Dưỡng sinh Triết lý dưỡng sinh

Bí quyết dưỡng sinh của học giả Quách Mạt Nhược

Nguồn tin:  Thuốc vườn nhà
Cập nhật: 16/02/2012 01:28 SA

Quách Mạt Nhược (1892-1978) là nhà thơ, kịch tác gia, nhà sử học, nhà nghiên cứu văn tự cổ, một nhà văn hóa lớn đồng thời là nhà hoạt động xã hội nổi tiếng người Trung Quốc.

Quách Mạt Nhược

Thời trẻ du học ở Nhật, do làm việc trí óc quá độ, ông đã bị thần kinh suy nhược trầm trọng. Mỗi đêm chỉ ngủ được 3-4 tiếng, người luôn luôn cảm thấy bồn chồn, tinh thần hoang mang, tim đập dồn loạn nhịp từng cơn, trí nhớ suy giảm, học trước quên sau, ...

May thay, một vị sư đã khuyên ông nên tập tĩnh tọa...

Từ đó, hàng ngày, mỗi buổi sáng thức dậy và buổi tối trước khi đi ngủ, ông dành 30 phút để ngồi tĩnh tọa. Chỉ qua hai tuần lễ, bệnh tình đã biến đi như có phép lạ. Ngủ ngon giấc và trí nhớ trở nên siêu phàm. Từ đó hàng ngày ông kiên trì luyện tập tĩnh tọa, cho tới khi qua đời ở tuổi 86, không khi nào gián đoạn.

Tĩnh tọa vốn là một phương pháp dưỡng sinh cổ, lưu hành rộng rãi ở Ấn Độ, Trung Quốc, Nhật Bản, Việt Nam, Thái Lan, Miến Điện, ... Ngày nay phương pháp này đã lan truyền sang cả châu Âu và châu Mỹ.

Theo nghiên cứu của các nhà khoa học tại Đại học Harvard: Tĩnh tọa thực sự có thể cải thiện tâm lý và sinh lý, giúp con người chống lại những bệnh tật do nhịp sống căng thẳng của xã hội công nghiệp gây ra; người bị cao huyết áp, sau một thời gian tĩnh tọa cường độ và tần số của sóng an-pha đều tăng lên, tần số nhịp đập tim và hô hấp đều giảm xuống; độ căng thẳng của cơ bắp, mức tiêu hao năng lượng và lượng mỡ trong máu cũng đều xuống thấp hơn; các chức năng sinh lý đều được cải thiện.

Các kết quả nghiên cứu lâm sàng cho thấy: Đối với những người bị tăng huyết áp, xơ mỡ động mạch, bệnh động mạch vành tim, đái tháo đường, viêm loét đường tiêu hoá, các rối loạn ở tuổi mãn kinh, ... chỉ cần luyện tập tĩnh tọa trong một thời gian ngắn, trạng thái cơ thể đã cải thiện rõ ràng.

Mặt khác, đối với người khỏe mạnh khi luyện tập tĩnh tọa huyết áp, nhịp đập tim, lượng mỡ, lượng đường huyết, ... đều không bị ảnh hưởng. Như vậy, tĩnh tọa là một phép chữa bệnh không có tác dụng phụ.

• Bí quyết nhập tĩnh:

    Tĩnh tọa là phương pháp luyện tập và chữa bệnh rất thích hợp đối với những người lao động trí óc, như các nhà khoa học, nhà chính trị, nhà quản lý, các chủ doanh nghiệp, các nhà văn, nhà báo, ... đặc biệt, đối với những người trung niên và cao tuổi, do cơ thể không còn khả năng vận động mạnh, tĩnh tọa là một trong những phương pháp dưỡng sinh thích hợp nhất.

    Vậy bí quyết của phép tĩnh tọa là gì?

    Tĩnh tọa, nói nôm na có nghĩa là ngồi yên, giữ cho thân hình ngay ngắn và tập trung tâm trí. "Ngồi yên" thì không khó, nhưng tập trung được tâm trí (tĩnh tâm) thì chẳng dễ chút nào. Sau khi ngồi ngay ngắn (tốt nhất là tư thế "kiết già" - ngồi kiểu hoa sen), sau khi điều hòa cho hơi thở đều đặn và toàn thân thư giãn thì phải đạt cho tới trạng thái nhập tĩnh.

kiết già, ngồi kiết già, tư thế kiết già

    "Tĩnh" và "động" là hai trạng thái đối lập.

