Giải mã Đông y Ngũ vận Lục khí

Ngũ vận lục khí năm Giáp Ngọ 2014 - Thử cùng chiêm nghiệm

Nguồn tin:  Thuốc vườn nhà
Cập nhật: 19/01/2014 11:59 CH

giáp ngọ 2014, giáp ngọ, 2014

Kế thừa truyền thống của báo chí về Đông Y Dược từ thời xưa, cứ mỗi dịp Tết đến Xuân về, "Thuốc vườn nhà" lại căn cứ vào Vận Khí học của Đông y, để dự báo thời tiết khí hậu và tình hình bệnh tật trong năm sắp tới, để đồng nghiệp và Quý bạn đọc gần xa cùng tham khảo, cùng nhau chiêm nghiệm trong ngày Xuân.

Như đã đề cập, đối với một số thời gian hoặc địa điểm cụ thể, các dự báo theo Vận Khí có thể chưa thật phù hợp với tình hình thực tế. Nhưng các dự báo đó vẫn phản ánh đúng những quy luật tổng quát về thời tiết khí hậu hàng năm, cùng tác động của chúng đối với sức khỏe và tật bệnh. Do đó, các dự báo theo Vận Khí cho đến nay vẫn có giá trị thực tế. Đối chiếu những dự báo của "Thuốc vườn nhà" trong các năm trước, chúng ta đã thấy có nhiều điều phù hợp thực tế.

1. Khí hậu toàn năm

    Tuế vận và Tuế khí:

        Năm Vận khí Giáp Ngọ khởi đầu từ tiết Đại hàn 20/01/2014 và kết thúc vào trước tiết Đại hàn của năm Ất Mùi 20/01/2015.

        Theo nguyên tắc "Thiên can thống vận", năm Giáp Ngọ có "thiên can" là "Giáp", Giáp là "Dương thổ", nên Tuế vận "Thổ vận thái quá". Theo nguyên tắc "Địa chi thống khí", năm Giáp Ngọ có "địa chi" là "Ngọ", nên "Thiếu âm Quân hỏa" tư thiên và "Dương minh táo kim" tại tuyền.

    Đặc điểm chung về khí hậu:

        Giáp Ngọ là năm "Thổ vận thái quá", vũ thấp lan tràn, nên mưa nhiều và độ ẩm cao hơn bình thường. Năm Giáp Ngọ "Thiếu âm Quân hỏa" tư thiên (Tuế khí), nên nhiệt khí chủ sự, nửa đầu năm và toàn năm khí hậu nóng hơn bình thường. "Dương minh táo kim" tại tuyền, nên táo khí chủ sự, nửa cuối năm thời tiết hanh khô (độ ẩm không khí thấp) hơn bình thường.

    Vận khí tương lâm:

        (1) Vận khí sinh khắc:

            Theo quy tắc: Vận sinh khí = Tiểu nghịch (小逆); Vận khắc khí = Bất hòa (不和); Khí sinh vận = Thuận hóa (顺化); Khí khắc vận = Thiên hình (天刑).

            Năm Giáp - Tuế vận = Thổ vận. Khí Tư thiên = Thiếu âm tướng hỏa. Hỏa sinh Thổ - Khí sinh Vận, do đó Giáp Ngọ là một năm "Thuận hóa", nên khí hậu tương đối thuận hòa và tần suất phát sinh tật bệnh cũng tương đối thấp.

        (2) Vận Khí thịnh suy:

            Theo quy tắc "Sinh giả, khắc giả vi thịnh; Bị sinh, bị khắc giả vi suy". Năm Giáp Ngọ: Vận = Thổ; Khí = Hỏa; Hỏa sinh Thổ - Khí sinh Vận, Vận Khí học gọi đó là "Khí thịnh Vận suy", cho nên khi tiến hành phân tích, dự báo về tình hình khí hậu và tật bệnh, chủ yếu căn cứ vào Lục khí, Ngũ vận chỉ đóng một vai trò thứ yếu.

2. Các giai đoạn của Lục khí trong  năm Giáp Ngọ:

Thứ tự

các Khí

Sơ khí (1)

Nhị khí (2)

Tam khí (3)

Tứ khí (4)

Ngũ khí (5)

Chung khí (6)

Thời điểm bắt đầu

Đại hàn

20/01/2014

Xuân phân

20/03/2014

Tiểu mãn

21/05/2014

Đại thử

23/07/2014

Thu phân

23/09/2014

Tiểu tuyết

22/11/2014

 

Chủ khí & Khí hậu

Quyết âm Phong Mộc

Thiếu âm Quân Hỏa

Thiếu dương Tướng Hỏa

Thái âm Thấp Thổ

Dương minh Táo Kim

Thái dương Hàn Thủy

Gió ấm

Nóng

Rất nóng

Nóng ẩm

Khô mát

Lạnh

 

Khách khí & Khí hậu

Thái dương Hàn Thủy

Quyết âm phong Mộc

Thiếu âm Quân Hỏa (Tư thiên)

Thái âm Thấp Thổ

Thiếu dương tướng Hỏa

Dương minh Táo Kim

(Tại tuyền)

 Lạnh

Gió ấm

Ấm áp

Ẩm thấp

Nóng

Khô mát

    Tình hình khí hậu biến động trong từng giai đoạn tùy thuộc chủ yếu vào sự "Tương đắc - Bất tương đắc", "Nghịch - Tòng (thuận)" giữa Chủ khí và Khách khí.

