Lá móng tay - Kháng sinh, hoạt huyết 27/12/2011 8:40:36 CH
Thuốc vườn nhà

Hỏi:

Tháng trước có lần đầu ngón tay trỏ của tôi bị "chín mé", sưng tấy và đau nhức không sao chịu nổi. Có người hướng dẫn đến nhà ông T. trồng cây cảnh ở đầu xóm xin nắm lá móng tay, đem về rửa sạch giã nát với mấy hạt muối, đắp vào chỗ bị bệnh rồi băng lại. Tôi làm thử thấy kết quả rất tốt: đắp một lúc đã thấy đỡ đau, ngủ dậy sáng hôm sau đã thấy mủ tan, đầu ngón tay không còn sưng tấy. Đúng là một thứ thuốc kỳ diệu. Rất mong được "Thuốc vườn nhà" cho biết thêm về những tác dụng của cây thuốc này.

N.Đ.T - Nghệ An

Đáp:

lá móng tay, móng tay nhuộm, chi giáp hoa, tán mạt hoa, thảo nam sơn, lá phụng tiên, Lawsonia inermis L., Lawsonia spinosa L., họ Tử vi, Lythraceae

Lá móng tay

Cây "lá móng tay" còn có tên là "móng tay nhuộm", "chỉ giáp hoa", "tán mạt hoa", "kok khau khao youak" (Lào), "khoa thiên" (Tày), tên khoa học là Lawsonia inermis L. (Lawsonia spinosa L.), thuộc họ Tử vi (Lythraceae).

Cây lá móng tay là một cây nhỏ cao chừng 3-4m, thân nhẵn hoặc có gai ở đầu cành. Lá mọc đối, cuống ngắn, phiến lá đơn, nhỏ, hình trứng, hai đầu bẹp nhất là phía cuống, dài 2-3cm, rộng 1-1.5cm. Hoa màu trắng hoặc đỏ, mùi thơm, nhỏ, mọc thành chùy ở đầu cành. Quả nang hình cầu to bằng quả hạt tiêu, không nứt, phía cuống có đài bao bọc, có 4 cạnh dọc, 4 ngăn, trong chứa nhiều hạt nhỏ, có cạnh góc, vỏ hạt dai, rất dày phía dưới xốp.

Cây lá móng tay mọc hoang ở khắp nơi, trước đây thường được trồng làm cảnh. Vài chục năm trước trong các vườn thuốc Nam cũng hay trồng nhưng hiện nay thấy ít trồng hơn.

Theo sách "Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam" của cố Giáo sư Tiến sĩ Đỗ Tất Lợi:

    - Trước đây ở Việt Nam, nhân dân thường dùng lá móng tay để nhuộm đỏ móng tay, móng chân trong dịp tết Đoan Ngọ (ngày mùng 5 tháng 5 âm lịch). Còn dùng chữa hắc lào, bệnh da vàng, bệnh hủi, lở loét. Người ta cho rằng lá móng tay có tác dụng làm cho tóc và móng tay chóng mọc. Lá tươi giã nát trộn với dấm thanh dùng để chữa bệnh ngoài da.

    - Tại châu Âu, người ta dùng lá móng tay để chế mỹ phẩm và làm thuốc nhuộm tóc. Tại một số nước, người ta dùng vỏ thân cây làm thuốc chữa bệnh gan, bệnh tủy sống lưng, chữa tê bại nhức mỏi. Có khi còn dùng chữa kinh nguyệt không đều, có thể gây sẩy thai. Nhân dân Cămpuchia dùng để làm thuốc lợi niệu, chữa ho, viêm khí quản.

    - Năm 1961 Phòng đông y thực nghiệm Viện vi trùng Việt nam đã thí nghiệm tác dụng kháng sinh của lá móng tay, thấy tác dụng kháng sinh của lá rất mạnh. Nước sắc có tác dụng kháng sinh đối với tụ cầu 209 P (1cm), Typhi (1,2cm), Flexneri (0,8cm), Shiga (1,2cm), Sonnei (0,5cm), Suibtilis (0,8), trực trùng Coli gây bênh (0,5cm), Coli bethesda (0,4cm).

Theo kinh nghiệm của lương y Lê Trần Đức, có thể sử dụng lá móng tay như sau (Cây thuốc Việt Nam - Trồng hái, chế biến, trị bệnh ban đầu):

    (1) Chữa con gái chậm thấy kinh: Dùng lá móng tay 30g sắc nước uống.

    (2) Chữa kinh nguyệt gián đoạn do huyết hư, thiếu máu: Dùng lá móng tay 20g, hồi đầu 15g, sắc nước uống.

    (3) Thông kinh bế để tránh thụ thai: Dùng lá móng tay 50g, ích mẫu 40g, nghệ đen 30g, sắc nước uống liên tục 3 thang sau khi vợ chồng sinh hoạt hoặc uống trước kỳ kinh 3 ngày - mỗi ngày 1 thang, khi thấy kinh thì thôi. Khi kinh thông thì thai không đậu.

    (4) Chữa sưng gan: Lá móng tay 30g, dành dành, huyền sâm, ích mẫu, mộc thông - mỗi thứ 15-20g, sắc nước uống.

    (5) Chữa nấm móng tay, móng chân, lở ngứa ở kẽ chân móng rồi lây lan sang các ngón khác, có khi lở cả bàn chân, bàn tay: Dùng lá móng tay thêm vài hạt muối giã nát, đắp vào buổi tối, buộc rịt lại. Ngày có thể mở ra cho thoáng và dễ làm việc. Tuần đầu, mỗi ngày thay thuốc mới một lần. Tuần thứ hai, 2 ngày đắp một lần. Tuần thứ ba, 3 ngày đắp một lần. Đến khi bớt lở ngứa, bong da thì bôi dịch lá lô hội hay đắp lá thuốc bỏng hoặc bôi dầu gấc.


Lương y HƯ ĐAN