Hỏi đáp Thuốc vườn nhà

"Cúc bạc leo" chữa trị các chứng bệnh thường gặp trong mùa xuân, hè

Nguồn tin:  Thuốc vườn nhà
Cập nhật: 30/03/2012 07:17 SA

Hỏi:

Hàng năm, cứ vào cuối mùa Xuân, mắt tôi thường bị ngứa, cộm, tiết ra nhiều dử, rất khó chịu. Đi khám bác sĩ kết luận "viêm kết mạc mạn tính", cho thuốc nhỏ và uống rất lâu mới khỏi. Gần đây có người nói, dùng "dây cúc bạc" nấu nước xông, rửa mắt chữa viêm rất tốt. Đề nghị "Thuốc vườn nhà" thông tin cho biết: Dùng dây cúc bạc xông, rửa mắt có độc hại không? Cây cúc bạc còn có những tác dụng chữa bệnh gì nữa?

L.V.T, Hòa Bình

Đáp:

dây cúc bạc, cúc bạc leo, Senecio scandens Buch-Ham ex D. Don, Asteraceae., thiên lý quang, cửu lý minh, thiên lý cập, cửu lĩnh quang, nhãn minh thảo, cỏ sáng mắt, nhất tảo quang, hoàng hoa thảo, nhuyễn đằng hoàng hoa thảo

"Dây cúc bạc" là tên dân gian. Trong các sách thuốc ở nước ta, cây bạn quan tâm có tên "cúc bạc leo", tên khoa học là Senecio scandens Buch-Ham ex D. Don, thuộc họ Cúc Asteraceae.. Sách thuốc Trung Quốc gọi cây này là "thiên lý quang" hoặc "cửu lý minh", vì có tác dụng tốt đối với các bệnh mắt, giúp mắt sáng (quang, minh), có thể nhìn xa tới ngàn dậm (thiên lý) hoặc 9 dậm (cửu lý). Ngoài ra, cây còn có tên là "thiên lý cập", "cửu lĩnh quang, "nhãn minh thảo" (cỏ sáng mắt), "nhất tảo quang", "hoàng hoa thảo", "nhuyễn đằng hoàng hoa thảo", ...

Cúc bạc leo mọc hoang khắp nơi, phổ biến ở miền Bắc, trên các núi đá vôi, tại các tỉnh Lạng Sơn, Lai Châu, Hòa Bình, Quảng Ninh, Nam Hà, Ninh Bình, ... đến tận các tỉnh ở phía Nam như Ninh Thuận, Kontum, Lâm Đồng, ...

Cúc bạc leo là loài dây leo, dài 2-5m. Cành mảnh, có rãnh. Lá hình ngọn giáo, dài 4-12cm, có mũi dài hẹp, mép hơi có răng. Cụm hoa hình chùy thưa, trải rộng, mọc ở ngọn hay ở nách lá. Đầu hoa hình bán cầu, lá bắc hình chỉ, những lá trên dài hơn những lá dưới, có mép khô. Vòng hoa cái ở ngoài có khoảng 12 hoa hình lưỡi, ở giữa là nhiều hoa lưỡng tính. Hoa màu vàng, tràng hoa cái có 3 răng, tràng hoa lưỡng tính có 5 thùy, nhị 5, bầu hình trụ. Quả hình trụ thoi, có mào lông trắng ráp. Mùa hoa nở từ tháng 8 đến tháng 2 năm sau.

Để làm thuốc, người ta thường sử dụng toàn bộ cây, có thể thu hái quanh năm, dùng tươi hay phơi khô dùng dần.

Theo Đông y: Cúc bạc leo vị đắng, tính hàn. Có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, sát trùng, minh mục (sáng mắt). Trên lâm sàng hiện tại thường sử dụng chữa cảm cúm và các bệnh viêm cấp tính, như viêm hầu họng, viêm phổi, sưng amiđan, viêm kết mạc cấp tính, mắt đỏ sưng đau, viêm ruột, lỵ, viêm ruột thừa, viêm hạch bạch huyết cấp tính, tinh hồng nhiệt, eczema, viêm da dị ứng, ung nhọt sưng tấy, ban chẩn, ...

