Cây “Thập đại công lao” có mọc ở nước ta? 01/09/2015 10:49:47 SA
Thuốc vườn nhà

Hỏi:

Khi du lịch ở Trung Quốc, tôi nghe hướng dẫn viên giới thiệu về một loại thảo dược, có rất nhiều tác dụng kỳ lạ, nên được người Trung Quốc đặt tên là "thập đại công lao", nghĩa là "10 công lao lớn". Đề nghị "Thuốc vườn nhà" cho biết, loài cây này có mọc ở Việt Nam hay không? Và tác dụng chữa bệnh của nó cụ thể thế nào?

Trần Doãn Minh Tâm, Hà Tĩnh

Đáp:

thập đại công lao lá hẹp

Thập đại công lao lá hẹp

Theo "Trung dược đại từ điển", vị thuốc "Thập đại công lao" được khai thác từ 3 cây cùng chi, đó là:

    (1) Thập đại công lao lá rộng - Mahonia bealii Carr;

    (2) Thập đại công lao lá hẹp - Mahonia fortunei (Lindl.) Fedde;

    (3) Thập đại công lao Hoa Nam - Mahonia japonica (Thunb.) DC.

Cả 3 cây nêu trên đều cùng thuộc họ Hoàng liên gai (Berberidaceae).

Trong số 3 loài trên, loài "Thập đại công lao lá rộng - Mahonia bealii Carr" đã được phát hiện ở nước ra và giới thiệu trong trong sách "Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam" từ nhiều năm trước, đặt tên là "Hoàng liên ô rô".

Theo cố Giáo sư Tiến sĩ khoa học Đỗ Tất Lợi: Tại những địa phương có cây Thập đại công lao - Mahonia bealii Carr, dân địa phương thường không biết tên. Năm 1967, cây này mới được Đoàn điều tra dược liệu của tỉnh Lào Cai, với sự giúp đỡ về chuyên môn của Trường đại học Dược khoa Hà Nội, phát hiện lần đầu tiên ở vùng núi cao huyện Bát Xát. Một số thầy thuốc ở đây vẫn dùng làm thuốc như vị hoàng liên hay hoàng bá. Tên "hoàng liên ô rô" do các chuyên gia ở Đại học Dược đặt cho, vì lá giống cây ô rô, tác dụng như hoàng liên. Để dùng làm thuốc, thường hái thân về, thái thành từng đoạn ngắn, phơi khô. Không có chế biến gì khác. Có thể sắc uống hay tán bột uống. Tại Trung Quốc, cây này có tên "thập đại công lao".

Nhưng năm gần đây, ngoài Lào Cai, còn phát hiện cây này mọc hoang ở các vùng núi cao, lạnh, ở nhiều tỉnh miền núi phía Bắc. Ở phía Nam, cũng thấy cây này ở ven rừng, một số núi cao, tại Lâm Đồng.

Đặc điểm thực vật: "Thập đại công lao - Hoàng liên ô rô" là loại cây bụi hay gỗ nhỏ, cao 3-4m, cành không có gai. Lá mọc đối, mang 11-25 lá chét không lông, cứng, mép có răng nhọn, lúc non màu đỏ, lá kèm nhọn như hai gai nhỏ. Chùy hoa ở ngọn, hoa màu vàng nhạt, 6 phiến hoa có tuyến mật ở gốc. Quả mọng màu xanh lơ, hình cầu, đường kính cỡ 1cm, chứa 3-5 hạt.

hoàng liên ô rô

Hoàng liên ô rô

Theo Đông y: Hoàng liên ô rô - Thập đại công lao có vị đắng, tính mát; vào 3 kinh Phế, Đại tràng và Thận. Có tác dụng thanh nhiệt, táo thấp, giải độc.

Dân gian dùng hoàng liên ô rô chữa bệnh lỵ, ăn uống không tiêu, vàng da, đau  mắt. Dùng ngoài chữa mẩn ngứa mụn nhọt. Mỗi ngày dùng 4-12g dưới dạng thuốc sắc hay thuốc bột.

Tại Ấn Độ, quả được dùng làm thuốc lợi tiểu và làm dịu kích thích.

"Thuốc vườn nhà" xin giới thiệu một số bài thuốc có sử dụng "Thập đại công lao - Hoàng liên ô rô":

    (1) Chữa sốt cơn, ho, ho ra máu: Dùng lá khô hay quả "Thập đại công lao - Hoàng liên ô rô" 8-12g, sắc nước uống trong ngày.

    Bài thuốc này còn có tác dụng chữa lưng gối yếu mỏi, chóng mặt, ù tai, mất ngủ do "Âm hư hỏa vượng".

    (2) Chữa "phong hỏa nha thống": Dùng lá "Thập đại công lao - Hoàng liên ô rô" 9g, sắc lấy nước, uống hết một lần. Trường hợp đau nặng, có thể uống tiếp một thang nữa.

    "Phong hỏa nha thống" là tên chứng bệnh trong Đông y, biểu hiện bởi các triệu chứng chính: Răng đau kịch liệt, chỗ đau không sưng tấy, răng không lung lay hoặc chỉ hơi lung lay, có thể kèm theo sốt nhẹ; rêu lưỡi trắng mỏng hoặc hơi vàng; mạch sác (nhanh). Chứng bệnh này hay gặp trong "viêm tủy răng cấp tính" hoặc "viêm chân răng cấp tính" - theo chẩn đoán của Tây y.


Lương y HƯ ĐAN