Dưỡng sinh Ẩm thực liệu dưỡng

Ẩm thực liệu dưỡng mùa Xuân

Nguồn tin:  Thuốc vườn nhà
Cập nhật: 26/02/2012 07:58 CH

kim ngân, cây kim ngân, hoa kim ngân

Điều hòa ngũ vị:

Y gia xưa thường nói: "Ngũ vị quân hành, bách bệnh bất sinh", "Ngũ vị thiên thị, tật bệnh tương chí". Nghĩa là: "Ngũ vị cân bằng, trăm bệnh không sinh", "Ngũ vị thiên lệch, ắt sinh tật bệnh".

Ngũ vị là: Ngọt, chua, cay, đắng, mặn.

Thức ăn vị ngọt đi vào tạng Tỳ, có tác dụng làm mạnh Tỳ vị, bồi bổ cơ thể, điều hòa ngũ vị, ...

Thức ăn vị chua đi vào tạng Can, có tác dụng thu liễm, bổ âm, tăng dịch, ...

Thức ăn vị cay đi vào tạng Phế, có tác dụng phát tán, thăng dương, ...

Thức ăn vị đắng đi vào tạng Tâm, có tác dụng thanh nhiệt, tả hỏa, giải độc, ...

Thức ăn vị mặn đi vào tạng Thận, có tác dụng nhuyễn kiên (làm mềm chất rắn), tán kết (tan u bướu), ...

Nguyên tắc cơ bản trong ẩm thực dưỡng sinh mùa Xuân là giảm vị chua, tăng vị ngọt.

Mùa Xuân thông ứng với tạng Can.

Can thuộc Mộc, Tỳ thuộc Thổ. Theo thuyết Ngũ Hành: Mộc khắc Thổ - Can khắc Tỳ.

Mùa Xuân Can Mộc thịnh, dễ dẫn đến nguy cơ khắc phạt Tỳ thổ; dẫn tới các chứng bệnh thuộc đường tiêu hóa. Cho nên, phép tắc cơ bản về ăn uống trong muà Xuân là: "Hạn chế vị chua và tăng thêm vị ngọt".

Ăn quá nhiều chất chua, sẽ khiến cho Can khí quá vượng, khắc phạt Tỳ thổ quá mức, làm tổn hại đến Tỳ vị - ảnh hưởng đến chức năng tiêu hóa.

Mùa Xuân nên ăn thêm các chất ngọt, vì vị ngọt đi vào Tỳ, có tác dụng bổ dưỡng, tăng cường chức năng tiêu hoá của tạng Tỳ, để chống lại sự khắc phạt quá mức của tạng Can.

Nhìn chung, để thuận ứng với sự thăng tán của khí Xuân, nên trọng dụng các thứ có vị cay, vị ngọt và có tính ấm. Không nên dùng nhiều những thứ vị chua, vị chát; nên dùng những món ăn thanh đạm hợp khẩu vị, không nên dùng nhiều những món xào rán béo ngậy hoặc các thứ sống lạnh.

Các thứ cay ngọt có tác dụng thăng phát đối với Dương khí mới sinh, tính ấm có tác dụng bảo vệ Dương khí. Nên dùng hành, hẹ, rau mùi, táo, lạc, ... là những thứ có vị cay, ngọt, tính ấm. Tuy nhiên, không nên dùng nhiều những thứ quá nóng và quá cay như lộc nhung, phụ tử, ...

Bồi dưỡng cơ thể, tăng sức đề kháng:

Mùa Xuân là giai đoạn cơ thể phải tiến hành điều chỉnh lại "đồng hồ" sinh học, để thích nghi dần với những biến đổi của môi trường bên ngoài.

Để tăng cường khả năng thích ứng với sự thay đổi của môi trường, tăng sức chống bệnh, có thể sử dụng một số Món ăn- Bài thuốc sau:

    (1) Chân giò hầm linh chi:

        - Thành phần: Nấm linh chi 15g, hoàng kỳ 20g, chân giò lợn 100g.

        - Cách chế biến và sử dụng: Nấu thành món hầm, ăn chân giò và uống nước canh.