Theo "Trung dược đại từ điển": Trên lâm sàng đã thử nghiệm dùng dung dịch nồng độ 50% cúc bạc leo để nhỏ mắt, cách 2-4 tiếng nhỏ một lần. Đã điều trị tổng cộng 600 ca bệnh mắt, bao gồm viêm kết mạc cấp tính và mạn tính, đau mắt hột cấp tính và mạn tính, viêm kết mạc bể bơi, viêm giác mạc, ... Kết quả rất khả quan: Có hiệu quả rõ rệt 378 ca (63%), có hiệu quả 215 ca (35,8%), vô hiệu 7 ca. Ngoài ra, còn thử nghiệm dùng thuốc nước tiêm vào huyệt vị (thủy châm) để chữa bệnh võng mạc trung tâm, cũng đạt kết quả tốt, tỷ lệ bệnh nhân được cải thiện, khôi phục thị lực khá cao.

Như vậy có thể thấy: Cúc bạc leo đúng là một vị thuốc tốt để chữa trị các bệnh về mắt.

Ngoài ra, các nghiên cứu thực nghiệm cũng cho thấy, cây có độc tính tương đối thấp: Cho chuột nhắt uống thuốc với liều 20g/kg/ngày, tổng cộng 5 ngày; Thỏ uống 30g/kg/ngày, liên tục 3 ngày; sinh thiết quan sát, trừ tim, gan, thận hơi có bệnh biến, còn các tạng khí khác không thấy dị thường.

Như vậy, trong điều kiện gia đình, để chữa viêm kết mạc, bạn có thể hái một nắm cúc bạc leo, rửa sạch, nấu nước để xông và rửa mắt, tác dụng rất tốt.

Trong sách "Giang Tây dân gian thảo dược" có giới thiệu cách sử dụng cụ thể như sau: Chữa phong hỏa nhãn thống (viêm kết mạc, đau mắt đỏ, nhức mắt), dùng toàn cây cúc bạc leo tươi 60g, nấu nước xông, rửa mắt.

Ngoài ra, còn có thể sử dụng cúc bạc leo để chữa trị một số chứng bệnh khác, thường gặp trong các mùa Xuân, Hè như sau:

    (1) Chữa cảm mạo và cúm: Dùng toàn cây cúc bạc leo tươi 30-60g, sắc nước uống trong ngày.

    (2) Phòng cảm nắng, say nắng: Những ngày hè nắng nóng, nhiệt độ lên cao, có thể dùng toàn cây cúc bạc leo 25-30g, hãm nước sôi, uống thay trà.

    (3) Chữa sốt rét: Dùng toàn cây cúc bạc leo 25g, rượu nếp 30g, đường đỏ 15g, sắc nước uống.

    (4) Chữa quáng gà: Dùng cúc bạc leo tươi 30g, gan gà 1 cái, nấu chín ăn.

    (5) Chữa kẽ ngón chân ẩm ngứa, ngứa hậu môn, ngứa âm đạo: Dùng toàn cây cúc bạc leo, lượng thích hợp, nấu nước ngâm rửa nơi bị bệnh.

    (6) Chữa tổ đỉa, chàm khô: Dùng toàn cây cúc bạc leo, ké đầu ngựa toàn cây - 2 thứ lượng bằng nhau, nấu thành cao đặc, bôi nơi bị bệnh.

Tóm lại: Cúc bạc leo là vị thuốc quý mọc hoang, có tác dụng chữa trị các chứng bệnh thường phát sinh trong các mùa Xuân, Hè rất tốt. Bạn có thể căn cứ vào mô tả ở trên, đi kiếm cây cúc bạc leo về trồng trong vườn nhà, để sử dụng làm thuốc mỗi khi có bệnh.

Lương y HUYÊN THẢO


Xin vui lòng ghi rõ nguồn "Thuốc vườn nhà - http://www.thuocvuonnha.com" khi phát hành lại thông tin.


Tuyên bố trách nhiệm:
Thông tin trên thuocvuonnha.com chỉ phục vụ nghiên cứu học tập và mở rộng kiến thức. Không sử dụng làm căn cứ để tiến hành chẩn trị trên lâm sàng. Thông tin trên thuocvuonnha.com có thể được trích dẫn, thu thập từ các ấn phẩm, các trang tin điện tử liên quan trong nước và ngoài nước. Nếu phát sinh vấn đề bản quyền, kính đề nghị phản hồi cho chúng tôi.

Viết bình luận

Để thuận tiện cho việc đăng tải, xin vui lòng nhập tiếng Việt có dấu.
Chúng tôi mong muốn nhận được những bình luận theo hướng mở rộng hoặc bổ sung thông tin liên quan đến bài viết.
Chúng tôi sẽ khóa những bình luận có ngôn từ mang tính kích động hoặc bất nhã.

  Đơn vị bảo trợ thông tin

ĐỐI TÁC - LIÊN KẾT
[ Lên đầu trang ]