Dưỡng sinh Ẩm thực liệu dưỡng

Món ăn - Bài thuốc phòng ngừa và chữa trị cảm nắng, say nắng

Nguồn tin:  Thuốc vườn nhà
Cập nhật: 28/05/2015 09:03 SA

đậu ván trắng

Say nắng (heat stroke) là một bệnh cấp tính, thường gặp trong mùa Hè. Trong những ngày mùa Hè, hoạt động dưới ánh nắng mặt trời găy gắt hay trong môi trường nhiệt độ cao, đều có thể dẫn tới say nắng.

Theo y học hiện đại, say nắng có thể phát sinh ở mọi độ tuổi, nhưng hay gặp nhất ở người cao tuổi, người sau khi mắc bệnh nặng sức khỏe chưa hồi phục đầy đủ, người béo phì, phụ nữ mang thai hoặc mới sinh đẻ, người có bệnh mạn tính, ...

Hiện nay, với sự phát triển kỹ thuật chống nóng, say nắng tại nhà ở và ở nơi làm việc đã giảm đi nhiều. Tuy nhiên, cùng với sự gia tăng tiện nghi vật chất, khả năng thích ứng của con người đối với những biến động của môi trường khí hậu đã bị suy giảm và số người bị mắc bệnh say nắng lại đang có xu hướng gia tăng. Do đó nắm được các biện pháp dự phòng và xử lý say nắng hiện đang là một vấn đề thời sự, mà mọi người đều nên nắm vững.

Theo Đông y: Nguyên nhân chủ yếu dẫn tới cảm nắng (thương thử) hay say nắng (trúng thử), đều là do "chính khí" (sức chống bệnh của cơ thể) vốn đã suy yếu, lại cảm nhiễm phải "thử tà" từ bên ngoài mà gây nên bệnh.

"Thử tà" là 1 trong số 6 tác nhân gây bệnh (gọi là "lục dâm", tức "phong", "hàn", "thử", "thấp", "táo", "hỏa") theo cách phân loại của Đông y.

"Thử tà" xuất hiện trong mùa Hè, là loại "Dương tà"  nên thường làm cho phần "Âm" bị thương tổn. Mặt khác, "thử tà" tác động khiến mồ hôi phải tiết ra nhiều, làm cho phần "Khí" của cơ thể cũng bị thương tổn. Kết quả là cả "Khí" và "Âm" đều bị thương tổn, Đông y gọi đó là "Khí Âm lưỡng hư".

Do đó những người có thể tạng "Âm hư" và "Khí hư", mùa Hè thường hay bị cảm nắng hoặc say nắng. Đặc biệt, những người vốn có nhiều "đàm" và "thấp" tích đọng trong cơ thể, bị "thử tà" hun đốt, rất dễ khiến đàm thấp bị nhiễu động, làm cho thanh khiếu bị bế tắc, dẫn tới tình trạng say nắng. Vì vậy, những người có thể tạng nhiều đàm nhiều thấp, cần đặc biệt cảnh giác với bệnh say nắng.

Để nâng cao khả năng thích ứng với điều kiện thời tiết nắng nóng, phòng ngừa say nắng, ngoài việc cải thiện môi trường lao động, làm việc nghỉ ngơi, sinh hoạt có điều độ, ... sử dụng một số loại thức ăn cũng có thể mang lại hiệu quả rất tốt.

Từ xưa Đông y đã rất coi trọng việc sử dụng các loại thức ăn để phòng ngừa và chữa trị say nắng, đồng thời cũng đã tích lũy được rất nhiều kinh nghiệm vô cùng quý giá.

Trong điều kiện gia đình, để phòng trị say nắng, có thể căn cứ vào biểu hiện cụ thể mà sử dụng một số loại "Dược thiện" (Món ăn - Bài thuốc) dưới đây:

1. Phòng ngừa:

    Kinh nghiệm thực tế của Đông y cho thấy, trong giai đoạn từ tiết "Hạ chí" tới tiết "Lập Thu", đặc biệt là trong 3 ngày "tam phục" (3 ngày nóng nhất trong mùa Hè), sử dụng một số loại trà thuốc hoặc cháo thuốc dưới đây có tác dụng phòng ngừa cảm nắng và say nắng rất tốt.

