Hỏi đáp Thuốc vườn nhà

Có nên uống nước quả la hán hàng ngày như uống trà?

Nguồn tin:  Thuốc vườn nhà
Cập nhật: 01/06/2012 09:12 SA

Hỏi:

Từ 2 năm nay, hàng ngày, tôi và gia đình thường xuyên uống nước "Quả la hán" như nước trà. Kính mong "Thuốc vườn nhà" vui lòng cho biết: Uống như vậy có được không? Có lợi hay hại? Quả la hán có những chất gì?

Hoài Lan, Phú Thọ

Đáp:

momordica grosvenori Swingle, quả la hán

La hán là cây đặc sản của vùng Quế Lâm, thuộc tỉnh Quảng Tây - Trung Quốc, nhập khẩu vào nước ta từ nhiều năm nay.

Quả la hán là quả chín của loài cây có tên khoa học là Momordica grosvenori Swingle. Thuộc họ bầu bí (Cucurbitaceae). Đó là một loại cây mọc leo, hoa đực mọc thành bông, phiến hoa bao nhỏ. Quả có vỏ cứng nhỏ, đường kính 4-6cm, hình cầu hay hơi trái xoan; bên trong có hạt và cơm màu nâu nhạt, với mùi thơm đặc trưng.

Vị thuốc "la hán quả" là quả đã sấy khô của cây la hán: Vào các tháng 9-10, người ta hái quả về, trải trên mặt đất phẳng cho chín. Sau khoảng 8-10 ngày, vỏ quả sẽ chuyển từ màu xanh sang màu vàng. Dùng lửa sấy, khi lắc thấy bên trong có tiếng kêu là quả đã khô. Sau đó chải sạch lông, bọc giấy, cho vào hòm bảo quản để dùng làm thuốc hoặc thực phẩm chức năng.

Theo Đông y: La hán có vị ngọt, tính mát, không độc; vào 2 kinh Phế và Đại tràng. Có tác dụng nhuận phế lợi hầu, hóa đàm chỉ khái, nhuận tràng thông tiện. Chủ trị ho do phế nhiệt và đàm hỏa nội kết, viêm hầu họng, viêm amiđan, viêm dạ dày cấp tính, đại tiện bí kết.

Hiện tại, trên lâm sàng thường sử dụng trong các trường hợp bệnh lý được Tây y chẩn đoán là: Viêm phế quản cấp tính hay mạn tính; viêm đường hô hấp trên thuộc thể "nhiệt đàm úng phế" (theo cách phân loại của Đông y); chữa viêm amiđan cấp, viêm họng cấp thuộc thể "nhiệt độc uẩn kết"; táo bón kinh niên thuộc thể "tân khuy tràng táo" (thiếu thể dịch, ruột khô).

Liều dùng hàng ngày: Dùng 15-30g sắc uống; hoặc hãm nước sôi, hay hấp uống.

Theo kết quả nghiên cứu hiện đại:

    - Về thành phần hóa học: Quả la hán có khoảng 8,67%-13,35% protein. Trong mỗi 100g quả có 313-510mg vitamin C, manganese (Mn), sắt (Fe), Nickel (Ni), kẽm (Zn), Thiếc (Sn), Selenium (Se), Iod (I) và 26 loại nguyên tố vô cơ khác. Trong hạt có 41,1% acid béo, bao gồm: Linoleic acid, Oleic acid, Palmitic acid, Stearic acid, Palmitoleic acid, Myristic acid, Lauric acid, trong đó 2 loại Linoleic acid và Oleic acid chiếm tới 73,2%. Trong quả la hán khô, tổng lượng đường chiếm tới 25,17%-38,31%, trong đó bao gồm 10,20%-17,55% đường fructose; 5,71%-15,19% đường glucose; còn có một loại thành phần không phải đường, nhưng có độ ngọt rất cao, đó là các triterpenoid saponin, trong đó Mogroside V có độ ngọt gấp 256-344 lần đường mía (saccharose), Mogroside VI ngọt gấp 126 lần đường mía; còn có một chất gọi là D-mannitol có độ ngọt bằng 0,55%-0,65% đường mía.

    - Về tác dụng chữa bệnh: Nước sắc quả la hán có tác dụng chống ho (trấn khái) và trừ đờm (khư đàm) rõ ràng; còn có tác dụng tăng cường chức năng miễn dịch tế bào của cơ thể.