        - Tác dụng: Thường xuyên sử dụng có tác dụng tăng cường thể lực, nâng cao sức đề kháng, chữa thần kinh suy nhược, phòng ngừa các bệnh tim mạch và hen suyễn tái phát.

    (2) Canh thịt lợn nấm đông cô:

        - Thành phần: Nấm đông cô 50g, kỷ tử 20g, đại táo (táo tầu) 10g, thịt lợn nạc 100g.

        - Cách chế biến và sử dụng: Nấu thành món canh, ăn trong ngày, liên tục 10 ngày.

        - Tác dụng: Tăng cường chức năng tiêu hóa, bổ Can Thận và giải trừ mệt mỏi.

    (3) Canh trứng gà kỷ tử:

        - Thành phần: Kỷ tử 20g, đại táo (táo tầu) 10g, trứng gà tươi 2 quả.

        - Cách chế biến và sử dụng: Cho tất cả vào nồi, thêm nước, nấu đến khi trứng chín; vớt trứng ra, bóc bỏ vỏ, lại cho trứng vào nấu tiếp 15 phút là được. Ăn trứng, uống nước thuốc.

        - Tác dụng: Bổ Tỳ, ích Can, minh mục (sáng mắt) và giải trừ tình trạng người mệt mỏi, tinh thần uể oải.

Đề phòng bệnh mới, ngăn ngừa bệnh cũ:

Trong mùa Xuân, có hai vấn đề cần đặc biệt chú ý:

    - Thứ nhất, mùa Xuân ấm áp, độ ẩm cao và nhiều gió, là điều kiện thích hợp để các thứ vi trùng, vi khuẩn, virus phát sinh và lan truyền. Do đó cần tích cực phòng trị các loại bệnh nhiễm khuẩn.

    - Thứ hai, mùa Xuân là giai đoạn khí hậu chuyển tiếp, nóng lạnh thay đổi thất thường, nên những bệnh cũ rất hay tái phát, đặc biệt là ở những người cao tuổi hoặc người cơ thể vốn suy nhược. Một số bệnh như thiên đầu thống, đau dạ dày, viêm họng mạn tính, hen suyễn, cao huyết áp, bệnh động mạch vành tim, một số dạng bệnh tâm thần, ... rất hay tái phát vào những ngày trước hoặc sau tiết Xuân phân. Những người trong mùa Đông không biết cách giữ gìn thân thể, ăn quá nhiều chất cay nóng làm hao tán Âm khí gây nên chứng "Âm hư hỏa vượng", hoặc ăn quá nhiều chất xào rán béo ngậy làm cho đàm nhiệt ẩn tích lại trong cơ thể, sang mùa Xuân bệnh sẽ phát ra với những chứng trạng như đầu mặt choáng váng, ngực bụng đầy tức, chân tay nặng trĩu, tinh thần uể oải, ...

Để dự phòng, có thể sử dụng một số Món ăn – Bài thuốc sau:

    (1) Trà tang diệp cúc hoa phòng cảm mạo:

        - Thành phần: Tang diệp (lá dâu tằm) 12g, cúc hoa (hoa cúc) 8g, trúc diệp (lá tre) 20g, bạc hà 3g, cam thảo 4g.

        - Cách chế biến và sử dụng: Tất cả cho vào ấm đất, đổ ngập nước trên mặt thuốc 2-3cm, đun sôi, giữ nhỏ lửa 10-15 phút là được. Chia ra nhiều lần uống thay nước trong ngày, liên tục 3 ngày. Uống nóng, nếu thuốc nguội cần hâm lại cho ấm.

        - Tác dụng: Tăng sức đề kháng, phòng cảm mạo trong mùa Xuân.

    (2) Cháo đậu ván phòng ngừa viêm não:

        - Thành phần: Bạch biển đậu (đậu ván trắng) 60g, gạo tẻ 50g.

        - Cách chế và sử dụng: Đậu ván trắng ngâm trước 2-3 tiếng cho mềm, sau đó vớt ra, nấu với gạo đã vo sạch cho chín nhừ; thêm gia vị, mắm muối cho hợp khẩu bị. Ăn vào lúc sáng sớm và buổi tối trước khi đi ngủ.