    (1) Trà lá tre: Trúc diệp (lá tre hoặc lá trúc) 10-15g, nấu nước hoặc hãm nước sôi uống thay nước trong ngày.

    Tác dụng: Thanh nhiệt, an thần, lợi niệu. Có thể sử dụng để phòng ngừa say nắng, đồng thời còn có tác dụng giải trừ những chứng trạng khó chịu thường hay xuất hiện trong mùa Hè, như người bồn chồn, khó ngủ hoặc mất ngủ, miệng lưỡi lở loét, tiểu tiện sẻn đỏ, ...

    (2) Trà sơn tra ô mai: Sơn tra (hoặc táo mèo) 30g, ô mai (giã nát) 15g, thêm chút đường phèn hoặc đường đỏ; nấu hoặc hãm nước sôi uống thay trà trong ngày.

    Tác dụng: Sinh tân ích khí, tiêu thực, chỉ khát. Dùng để phòng ngừa cảm nắng và say nắng trong mùa Hè.

    (3) Trà hoắc hương: Hoắc hương 30g, lá chè xanh 10-15g; sắc hoặc hãm nước uống thay trà trong ngày.

    Tác dụng: Thanh nhiệt, hóa đàm, trừ thấp. Dùng để phòng ngừa say nắng trong mùa Hè, đặc biệt thích hợp đối với những người có thể chất thuộc loại hình mà Đông y gọi là "đàm thấp".

    (4) Cháo chống nóng mùa Hè: Đậu đỏ 30-50g, đậu xanh (để cả vỏ) 30-50g, gạo tẻ 50-100g; cùng vo sạch, nấu cháo ăn.

    Tác dụng: Chống nóng, nâng cao khả năng thích ứng và sức chống bệnh của cơ thể.

    (5) Cháo đậu ván ý dĩ: Bạch biển đậu (đậu ván trắng, sao vàng) 50-100g, ý dĩ nhân (hạt bo bo) 50-100g, gạo tẻ 50-100g; cùng vo sạch, nấu cháo ăn.

    Tác dụng: Kiện tỳ ích khí (tăng cường chức năng tiêu hóa), phòng thử chỉ tả (chống nắng, phòng tiêu chảy).

    (6) Cháo kim ngân hoa cúc: Kim ngân hoa 6g, bạch cúc hoa 6g, sấy khô tán mịn; dùng gạo tẻ nấu cháo, cháo chín trộn bột thuốc vào ăn.

    Tác dụng: Phòng ngừa và chữa trị say nắng.

2. Xử lý, chữa trị:

    Nói chung, trong những ngày nhiệt độ không khí lên cao trên 35 độ C, làm việc dưới ánh nắng mặt trời găy gắt hay hoạt động trong môi trường nhiệt độ cao, đều có thể dẫn tới say nắng.

    Trước khi phát sinh say nắng, thường có những triệu chứng báo trước: Người mệt lả, chân tay bải hoải, mồ hôi vã ra nhiều, khát nước, chóng mặt, hoa mắt, ù tai, ngột ngạt, buồn nôn, khó tập trung tư tưởng, bước chân xiêu vẹo (động tác không ăn khớp).

    Khi đó cần xử lý ngay, bằng cách sử dụng một số loại trà thuốc hoặc cháo thuốc đã giới thiệu ở trên. Nếu không xử lý kịp thời, thì rất dễ dẫn tới say nắng.

    Khi bị say nắng, thường có những biểu hiện chủ yếu như sau: Sốt cao, mặt trắng bệch hoặc xám ngắt, thở khò khè như suyễn, da nóng bỏng hoặc ẩm lạnh, mạch đập nhanh, bồn chồn không yên hoặc đờ đẫn, buồn ngủ. Trường hợp nặng thì bỗng nhiên ngã lăn, mê man bất tỉnh, hàm răng nghiến chặt.