Trong điều kiện gia đình, có thể sử dụng quả la hán để chữa trị một số chứng bệnh thường gặp như sau:

    (1) Chữa viêm họng: La hán quả thái lát, sắc nước uống thay trà trong ngày.

    (2) Chữa mất tiếng: La hán 1 quả, thái lát, thêm lượng nước thích hợp sắc lên, chờ nguội, chia ra uống nhiều lần, mỗi lần một ít.

    (3) Chữa ho gà (bách nhật khái): La hán 1 quả, hồng khô 25g, sắc nước uống; hoặc dùng trái la hán 1 quả, phổi lợn 40g (bóp hết bọt), hầm chín, thêm gia vị vào ăn.

    (4) Chữa ho khạc ra đờm vàng đặc quánh: Dùng quả la hán 20g, phối hợp với tang bạch bì (vỏ trắng rễ cây dâu tằm) 12g; sắc nước uống trong ngày.

    (5) Bổ phế, hỗ trợ trong điều trị ho lao: La hán 60g, thịt lợn nạc 100g; 2 thứ đều thái lát, thêm lượng nước thích hợp, hầm chí, thêm chút muối, ăn trong bữa cơm.

    (6) Chữa táo bón: Dùng quả la hán sắc lấy nước, pha thêm mật ong uống trong ngày.

Có nên uống nước quả la hán hàng ngày như uống trà?

    - Theo Đông y: Trái la hán có vị ngọt, tính mát; vào 2 kinh Phế và Đại tràng. Có tác dụng nhuận phế lợi hầu, hóa đàm chỉ khái, nhuận tràng thông tiện. Do đó thích hợp nhất với những người có thể chất nhiệt, có bệnh lý hô hấp và tiêu hóa thuộc thể "nhiệt" theo cách phân loại của Đông y. Người thể chất "dương hư" thì không nên lạm dụng. "Dương hư" còn gọi là "hư hàn", dân gian gọi là "tạng hàn"; thường có những biểu hiện: Thích ấm, sợ lạnh, da nhợt nhạt, chân tay lạnh, thích uống ấm, tiểu tiện trong dài, đại tiện lỏng loãng; rêu lưỡi trắng trơn, ...

    - Theo nghiên cứu hiện đại: Quả la hán giàu chất dinh dưỡng và có chứa một số hợp chất có độ ngọt lớn gấp hàng trăm lần đường mía, nhưng không phải là đường, nên là thứ thức ăn và gia vị lý tưởng đối với những người mắc bệnh đái tháo đường, hay bị béo phì.

    - Tóm lại: La hán có tác dụng như loại "thực phẩm chức năng", thích hợp nhất với những người có thể chất "nhiệt". Với người bình thường, cũng có thể sử dụng như một loại nước uống giải khát trong những ngày trời nóng.


Lương y HUYÊN THẢO


Xin vui lòng ghi rõ nguồn "Thuốc vườn nhà - http://www.thuocvuonnha.com" khi phát hành lại thông tin.


Tuyên bố trách nhiệm:
Thông tin trên thuocvuonnha.com chỉ phục vụ nghiên cứu học tập và mở rộng kiến thức. Không sử dụng làm căn cứ để tiến hành chẩn trị trên lâm sàng. Thông tin trên thuocvuonnha.com có thể được trích dẫn, thu thập từ các ấn phẩm, các trang tin điện tử liên quan trong nước và ngoài nước. Nếu phát sinh vấn đề bản quyền, kính đề nghị phản hồi cho chúng tôi.

Ý kiến bạn đọc

2 Ý kiến bạn đọc
tran thi minh nghi (30/05/2016 09:10 SA)

toi muon nau la han qua voi thuc dia duong phen duoc khong va co doc hai gi khong

hoang thi mong thao (29/03/2016 12:06 SA)

tôi mơi nấu nôi nước sâm thay vi thục địa tôi lạicho 3 quả la han . nguoi nhà tôi nói uống la han nhiều kg tốt . tôi muốn hoi co phải vây kg ?

Viết bình luận

Để thuận tiện cho việc đăng tải, xin vui lòng nhập tiếng Việt có dấu.
Chúng tôi mong muốn nhận được những bình luận theo hướng mở rộng hoặc bổ sung thông tin liên quan đến bài viết.
Chúng tôi sẽ khóa những bình luận có ngôn từ mang tính kích động hoặc bất nhã.

  Đơn vị bảo trợ thông tin

ĐỐI TÁC - LIÊN KẾT
[ Lên đầu trang ]