Hỏi đáp Thuốc vườn nhà

Hoa đại (Bông sứ) chữa tăng huyết áp

Nguồn tin:  Thuốc vườn nhà
Cập nhật: 11/12/2011 07:18 CH

Hỏi:

Góc sân nhà tôi có trồng một cây bông sứ trắng làm cảnh. Gần đây có người đến chơi nói, bông sứ có thể chữa bệnh cao huyết áp; Các bộ phận khác của cây cũng có thể sử dụng làm thuốc. Tôi rất mong "Thuốc vườn nhà" cho biết rõ hơn về tác dụng làm thuốc của bông sứ, vì đối với tôi đó sẽ là một "tủ thuốc" ngay trong sân nhà.

Lê Thị Minh Tâm, Phú Vang, Thừa Thiên - Huế

Đáp:

IMG

Cây bông sứ còn có nhiều tên khác, miền Bắc gọi là "cây hoa đại"; ở Lào gọi là "chămpa"; Đông y Trung Quốc gọi là "kê đản tử", "miến chi tử", "lôi chùy hoa", "đại quý hoa", ... tên khoa học của cây là Plumeria rubra L. var. acutifolia (Poir) Bailey, thuộc họ Trúc Đào (Apocynaceae).

Cây đại (bông sứ) là loại cây nhỡ, cao 3-7m, cành mẫm, to. Lá mọc so le sít nhau, thường tập trung ở đầu cành; lá dày, nguyên, dài 15-35cm, rộng 5-10cm, hai đầu đều hẹp nhọn, mặt nhẵn bóng, gân giữa nổi rõ. Hoa rất thơm, màu trắng, mặt trong ở phía dưới màu vàng, dài 4-5cm. Quả đại dài hình trụ, dài 12cm. Mùa hoa tháng 4-8.

Thời xưa, dân gian thường chỉ sử dụng hoa đại phơi khô để làm thuốc chữa ho, kiết lỵ và ỉa chảy. Tác dụng chữa cao huyết áp mới được phát hiện vài chục năm gần đây

Năm 1962, khoa Dược lý Trường sĩ quan quân y Việt Nam đã nghiên cứu tác dụng của hoa đại và đi đến một số kết luận sau đây: Hoa đại có tác dụng hạ huyết áp. Hoa khô có tác dụng mạnh hơn hoa tươi. Hoa đại hạ huyết áp nhưng không làm giãn mạch, không tác dụng đối với tuần hoàn ngoại biên mà tác dụng vào trung tâm và cũng không phải do tác dụng trên hệ phó giao cảm. Tác dụng hạ huyết áp xuất hiện nhanh và tương đối bền vững. So với tác dụng của rễ cây "ba gạc" (Rauwolfia verticillata), thì ba gạc tác dụng chậm hơn hoa đại. Độ độc của hoa đại cũng thấp hơn của rễ ba gạc. Qua thí nghiệm, liều dùng cho người có thể tới 60g một ngày.

Từ vài chục năm gần đây, hoa đại ngày càng được nhiều người sử dụng để chữa cao huyết áp. Cách dùng: Hàng ngày sử dụng 12-20g hoa đại khô, sắc lấy nước, uống thay trà trong ngày.

Ngoài dùng hoa, dân gian còn dùng vỏ thân hay vỏ rễ để làm thuốc tẩy (thay cho vị thuốc đại hoàng) và chữa thũng nước. Cách thức: Dùng 5-10g vỏ thân hay vỏ rễ, sắc lấy nước đặc, chia ra 3 lần uống trong ngày. Cũng có thể chế vỏ cây thành cao đặc và sử dụng với liều 0,2-0,5g/ngày, có thể tăng dần lên tới 1-2g/ngày.

Để làm thuốc tẩy, cũng có thể dùng nhựa mủ (của thân): với liều 0,5-0,8g/ngày dưới dạng nhũ dịch. Nhựa còn có thể sử dụng dùng chữa trai chân và vết loét.

Dân gian còn dùng lá cây hoa đại chữa sai khớp, bong gân, mụn nhọt. Để chữa bong gân: Dùng một lá tươi, rửa sạch, giã nhuyễn, trộn với một ít muối ăn, đắp lên chỗ sưng. Lại dùng một lá tươi khác, hơ lên lửa cho héo và đắp lên phía ngoài, rồi cố định lại bằng băng hoặc bằng vải sạch. Ngày đắp như vậy 1-3 lần, liên tục 1-2 ngày, tùy theo bệnh nặng hay nhẹ. Để chữa đau nhức hay mụn nhọt: Cũng dùng là giã nát, đắp vào những nơi bị bệnh.

Lương y HƯ ĐAN


Xin vui lòng ghi rõ nguồn "Thuốc vườn nhà - http://www.thuocvuonnha.com" khi phát hành lại thông tin.


Tuyên bố trách nhiệm:
Thông tin trên thuocvuonnha.com chỉ phục vụ nghiên cứu học tập và mở rộng kiến thức. Không sử dụng làm căn cứ để tiến hành chẩn trị trên lâm sàng. Thông tin trên thuocvuonnha.com có thể được trích dẫn, thu thập từ các ấn phẩm, các trang tin điện tử liên quan trong nước và ngoài nước. Nếu phát sinh vấn đề bản quyền, kính đề nghị phản hồi cho chúng tôi.

Ý kiến bạn đọc

1 Ý kiến bạn đọc
Hoàng Vĩnh Phong (23/06/2016 01:26 SA)

Tôi muốn hỏi hoa đại có tác dụng phụ gì

Viết bình luận

Để thuận tiện cho việc đăng tải, xin vui lòng nhập tiếng Việt có dấu.
Chúng tôi mong muốn nhận được những bình luận theo hướng mở rộng hoặc bổ sung thông tin liên quan đến bài viết.
Chúng tôi sẽ khóa những bình luận có ngôn từ mang tính kích động hoặc bất nhã.

  Đơn vị bảo trợ thông tin

ĐỐI TÁC - LIÊN KẾT
[ Lên đầu trang ]