Giải mã Đông y Tư duy độc đáo

Đông y là khoa học hay ngụy khoa học? Những cuộc tranh luận xưa và nay (Kỳ 1)

Nguồn tin:  Thuốc vườn nhà
Cập nhật: 08/01/2012 09:15 CH

Đông y là khoa học hay ngụy khoa học

Ngày 24/10/2006, trên Tuổi Trẻ có bài "Đông y sẽ đi về đâu?". Tới ngày 30/10/2006, trên Khoa học & Đời sống cũng có bài với cùng tiêu đề. Cả hai bài báo đều nói rằng, từ năm 2000 ở Trung Quốc bắt đầu rộ lên cuộc tranh luận về ưu khuyết điểm của Đông y. Và gần đây sự việc đã trở nên "nóng": Đang hình thành làn sóng chống Đông y. Ông Trương Công Diệu (một nhà nghiên cứu ở tỉnh Hồ Nam) đã cho đăng hàng loạt bài chỉ trích Đông y, kêu gọi ký tên yêu cầu Nhà nước xóa bỏ Đông y.

Đối với phần lớn người Việt ta, Đông y là một thứ vô cùng thân thiết, một phần không thể thiếu trong cuộc sống. Nên tin về cuộc chiến chống Đông y "bùng nổ" ở Trung Quốc kèm theo câu hỏi "Đông y sẽ đi về đâu?" cùng xuất hiện trên hai tờ báo đã khiến rất nhiều người băn khoăn, lo lắng và thắc mắc: Không biết kết cục "cuộc chiến" sẽ ra sao? Đông y sẽ bị loại ra ngoài cuộc sống?

Nhìn lại lịch sẽ thấy ngay rằng, những cuộc tranh luận về ưu khuyết điểm của Đông y không phải chỉ mới xuất hiện từ năm 2000. Và làn sóng chống Đông y hiện nay, cũng không "nóng" như người ta tưởng khi đọc lướt qua những thông tin trên báo hoặc trên mạng internet.

Từ hàng ngàn năm xưa, ở Việt Nam, Trung Quốc, Nhật Bản và Triều Tiên, chỉ có một nền y học duy nhất đó là Đông y - tức nền y học mà ngày nay gọi là "Y học truyền thống" hoặc "Y học cổ truyền dân tộc". Và nền y học đó đã đảm nhiệm rất tốt công việc bảo vệ sức khỏe, phòng chống dịch bệnh và chữa trị bệnh tật cho dân tộc mình.

Từ thế kỷ 19, cùng với chủ nghĩa thực dân, văn hóa và y học phương Tây (Tây y) bắt đầu du nhập vào châu Á. Tới cuối Thế kỷ 19, bệnh viện Tây y đã hiện diện ở hầu hết các thành phố và trung tâm văn hóa lớn ở châu Á. Sách báo về khoa học và y học phương Tây cũng được phiên dịch và phổ biến ngày càng rộng rãi. Tây y đã dần dần khẳng định vai trò của mình.

Tại Việt Nam, Trung Quốc, Nhật Bản và một số nước khác, bắt đầu hình thành cục diện: Hai nền y học Đông và Tây song song tồn tại. Trong tình hình đó, việc so sánh và lựa chọn giữa Đông y và Tây y đã trở thành vấn đề tất nhiên, không thể né tránh.

Những cuộc tấn công chính trị...

Tây y xâm nhập là một sự công kích rất lớn đối với Đông y và đã khiến Đông y phải trải qua cuộc thử thách hết sức khốc liệt. Từ khi nhà Lý rời đô về Thăng Long lập Thái y viện, Đông y đã trở thành Quốc y của Việt Nam. Nhưng tới cuối thế kỷ 19, Đông y đã bị thực dân Pháp ra lệnh cấm, chỉ có thể hoạt động lén lút ở các vùng thôn quê.

Nhật Bản khi đó đang là thời Minh Trị, để đuổi kịp các nước Âu Mỹ, Nhật hoàng đã thực thi hàng loạt các chính sách duy tân - hiện đại hóa và khai hóa văn minh. Đông y khi đó bị chính giới coi là một thứ "không văn minh", nên tháng 2/1895 Quốc hội Nhật Bản đã thông qua một sắc lệnh về quy chế hành nghề y dược gọi là "Y sư chấp chiếu quy tắc tu cải pháp án". Theo đó, các hoạt động về Đông y, Đông dược đều bị cấm chỉ.

Sau khi Đông y bị cấm ở Nhật Bản, năm 1897 nho sĩ Du Việt ở Triết Giang (Trung Quốc) đã đưa ra luận thuyết "Phế y luận", cho rằng: Đông y học cần phế bỏ. Tuy nhiên, cuộc chiến công khai chống Đông y ở Trung Quốc chỉ chính thức bắt đầu từ thời Dân Quốc.

Sau khi nhà Thanh bị lật đổ, văn hóa và khoa học phương Tây đã xâm nhập rất mạnh vào Trung Quốc. Trong một số tầng lớp xã hội đã hình thành xu hướng sùng bái văn hóa phương Tây, khinh bỉ văn hóa truyền thống của dân tộc. Trong lĩnh vực y học cũng bắt đầu xuất hiện ý đồ phế bỏ, tiêu diệt Đông y.

