Hỏi đáp Mỹ phẩm từ thiên nhiên

Làm đẹp với tam thất

Nguồn tin:  Thuốc vườn nhà
Cập nhật: 25/11/2011 12:19 SA

Hỏi:

Tôi nghe nói củ tam thất có tác dụng giúp cho da tươi tắn, mịn màng. Rất mong "Mỹ phẩm từ thiên nhiên" tư vấn cho biết trên thực tế có đúng hay không? Ngoài ra tam thất còn có những tác dụng gì khác đối với vẻ đẹp, cách sử dụng cụ thể như thế nào?

Phạm Như Hoa, Hà Nội

Đáp:

tam thất, sâm tam thất, kim bất hoán

Thời xưa, tam thất được tôn vinh là "thần dược", nên còn có tên "kim bất hoán" nghĩa là quý tới mức "vàng không đổi được".

Theo Đông y: Củ tam thất có vị ngọt, hơi đắng, tính ấm; vào 2 kinh Can và Vị. Có tác dụng hoạt huyết, thông ứ, chỉ huyết (cầm máu), tiêu thũng.

Tam thất được tôn vinh là "thần dược" chủ yếu là nhờ có tác dụng "thần kỳ" đối với các chứng bệnh chảy máu, xuất huyết.

Tuy nhiên nhờ tính năng "hoạt huyết", "thông ứ" và "tiêu thũng" mạnh, nên tam thất cũng có những tác dụng rất tốt đối với vẻ đẹp của làn da. Vẻ đẹp của làn da có liên quan mật thiết với sự vận hành của khí huyết bên trong cơ thể.

Theo quan niệm của Đông y những trường hợp da bị khô, thô ráp, da bong vẩy, nhăn nheo, những vết nám, sạm đen, các nốt tàn nhang, khối sưng thũng, ... đều do "huyết ứ" (huyết dịch bị ứ đọng) gây nên.

Do có tác dụng "hoạt huyết" (thúc đẩy sự lưu thông của huyết dịch), "thông ứ" (khơi thông những chỗ bị nghẽn tắc) và "tiêu thũng" (làm tan những chỗ sưng thũng), nên dùng tam thất không những có thể giúp cho da trở nên trắng hồng mịn màng mà còn có thể làm mờ các vết nám, vết sạm, tàn nhang hay vết sẹo trên da.

Để làm đẹp da có thể sử dụng tam thất theo 2 cách như sau:

    (1) Bài thuốc 1: Dùng tam thất, nhân sâm - 2 thứ lượng bằng nhau; tán thành bột mịn, trộn đều; ngày uống 2 lần, mỗi lỗi lần 4-5g, hãm với nước sôi uống.

    (2) Bài thuốc 2: Dùng củ tam thất 10g, sơn dược (củ mài) 30g, gạo tẻ 30g; tam thất thái lát nấu trước với nước 30 phút, sau đó cho sơn dược và gạo tẻ vào nấu cháo; chia thành 2 lần ăn trong ngày.

Đông y cho rằng, muốn cho huyết dịch vận hành tốt cần có sự thúc đẩy của "khí", nên trong 2 bài thuốc trên ngoài tam thất còn có thêm những vị thuốc "bổ khí" là nhân sâm và sơn dược.

Tuy nhiên, 2 bài thuốc trên chỉ thích hợp với những trường hợp da xấu do "huyết ứ" với những biểu hiện như người gầy yếu, môi và móng tay chân nhợt nhạt; ở một số vị trí cố định trên cơ thể có những chỗ tím đen, sưng đau, nóng. Người khỏe mạnh bình thường không nên lạm dụng.

Ngoài ra còn có thể sử dụng tam thất để chữa trị mụn cơm và làm mờ các vết sẹo:

    (1) Chữa mụn cơm (mụn cóc): Tam thất sống đem tán thành bột mịn cất vào lọ nút kín dùng dần; mỗi ngày uống 3 lần, mỗi lần 1-2g, chiêu bằng nước trắng đã đun sôi, liên tục 5-10 ngày. Trẻ nhỏ tùy tuổi giảm bớt liều.

    Tại một bệnh viện ở Trung Quốc đã thử nghiệm bài thuốc này điều trị 52 trường hợp bị mụn cơm, kết quả rất tốt, trung  bình 7 ngày là khỏi bệnh.

    (2) Chữa sẹo lồi: Tam thất tán bột trộn với giấm thành bột nhão, đắp lên chỗ da bị tổn thương; mỗi ngày đắp 1 lần, liên tục 7 ngày (1 liệu trình), nghỉ 3 ngày lại tiếp tục liệu trình khác.

    Đã thử nghiệm điều trị 25 ca sẹo lồi, trung bình sau từ 2-4 liệu trình là có kết quả.


Lương y HƯ ĐAN


Xin vui lòng ghi rõ nguồn "Thuốc vườn nhà - http://www.thuocvuonnha.com" khi phát hành lại thông tin.


Tuyên bố trách nhiệm:
Thông tin trên thuocvuonnha.com chỉ phục vụ nghiên cứu học tập và mở rộng kiến thức. Không sử dụng làm căn cứ để tiến hành chẩn trị trên lâm sàng. Thông tin trên thuocvuonnha.com có thể được trích dẫn, thu thập từ các ấn phẩm, các trang tin điện tử liên quan trong nước và ngoài nước. Nếu phát sinh vấn đề bản quyền, kính đề nghị phản hồi cho chúng tôi.

Viết bình luận

Để thuận tiện cho việc đăng tải, xin vui lòng nhập tiếng Việt có dấu.
Chúng tôi mong muốn nhận được những bình luận theo hướng mở rộng hoặc bổ sung thông tin liên quan đến bài viết.
Chúng tôi sẽ khóa những bình luận có ngôn từ mang tính kích động hoặc bất nhã.

  Đơn vị bảo trợ thông tin

ĐỐI TÁC - LIÊN KẾT
[ Lên đầu trang ]