Hỏi đáp

Ăn quả vải, nên gom hạt để dùng làm thuốc

Nguồn tin:  Thuốc vườn nhà
Cập nhật: 18/05/2015 09:10 SA

Hỏi:

Tôi nghe một số người nói, hạt vải có thể dùng để chữa nhiều bệnh. Đề nghị "Thuốc vườn nhà" cho biết có đúng hay không? Có thể dùng chữa những bệnh gì? Cách sử dụng cụ thể như thế nào và có dẫn tới tác dụng phụ gì không?

Trần Ngọc Minh, Yên Hưng, Quảng Ninh

Đáp:

quả vải, hạt vải, lệ chi hạch, đại lệ hạch, lệ nhân, lệ chi

Vải

Câu hỏi của bạn rất hay và thiết thực. Lâu nay, báo chí và sách phổ biến kiến thức, đã giới thiệu khá nhiều về tác dụng bổ dưỡng và chữa bệnh của cùi vải, nhưng ít thấy đề cập đến tác dụng của hạt vải.

Trên thực tế, hạt vải cũng là một vị thuốc, đã được sử dụng trong dân gian và Đông y từ lâu đời. Sau khi ăn vải, dùng cùi vải chế biến thực phẩm, người xưa đã biết gom hạt lại, rửa sạch, thái mỏng, phơi hay sấy khô, để dùng làm thuốc.

Hạt vải có thể dùng sống (chỉ phơi hoặc sấy khô) hoặc bào chế theo những cách khác nhau, tùy thuộc dùng để chữa bệnh gì.

Như khi chữa tinh hoàn sưng đau, âm nang sưng đỏ, phụ nữ khí trệ huyết ứ, đau bụng trước khi hành kinh hoặc sản hậu đau bụng, can khí uất trệ, đau dạ dày, thì thường dùng sống. Còn khi chữa sán thống (thoát vị đau nhức) do hàn ngưng khí trệ ở kinh quyết âm, thường đem tẩm muối rồi nướng lên (diên chích), ...

Trong Đông y, vị thuốc hạt vải có tên "lệ chi hạch", còn có một số tên khác nữa như "lệ nhân", "đại lệ hạch", "sao lệ hạch", "lệ chi", ...

Trong  Đông dược, hạt vải được xếp vào loại thuốc "lý khí" (chữa trị các chứng bệnh liên quan đến chức năng của "khí"), cùng với một số vị thuốc quen thuộc khác như "hương phụ" (củ gấu), "trần bì" (vỏ quít), "thanh bì", "chỉ thực", "mộc hương", "ô dược", ...

Theo Đông y: Lệ chi hạch (hạt vải) có vị cam sáp (ngọt chát) tính ôn (ấm), vô độc (không độc); vào các kinh Can, Vị và Thận. Có tác dụng hành khí tán kết, tán hàn chỉ thống. Chủ yếu dùng chữa "sán khí thống" (thoát vị, đau) do hàn ngưng khí trệ, tinh hoàn sưng đau, đau dạ dày co Can vị bất hòa, thống kinh và sản hậu đau bụng do Can uất khí trệ huyết ứ.

Kết hợp Đông Tây y: Dùng trong các trường hợp viêm gan mạn tính thể "Can uất khí trệ" hoặc "Can vị bất hòa"; viêm phần phụ mạn tính, u nang buồng trứng, u xơ tử cung, tăng sinh tuyến vú, hành kinh đau bụng thể "Can khí uất trệ".

Kết quả nghiên cứu hiện đại cho thấy: Hạt vải có tác dụng cải thiện chuyển hóa đường, phòng trị đái tháo đường và phòng ngừa biến chứng thận ở những người tiểu đường type 2; còn có tác dụng kháng khuẩn và ức chế nhất định đối với sự phát triển của virus viêm gan B.

Như vậy, ngoài tác dụng chữa các bệnh liên quan đến chức năng của "khí" theo kinh nghiệm Đông y truyền thống, hạt vải còn có thể sử dụng để phòng ngừa và chữa trị một số bệnh thường gặp trong xã hội hiện đại.

Một số bài thuốc có sử dụng hạt vải:

    (1) Phòng trị tiểu đường type 2: Hạt vải sấy khô, tán mịn; ngày uống 3 lần, trước bữa ăn nửa tiếng; mỗi lần uống 10g.

    Theo "Liêu Ninh trung y tạp chí": Đã tiến hành thử nghiệm dùng hạt vải theo cách trên trị liệu tiểu đường type 2, ở những bệnh nhân tuổi trên 40, kết quả rất khả quan; trong quá trình điều trị không thấy phát sinh tác dụng phụ.

    (2) Đau dạ dày mạn tính: Hạt vải sấy khô, tán mịn, cất vào lọ nút kín để dùng dần; ngày uống 3 lần, mỗi lần 6g; chiêu bằng rượu trắng pha loãng hoặc nước ấm.

    (3) Phòng sỏi mật (thường ngày nên uống "Quất hạch lệ hạch ẩm"): Dùng hạt quít 20g, hạt vải 20g, trần bì 10g, hồng táo 2 trái, nước 3 bát; đun sôi, uống thay trà trong ngày.

    (4) Chữa tinh hoàn sưng đau:

    - Hạt vải đốt thành than nghiền với rượu cho uống; mỗi ngày 4 đến 6g;

    - Hoặc dùng 49 hạt vải (thái mỏng, sấy khô, tán nhỏ), trần bì 36g (sấy khô tán nhỏ), lưu hoàng 16g; tất cả 3 vị tán nhỏ, dùng nước cơm thêm ít muối làm thành viên bằng hạt đậu xanh; lúc nào đau uống 9 viên thuốc này, dùng rượu mà chiên thuốc

    - Hoặc dùng hạt vải, trần bì, hồi hương - 3 vị bằng nhau; tán nhỏ, mỗi lần uống 4-6g, dùng rượu chiên thuốc.

    (5) Phụ nữ thống kinh, sản hậu đau bụng: Lệ chi hạch 15g (thiêu tồn tính), hương phụ 30g; 2 thứ nghiền mịn, trộn đều; ngày uống 3 lần, mỗi lần uống 6g, chiêu bằng nước muối nhạt hoặc nước đun sôi.


Lương y HUYÊN THẢO


Xin vui lòng ghi rõ nguồn "Thuốc vườn nhà - http://www.thuocvuonnha.com" khi phát hành lại thông tin.


Tuyên bố trách nhiệm:
Thông tin trên thuocvuonnha.com chỉ phục vụ nghiên cứu học tập và mở rộng kiến thức. Không sử dụng làm căn cứ để tiến hành chẩn trị trên lâm sàng. Thông tin trên thuocvuonnha.com có thể được trích dẫn, thu thập từ các ấn phẩm, các trang tin điện tử liên quan trong nước và ngoài nước. Nếu phát sinh vấn đề bản quyền, kính đề nghị phản hồi cho chúng tôi.

Viết bình luận

Để thuận tiện cho việc đăng tải, xin vui lòng nhập tiếng Việt có dấu.
Chúng tôi mong muốn nhận được những bình luận theo hướng mở rộng hoặc bổ sung thông tin liên quan đến bài viết.
Chúng tôi sẽ khóa những bình luận có ngôn từ mang tính kích động hoặc bất nhã.

  Đơn vị bảo trợ thông tin

ĐỐI TÁC - LIÊN KẾT
[ Lên đầu trang ]