Hỏi đáp

Bại tương thảo chữa "Tinh dịch không hóa lỏng"

Nguồn tin:  Thuốc vườn nhà
Cập nhật: 27/02/2012 09:23 CH

Hỏi:

Trước đây, khi còn công tác ở Sa Pa, tôi từng mắc chứng bệnh "tinh dịch không hóa lỏng", dẫn tới vô sinh. Khi đó tôi đã được một thầy thuốc Đông y khám; uống thuốc theo đơn khoảng 3 tháng thì đã khỏi bệnh, hiện chúng tôi đã có 1 bé gái. Gần đây, bệnh của tôi lại tái phát. Tôi cầm đơn thuốc cũ đi mua, nhưng các hiệu thuốc ở Hà Nội đều không có bán vị thuốc "bại tương thảo" (có liều lượng cao nhất trong số 13 vị thuốc kê trong đơn). Rất mong "Thuốc vườn nhà" thông tin cho biết, vị thuốc "bại tương thảo" có tác dụng gì? Có thể kiếm ở đâu hoặc có thể thay thế bằng vị thuốc nào khác hay không?

Trần Tiến Bình, Sóc Sơn, Hà Nội

Đáp:

Nữ Lang, Valerianaceae), Bại tương thảo hoa trắng, Patrinia villosa (Thunb.) Juss., cỏ bồng, lộc thủ, mã thảo, trạch bại, lộc tương, khổ thái, khổ chức, dã khổ thái

    Nữ Lang, Valerianaceae), Bại tương thảo hoa vàng, Patrinia scabiosaefolia Fisch. ex Link, lộc thủ, mã thảo, trạch bại, lộc tương, khổ thái, khổ chức, dã khổ thái

Bệnh "Tinh dịch không hóa lỏng" thường gặp ở những người mắc các bệnh ở Túi tinh (tinh nang) và Tuyến tiền liệt.

Với người khỏe mạnh, khi vừa phóng ra, tinh dịch là những cục ngưng kết, đặc quánh, màu vàng đậm, trong suốt, sau đó đục dần, khoảng 5-20 phút sau sẽ hóa lỏng (biến thành dịch lỏng). Tinh dịch hóa lỏng giúp tinh trùng dễ dàng tiến sâu vào bên trong cơ quan sinh dục nữ, tạo điều kiện thuận lợi cho sự thụ thai. Nếu sau khi phóng ra một thời gian, mà tinh dịch vẫn đông đặc, thì đó là hiện tượng "Tinh dịch không hóa lỏng".

Tinh dịch không hóa lỏng, là một trong những nguyên nhân dẫn tới vô sinh. Vì tinh trùng bị "cầm tù" trong những cục đông đặc, mất khả năng di chuyển, không tiến sâu được vào bên trong, để có thể gặp gỡ, thụ thai với trứng.

"Tinh dịch không hóa lỏng" thuộc phạm vi của chứng "Tinh trọc" trong Đông y. Theo Đông y, nguyên nhân có thể do "Âm hư hỏa vượng", "Thấp nhiệt uẩn kết" hoặc "Đàm trọc trở trệ" gây nên.

Bệnh "Tinh dịch không hóa lỏng" bạn mắc mấy năm trước, nhiều khả năng do "Thấp nhiệt uẩn kết" gây nên, do đó thầy thuốc đã kê cho bạn đơn thuốc, mà "Bại tương thảo" đóng vai trò chính (liều cao nhất). Nay bệnh tái phát, nếu như ngoài hiện tượng "Tinh dịch không hóa lỏng", các chứng trạng toàn thân khác như ăn, ngủ, đại tiện, tiểu tiện, ... cũng giống như những năm về trước, mới có thể sử dụng lại đơn thuốc cũ. Tuy nhiên, tốt nhất nên đến một phòng khám Đông y đáng tin cậy, để được các thầy thuốc thăm khám, hướng dẫn sử dụng thuốc một các cụ thể. Vì hiện tại, bệnh của bạn có thể do những nguyên nhân khác gây nên.

"Bại tương thảo" là một vị thuốc rất cổ, từng được mô tả trong "Thần Nông bản thảo kinh", bộ sách thuốc đầu tiên của Đông y học, được viết ra từ thời Tần Hán, cách nay hơn 2000 năm.

Vị thuốc có tên là "Bại tương thảo" vì cây có mùi thum thủm đặc thù, như mùi xì dầu thối ("bại tương" = ma-di, xì dầu, nước mắm bị hỏng, "thảo" = cây). Cây còn có tên là "lộc thủ", "mã thảo", "trạch bại", "lộc tương", "khổ thái", "khổ chức", "dã khổ thái", ...

Trên thực tế, vị thuốc "Bại tương thảo" được khai thác từ hai cây cùng họ Nữ Lang (Valerianaceae), có hình dạng gần giống nhau: "Bại tương thảo hoa vàng" (Patrinia scabiosaefolia Fisch. ex Link) và "Bại tương thảo hoa trắng" (Patrinia villosa (Thunb.) Juss.). Cây hoa vàng phát hiện thấy mọc ở Sa Pa, còn cây hoa trắng thấy mọc ở Lạng Sơn (dân địa phương thường gọi đó là cây "cỏ bồng").

Theo Đông y truyền thống: "Bại tương thảo" có vị cay, đắng, tính bình, vào 3 kinh Can, Vị, Đại tràng. Có tác dụng thanh nhiệt giải độc, hóa ứ tán kết, tiêu thũng bài nùng, chỉ thống (giảm đau), ... Thường dùng chữa đau bụng, tiết tả, lỵ tật, sản hậu đau bụng, mắt đỏ sưng đau, mụn nhọt lở ngứa, ...

Kết quả nghiên cứu hiện đại cho thấy: "Bại tương thảo" có tác dụng làm dịu thần kinh, giảm sự co thắt của hệ cơ trong Tuyến tiền liệt, khiến quá trình tiết dịch của tuyến được tăng cường.

Trên lâm sàng: Hiện tại "Bại tương thảo" được sử dụng làm vị thuốc chính trong các bài thuốc chữa chứng "Tinh dịch không hóa lỏng" thể "Thấp nhiệt uẩn kết" đạt kết quả tốt. Ngoài ra, "Bại tương thảo" còn được sử dụng để chữa một số chứng bệnh đường hô hấp, tiêu hóa và bệnh ngoài da.

Lương y HUYÊN THẢO


Xin vui lòng ghi rõ nguồn "Thuốc vườn nhà - http://www.thuocvuonnha.com" khi phát hành lại thông tin.


Tuyên bố trách nhiệm:
Thông tin trên thuocvuonnha.com chỉ phục vụ nghiên cứu học tập và mở rộng kiến thức. Không sử dụng làm căn cứ để tiến hành chẩn trị trên lâm sàng. Thông tin trên thuocvuonnha.com có thể được trích dẫn, thu thập từ các ấn phẩm, các trang tin điện tử liên quan trong nước và ngoài nước. Nếu phát sinh vấn đề bản quyền, kính đề nghị phản hồi cho chúng tôi.

Viết bình luận

Để thuận tiện cho việc đăng tải, xin vui lòng nhập tiếng Việt có dấu.
Chúng tôi mong muốn nhận được những bình luận theo hướng mở rộng hoặc bổ sung thông tin liên quan đến bài viết.
Chúng tôi sẽ khóa những bình luận có ngôn từ mang tính kích động hoặc bất nhã.

  Đơn vị bảo trợ thông tin

ĐỐI TÁC - LIÊN KẾT
[ Lên đầu trang ]