Hỏi đáp Mỹ phẩm từ thiên nhiên

Bài thuốc bôi ngoài xóa những vết sẹo lâu ngày

Nguồn tin:  Thuốc vườn nhà
Cập nhật: 15/11/2011 08:09 SA

Thời gian qua "Mỹ phẩm từ thiên nhiên" nhận được nhiều thư hỏi về những điều liên quan đến thuốc xóa vết sẹo. Có người không biết mua các vị thuốc "tật lê", "dành dành", thậm chí cả hạt trám ở đâu. Có người dùng bài thuốc phổ biến có kết quả tốt, có người không, có người thấy ngứa ngáy khó chịu, hoặc vết sẹo bị thâm đen, ... Nay xin nói rõ thêm một số vấn đề!

Quý bạn đọc ở Thái Nguyên, Hà Tĩnh, Quảng Ngãi, ...

Đáp:

hoa hiên

Hoa hiên

"Tật lê" và "dành dành" có thể mua ở các cửa hàng Đông dược (thường gọi là cửa hàng Thuốc Bắc). Còn muốn có hạt trám thì chỉ cần ra chợ mua trám về luộc, kho cá ăn, ... còn hạt thì giữ lại dùng để làm thuốc.

Điều cần chú ý đặc biệt là, các vị thuốc Đông y thường có nhiều tên gọi khác nhau, một số vị thuốc lại có tên gần giống nhau, rất dễ nhầm lẫm.

Muốn có "dành dành" thường phải hỏi vị thuốc "chi tử".

Hạt "tật lê" những người bán thuốc thường gọi là "bạch tật lê" hoặc "thích tật lê"; chớ mua nhầm "đồng tật lê" (còn gọi là "sa tật lê", "sa uyển tật lê", ...) là vị thuốc có tác dụng khác. Cũng cần mua ở những cửa hàng có tín nhiệm, vì cây tật lê tuy có mọc trong nước, nhưng vị thuốc tật lê hiện nay vẫn phải nhập từ nước ngoài, hay bị làm giả (thay bằng thứ khác).

Vì vậy nên đi mua thuốc cùng người có chuyên môn, hoặc sau khi mua thuốc về nhờ kiểm tra lại sau đó hãy dùng, nếu không có thể sinh biến chứng.

Một người họ hàng của tôi đã dùng thử "bạch tật lê + dành dành + giấm" xóa một vết sẹo nhỏ trên má thấy kết quả tốt (bôi khoảng 20 ngày), lúc đầu bôi vào chỉ hơi ngứa, chứ vết sẹo không bị thâm đem gì cả. Tuy nhiên, mỗi loại thuốc có thể thích ứng với người này mà không hợp với người khác. Vì vậy tốt nhất nên sử dụng theo sự hướng dẫn của người có chuyên môn.

Sẹo ảnh hưởng đến thẩm mỹ, vậy khi da bị tổn thương trước hết cần biết cách phòng ngừa sự hình thành các "vết sẹo xấu". Sẹo lúc đầu có màu hồng, sau một thời gian trở nên sẫm, tiếp đó sẽ trắng dần ra. Nếu cơ thể khỏe mạnh, da có sức phục hồi tốt, thì sau một thời gian vết sẹo hầu như không khác biệt với da chung quanh.

Mô sẹo không có lông và tuyến mô hôi như mô da bình thường, nhưng vẫn có các dây thần kinh, vì vậy vẫn rất mẫn cảm, có thể gây ngứa ngáy khó chịu. Vết sẹo thường là thấp hoặc nổi cao hơn mặt da, nhưng cũng có những vết sẹo phẳng như mặt da. Sau khi bị tổn thương nặng, nếu không xử lý đúng phương pháp, trên da có thể hình thành những vết sẹo lớn, mặt da bị biến dạng, xấu xí khó coi.

