Hỏi đáp Mỹ phẩm từ thiên nhiên

Da mặt nhiều tàn nhang

Nguồn tin:  Thuốc vườn nhà
Cập nhật: 19/11/2012 07:36 CH

Hỏi:

Cháu năm nay 20 tuổi, da mặt cháu đã bị tàn nhang từ năm 13 tuổi. Chị cháu thường xuyên mua thuốc trị tàn nhang cho cháu dùng, nhưng những nốt tàn nhang không mờ đi, ngược lại da mặt bị sần sùi và đen hơn trước. Cháu viết thư, thiết tha mong "Mỹ phẩm từ thiên nhiên" chỉ dẫn cho cách dùng thảo dược để chữa khỏi được căn bệnh này.

L.T.T, Móng Cái, Quảng Ninh

Đáp:

phục linh

Tàn nhang là một khuyết tật nhỏ ở ngoài da, liên quan chủ yếu tới sự tăng sinh chất sắc tố ở lớp đáy và lớp trung bì. Nốt tàn nhang thường nổi rõ khi cơ thể gầy yếu. Khi cơ thể khỏe mạnh, da hồng hào căng mịn, thì các nốt tàn nhang sẽ không còn hiện rõ. Do đó, để tàn nhang đỡ ảnh hưởng tới thẩm mỹ, chủ yếu cần tăng cường sức khỏe toàn thân.

Tàn nhang cũng rất nhạy cảm với ánh nắng mặt trời, những nốt tàn nhang thường xuất hiện nhiều hơn, sẫm mầu hơn, hiện rõ trên mặt da trong những ngày mùa hè nắng gắt. Ngược lại, mùa đông ít nắng, số nốt tàn nhang thường giảm bớt và có thể "lặn" đi hoàn toàn. Do đó, để làm mờ các nốt tàn nhang, khi ra nắng cần đội mũ rộng vành và mặc áo dài tay, để tránh nắng gắt.

Theo Đông y: Nguyên nhân dẫn tới tàn nhang chủ yếu do "Thận thủy" bất túc (không đầy đủ), lại chịu thêm tác động của "Phong tà" (tác nhân gây bệnh), khiến cho Hỏa khí bị uất kết, đọng lại trong các đường kinh mạch nhỏ trên da thịt, mà thành ra các nốt tàn nhang.

Để chữa trị, có thể dùng bài thuốc uống trong và bôi ngoài như sau:

    • Thuốc uống trong:

        (1) Bài thuốc 1: Dùng khương hoạt 6g, phòng phong 6g, sinh địa 12g, đương quy 8g, xuyên khung 6g, hồng hoa 6g, sơn dược (củ mài) 12g, chi tử (dành dành) 8g, đông qua nhân (hạt bí đao); sắc nước uống mỗi ngày 1 thang, liên tục 20 ngày (1 liệu trình), nghỉ 5 ngày, lại tiếp tục một liệu trình khác; ngừng thuốc trong thời gian hành kinh.

        (2) Bài thuốc 2: Lục đậu y (vỏ đậu xanh) 30g, khương hoạt 6g, phòng phong 6g, xuyên khung 6g, lăng tiêu hoa 6g, sinh địa 12g, hoàng cầm 12g, sơn dược (củ mài) 30g, đông qua nhân 30g; sắc uống, kiêng kỵ như Bài thuốc 1.

    • Thuốc bôi ngoài:

        (1) Bài thuốc 1: Phục linh (vị thuốc Đông y) phơi hoặc sấy khô, nghiền thành bột thật mịn; hàng ngày, tối trước khi đi ngủ lấy một ít bột phục linh, trộn đều với mật ong, bôi lên chỗ da có tàn nhang, xoa nhẹ cho da nóng lên, sáng dậy rửa sạch bằng nước ấm.

        (2) Bài thuốc 2: Bạch truật 200g, giấm gạo 500ml; bạch truật thái thành lát mỏng, cho vào bình ngâm với giấm trong nửa tháng; muốn nhanh, có thể tán bạch truật thành bột rồi ngâm trong giấm, hàng ngày lắc bình ngâm 1-2 lần, sau 7 ngày có thể dùng được; tối trước khi đi ngủ dùng bông thấm dung dịch giấm thuốc bôi lên chỗ da bị tàn nhang vài ba lần (khô lại bôi tiếp).

        Đây là bài thuốc thường được sử dụng trong hoàng cung thời xưa, theo sách "Ngự dược viện phương": Bôi liên tục trong nhiều ngày các nốt tàn nhang sẽ dần dần biến mất.

Lương y HƯ ĐAN


Xin vui lòng ghi rõ nguồn "Thuốc vườn nhà - http://www.thuocvuonnha.com" khi phát hành lại thông tin.


Tuyên bố trách nhiệm:
Thông tin trên thuocvuonnha.com chỉ phục vụ nghiên cứu học tập và mở rộng kiến thức. Không sử dụng làm căn cứ để tiến hành chẩn trị trên lâm sàng. Thông tin trên thuocvuonnha.com có thể được trích dẫn, thu thập từ các ấn phẩm, các trang tin điện tử liên quan trong nước và ngoài nước. Nếu phát sinh vấn đề bản quyền, kính đề nghị phản hồi cho chúng tôi.

Viết bình luận

Để thuận tiện cho việc đăng tải, xin vui lòng nhập tiếng Việt có dấu.
Chúng tôi mong muốn nhận được những bình luận theo hướng mở rộng hoặc bổ sung thông tin liên quan đến bài viết.
Chúng tôi sẽ khóa những bình luận có ngôn từ mang tính kích động hoặc bất nhã.

  Đơn vị bảo trợ thông tin

ĐỐI TÁC - LIÊN KẾT
[ Lên đầu trang ]