        - Tác dụng: Dự phòng viêm não trong mùa Xuân.

    (3) Trà kim ngân phòng viêm đường hô hấp:

        - Thành phần: Kim ngân hoa 10g, liên kiều 10g, tang diệp (lá dâu tằm) 10g, cúc hoa 10g, bạc hà 6g, kinh giới 6g, cát cánh 6g, lá tre 8g, xạ can (củ cây rẻ quạt) 6g, cam thảo 4g.

        - Cách chế biến và sử dụng: Sắc với 1000ml nước, đun sôi, giữ nhỏ lửa cho cạn còn 600ml, chia ra 3 lần uống trong ngày. Trường hợp bệnh nặng mỗi ngày có thể uống 2 thang.

        - Tác dụng: Dùng cho trường hợp cảm cúm, viêm đường hô hấp trên, với các triệu chứng sốt nhẹ, nóng rét qua lại, mồ hôi ít, đầu trướng đau, mũi tắc hoặc mũi chảy nước, miệng khô, họng sưng đỏ đau, ho, đờm vàng hoặc trắng đặc.

    (4) Trà tía tô phòng trị cảm lạnh:

        - Thành phần: Tía tô (cành và lá tươi) 12g, kinh giới 8g, hoắc hương 10g, vỏ quít 12g, củ gấu 12g, bán hạ chế 8g, cát cánh 8g, hạnh nhân 8g, hành 8g, gừng tươi 8g, cam thảo 6g.

        - Cách chế biến và sử dụng: Các vị thuốc sắc với 1000ml nước, đun sôi, giữ nhỏ lửa cho cạn còn 600ml, chia ra 3 lần uống trong ngày. Trường hợp bệnh nặng mỗi ngày có thể uống 2 thang.

        - Tác dụng: Dùng cho trường hợp cảm do nhiễm lạnh đột ngột, kèm theo các triệu chứng hô hấp và tiêu hóa như ho, đau họng, bụng đầy trướng, nôn mửa, ...

    (5) Lá nhót phòng ho hen tái phát:

        - Thành phần: Lá nhót 15-30g tươi hoặc 8-12g khô.

        - Cách chế biến và sử dụng: Lá nhót đem sao vàng, hạ thổ, sắc nước uống thay trà trong ngày. Hoặc có thể dùng lá nhót sao vàng, tán mịn, ngày uống 2 lần vào sáng sớm và buổi tối, mỗi lần 4g, dùng nước cơm nóng chiêu thuốc. Dùng liên tục trong 15 ngày (một liệu trình), trường hợp cần thiết có thể phải điều trị nhiều liệu trình.

        - Tác dụng: Phòng ngừa ho, hen, viêm khí quản tái phát.

Lương y HƯ ĐAN


Xin vui lòng ghi rõ nguồn "Thuốc vườn nhà - http://www.thuocvuonnha.com" khi phát hành lại thông tin.


Tuyên bố trách nhiệm:
Thông tin trên thuocvuonnha.com chỉ phục vụ nghiên cứu học tập và mở rộng kiến thức. Không sử dụng làm căn cứ để tiến hành chẩn trị trên lâm sàng. Thông tin trên thuocvuonnha.com có thể được trích dẫn, thu thập từ các ấn phẩm, các trang tin điện tử liên quan trong nước và ngoài nước. Nếu phát sinh vấn đề bản quyền, kính đề nghị phản hồi cho chúng tôi.

Viết bình luận

Để thuận tiện cho việc đăng tải, xin vui lòng nhập tiếng Việt có dấu.
Chúng tôi mong muốn nhận được những bình luận theo hướng mở rộng hoặc bổ sung thông tin liên quan đến bài viết.
Chúng tôi sẽ khóa những bình luận có ngôn từ mang tính kích động hoặc bất nhã.

  Đơn vị bảo trợ thông tin

ĐỐI TÁC - LIÊN KẾT
[ Lên đầu trang ]