Để có "sẹo tốt", ít ảnh hưởng thẩm mỹ, cần lưu ý một số điều sau:

    - Phải chữa trị vết thương kịp thời, không để nhiễm trùng nặng và mưng mủ, khiến sau này vết thương khó liền, tạo nên vết "sẹo xấu".

    - Khi vết thương mới lành, nên dùng nghệ tươi giã nhỏ, chấm lên vết sẹo đang lên da non, để "hãm" sẹo không cho lan rộng ra và dày lồi lên trên mặt da; bôi nghệ còn có tác dụng làm sẹo mềm bớt và không bị thâm đen.

    - Khi vết thương đang liền sẹo, không nên để sẹo tiếp xúc với ánh nắng, nếu đi nắng cần dùng khăn che kín vết sẹo.

    - Khi sẹo đang lên da non ngứa, không nên gãi hoặc day.

Xin giới thiệu 3 bài thuốc bôi ngoài để xóa những vết sẹo đã lâu ngày:

    (1) Bài 1: Dùng hồng hoa 30g, cồn 75 độ 300ml; ngâm trong ít nhất một tuần, chắt lấy rượu thuốc; hàng ngày bôi lên vết sẹo 1-2 lần (Mỹ dung hộ phu trung y).

    (2) Bài 2: Ngũ bội tử 15g, sơn đậu căn 10g, bạch cập 10g; tất cả đem nghiền thành bột mịn, trộn với dầu vừng bôi lên vết sẹo vào buổi tối trước khi đi ngủ (Thực dụng mỹ dung trung dược).

    (3) Bài 3: Dùng hoa hiên phơi khô, nghiền thành bột mịn, trộn với mật ong; bôi vào chỗ vết sẹo ngày 2 lần. Chủ trị tất cả các loại sẹo do mụn nhọt, bỏng, ngoại thương (Y phương loại tụ).

Các vị thuốc "hồng hoa", "ngũ bội tử", "sơn đậu căn", "bạch cập" có thể mua ở hầu hết các cửa hàng Đông dược. Riêng vị "hoa hiên" (Đông y gọi là "hoàng hoa thái") ít thấy bán trong các cửa hàng thuốc Bắc ở nước ta, nhưng cây này lại được trồng làm cây cảnh ở nhiều nơi, ví dụ quanh các nhà nghỉ ở Tam đảo có trồng rất nhiều.


Lương y HƯ ĐAN


Xin vui lòng ghi rõ nguồn "Thuốc vườn nhà - http://www.thuocvuonnha.com" khi phát hành lại thông tin.


Tuyên bố trách nhiệm:
Thông tin trên thuocvuonnha.com chỉ phục vụ nghiên cứu học tập và mở rộng kiến thức. Không sử dụng làm căn cứ để tiến hành chẩn trị trên lâm sàng. Thông tin trên thuocvuonnha.com có thể được trích dẫn, thu thập từ các ấn phẩm, các trang tin điện tử liên quan trong nước và ngoài nước. Nếu phát sinh vấn đề bản quyền, kính đề nghị phản hồi cho chúng tôi.

Ý kiến bạn đọc

1 Ý kiến bạn đọc
lam thuy mo (23/03/2016 11:37 CH)

cho mình hỏi dung dịch bạch tật lê ,sơn chi tử và giấm có màu gì vậy?sao mình ngâm ra màu xanh đen.khi bôi lên mặt thì rửa không sạch.làm cách nào để rửa sạch ah?thanks

Viết bình luận

Để thuận tiện cho việc đăng tải, xin vui lòng nhập tiếng Việt có dấu.
Chúng tôi mong muốn nhận được những bình luận theo hướng mở rộng hoặc bổ sung thông tin liên quan đến bài viết.
Chúng tôi sẽ khóa những bình luận có ngôn từ mang tính kích động hoặc bất nhã.

  Đơn vị bảo trợ thông tin

ĐỐI TÁC - LIÊN KẾT
[ Lên đầu trang ]