Hỏi đáp Thuốc vườn nhà

Bệnh Gút cần kiêng Trà xanh và Cà phê?

Nguồn tin:  Thuốc vườn nhà
Cập nhật: 15/01/2012 09:34 CH

Hỏi:

Bố cháu bị gout đã 3-4 năm nay, hiện bố cháu tập khí công và ăn uống kiêng khem nên bệnh không còn tái phát. Nhưng bố cháu lại nghiện uống trà xanh và cafe. Hôm trước cháu có xem trên Tivi thấy nói uống trà xanh làm tăng uric. Vậy theo bác bố cháu có nên bỏ uống trà và cafe không? Nếu không phải bỏ thì liều lượng như thế nào thì phù hợp. Cháu cám ơn bác và mong nhận được hồi âm của bác.

Hiep Vu Hung

Đáp:

cà phê, cafe

Bệnh Gút (Guoty Arthiritis) là một loại viêm khớp, do rối loạn chuyển hóa purine, dẫn tới tăng acid uric trong máu và gây nên viêm khớp. Biểu hiện lâm sàng: Khớp xương sưng tấy, nóng đỏ, đau kịch liệt, tái phát nhiều lần, ... Lâu ngày dẫn đến dị dạng khớp, nổi u cục quanh khớp và dưới da, sỏi thận, suy thận, ...

Bệnh Gút liên quan mật thiết đến thành phần dinh dưỡng của thức ăn sử dụng hàng ngày. Vì vậy, người bệnh cần hạn chế các thức ăn chứa nhiều purine. Căn cứ vào hàm lượng purine, một số nhà dinh dưỡng đã xếp loại thức ăn theo các "cấp độ nguy hiểm" như sau:

    Cấp 1: Rất nhiều purine (150-1000mg purine trong 100g thức ăn). Ví dụ: Tim, tụy, trứng cá trích, nước thịt cô đặc, thịt ức, cá xác-đin, ...

    Cấp 2: Nhiều purine (75-150mg purine trong 100g thức ăn). Ví dụ: Gan, thận, thịt ngỗng, gà rừng, bồ câu, đùi dê, thịt bê, thịt nai, thịt lợn ướp muối, ...

    Cấp 3: Lượng purine trung bình (tối đa 75mg purine trong 100g thức ăn). Ví dụ: Óc, lưỡi, thịt lợn, thịt bò, thịt gà, thịt vịt, thịt thỏ, tôm, lạc, các loại đỗ, ...

    Cấp 4: Hàm lượng purine thấp, rất ít hoặc không có purine. Ví dụ: Trứng, sữa, gạo, bột mì, nước mắm cá, đường, trà, cà phê, nước quả, sô-cô-la, các loại rau quả (trừ đỗ).

Theo ý kiến chuyên gia, người bị bệnh Gút cần tránh ăn các thức ăn cấp 1 và cấp 2 ở trên. Chỉ nên sử dụng các thức ăn cấp 3 và cấp 4. Các món nội tạng như tim, gan, thận, ... mỗi tuần chỉ nên ăn 2 lần, mỗi lần không quá 80g. Để bổ sung chất đạm, có thể dùng thêm sữa và thịt một số loài gia cầm. Để tăng cường thải trừ acid uric, hàng ngày cần uống nhiều nước, bảo đảm lượng nước tiểu bài tiết hàng ngày từ 2 lít trở lên.

Bảng xếp loại trên chỉ có tính tham khảo. Vì mới căn cứ vào hàm lượng purine trong thức ăn chưa chế biến. Hiện tại, vẫn chưa có những tư liệu đầy đủ về hàm lượng purine trong thức ăn đã chế biến.

Một vấn đề nữa: Trước kia bệnh nhân Gút thường bị cấm sử dụng các món chế biến từ các loại đỗ. Nhưng kết quả phân tích thành phần thức ăn gần đây cho thấy, đỗ không phải là loại thức ăn có hàm lượng purine cao, cấm đoán trên không có cơ sở.

Quan điểm về kiêng kị của Tây y và Đông y cũng rất khác nhau. Tây y căn cứ chủ yếu vào thành phần hóa học của thức ăn. Bảng xếp hạng "cấp nguy hiểm" ở trên là ví dụ điển hình. Đông y căn cứ chủ yếu vào đặc điểm thể chất từng người, cho rằng: Tác động của cùng một loại thức ăn (hoặc thuốc) có thể rất khác nhau, tùy thuộc vào đặc điểm thể chất, bệnh tình từng người.

Trà và cà phê đều là những thứ trong "Cấp 4", người bệnh Gút có thể sử dụng. Theo chúng tôi biết, hiện tại chưa có những chứng cứ xác thực chứng minh tác hại của trà xanh cũng như cà phê đối với bệnh Gút. Nếu bố bạn vẫn thường xuyên uống hai thứ đó mà không thấy tác dụng có hại, thì không nhất thiết phải từ bỏ.

Kiêng khem quá khắt khe khiến tinh thần bị ức chế quá mức, cũng có thể làm bệnh tình càng thêm trầm trọng. Tôi quen một số người bị Gút, đã làm "sổ theo dõi bữa ăn" để xác định những thức ăn thích hợp với cơ địa của mình cho đỡ phải kiêng khem quá mức. Tôi cũng quen một số người bệnh Gút, vẫn sử dụng cả một số loại thức ăn mà bác sĩ khuyên không nên dùng mà bệnh không phát tác, xét nghiệm máu uric không tăng, ... Tóm lại: Không có quy tắc kiêng kị chung thích hợp cho tất cả mọi người.

Giải pháp tốt nhất là chú ý lắng nghe cơ thể để tìm ra chế độ ăn uống thích hợp nhất với bản thân mình.

Lương y HƯ ĐAN


Xin vui lòng ghi rõ nguồn "Thuốc vườn nhà - http://www.thuocvuonnha.com" khi phát hành lại thông tin.


Tuyên bố trách nhiệm:
Thông tin trên thuocvuonnha.com chỉ phục vụ nghiên cứu học tập và mở rộng kiến thức. Không sử dụng làm căn cứ để tiến hành chẩn trị trên lâm sàng. Thông tin trên thuocvuonnha.com có thể được trích dẫn, thu thập từ các ấn phẩm, các trang tin điện tử liên quan trong nước và ngoài nước. Nếu phát sinh vấn đề bản quyền, kính đề nghị phản hồi cho chúng tôi.

Viết bình luận

Để thuận tiện cho việc đăng tải, xin vui lòng nhập tiếng Việt có dấu.
Chúng tôi mong muốn nhận được những bình luận theo hướng mở rộng hoặc bổ sung thông tin liên quan đến bài viết.
Chúng tôi sẽ khóa những bình luận có ngôn từ mang tính kích động hoặc bất nhã.

  Đơn vị bảo trợ thông tin

ĐỐI TÁC - LIÊN KẾT
[ Lên đầu trang ]