Hỏi đáp Thuốc vườn nhà

Bài thuốc kiềm chế thoái hóa khớp

Nguồn tin:  Thuốc vườn nhà
Cập nhật: 24/03/2012 09:28 SA

Hỏi:

Tôi là độc giả thường xuyên của thuocvuonnha.com và luôn theo dõi chuyên mục "Thuốc vườn nhà", vì có rất nhiều bài thuốc hay và có tác dụng. Gần đây, tôi hay bị đau ở các khớp gối và khủy tay. Sau khi thử máu, chụp X-quang, bác sĩ ở Bệnh viện E kết luận bị thoái hóa khớp nhẹ, có cho đơn thuốc, nhưng khuyên nên dùng thuốc Đông y điều trị cho ổn định. Mong "Thuốc vườn nhà" cho biết, có bài thuốc Đông y nào có thể làm cho quá trình thoái hóa khớp chậm lại được không?

Đỗ Quang Thanh, Hà Nội

Đáp:

đương quy

Theo Đông y: Muốn kiềm chế quá trình thoái hóa khớp, cần tiến hành điều chỉnh chức năng của tạng thận. Thận là một trong "ngũ tạng" (tâm, can, tỳ, phế, thận). "Ngũ tạng" trong Đông y là 5 nhóm chức năng lớn, không đồng nhất với chức năng của 5 cơ quan (tim, gan, lá lách, phổi, thận) trong sinh lý học mà chúng ta đã học ở trường. Thí dụ, tạng thận, ngoài chức năng mà Đông y gọi là "chủ thủy" (tương tự chức năng chuyển hóa nước và dịch thể của 2 quả thận trong sinh lý học), tạng thận còn chủ quản chức năng sinh dục (Đông y gọi là "thận tàng tinh"), điều hòa hô hấp ("nạp khí") và liên quan mật thiết tới sự phát triển của xương, tóc, chức năng thính giác, đại tiểu tiện, ...

Điều hòa chức năng của tạng thận, không đơn thuần chỉ là bổ thận, mà cần căn cứ tình hình cụ thể, chức năng nào suy yếu thì điều hòa lại chức năng đó.

Theo Đông y: "Thận dương hư" (thận dương suy yếu), "thận âm hư" (thận âm suy yếu), "thận khí bất cố" (chức năng khí hóa của tạng thận bị suy yếu) và "thận tinh bất túc" (tinh tàng trữ trong thận không đầy đủ), đều có thể dẫn tới hiện tượng thoái hóa khớp sớm.

Trong số 4 nguyên nhân trên, "thận tinh bất túc" có liên quan mật thiết nhất, tới tình trạng xương khớp chậm phát triển và sớm thoái hóa. Vì vậy chúng ta sẽ nói kỹ hơn về trường hợp này.

"Thận tinh bất túc" còn gọi là "Thận tinh suy", hay "Thận tinh hư". Chứng "Thận tinh bất túc" thường có những biểu hiện: Lưng, gối, khớp xương đau mỏi, người gầy, tóc rụng nhiều hoặc bạc sớm, răng không chắc, lung lay, trong tai có tiếng ù ù hoặc thính lực giảm, đầu choáng mắt hoa, tinh thần uể oải, hay quên, chức năng sinh dục bị trục trặc (liệt dương, vô sinh, di tinh, xuất tinh sớm, ... ), chất lưỡi hồng nhạt, rêu lưỡi trắng mỏng, mạch trầm tế (chìm nhỏ). Nếu có khoảng 70% các triệu chứng trên, thì nên nghĩ tới là đã bị mắc chứng bệnh này.

"Thận tinh bất túc" và "Thận âm hư" tuy có nhiều biểu hiện giống nhau, nhưng theo các phân loại chứng bệnh của Đông y, đó là hai chứng bệnh khác nhau. Về mặt lý luận, "tinh" thuộc "âm", nên "thận âm hư" bao gồm cả "thận tinh bất túc". Nói cách khác, "thận tinh bất túc" là một bộ phận của chứng "thận âm hư". "Thận âm hư", ngoài những biểu hiện của "thận tinh bất túc" nói ở trên, còn có thêm những biểu hiện đặc trưng của tình trạng "âm hư hỏa vượng" như lòng bàn chân bàn tay hâm hấp nóng, miệng khô họng hão, mồ hôi trộm, ...

Để kiềm chế quá trình xương thoái hóa sớm, do "thận tinh bất túc", bạn có thể sử dụng thử bài thuốc sau:

    - Thành phần: Thục địa 24g, sơn dược 9g, kỷ tử 9g, sơn thù 9g, phục linh 9g, chích cam thảo 5g, thỏ ty tử 12g, lộc giác giao 12g, quy bản giao 12g, ngưu tất 9g, đương quy 12g, xuyên khung 12g, bạch thược 12g, tiên linh tỳ 12g. Tất cả các vị thuốc trên đều có bán ở các cửa hàng Đông Nam dược.

    - Cách dùng: Đổ ngập nước trên mặt thuốc 2-3cm, sau khi đun sôi, giữ sôi lăn tăn 15-20 phút; chắt ra uống dần thay nước, hết lại sắc lần thứ hai; mỗi thang có thể sắc 3-4 lần; uống trong 2 ngày. Trường hợp bị ngoại cảm cần ngừng dùng thuốc.

    - Tác dụng: Bài thuốc dùng nhiều thục địa để nuôi dưỡng tạng thận, nhằm bổ vào chân âm; dùng sơn thù, kỷ tử để nuôi dưỡng can huyết; dùng thỏ ty tử, lộc giác giao, quy bản giao, tiên linh tỳ để bổ ích thận tinh; dùng phục linh, cam thảo để ích khí kiện tỳ; dùng sơn dược để ích âm kiện tỳ tư thận; dùng đương quy, xuyên khung, bạch thược để tăng cường tác dụng dưỡng huyết hoạt huyết. Hợp lại, có tác dụng dưỡng thận, bổ huyết, ích tinh rất tốt.

Như trên đã nói, thoái hóa khớp có thể do nhiều rối loạn khác nhau ở tạng thận gây nên, vì vậy, bạn nên đến một phong khám Đông y có uy tín để được các thầy thuốc khám và tư vấn cụ thể.


Lương y HUYÊN THẢO


Xin vui lòng ghi rõ nguồn "Thuốc vườn nhà - http://www.thuocvuonnha.com" khi phát hành lại thông tin.


Tuyên bố trách nhiệm:
Thông tin trên thuocvuonnha.com chỉ phục vụ nghiên cứu học tập và mở rộng kiến thức. Không sử dụng làm căn cứ để tiến hành chẩn trị trên lâm sàng. Thông tin trên thuocvuonnha.com có thể được trích dẫn, thu thập từ các ấn phẩm, các trang tin điện tử liên quan trong nước và ngoài nước. Nếu phát sinh vấn đề bản quyền, kính đề nghị phản hồi cho chúng tôi.

Viết bình luận

Để thuận tiện cho việc đăng tải, xin vui lòng nhập tiếng Việt có dấu.
Chúng tôi mong muốn nhận được những bình luận theo hướng mở rộng hoặc bổ sung thông tin liên quan đến bài viết.
Chúng tôi sẽ khóa những bình luận có ngôn từ mang tính kích động hoặc bất nhã.

  Đơn vị bảo trợ thông tin

ĐỐI TÁC - LIÊN KẾT
[ Lên đầu trang ]