Giải mã Đông y Dùng thuốc cần biết

Hiểu đúng tác dụng của vị thuốc Dó đất (nấm ngọc cẩu)

Nguồn tin:  Thuốc vườn nhà
Cập nhật: 06/10/2017 11:07 SA

Vài năm gần đây, "Dó đất" được tiếp thị với những cái tên như "Nấm ngọc cẩu", "Nấm ngọc núi", "Cu chó", "Hoa đất", "Xà cô", "Tỏa dương", ... và được suy tôn là vị thuốc có tác dụng đặc hiệu tăng cường sinh lý ở cả Nam và Nữ, cùng rất nhiều tác dụng khác nữa.

Tuy nhiên, những quảng cáo trên không hoàn toàn phù hợp thực tế.

Vậy thì "Dó đất" có thể sử dụng để chữa trị những chứng bệnh gì?

Dó đất, Nấm ngọc cẩu, Nấm ngọc núi, Cu chó, Hoa đất, Xà cô, Tỏa dương

Dó đất

I. "Dó đất" không phải là nấm

"Dó đất" có hình dạng tựa như khóm nấm, nên dân gian thường tưởng rằng đó là cây nấm (thực vật bậc thấp). Trên thực tế, "Dó đất" là thực vật bậc cao, thuộc Ngành hạt kín, Lớp 2 lá mầm, Họ Dó đất - Balanophoraceae, Chi Dó đất - Balanophora.

"Dó đất" là cây thảo (loại cỏ), thân nạc mềm, sống ký sinh hoàn toàn (sống nhờ hoàn toàn vào cây chủ, gọi là "ký chủ"). Cây có đủ các bộ phận của một loài thực vật bậc cao, nhưng hình thái tương đối đặc biệt, chỉ có "thân" (thực chất là cán hoa), trông như cây nấm, màu đỏ nâu sẫm, sần sùi, nạc và mềm, dạng thay đổi và không có lá. Lá của "Dó đất" đã thoái biến. Rễ của "Dó đất" cũng không giống như cây bình thường, thân rễ gắn liền với rễ ký chủ, bởi loại "rễ hút". Nhờ "rễ hút" đó, "Dó đất" có thể hấp thu các chất dinh dưỡng từ rễ ký chủ ở dưới lòng đất mà sinh tồn.

"Dó đất" là loại cây có hoa. Hoa đơn tính. Hoa đực và hoa cái có thể cùng gốc hoặc khác gốc. Khi cùng gốc, hoa đực và hoa cái có thể khác cụm hoặc cùng cụm. Hoa đực thường to hơn hoa cái, có cuống hoặc không cuống, bao hoa hình ống. Hoa cái nhỏ hơn, phân bố dầy đặc trên trục của cụm hoa, không có bao, bầu hình bầu dục hoặc con thoi, vòi nhụy nhỏ dài. Quả là loại quả kiên, vỏ ngoài giòn.

Loại cây sách thuốc Việt Nam gọi là "Dó đất", sách thuốc Trung Quốc gọi là "Xà cô".

Theo "Trung Quốc thực vật chí": Trên thế giới, Chi Dó đất (Xà cô) - Balanophora có khoảng 80 loài, phân bố tại các vùng nhiệt đới và á nhiệt đới, ở Á Châu và Châu Úc. Tới nay, ở Trung Quốc đã phát hiện và lấy tiêu bản được 19 loài.

Theo "Từ điển cây thuốc Việt Nam" (bộ mới) của TS. Võ Văn Chi và "Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam" do Viện Dược liệu biên soạn: Ở Việt Nam, đã phát hiện được 3 loài:

    (i) "Dó đất" (Xà cô Ấn Độ): Balanophora fungosa J. R et G. Forst. subsp. indica (Arn.) B. Hansen (B. pierrei V. Tiegh., B. gracilis V. Tiegh), thuộc họ Dó đất - Balanophoraceae. Tại Trung Quốc cây này có tên là Ấn Độ Xà cô. Phân bố ở Hà Nội, Hà Nam, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Kon Tum, Lâm Đồng, Ninh Thuận, An Giang. Còn có ở Ấn Độ, Trung Quốc, Lào, Campuchia, Malaixia, Inđônêxia, Philippin, ...

    (ii)  "Dó đất" hình cầu: Balanophora latisepala (Tiegh.) Lecomte [B. sphaerica (Tiegh.) Lecomte ], thuộc họ Dó đất - Balanophoraceae. Phân bố ở Thanh Hóa, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, An Giang. Còn có ở Lào, Campuchia, Thái Lan, Malaixia, Inđônêxia.

