Hỏi đáp Mỹ phẩm từ thiên nhiên

Muốn tốt tóc gội cỏ mần trầu, muốn sạch gầu gội đầu lá sả

Nguồn tin:  Thuốc vườn nhà
Cập nhật: 10/11/2011 09:28 SA

Hỏi:

Tóc cháu có rất nhiều những mảnh gầu ẩm, dính, những hôm trời nắng thì đầu rất ngứa; lông mày cũng có gầu, ngoài ra da ở chỗ chân tóc có nhiều chỗ sùi lên, rất ngứa. Cháu đã dùng thử nhiều loại dầu gội đầu trị gầu quảng cáo trên TV, nhưng chỉ có tác dụng rất ít: gầu vẫn còn nhiều và hôm nào không gội đầu thì lại rất ngứa. Vì vậy cháu rất mong được "Mỹ phầm từ thiên nhiên" chỉ cho biết, có thể dùng những thứ cây cỏ nào để làm giảm bớt gầu?

Lê Thị Minh Tâm - TP. Thái Bình

Đáp:

sả

Sả

Gầu là một "bệnh" rất ngoan cố và hay tái phát. Hiện nay, khoa học đã xác định được rằng, nguyên nhân dẫn đến gầu, là do một loài vi nấm có tên là Pityrosporum Ovale (P. Ovale). Loài nấm này thường tồn tại trong không khí, trên da đầu và da nói chung. Bình thường, loài vi nấm này không gây nên bệnh. Thế nhưng, khi gặp một số điều kiện "thuận lợi" nào đó, như khi da qúa nhờn, ẩm uớt, thiếu vệ sinh... hoặc chức năng của một hệ thống nào đó trong cơ thể bị mất điều hòa, thì vi nấm sẽ "phát tác" - làm biến đổi cấu trúc da, sinh ra nhiều gầu. Như vậy, sự phát sinh của gầu có liên quan đến cả yếu tố bên trong và bên ngoài cơ thể.

Cháu đã sử dụng nhiều loại dầu gội đầu để "tấn công" bên ngoài nhưng ít có tác dụng, thì nên nghĩ đến việc uống thêm một số thuốc thảo dược, để tác động từ phía bên trong.

Hiện tượng nhiều gầu thuộc phạm vi chứng "bạch tiết phong" trong Đông y học.

Theo Đông y: Nguyên nhân dẫn đến "bạch tiết phong" chủ yếu do Âm Dương trong cơ thể bị mất cân bằng, khí huyết không điều hòa, chức năng tạng phủ bị rối loạn, nhân cơ hội đó các thứ "tà độc" (nhân tố gây bệnh) như "phong táo" hoặc "thấp nhiệt" xâm nhập vào cơ thể mà gây nên bệnh.

Cháu có thể căn cứ vào những biểu hiện cụ thể của bản thân (triệu chứng), để lựa chọn và sử dụng thử một trong số những bài thuốc sau đây:

Thuốc uống trong:

    (1) Thanh nhiệt lợi thấp thang:

        - Sinh địa 12g, thục địa 12g, chi tử (dành dành) 10g, thổ phục linh 15g, hổ trượng căn (cốt khí củ) 10g, bồ công anh 10g, mã xỉ hiện (rau sam) khô 20g (tươi 50g), xa tiền thảo (mã đề) 15g; sắc nước uống mỗi ngày 1 thang, liên tục 2-3 tuần (1 liệu trình). Tất cả các vị thuốc trên có thể mua ở các cửa hàng Đông dược. Khi uống thuốc cần hạn chế các loại thức ăn nhiều mỡ và gia vị cay nóng.

       - Tác dụng: Thanh nhiệt, lợi thấp, tiêu phong, chỉ dương (chống ngứa). Dùng trong trường hợp tóc và lông mày có nhiều gầu thuộc "Thể thấp nhiệt" theo phân loại của Đông y học; với những biểu hiện như da nhờn, ngứa dai dẳng, gãi nhiều khiến da bị tổn thương, nổi sẩn, viêm loét rỉ nước vàng, gầu bong ra dính, ẩm. Kèm theo những chứng trạng toàn thân như ngực bụng trướng đầy, ăn không ngon miệng, miệng đắng, đại tiện khi táo khi lỏng, tiểu tiện vàng; chất lưỡi đỏ, rêu lưỡi dày, vàng, nhớt.

