Hỏi đáp Mỹ phẩm từ thiên nhiên

Giữ gìn vẻ đẹp với râm bụt

Nguồn tin:  Thuốc vườn nhà
Cập nhật: 27/12/2011 01:22 SA

Hỏi:

Nhà tôi có hàng rào râm bụt, tôi nghe nói hoa và lá của cây râm bụt là một "mỹ phẩm thiên nhiên", nhưng tôi chưa biết những tác dụng và cách sử dụng cụ thể như thế nào. Vì vậy rất mong được "Mỹ phẩm từ thiên nhiên" chỉ dẫn cho biết.

Nguyễn Thị Mơ, Thanh Liêm, Hà Nam

Đáp:

hoa râm bụt, hoa dâm bụt, Hibiscus rosa-sinensis L., bông bụt, bông bụp

Râm bụt

Râm bụt (hoặc "dâm bụt") còn có tên khác là "bông bụt" (miền Trung) hoặc "bông bụp" (miền Nam). Tên khoa học là Hibiscus rosa-sinensis L., thuộc họ Bông (Malvaceae).

Râm bụt mọc ở khắp nơi từ Nam chí Bắc, thường được trồng làm hàng rào hoặc làm cảnh. Đó là một cây nhỡ, cao từ 1-3 mét. Lá đơn, mọc cách, có lá kèm, phiến lá hình bầu dục, mềm, mép khía răng cưa. Hoa to, màu đỏ hoặc trắng, hình phễu, mọc đơn độc ở nách lá hoặc đầu cành. Nhị tập trung thành một trụ dài. Quả nang hình trứng, chứa nhiều hạt.

Râm bụt được coi là "mỹ phẩm thiên nhiên" theo nghĩa có thể sử dụng để chữa trị một số bệnh ngoại khoa và nội khoa, giữ gìn vẻ đẹp của cơ thể.

Theo Đông y: Râm bụt có vị đắng ngọt, tính mát. Có tác dụng thanh nhiệt (làm mát), giải độc, trừ thấp và chống ngứa. Thường dùng để chữa trị các chứng bệnh lở loét ngoài da, kiết lỵ, đại tiện ra máu, trĩ, xích bạch đới hạ (khí hư), ...

Trong dân gian hay dùng lá và hoa tươi giã nhỏ với một ít muối, đắp lên những mụn nhọt đang nung mủ, thuốc khô lại thay; đắp như vậy sẽ đỡ nhức và chóng vỡ mủ. Vỏ thân hoặc vỏ rễ râm bụt sắc với nước uống, dùng để chữa bệnh kiết lỵ hoặc phụ nữ ra nhiều khí hư. Tại Trung Quốc người ta dùng nước sắc vỏ rễ làm thuốc điều kinh, tẩy máu. Tại Malaixia người ta dùng hoa lá, vỏ cây pha nước uống như pha trà để thông tiểu tiện và chữa mẩn ngứa.

Một số cách sử dụng cụ thể:

    (1) Tiêu độc, chữa mẩn ngứa: Dùng lá và hoa râm bụt, hãm nưới sôi như pha trà, uống thay nước trong ngày.

    (2) Chữa đơn độc, mụn nhọt sưng tấy:

        - Dùng lá và hoa râm bụt tươi, giã nát (nên thêm vài hạt muối hoặc thìa con mật ong) đắp vào chỗ bị bệnh, thuốc khô thay thuốc khác;

        - Hoặc dùng lá râm bụt, lá trầu không, lá thồm lồm - mỗi thứ một nắm; giã nát đắp lên chỗ mụn nhọt đang mưng mủ, sưng đau.

    (3) Chữa da lở loét, chảy nước vàng: Dùng quả râm bụt rang tồn tính (rang to lửa cho đến khi mặt thuốc cháy đen như than nhưng bên trong vẫn giữ nguyên màu thuốc), xương lợn đốt thành tro - hai thứ liều lượng bằng nhau; tán thành bột mịn, trộn đều, rắc lên những chỗ da bị bệnh.

    (4) Chữa viêm loét hình tròn trên da đầu gây rụng tóc: Dùng vỏ thân hoặc vỏ rễ râm bụt, phơi khô nghiền mịn trộn với giấm, đắp vào chỗ da bị viêm loét.

    (5) Chữa phụ nữ nhức đầu, chóng mặt: Dùng hoa râm bụt khô 8g, gỗ vang (tô mộc) 10-12g, gừng tươi 5-7 lát, sắc nước uống trong ngày.

    (6) Chữa kinh nguyệt sớm kỳ, huyết ra nhiều: Dùng vỏ cây râm bụt 20g, lá huyết dụ 20g; sắc nước uống trong ngày.


Lương y HƯ ĐAN


Xin vui lòng ghi rõ nguồn "Thuốc vườn nhà - http://www.thuocvuonnha.com" khi phát hành lại thông tin.


Tuyên bố trách nhiệm:
Thông tin trên thuocvuonnha.com chỉ phục vụ nghiên cứu học tập và mở rộng kiến thức. Không sử dụng làm căn cứ để tiến hành chẩn trị trên lâm sàng. Thông tin trên thuocvuonnha.com có thể được trích dẫn, thu thập từ các ấn phẩm, các trang tin điện tử liên quan trong nước và ngoài nước. Nếu phát sinh vấn đề bản quyền, kính đề nghị phản hồi cho chúng tôi.

Viết bình luận

Để thuận tiện cho việc đăng tải, xin vui lòng nhập tiếng Việt có dấu.
Chúng tôi mong muốn nhận được những bình luận theo hướng mở rộng hoặc bổ sung thông tin liên quan đến bài viết.
Chúng tôi sẽ khóa những bình luận có ngôn từ mang tính kích động hoặc bất nhã.

  Đơn vị bảo trợ thông tin

ĐỐI TÁC - LIÊN KẾT
[ Lên đầu trang ]