    (iii) "Dó đất" hoa thưa: Balanophora Laxiflora Hemsl., thuộc họ Dó đất - Balanophoraceae. Phân bố ở Kon Tum. Còn thấy ở Trung Quốc và Lào.

II. Tác dụng dược lý

Kết quả nghiên cứu tiến hành trên một số loài "Dó đất", những năm gần đây, đã phát hiện được một số tác dụng dược lý như sau:

1. Giảm đau, kháng viêm: Năm 2003, các nhà nghiên cứu Nguyễn Hán Lợi, Lý Quyên và Triệu Hiểu Á đã tiến hành thí nghiệm trên chuột nhắt và nhận thấy, chất chiết xuất bằng cồn methanol từ loài "Dó đất" Balanophora involucrata Hook. f. có tác dụng giảm đau và kháng viêm rõ ràng (theo Tạp chí Trung Y dược học, 2003, 21(6)).

2. Giải độc rượu: Năm 2005, Dương Tử Xuân, Trâu Khôn và Uông Vân Thực đã phát hiện, chất chiết xuất từ loài "Dó đất" Balanophora involucrata Hook. f. (Đồng sáo Xà cô) có tác dụng chống say rượu, giảm nhẹ tác hại của cồn ethanol đối với tế bào gan và hệ thống thần kinh (theo Trung Quốc Dân tộc Dân gian Y Dược tạp chí 2005, 5).

3. Hạ đường huyết: Năm 2007, Điền Kim Anh, Cát Đằng Phi và Tô Á Luân phát hiện, chất chiết xuất bằng cồn ethanol 95% từ "Dó đất" (Xà cô) có tác dụng hạ đường huyết đối với chuột nhắt thí nghiệm (theo Trung Quốc Trung Dược tạp chí, 2007, 32 (12)).

4. Ức chế HIV: Năm 2008 Tôn Ngụy, Vương Hồng Đào và Hạ Thừa Lai đã phát hiện, hợp chất TGGP phân lập từ loài "Dó đất" Balanophora japonica Makino có tác dụng ức chế đối với virus HIV (theo Nam phương Y khoa Đại học Học báo, 2008, 28(7)).

5. Chống ung thư: Các nhà nghiên cứu Bạch Thụ Huân, Trương Thiệu Vân và Từ Quốc Huy đã phát hiện, chất chiết xuất từ loài "Dó đất" Balanophora laxiflora Hemsl có tác dụng ức chế nhất định đối với hoạt tính của tế bào ung thư gan H22 trên chuột nhắt (theo Vân Nam Trung y tạp chí, 1984, 3: 53).

III. "Dó đất" trong y học cổ truyền

Trong Đông y cổ truyền, "Dó đất" (Xà cô) được Lý Thời Trân đề cập sớm nhất trong sách "Bản thảo cương mục" (bộ "thái", quyển 28) với tên "Cát hoa thái", biệt danh là "Cát nhũ".

Theo Lý Thời Trân "Dó đất" có khí vị ngọt, đắng, vô độc, chủ tỉnh thần, trị tửu tích.

Một số nhà thực vật học cho rằng, thứ cây mà "Bản thảo cương mục" gọi là "Cát hoa thái", có khả năng bao quát nhiều loài cây thuộc chi Dó đất (Xà cô). Kết quả thực nghiệm cũng cho thấy, "Dó đất" (Xà cô) có tác dụng giảm nhẹ tác hại rượu đối với tế bào gan, đó là tác dụng người xưa gọi là "trị tửu tích".

Theo một số các tài liệu của Trung Quốc mà "Thuốc vườn nhà" có:

    - Loài "Dó đất" (Xà cô) - Balanophora polyandra Griff. - có tên Trung Quốc là "Đa nhụy xà cô", còn gọi là "Thổ thung dung", "Thông thiên lạp chúc", "Mộc khuẩn tử", ... có tác dụng tư âm bổ thận. Chủ trị huyết hư, xuất huyết, lâm bệnh (tiểu nhỏ giọt, đau buốt, ...).

    - Loài "Dó đất" (Xà cô) - Balanophora involucrata Hook. f., - có tên Trung Quốc là "Đồng sáo xà cô", "Ký sinh hoàng", có tác dụng lý khí kiện tỳ, thanh nhiệt lợi thấp, giải độc. Chủ trị vị khí thống (đau dạ dày), hoàng đản bệnh (viêm gan vàng da), trĩ sang (trĩ lở loét).

