Có thể dùng rây bột bán tại các chợ, nhân dân vẫn dùng rây bột.

    - Sàng đan bằng tre với các cỡ mắt sàng: 1mm, 2mm, 3mm, 5mm.

    - Nồi nhôm để nấu hay cô cao, có thể dùng nồi đồng. Loại nồi to, đáy bằng tốt hơn cả.

    - Thúng lắc bằng tre cật, tốt nhất bằng dang hay bằng nhôm. Thúng nhôm có ưu điểm làm thuốc không dính vào thành thúng. Nếu thúng bằng tre hay dang, nan thúng nên chẻ mảnh, tránh nhiều mắt, đường kính thúng 0,6-0,8m, cao 0,18-0,2m; thành thẳng đứng, hơi thuôn ở đáy, đáy bằng. Thúng được buộc bằng 3 sợi dây phân đều ở miệng thúng; treo thúng vừa tầm người ngồi hay đứng, ngang tay cho tiện và đỡ mỏi.

    - Khay men hay mâm để đựng viên thuốc.

    - Chậu men để đựng bột và cao nước.

    - Chổi quét: Giống như chiếc bút lông to để tẩy rửa cao nước vào viên thuốc trong quá trình lắc thúng.

    - Dàn phơi hay tủ sấy.

    b) Nguyên liệu để làm viên tròn lắc thúng:

    - Những vị thuốc nào có thể nấu thành cao lỏng thì nấu để làm chất dính.

    - Vị thuốc nào có thể nấu thành cao khô hay cao mềm thì cho nấu để tăng chất lượng viên.

    - Vị thuốc nào tán thành bột thì cho tán thành bột, rây nhỏ. Chú ý phơi hay sấy khô trước khi tán.

    Nếu trong đơn thuốc không có vị nào để nấu thành cao lỏng được thì dùng bột nếp nấu thành hồ loãng để làm chất dính.

    c) Động tác lắc thúng:

    Thúng treo như chiếc nôi, vừa tầm đứng hay ngồi.

    Nếu đứng: Chân trái đưa ra phía trước, chân phải làm trụ như đứng say lúa hay tát nước.

    Nếu ngồi: Treo thúng ngang tầm, tay phải cầm úp miệng thúng, tay trái ngửa, lòng bàn tay nắm lấy miệng thúng. Tay phải đưa thúng vòng tròn như sàng gạo; thúng tre nhẹ, với tư thế ngồi dễ lắc hơn tư thế đứng. Tư thế đứng áp dụng cho thúng nhôm tiện hơn.

    Khi đứng, tay phải lòng bàn tay úp miệng thúng; tay trái ngửa lòng bàn tay ra nắm lấy miệng thúng. Hai cánh tay thẳng nâng thúng lên rồi đưa ra cho đúng tầm, rồi lại kéo về phía mình, và ấn thúng xuống. Hai tay điều khiển cho thúng lắc đều thì viên mới tròn.

    Xí nghiệp dược phẩm Hà Tây có sáng kiến lắp vào miệng thúng một bộ phận nhỏ có ổ bi giúp cho việc lắc thúng được nhẹ nhàng mà viên vẫn tròn.

    Hiện nay tại những nơi có điện, động tác lắc thúng có thể thay thế bằng máy như máy làm viên bọc đường.

    d) Cách làm cụ thể viên tròn bằng phương pháp lắc thúng:

    Sau khi đã chuẩn bị nguyên liệu, cao thuốc và nước hồ dính thì bắt đầu làm viên tròn.

    Có 3 giai đoạn là: Gây con viên, làm viên và bao viên.

    (1) Gây con viên:

    Cứ 1kg thuốc bột thì dùng khoảng 30g bột, cho vào chậu men sạch; cho từ từ chất dính (cao lỏng hay hồ nếp loãng) trộng đều cho đến khi bột ướt đều (30g bột thì dùng khoảng 60ml cao lỏng hay nước hồ loãng). Cho lên sàng, sàng (mắt sàng 2mm) xát cho bột rơi xuống thành những hạt nhỏ vào thúng lắc.