    Trường hợp bị ngất, cần làm ngay hô hấp nhân tạo hoặc dùng kim châm các huyệt "Nhân trung" và "Thập tuyên" ("Nhân trung" ở trên khe môi - từ mép môi lên giáp mũi chia 3 phần, lấy từ mũi xuống 1/3 là huyệt "Nhân trung"; 10 huyệt "Thập tuyên" ở chính giữa 10 đầu ngón tay).

    Hoặc là lấy ngay 20-30ml nước tiểu trẻ nhỏ cho uống; đồng thời lấy khăn tẩm nước tiểu xoa khắp người, sau đó đắp lên mặt và rốn.

    Sau khi đã sơ cứu, có thể căn cứ vào chứng trạng cụ thể mà chọn dùng một số Món ăn - Bài thuốc, theo nguyên tắc biện chứng luận trị như sau:

    • Khí tân lưỡng hư:

    - Nếu có các chứng trạng: Váng đầu hoa mắt, bồn chồn, sợ nóng, mặt đỏ, tiếng thở thô, miệng khô khát, uống nước nhiều, vã mồ hôi, lưng hơi gai rét, ... có thể sử dụng một số món ăn có tác dụng thanh nhiệt, ích khí, sinh tân dưới đây:

    (1) Bài 1: Lá vừng tươi 1 nắm (khoảng 20 g), hãm nước sôi như pha trà, chia ra uống dần trong ngày.

    (2) Bài 2: Lá đậu ván trắng tươi 1 nắm, cũng hãm nước sôi uống như trà trong ngày.

    (3) Bài 3: Đông qua (bí đao) 500g, dĩ mễ (hạt ý dĩ, bo bo) 30g, vịt 1 con; vịt làm sạch lông, mổ bỏ nội tạng, rửa sạch thái miếng; bí đao gọt vỏ thái miếng; dĩ mễ vo sạch; tất chả cho vào nồi, thêm nước, nấu canh ăn.

    • Thử uất tâm bao:

    - Nếu xuất hiện chứng trạng: Bỗng nhiên ngã lăn bất tỉnh nhân sự, người nóng, chân tay tê dại, thở hổn hển như lên cơn suyễn, cấm khẩu, răng nghiến lại hoặc miệng há hốc, ... thì sử dụng những món ăn có tác dụng thanh tâm khai khiếu, tô tỉnh thần chí dưới đây:

    (1) Bài 1: Lá sen hoặc hoa sen tươi 10-20g, sắc nước uống. Hoặc bí đao 100g, lá sen tươi 1 tầu; sắc nước uống.

    (2) Bài 2: Tỏi 1 củ, bỏ vỏ, rửa sạch, giã nát, thêm chút nước sôi, trộn đều uống. Hoặc giã tỏi vắt lấy nước nhỏ vào mũi, khiến người bị cảm nắng tỉnh lại.

    (3) Bài 3: Lá hẹ tươi, giã vắt lấy nước, đổ dần vào miệng, sẽ khiến cho bệnh nhân tỉnh lại.


Lương y HUYÊN THẢO


Xin vui lòng ghi rõ nguồn "Thuốc vườn nhà - http://www.thuocvuonnha.com" khi phát hành lại thông tin.


Tuyên bố trách nhiệm:
Thông tin trên thuocvuonnha.com chỉ phục vụ nghiên cứu học tập và mở rộng kiến thức. Không sử dụng làm căn cứ để tiến hành chẩn trị trên lâm sàng. Thông tin trên thuocvuonnha.com có thể được trích dẫn, thu thập từ các ấn phẩm, các trang tin điện tử liên quan trong nước và ngoài nước. Nếu phát sinh vấn đề bản quyền, kính đề nghị phản hồi cho chúng tôi.

Viết bình luận

Để thuận tiện cho việc đăng tải, xin vui lòng nhập tiếng Việt có dấu.
Chúng tôi mong muốn nhận được những bình luận theo hướng mở rộng hoặc bổ sung thông tin liên quan đến bài viết.
Chúng tôi sẽ khóa những bình luận có ngôn từ mang tính kích động hoặc bất nhã.

  Đơn vị bảo trợ thông tin

ĐỐI TÁC - LIÊN KẾT
[ Lên đầu trang ]