    - Loài "Dó đất" (Xà cô) - Balannophora japonica Mak., có tên Trung Quốc là "Nhật Bản xà cô", còn gọi là "Cát khuẩn", "Cát nhũ", "Cát hoa thái", "Hồng huyết liên", "La ti khởi", ... có tác dụng thanh nhiệt giải độc, tỉnh tửu (chống say rượu). Chủ trị phong chẩn ban nhiệt, phế nhiệt khái thấu, thổ huyết, băng huyết, trĩ sang.

Theo một số tài liệu đã công bố của các tác giả Việt Nam:

    - "Dó đất" Ấn Độ (Balanophora fungosa J. R et G. Forst. subsp. indica (Arn.) B. Hansen): Thường được đồng bào dân tộc dùng nấu nước uống, làm thuốc trị bệnh đau bụng và đau toàn thân. Có người dùng nó như vị Tỏa dương - làm thuốc ngâm rượu uống, với tác dụng bổ tinh, cường tráng, mạnh gân cốt.

    - "Dó đất" hình cầu (Balanophora latisepala (Tiegh.) Lecomte): Được đồng bào miền núi ở Ninh Thuận dùng sắc (nấu) lấy nước uống để chữa các bệnh đường tiêu hóa.

    - "Dó đất" thưa (Balanophora Laxiflora Hemsl.): Cây cũng được dùng làm thuốc bổ máu, phục hồi sức khỏe, chữa nhức mỏi chân tay. Ở Lào người ta dùng củ để chế ra một loại nhựa dính, dùng để bẫy chim. Ở Vân Nam (Trung Quốc) toàn cây được dùng trị hư lao xuất huyết, đau lưng, lở trĩ.

IV. "Dó đất" không phải là "Tỏa dương"

"Tỏa dương" cũng là một loại cây sống ký sinh, có thân mẫm, màu nâu đỏ, phần thân mọc ở dưới đất ngắn, thô, phần mọc phía trên mặt đất cao 20-35cm, đường kính từ 3-6cm; thường thấy mọc ký sinh trên rễ của cây Nitraria schoberi L. thuộc họ Tật lê.

"Tỏa dương" còn có tên là "Địa mao cầu", "Tú thiết chùy", "Tỏa yên", "Dương tỏa bất la", ... Tên khoa học là Cynomorium songaricum Rupr (Cynomorium cocineum L.) thuộc họ Tỏa dương - Cynomoriaceae.

Cây "Tỏa dương" phân bố chủ yếu ở Nội Mông Cổ và các tỉnh Tây Bắc Trung Quốc, ít có hy vọng tìm thấy cây này ở Việt Nam. Hiện tại, Tỏa dương vẫn phải nhập từ Trung Quốc.

Trong các sách bản thảo, "Tỏa dương" được xếp vào nhóm thuốc bổ dương.

Theo Đông y: "Tỏa dương" có vị ngọt, tính hơi ôn, có tác dụng bổ thận, hoạt trường, mạnh lưng gối, dùng trong trường hợp nam bị liệt dương, phụ nữ bị vô sinh, huyết khô, đại tiện táo bón, lưng gối yếu mỏi.

Tại một số địa phương, một số người thường sử dụng "Dó đất" với tính năng và tác dụng của vị thuốc "Tỏa dương". Làm như vậy là không khoa học. Trên thực tế, "Dó đất" và "Tỏa dương" là hai cây thuộc hai họ thực vật khác nhau. Tính năng và tác dụng của "Dó đất" (như đã giới thiệu ở trên) không giống tính năng và tác dụng của "Tỏa dương".


Lương y THÁI HƯ

(Bài viết đã đăng trên Tạp chí Dược & Mỹ phẩm


Xin vui lòng ghi rõ nguồn "Thuốc vườn nhà - http://www.thuocvuonnha.com" khi phát hành lại thông tin.


Tuyên bố trách nhiệm:
Thông tin trên thuocvuonnha.com chỉ phục vụ nghiên cứu học tập và mở rộng kiến thức. Không sử dụng làm căn cứ để tiến hành chẩn trị trên lâm sàng. Thông tin trên thuocvuonnha.com có thể được trích dẫn, thu thập từ các ấn phẩm, các trang tin điện tử liên quan trong nước và ngoài nước. Nếu phát sinh vấn đề bản quyền, kính đề nghị phản hồi cho chúng tôi.

Viết bình luận

Để thuận tiện cho việc đăng tải, xin vui lòng nhập tiếng Việt có dấu.
Chúng tôi mong muốn nhận được những bình luận theo hướng mở rộng hoặc bổ sung thông tin liên quan đến bài viết.
Chúng tôi sẽ khóa những bình luận có ngôn từ mang tính kích động hoặc bất nhã.

  Đơn vị bảo trợ thông tin

ĐỐI TÁC - LIÊN KẾT
[ Lên đầu trang ]