Cuộc chiến chống Đông y bắt đầu sớm nhất trong ngành giáo dục. Tháng 9/1912, Chính phủ Dân quốc đã ban hành một Pháp lệnh mới về giáo dục (Trung Hoa dân quốc giáo dục tân pháp lệnh), trong đó hoàn toàn không có những quy định liên quan đến Trung y (Đông y) và Trung dược (Đông dược). Chương trình giáo dục của Chính phủ Dân quốc đã phỏng theo phương Tây hoàn toàn, Trung y và Trung dược bị loại khỏi nội dung giảng dạy trong các trường y dược.

Uông Đại Nhiếp (bộ trưởng giáo dục thời đó) là một người rất ác cảm đối với Đông y. Khi đại diện của giới Đông y đưa thư thỉnh nguyện, ông ta đã tuyên bố: "Từ nay về sau tôi quyết tâm phế bỏ Đông y, không dùng Đông dược, ... Kiến nghị của các vị khó có thể chấp thuận, ...". Cho dù bị phản đối kịch liệt, Bộ giáo dục Dân quốc vẫn không chịu thay đổi kế hoạch của mình. Tháng 8/1914, để xoa dịu dư luận nhà cầm quyền đã ngụy biện: "Bản bộ chỉ có ý định hoàn thiện chương trình giáo dục về phương diện học thuật cho phù hợp với xu thế của thế giới, hoàn toàn không có ý kỳ thị Đông y hay Tây y." ...

Từ đầu năm 1929, Chính quyền Quốc dân đảng bắt đầu mở rộng các hoạt động tiêu diệt Đông y. Hội nghị lần thứ nhất của Hội đồng y học trung ương đã thông qua đề án của Dư Vân Tụ, có tên là "Đề án phế bỏ y học cũ nhằm loại bỏ trở ngại trong sự nghiệp phát triển y học" - (Phế chỉ cựu y dĩ tảo trừ y sự vệ sinh chi chướng ngại án). "Đề án" đã đổi trắng thay đen, coi Đông y là trở ngại trong sự nghiệp phát triển y học. Theo Dư Vân Tụ: "Lý luận Đông y là một thứ "hoang đường quái đản". Chữa bệnh bằng châm cứu, bấm huyệt, xoa bóp, ... đều là những hoạt động mê tín dị đoan. Lý luận sai lầm của Đông y cần phải đánh đổ. Ngày nào Đông y còn chưa bị trừ bỏ thì ngày đó tư tưởng dân chúng không thể biến đổi, sự nghiệp y học mới không thể phát triển, các chính sách vệ sinh không thể triển khai.".

"Đề án" còn đưa ra những biện pháp cụ thể nhằm tiêu diệt hoàn toàn Đông y: Hạn tới cuối năm 1930, tất cả những người hành nghề Đông y dược phải đăng ký hết; Cấm thành lập các trường Đông y dược; Cấm sách báo giới thiệu về học thuật Đông y; Trong vòng 5 năm, tất cả các thầy thuốc Đông y phải bổ túc về Tây y để dần dần trở thành thầy thuốc Tây y, nếu không sẽ bị cấm hành nghề; Chỉ cấp giấy hành nghề trong thời hạn 15 năm. Theo Dư Vân Tụ, nếu thực hiện đầy đủ những biện pháp đó, chỉ sau 15 năm Đông y sẽ bị tiêu diệt hoàn toàn.

"Đề án" đã bị giới Đông y và công chúng phản đối quyết liệt. Ngày 17/03/1929, giới Đông y toàn quốc đã tụ hợp về Thượng Hải tổ chức một đại hội, treo hai bích trương lớn: "Đề xướng Trung y dĩ phòng văn hóa xâm lược", "Đề xướng trung dược dĩ phòng kinh tế xâm lược" - (Đề xướng Đông y để phòng ngừa xâm lược văn hóa; Đề xướng Đông dược để phòng ngừa xâm lược kinh tế). Đại hội đã cử ra một đoàn đại biểu, đại diện cho 132 đoàn thể để kiến nghị Chính phủ không phê chuẩn chính sách nói trên. Kết quả, "Đề án" đã không thể phê chuẩn. Đông y khi đó đã không bị xóa bỏ về mặt hành chính. Tuy nhiên, giới cầm quyền vẫn không từ bỏ dã tâm tiêu diệt Đông y, tiếp tục thực thi rất nhiều biện pháp hạn chế.

(Xem tiếp kỳ sau) 

Lương y THÁI HƯ 

(Bài viết đã được đăng trên Tri Thức Trẻ số Tết Đinh Hợi) 


Xin vui lòng ghi rõ nguồn "Thuốc vườn nhà - http://www.thuocvuonnha.com" khi phát hành lại thông tin.


Tuyên bố trách nhiệm:
Thông tin trên thuocvuonnha.com chỉ phục vụ nghiên cứu học tập và mở rộng kiến thức. Không sử dụng làm căn cứ để tiến hành chẩn trị trên lâm sàng. Thông tin trên thuocvuonnha.com có thể được trích dẫn, thu thập từ các ấn phẩm, các trang tin điện tử liên quan trong nước và ngoài nước. Nếu phát sinh vấn đề bản quyền, kính đề nghị phản hồi cho chúng tôi.

Viết bình luận

Để thuận tiện cho việc đăng tải, xin vui lòng nhập tiếng Việt có dấu.
Chúng tôi mong muốn nhận được những bình luận theo hướng mở rộng hoặc bổ sung thông tin liên quan đến bài viết.
Chúng tôi sẽ khóa những bình luận có ngôn từ mang tính kích động hoặc bất nhã.

  Đơn vị bảo trợ thông tin

ĐỐI TÁC - LIÊN KẾT
[ Lên đầu trang ]