    Chủ khí và Khách khí tương sinh, hoặc Chủ khí và Khách khí tương đồng là "tương đắc": Khí hậu chính thường, ít phát sinh tật bệnh. Chủ khí và Khách khí tương khắc là "bất tương đắc": Khí hậu phản thường, dễ phát sinh bệnh tật. Mặt khác: "Chủ thắng nghịch, Khách thắng tòng": Khách khí sinh Chủ khí, hoặc Khách khí thắng (khắc) Chủ khí là "thuận", ngược lại là "nghịch". Ngoài ra, đối với "Quân hỏa" và "Tướng hỏa": "Quân vị thần tắc thuận, thần vị quân tắc nghịch": Quân (vua) ở trên thần (quan) là thuận, thần ở trên quân là nghịch.

    Dưới đây là tình hình cụ thể trong từng giai đoạn theo lục khí:

        1. Từ Đại Hàn đến Xuân Phân (Sơ khí):

            Chủ khí = Quyết âm Phong mộc.

            Khách khí = Thái dương Hàn thủy.

            Thủy sinh Mộc. Khách khí sinh Chủ khí = Thuận trong tương đắc (tương đắc trung chi thuận). Khí hậu chính thường.

        2. Từ Xuân Phân đến Tiểu Mãn (Nhị khí):

            Chủ khí = Thiếu âm Quân hỏa.

            Khách khí = Quyết âm Phong mộc.

            Mộc sinh Hỏa. Khách sinh Chủ. Thuận trong tương đắc (tương đắc trung chi thuận). Khí hậu chính thường.

        3. Từ Tiểu Mãn đến Đại Thử (Tam khí):

            Chủ khí = Thiếu dương Tướng hỏa.

            Khách khí = Thiếu âm Quân hỏa - Tư thiên.

            Quân Hỏa (Khách khí) ở trên Tướng hỏa (Chủ khí). Quân ở trên thần = Thuận. Khí hậu chính thường.

        4. Từ Đại Thử đến Thu Phân (Tứ khí):

            Chủ khí = Thái âm Thấp thổ.

            Khách khí = Thái âm Thấp thổ.

            Khách khí và Chủ khí tương đồng = Thuận. Khí hậu chính thường.

        5. Từ Thu Phân đến Tiểu Tuyết (Ngũ khí):

            Chủ khí = Dương minh Táo kim.

            Khách khí = Thiếu dương Tướng hỏa.

            Hỏa khắc Kim. Khách khắc Chủ = Thuận trong bất tương đắc (bất tương đắc trung chi thuận). Tuy nhiên, nửa cuối năm "Dương minh táo kim" tại tuyền, được sự trợ giúp của Kim tại tuyền, Kim Chủ khí mạnh lên, có đủ sức để duy trì cân bằng đối với sự khắc chế của Hỏa. Do đó, bất tương đắc biến thành tương đắc. Khí hậu vẫn chính thường.

        6. Từ Tiểu Tuyết đến Đại Hàn (Chung khí):

            Chủ khí = Thái dương Hàn thủy.

            Khách khí = Dương minh táo kim - Tại tuyền.

            Kim sinh Thủy. Khách khí sinh Chủ khí = Thuận trong tương đắc. Khí hậu chính thường.

        Như vậy, tất cả 6 giai đoạn trong năm Giáp Ngọ, quan hệ Chủ khí và Khách khí nói chung đều "thuận" hoặc "tương đắc", do đó khí hậu nói chung chính thường, ít phát sinh biến động thất thường.

3. Bệnh tật và phòng trị

    Theo thiên "Khí giao biến đại luận" sách Tố Vấn: Năm thổ vận thái quá, mưa thấp lan tràn, tạng Thận bị tà khí xâm phạm. Dân chúng mắc các chứng đau bụng, âm quyết (chân tay lạnh toát), thân thể nặng nề, tâm trạng u uất, phiền muộn, ... Nặng thì cơ thịt teo lại, chân bị teo, co giật đau nhức không cử động được, ăn uống giảm sút, bụng đầy trướng, chân tay không cử động được, ... Đó là những biểu hiện bệnh biến ở hai tạng Tỳ và Thận. Nếu lại xuất hiện các chứng trạng như bụng trướng đầy, bụng sôi, ỉa như tháo cống, ... đó là những biểu hiện của Mộc khí lai phục (Mộc khí đến để phục thù).

