Dưỡng sinh

Món ăn - Bài thuốc biện chứng thực trị chữa viêm xoang mũi

Nguồn tin:  Thuốc vườn nhà
Cập nhật: 05/07/2013 08:58 SA

cây rau sam, rau sam, cây mã xỉ hiện, mã sỉ hiện

Rau sam

Viêm xoang chỉ tình trạng viêm niêm mạc xoang mũi không đặc dị. Mỗi loại xoang, tức xoang hàm trên, xoang trán, xoang sàng và xoang bướm, đều có thể đơn độc bị viêm, nhưng tất cả 4 cặp xoang nói trên cũng có thể bị viêm đồng thời. Viêm xoang hàm trên hay gặp nhất; thứ đến là viêm xoang sàng.

Biểu hiện chủ yếu của bệnh viêm xoang là chảy nước mũi đục và tắc mũi, thường kèm theo đau đầu, khứu giác giảm.

Trên lâm sàng, viêm xoang mũi thường được Y học hiện đại chia ra thành 2 loại chính, cấp tính và mạn tính; loại mạn tính thường gặp nhiều hơn.

Viêm xoang cấp tính thường có những biểu hiện chủ yếu: Phát sốt sợ rét, người khó chịu, ăn không ngon miệng, đau đầu, tắc mũi, mũi chảy nhiều nước trong, hoặc nước mũi đặc quánh như mủ. Mũi có thể bị tắc một bên hoặc cả hai bên; kèm them giảm khứu giác. Nếu do bệnh ở răng dẫn đến, nước mũi đặc như mủ và có mùi hôi. Tùy theo vị trí xoang bị viêm, đau có thể xuất hiện ở những vị trí khác nhau và tính chất đau cũng không giống nhau. Có khi thấy đau ở vùng má, có khi đau ở vùng trán trên lông mày; có khi đau nhiều vào buổi sáng, có khi đau tăng về chiều tối, ...

Viêm xoang mạn tính thường do viêm xoang cấp tính không được chữa triệt để, kéo dài ngày mà thành; thường có những biểu hiện: Mũi tắc liên tục, nước mũi nhiều và đặc như mủ, thường có mùi hôi tanh, khứu giác bị giảm hoặc mất hẳn. Nói chung không có những biểu hiện toàn thân, hoặc chỉ kèm theo váng đầu, trí nhớ giảm. Nước mũi chảy ra nhiều dễ dẫn tới viêm họng.

Viêm xoang mũi thuộc phạm vi của chứng "Tỵ uyên" trong Đông y; còn gọi là "Não lậu", "Não thẩm".

Đông y phân chia tỵ uyên thành "chứng hư" và "chứng thực":

    - "Chứng thực" hay gặp trong loại cấp tính, theo cách phân loại trong Y học hiện đại. Đông y cho rằng, nguyên nhân là do ngoại cảm phải phong nhiệt tà độc, hoặc phong hàn xâm nhập vào cơ thể, lâu ngày hóa nhiệt; tà nhiệt nội truyền vào phế; phế kinh uất nhiệt, tà nhiệt hun đốt các xoang mũi mà gây nên bệnh. Hoặc do nhiệt tà xâm phạm vào kinh đởm; hỏa nhiệt độc theo đường kinh truyền vào các xoang mũi mà gây nên bệnh.

    - "Chứng hư" hay gặp trong viêm xoang mạn tính. Cơ chế chủ yếu là do tỳ phế khí hư (chức năng của tạng tỳ và tạng phế bị suy yếu). Phế hư chức năng thanh túc bị trục trặc, tỳ hư không vận hóa được thủy cốc, khiến thấp trọc nội sinh, uất kết lâu ngày hóa thành nhiệt, hun đốt các xoang mũi mà gây nên bệnh.

Khi mắc viêm xoang, ăn uống nói chung cần chú ý 3 vấn đề sau:

    1. Bệnh thuộc chứng thực, nguyên nhân nói chung do hỏa tà nhiệt độc. Vì vậy ăn uống cần thanh đạm. Cần sử dụng nhiều các thức ăn tính mát, có tác dụng thanh tả hỏa độc, như liên ngẫu (ngó sen), đông qua (bí đao), cà, rau cải, ... Hoặc chọn dùng một số vị thuốc có tác dụng thanh phế như lô căn (rễ sậy), mao căn (rễ cỏ tranh), cát căn (sắn dây).

    2. Bệnh thuộc chứng hư, nguyên nhân chủ yếu do cơ thể suy nhược. Để chữa trị, cần sử dụng những thứ có tác dụng bổ dưỡng, giúp cơ thể nâng cao sức đề kháng, có đủ sức để khu trừ tác nhân gây bệnh. Nói chung, có thể chọn những thức ăn có tác dụng bổ ích tỳ phế như hoàng kỳ, ý dĩ, ngạnh mễ, liên nhục, ...

    3. Kiêng những thứ cay đắng có tính kích thích, những món nhiều dầu mỡ béo ngậy. Tuyệt đối không hút thuốc lá và uống rượu.

Ngoài việt tuân thủ các quy tắc ăn uống nói trên, kinh nghiệm thực tế cho thấy, sử dụng các Món ăn - Bài thuốc cũng có thể mang lại hiệu quả trị liệu hoặc hỗ trợ điều trị rất tốt.

Người bệnh có thể căn cứ vào các chứng trạng biểu hiện cụ thể, mà chọn dùng một số Món ăn - Bài thuốc thích hợp, theo nguyên tắc "Biện chứng thực liệu" dưới đây:

    "Biện chứng thực liệu" là căn cứ vào các triệu chứng biểu hiện cụ thể để phân chia bệnh thành những "chứng hình" (còn thường gọi là "thể bệnh"). Trên cơ sở đó, chọn dùng những phép chữa, Món ăn - Bài thuốc phù hợp với từng thể bệnh.