    (2) Lương huyết tiêu phong ẩm:

        - Thục địa 24g, đương quy 12g, bạch thược 10g, xuyên khung 8g, kinh giới 10g, lá đơn đỏ 10g, khổ sâm lá 10g, thương nhỉ tử (ké đầu ngựa) 12g, hạn liên thảo (cỏ nhọ nồi) 20g, cam thảo 6g; sắc nước uống mỗi ngày 1 thang, liên tục 2-3 tuần (1 liệu trình). Tất cả các vị thuốc trên có thể mua ở các cửa hàng Đông dược. Khi uống thuốc cần hạn chế các loại thức ăn nhiều mỡ và gia vị cay nóng.

    - Tác dụng: Dưỡng huyết, trừ phong, chỉ dương (chống ngứa). Dùng trong trường hợp tóc và lông mày có nhiều gầu thuộc "Thể huyết nhiệt phong táo" theo phân loại của Đông y học; với những biểu hiện như chỗ da tổn thương (do ngứa gãi) dày cộm, gầu khô, dễ bong, lông tóc khô, ngứa nhiều, kèm theo rụng tóc; lòng bàn chân bàn tay hâm hấp nóng, choáng đầu, hoa mắt, tiểu tiện sẻn đỏ, đại tiện táo; chất lưỡi đỏ ít rêu.

Thuốc dùng ngoài:

    Dân gian có câu "Muốn tốt tóc gội cỏ mần trầu, muốn sạch gầu gội đầu lá sả". Vì vậy, nếu có điều kiện cháu nên sử dụng những loại nước gội đầu truyền thống, chế từ những cây cỏ có sẵn quanh nhà.

    Ngoài bồ kết và lá sả, một số loại dược thảo dưới đây cũng có tác dụng làm giảm gầu khá tốt:

        (1) Dùng ngải cứu (hoặc rau sam, rau diếp cá) 100-200g, rửa sạch, cho vào nồi, thêm nước, sắc lấy nước gội đầu ngày 1 lần.

        (2) Dùng cả cây rau má ngọ 100g, lá thông đưôi ngựa 30g; rửa sạch, sắc lấy nước, cách 1 ngày gội đầu 1 lần.

        (3) Dùng cả cây rau má ngọ 100-150g, rửa sạch, giã vắt lấy nước, thêm chút băng phiến vào trộn đều, dùng bông thấm nước thuốc, xát lên da đầu ngày 1-2 lần.

        Lưu ý: "Băng phiến" nói ở đây phải mua ở cửa hàng Đông dược, không phải loại băng phiến vẫn đặt trong tủ quần áo để chống bọ.


Lương y HƯ ĐAN


Xin vui lòng ghi rõ nguồn "Thuốc vườn nhà - http://www.thuocvuonnha.com" khi phát hành lại thông tin.


Tuyên bố trách nhiệm:
Thông tin trên thuocvuonnha.com chỉ phục vụ nghiên cứu học tập và mở rộng kiến thức. Không sử dụng làm căn cứ để tiến hành chẩn trị trên lâm sàng. Thông tin trên thuocvuonnha.com có thể được trích dẫn, thu thập từ các ấn phẩm, các trang tin điện tử liên quan trong nước và ngoài nước. Nếu phát sinh vấn đề bản quyền, kính đề nghị phản hồi cho chúng tôi.

Viết bình luận

Để thuận tiện cho việc đăng tải, xin vui lòng nhập tiếng Việt có dấu.
Chúng tôi mong muốn nhận được những bình luận theo hướng mở rộng hoặc bổ sung thông tin liên quan đến bài viết.
Chúng tôi sẽ khóa những bình luận có ngôn từ mang tính kích động hoặc bất nhã.

  Đơn vị bảo trợ thông tin

ĐỐI TÁC - LIÊN KẾT
[ Lên đầu trang ]