    Sinh mệnh cần có "động" và cũng cần có "tĩnh".

    "Động" để làm việc, còn "tĩnh" để nghỉ ngơi, tạo điều kiện để cơ thể hồi phục.

    Muốn đạt tới "tĩnh", trước nhất phải "định". "Định" tức là "định tâm", là "tập trung tư tưởng", chuyên tâm vào từng động tác, từng hơi thở, từng ý nghĩ. Cụ thể, trong phép tập tĩnh tọa, "định" là loại bỏ tất cả các ý nghĩ khác, chỉ tập trung ý nghĩ vào hơi thở của mình.

    Kinh nghiệm cho thấy, những người mới tập thường cảm thấy rất khó "định tâm", vừa mới định "tĩnh tâm", thì tâm trạng lại dường như càng rối thêm lên.

    Thực ra, đây là chuyện hết sức thường tình. Khi cầm cốc nước trên tay, chúng ta không nhìn thấy bụi; nếu đặt yên cốc nước trên bàn, sẽ thấy những hạt bụi lơ lửng từ từ lắng xuống. Đó không phải là ở trạng thái yên tĩnh trong nước sẽ xuất hiện những hạt bụi: Nước trong cốc vốn có lẫn cát bụi, chỉ có điều khi để yên cốc nước chúng ta mới thấy rõ cát bụi mà thôi. Trạng thái nhập định cũng tương tự như vậy, khi bắt đầu tĩnh tâm, chúng ta sẽ phát hiện ra những ý nghĩ vẩn vơ trong đầu.

    Chớ nên lo lắng, cứ tập trung theo hơi thở nhịp nhàng, các ý nghĩ linh tinh sẽ dần dần tan biến và tâm sẽ tự định.

    Khi ánh nắng xuyên qua khe cửa, bạn sẽ thấy vô số những hạt bụi lơ lửng trong phòng, nếu lấy quạt hay phất trần để xua chúng đi, bụi bậm sẽ tăng thêm nhiều hơn.

    Tĩnh tọa cũng tương tự như vậy: Khi có những ý nghĩ linh tinh trong đầu, chúng ta không cần phải tìm cách xua đuổi, cứ ngồi yên và tập trung ý nghĩ vào hơi thở thì những ý nghĩ tản mạn sẽ tự tan biến dần.

    Tĩnh tọa cũng tựa như "đánh phèn" vại nước: Khi pha phèn vào nước, vẩn đục có vẻ như tăng lên, song tất cả sẽ mau chóng lắng xuống dưới đáy và nước sẽ trở nên trong veo.

    Trạng thái tưởng như là rối loạn ở những người mới tập nói trên, thật ra là một hiệu ứng tốt - là thành quả đầu tiên của việc tĩnh tọa.

    Chỉ cần kiên trì, hàng ngày luyện tập, cuối cùng sẽ đạt tới trạng thái tĩnh định hoàn toàn, và sức khỏe nhất định sẽ được tăng cường.

Lương y THÁI HƯ 

(Bài viết đã đăng trên báo Sức Khỏe & Đời sống)


Xin vui lòng ghi rõ nguồn "Thuốc vườn nhà - http://www.thuocvuonnha.com" khi phát hành lại thông tin.


Tuyên bố trách nhiệm:
Thông tin trên thuocvuonnha.com chỉ phục vụ nghiên cứu học tập và mở rộng kiến thức. Không sử dụng làm căn cứ để tiến hành chẩn trị trên lâm sàng. Thông tin trên thuocvuonnha.com có thể được trích dẫn, thu thập từ các ấn phẩm, các trang tin điện tử liên quan trong nước và ngoài nước. Nếu phát sinh vấn đề bản quyền, kính đề nghị phản hồi cho chúng tôi.

Viết bình luận

Để thuận tiện cho việc đăng tải, xin vui lòng nhập tiếng Việt có dấu.
Chúng tôi mong muốn nhận được những bình luận theo hướng mở rộng hoặc bổ sung thông tin liên quan đến bài viết.
Chúng tôi sẽ khóa những bình luận có ngôn từ mang tính kích động hoặc bất nhã.

  Đơn vị bảo trợ thông tin

ĐỐI TÁC - LIÊN KẾT
[ Lên đầu trang ]