    Trên lâm sàng, tỵ uyên - viêm xoang thường được phân chia thành một số thể bệnh, tương ứng với phép chữa, Món ăn - Bài thuốc như sau:

    1. Phong nhiệt uẩn kết:

        - Biểu hiện: Tắc mũi, mũi chảy nhiều nước đục, đặc quánh, màu vàng hoặc trắng vàng lẫn lộn. Khứu giác giảm. Đầu lưỡi đỏ, rêu vàng mỏng; mạch phù sác.

        - Phép chữa: Sơ phong thanh nhiệt thông khiếu.

        - Món ăn - Bài thuốc thường dùng:

        (1) Cháo rau sam: Tân di hoa 10g, mã xỉ hiện (rau sam) 30g, gạo tẻ 50g; sắc tân di lấy nước bỏ bã, cho gạo vào nước sắc tân di nấu cháo, khi cháo gần chín cho rau sam vào, đun thêm một lát; dùng làm món ăn điểm tâm buổi sáng; liên tục 8-10 ngày (1 liệu trình).

        (2) Cháo lá dâu: Lá dâu tằm 9g, hoa cúc 6g, hạnh nhân 9g, gạo tẻ 60g; đem lá dâu và hoa cúc sắc kỹ, chắt lấy nước rồi cho hạnh nhân và gạo vào nấu thành cháo; chia ra ăn trong ngày, dùng liên tục trong nhiều ngày.

    2. Đởm hỏa thượng nghịch:

        - Biểu hiện: Mũi chảy nhiều nước vàng đục, đặc quánh như mủ, mùi hôi, khứu giác giảm sút, kèm theo ù tai, đắng miệng, bồn chồn dễ nổi giận, rêu lưỡi vàng, mạch huyền sác.

        - Phép chữa: Thanh đởm tả hỏa thông khiếu.

        - Món ăn - Bài thuốc thường dùng:

        (1) Nước cốt mướp đắng: Mướp đắng tươi 1-2 trái, đường trắng 60g; mướp đắng giã nhuyễn, trộn đều với đường, sau khoảng 2 giờ sẽ thấy nước cốt tiết ra, lọc lấy nước (bỏ bã); uống hết 1 lần, hoặc chia 2 lần uống trong ngày (uống lạnh); liên tục 7-9 ngày (1 liệu trình).

        (2) Trà diếp cá: Diếp cá (dùng toàn cây) 20g, cát cánh 6g, cam thảo 3g; sắc nước uống thay trà trong ngày, liên tục nhiều ngày.

    3. Phế tỳ khí hư:

        - Biểu hiện: Mũi chảy nước, niêm mạc trắng nhợt, mất khứu giác (không phân biệt được mùi vị), mũi tắc. Gặp lạnh bệnh nặng hơn; kém ăn, mệt mỏi, lưỡi nhợt, mạch nhược.

        - Phép chữa: Bổ ích tỳ phế, thông khiếu.

        - Món ăn - Bài thuốc thường dùng:

        (1) Canh bí đao hoàng kỳ: Hoàng kỳ 30g, bí đao lượng thích hợp; sắc hoàng kỳ lấy nước (bỏ bã), bí đao gọt bỏ vỏ và hột, thái miếng, dùng nước sắc hoàng kỳ nấu thành món canh; dùng làm thức ăn trong bữa cơm, liên tục 7-8 ngày.

        (2) Canh dây mướp: Dây mướp (đoạn gần gốc) khoảng 30g, thịt lợn nạc 30-50g; dây mướp thái ngắn, nấu với thịt lợn thành món canh; dùng làm thức ăn trong bữa cơm (ăn thịt lợn và uống nước canh); liên tục 5-7 ngày (1 liệu trình). Hoặc cũng có thể dùng dây mướp 30-40g, thái nhỏ, sắc nước uống thay trà.

    Theo kết quả quan sát: Sau khi sử dụng 2-3 lần, nước mũi chảy ra nhiều hơn, đôi khi có cảm giác hơi váng đầu, nhưng sau đó sẽ tự nhiên hết, không thấy xuất hiện tác dụng phụ gì khác. Đã thử nghiệm chữa viêm xoang mũi mạn tính trên lâm sàng, có kết quả tốt.


Lương y HƯ ĐAN


Xin vui lòng ghi rõ nguồn "Thuốc vườn nhà - http://www.thuocvuonnha.com" khi phát hành lại thông tin.


Tuyên bố trách nhiệm:
Thông tin trên thuocvuonnha.com chỉ phục vụ nghiên cứu học tập và mở rộng kiến thức. Không sử dụng làm căn cứ để tiến hành chẩn trị trên lâm sàng. Thông tin trên thuocvuonnha.com có thể được trích dẫn, thu thập từ các ấn phẩm, các trang tin điện tử liên quan trong nước và ngoài nước. Nếu phát sinh vấn đề bản quyền, kính đề nghị phản hồi cho chúng tôi.

Viết bình luận

Để thuận tiện cho việc đăng tải, xin vui lòng nhập tiếng Việt có dấu.
Chúng tôi mong muốn nhận được những bình luận theo hướng mở rộng hoặc bổ sung thông tin liên quan đến bài viết.
Chúng tôi sẽ khóa những bình luận có ngôn từ mang tính kích động hoặc bất nhã.

  Đơn vị bảo trợ thông tin

ĐỐI TÁC - LIÊN KẾT
[ Lên đầu trang ]