    Cầm thúng lắc nhẹ cho hạt thuốc chạy đều trong thúng; lấy chổi lông nhúng vào nước dính (ép chổi lông vào thành chậu cho nước dính chảy bớt đi) dùng chổi quét đều bên thúng (bên không có những hạt thuốc), thành một lớp nước mỏng rồi cầm thúng lắc cho những hạt trượt lên nước và thấm đều vào hạt. 1-2 phút sau, lại quét nước dính một lần nữa.

    Sau vài phút, dùng thìa múc độ 1g thuốc bột, rắt vào những hạt thuốc để bột phủ trên hạt thành một lớp mỏng, rồi cầm thúng lắc đều cho bột quyện đều vào hạt. Cách vài phút lại quét nước dính và cho bột thuốc như trên. Độ 30 phút sau, khi con viên đã hơi to, thì dùng sàng (mắt 1mm) để loại những hạt quá nhỏ. Những hạt nhỏ này để riêng ra, dùng làm con viên cho mẻ sau.

    (2) Làm viên chính thức:

    Những hạt to còn lại trên sàng được cho vào thúng lắc, cho thêm nước dính và bột như trên. Cứ làm như vậy, ta thấy hạt to dần lên. Khi những hạt to dần thì mỗi lần quét nước dính hay thêm bột cũng tăng lên, mỗi lần 2-3g bột. Thỉnh thoảng lại đem ra sàng rồi lại tiếp tục lắc. Những hạt lọt qua sàng đem lắc cho đến khi có kích thước bằng những hạt to để riêng thì lại cho chung vào với viên to rồi lại lắc.

    Cuối cùng khi viên đủ kích thước yêu cầu thì sàng qua rây có mắt 3-4mm để viên thuốc có kích thước không chênh lệch nhau nhiều. Lấy viên ra và tiếp tục làm mẻ khác cho tới khi hết bột.

    (3) Bao viên:

    Khi viên thuốc đã làm xong, viên thuốc thường được bao để giữ hương vị và giúp cho bảo quản, chống mốc. Viên cũng đẹp hơn.

    Chất dùng bao thuốc viên có thể là hoạt thạch, chu sa, thần sa, than mịn hay cũng có thể là những dược liệu được nấu thành cao như cao ngải cứu, cao kim anh hoặc có thể dùng một thứ bột trắng mịn như hoài sơn.

    Cứ 1kg thuốc viên thường cần 200g bột thuốc hoặc cao thuốc để bao viên. Động tác bao viên cũng giống động tác lắc thúng như nói trên.

    Viên thuốc sau khi hoàn thành cần phơi hay sấy khô rồi mới bao; sau khi bao xong, lại phải phơi hay sấy lại lần nữa.

Một ví dụ cụ thể làm viên thuốc điều kinh bằng các lắc thúng:

    Nguyên liệu và liều lượng để chế 1kg viên tròn:

    Hương phụ: 600g

    Trần bì: 400g

    Ích mẫu khô: 400g

    Ngải cứu khô: 400g

    Ô tặc cốt: 400g

    Cách làm:

    Hương phụ giã trong cối giã gạo cho trầy hết vỏ đen, say bỏ vỏ đen, tán và rây lấy bột mịn, được 550g bột.

    Trần bì sao vàng, tán nhỏ, được 300g.

    Ngải cứu và ích mẫu rửa sạch, phơi khô, thái thành từng mẩu 3-4cm, thêm nước vào cho ngập độ 3cm, đun sôi trong 4 giờ gạn lọc lấy nước nhất, bã thêm nước nấu sôi 3 giờ, gạn lọc lấy nước hai. Hợp cả hai nước, cô còn 600ml. Mỗi ml cao tương ứng với 1g nguyên liệu. Cao này quá đặc, dùng để bảo quản. Khi dùng cần pha loãng để lấy độ dính. Để nguyên rất khó viên.