    Để dự phòng, có thể thực hiện một số biện pháp sau:

        (1) Phòng ngừa thấp tà: Thấp tà là loại tà khí có tính chất nặng đục (trọng trọc), dễ dẫn tới các chứng bệnh như đầu nặng đau như bị bó chặt, mình mẩy nặng nề đau nhức (thấp tý), bụng đầy trướng, ăn không tiêu, kiết lỵ, đại tiện lỏng, tiểu tiện đục, phù thũng, khí hư bạch đới, ... Để dự phòng, cần sử dụng các vị thuốc có tác dụng kiện Tỳ, trừ thấp, bổ Thận như hoắc hương, bạch truật, thương truật, bạch biển đậu, ý dĩ nhân, thổ phục linh, nhân trần, ngũ gia bì, ba kích thiên, cẩu tích, cốt toái bổ, ...

        Nếu có điều kiện, có thể sử dụng "Nhị trần trà": Trong những ngày mưa ẩm quá nhiều, để phòng ngừa thấp tà xâm phạm cơ thể, nên sử dụng loại trà gồm các vị thuốc, bán hạ chế (tẩm gừng sao) 3g, trần bì (vỏ quít để lâu ngày) 10g, thổ phục linh 10g, cam thảo 5g, sắc nước uống thay trà trong ngày.

        (2) Phòng đau tim: Thấp tà thuộc loại "âm tà", mưa kéo dài trời thường trở lạnh, người Tâm khí hư nhược dễ bị "tâm thống" (đau tim), cảm thấy vùng tim đau thắt, đau xuyên ra sau lưng và hai cánh tay, ngực đầy tức, hơi thở yếu, tim đập dồn loạn nhịp từng cơn, chân tay lạnh, chất lưỡi tối nhợt, rêu lưỡi trắng, ... Để phòng trị, cần sử dụng những vị thuốc có tác dụng oạt huyết, thông dương và tán hàn, như giới bạch (củ kiệu), cao lương khương (củ giềng), nhục quế, can khương, phụ tử, đan sâm, ...

        Khi cơn đau xuất hiện, có thể sử dụng "Qua lâu giới bạch thang gia giảm": Qua lâu bì 12g, giới bạch 6g, phụ tử chế 3g (sắc trước 2 tiếng), quế chi 9g, can khương 9g, đan sâm 15g, hồng hoa 6g, tế tân 3g; sắc nước uống trong ngày.

    Ngoài ra, năm Giáp Ngọ, khí "Thiếu âm tư thiên", nửa đầu năm nhiệt khí hạ lâm, tạng Phế bị tổn hại (Hỏa khắc Phế Kim), thường dẫn đến các chứng bệnh như khí suyễn, nôn mửa, phát sốt phát rét, hắt hơi, sổ mũi, mũi chảy máu cam, mũi tắc, ... Để phòng trị có thể sử dụng các vị thuốc như kim ngân, cúc hoa, trúc diệp, hạn liên thảo, cát căn, ...

    "Thiếu âm tư thiên" thì Táo Kim tại tuyền, táo khí hạ giáng, tạng Can bị tổn hại (Kim khắc Can Mộc), thường dẫn tới các chứng bệnh như mạng sườn đau tức không thể xoay chuyển được, hay thở dài, nặng thì chân tay co giật, liệt cơ không cử động được, ... Để phòng trị có thể sử dụng các vị thuốc như hy thiêm thảo, bạch thược, thạch hộc, mạch môn, thiên môn, huyền sâm, ...

Như vậy, trong năm Giáp Ngọ, các cơ sở khám chữa bệnh Y học cổ truyền nên lưu ý dự trữ đầy đủ các vị thuốc kiện Tỳ, trừ thấp và bổ Thận. Ngoài ra, trong nửa năm đầu, có những lúc "Hỏa khí cang thịnh", cần dự phòng thêm các loại thuốc thanh nhiệt tả hỏa; trong nửa cuối năm, khi "Táo khí cang thịnh", cần dự trữ sẵn một số vị thuốc có tác dụng tư âm nhuận táo.


Lương y THÁI HƯ


Xin vui lòng ghi rõ nguồn "Thuốc vườn nhà - http://www.thuocvuonnha.com" khi phát hành lại thông tin.


Tuyên bố trách nhiệm:
Thông tin trên thuocvuonnha.com chỉ phục vụ nghiên cứu học tập và mở rộng kiến thức. Không sử dụng làm căn cứ để tiến hành chẩn trị trên lâm sàng. Thông tin trên thuocvuonnha.com có thể được trích dẫn, thu thập từ các ấn phẩm, các trang tin điện tử liên quan trong nước và ngoài nước. Nếu phát sinh vấn đề bản quyền, kính đề nghị phản hồi cho chúng tôi.

Viết bình luận

Để thuận tiện cho việc đăng tải, xin vui lòng nhập tiếng Việt có dấu.
Chúng tôi mong muốn nhận được những bình luận theo hướng mở rộng hoặc bổ sung thông tin liên quan đến bài viết.
Chúng tôi sẽ khóa những bình luận có ngôn từ mang tính kích động hoặc bất nhã.

  Đơn vị bảo trợ thông tin

ĐỐI TÁC - LIÊN KẾT
[ Lên đầu trang ]