    Ô tặc cốt sau khi loại bỏ vỏ cứng, cho vào thúng ngâm và luộc 3 giờ để loại bỏ muối mặn. Vớt ra phơi khô, loại bỏ miếng đen, tán bột, rây mịn, được 300g.

    Trộn đều cả ba thứ bột hương phụ, ô tặc cốt và trần bì với nhau. Cuối cùng rây và được 1,1kg bột kép.

    Gây con viên:

    Vì cao ích mẫu, ngải cứu quá dính, cho nên phải pha loãng với tỷ lệ 150ml cao lỏng với 150ml nước đun sôi để nguội.

    Cân 25g bột kép (tỷ lệ 2% so với tổng số bột kép) cho vào chậu men, cho từ từ cao đã pha loãng như trên, vừa cho vừa trộn đều cho đến khi bột ướt (dùng chừng 50ml cao đã pha loãng). Xát qua sàng 2mm cho những hạt thuốc rơi xuống thúng. Lắc thúng. Sau vài phút, dùng chổi lông thấm chất dính quét nhẹ một lớp bên trên thúng (bên không có thuốc), lắc thúng. Viên thuốc được thấm đều. Làm như trên một lần nữa, rồi cho 1g bột rắc nhẹ lên hạt thuốc. Lắc cho bột quện đều vào viên.

    Cứ làm như vậy chừng một giờ thì có những hạt to bằng hạt đậu xanh, dùng sàng để loại những hạt bé quá (lọt qua mắt sàng 1mm). Những viên bé quá lọt qua sẽ dùng làm con viên cho mẻ sau. Dùng sàng 2mm để loại cả những viên quá to.

    Làm viên:

    Những hạt trung bình được cho vào thúng và tiếp tục lắc, thỉnh thoảng thêm chất dính và bột kép với số lượng nhiều hơn lúc gây con. Khi cao pha loãng đã dùng hết, lúc này viên thuốc đã lớn, nên tiếp tục dùng loại cao 1ml tương đương với 1g nguyên liệu để làm chất dính. Trong quá trình làm viên, nếu thấy viên to nhỏ không đều nhau thì cần sàng để loại bỏ những viên to quá hay nhỏ quá.

    Bao viên:

    Dùng cao ngải cứu và ích mẫu để bao viên. Cao này cần cô cho đặc hơn; 1ml cao tương ứng 2g nguyên liệu.

    Cho thuốc viên đã phơi khô vào thúng lắc, dùng chổi quét cao vào thúng. Lắc cho viên thấm đều. Làm nhiều lần cho đến khi viên thuốc được bao đều bằng một lớp cao là được. Phơi hay sấy viên cho khô. Làm lại lần thứ hai cho đến khi các viên bóng đồng mầu là được. Cuối cùng phơi hay sấy thật khô.


Theo "Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam"

Tác giả: Giáo sư Tiến sĩ khoa học ĐỖ TẤT LỢI


Xin vui lòng ghi rõ nguồn "Thuốc vườn nhà - http://www.thuocvuonnha.com" khi phát hành lại thông tin.


Tuyên bố trách nhiệm:
Thông tin trên thuocvuonnha.com chỉ phục vụ nghiên cứu học tập và mở rộng kiến thức. Không sử dụng làm căn cứ để tiến hành chẩn trị trên lâm sàng. Thông tin trên thuocvuonnha.com có thể được trích dẫn, thu thập từ các ấn phẩm, các trang tin điện tử liên quan trong nước và ngoài nước. Nếu phát sinh vấn đề bản quyền, kính đề nghị phản hồi cho chúng tôi.

Viết bình luận

Để thuận tiện cho việc đăng tải, xin vui lòng nhập tiếng Việt có dấu.
Chúng tôi mong muốn nhận được những bình luận theo hướng mở rộng hoặc bổ sung thông tin liên quan đến bài viết.
Chúng tôi sẽ khóa những bình luận có ngôn từ mang tính kích động hoặc bất nhã.

  Đơn vị bảo trợ thông tin

ĐỐI TÁC - LIÊN KẾT
[ Lên đầu trang ]