Hỏi đáp

Thuốc Nam phòng trị hen suyễn trong mùa lạnh

Nguồn tin:  Thuốc vườn nhà
Cập nhật: 01/11/2014 01:17 SA

Hỏi:

Tôi là độc giả thường xuyên của "Thuốc vườn nhà", nay tôi có một vấn đề xin được giúp đỡ. Mẹ tôi bị hen đã lâu ngày, cứ tới mùa lạnh là thường lên cơn hen, uống thuốc tân dược tuy đỡ nhưng rất mệt. Vì vậy, nếu có thể được mong "Thuốc vườn nhà" hướng dẫn cho cách chữa trị hen suyễn bằng thuốc Nam. Xin chân thành cảm ơn.

Lê Vân, Hà Giang

Đáp:

tía tô

Tía tô

Bệnh "hen suyễn" trong Đông y gọi là "háo suyễn". "Háo" (hen) là tiếng khò khè trong cổ, còn "suyễn" là hơi thở gấp gáp, hơi đưa lên thì nhiều đưa xuống thì ít, thậm chí không nằm ngửa được, phải so vai rụt cổ, há miệng mà thở.

"Háo" (hen) và "suyễn" thực chất hai trạng thái bệnh lý khác nhau. Có điều, trên thực tế thường ít thấy chứng hen phát ra đơn thuần, mà phần nhiều có kèm theo suyễn, vì vậy nên thường gọi chung là "hen suyễn".

Để chữa trị bằng Đông Nam dược, cần căn cứ vào những biểu hiện cụ thể mà chọn dùng bài thuốc thích hợp, theo nguyên tắc "Biện chứng luận trị" của Đông y như sau:

1. Hen hàn (lãnh háo):

    Nếu thấy hơi thở gấp gáp, trong họng có tiếng khò khè, ngực bụng đầy tức, đờm ít, trong và loãng, sắc mặt nhợt nhạt hoặt tím tái, miệng không khát hoặc khát nhưng thích uống nước ấm; có khi kèm theo sốt, sợ lạnh, thân mình đau nhức, không ra mồ hôi; chất lưỡi nhạt, rêu lưỡi trắng nhớt, mạch nổi nhanh (phù khẩn) hoặc căng nhanh (huyền khẩn), thì nên nghĩ tới trường hợp "hen hàn", tức là chứng hen do sức chịu lạnh của cơ thể suy giảm gây nên.

    Để chữa trị, có thể sử dụng bài thuốc:

    (1) Trường hợp bệnh tương đối nhẹ có thể dùng "Ma hoàng cam thảo thang": Ma hoàng 6g (nếu không có ma hoàng có thể thay bằng lá tía tô khô 15g, hoặc lá tươi 30g), cam thảo 5g; dùng 300ml nước, sắc còn 100ml, uống hết 1 lần vào lúc đói bụng, mỗi ngày có thể dùng tới 2-3 thang.

    (2) Trường hợp bệnh nặng thì cần dùng bài "Tán hàn định suyễn thang": Ma hoàng 10g, tế tân 4g, bán hạ chế 10g, bạch giới tử (hạt cải trắng) 6g, tô tử (hạt tía tô) 6g, ngũ vị tử 3g, cam thảo 6g, gừng tươi 10g, hồng táo (táo tàu) 3 quả; dùng 1000ml nước, sắc còn 450ml, chia ra 3 phần uống trong ngày (buổi sáng, buổi trưa và buổi tối) lúc đang đói bụng.

2. Hen nhiệt (nhiệt háo):

    Nếu thấy hơi thở gấp, tiếng thở thô, trong họng như có tiếng rít, ngực tức, ho sặc lên từng cơn, đờm vàng đặc khó khạc ra ngoài, mặt đỏ, miệng khát thích uống nước; có khi kèm theo các chứng trạng như miệng đắng, phát sốt, ra mồ hôi, không sợ lạnh; chất lưỡi đỏ, rêu lưỡi vàng dầy, mạch trơn nhanh (hoạt sác), thì nên nghĩ tới trường hợp "nhiệt háo" (hen nhiệt), tức là chứng hen do nhiệt gây nên.

    Để chữa trị, có thể sử dụng bài thuốc:

    (1) Trường hợp nhẹ có thể dùng "Tang bạc ẩm": Lá dâu (tang diệp) 20g, bạc hà 8g, rễ cây chỉ thiên 16g, rễ lau 16g, củ tóc tiên (mạch môn) 20g, cam thảo dây 12g; sắc với 1000ml nước, đun cạn còn khoảng 450ml, chia 3 lần uống trong ngày (sáng, trưa, tối) lúc đói bụng.

    (2) Trường hợp bệnh nặng thì cần dùng "Thanh nhiệt định suyễn thang": Ma hoàng 6g, hạnh nhân 10g, thạch cao sống 30g, hoàng cầm 10g, tỳ bà diệp 10g, qua lâu bì 10g, cam thảo 6g; dùng 1000ml nước, sắc còn 450ml, chia ra 3 phần uống trong ngày (buổi sáng, buổi trưa, buổi tối), lúc đang đói bụng.

3. Hen đờm (đàm háo):

    Nếu khó thở, phải ngồi dậy hoặc nằm kê cao đầu mới thở được, đờm gây tắc nghẽn trong họng nghe như tiếng kéo cưa, ngực đầy tức, đờm vàng đặc khó khạc ra ngoài; miệng không khát; rêu lưỡi dầy, mạch hoạt thực (trơn, mạnh), thì nên nghĩ tới trường hợp "hen đờm".

    Để chữa trị, có thể sử dụng bài thuốc "Tam tử dưỡng thân thang": Hạt củ cải (lai phục tử) sao vàng 6g, hạt cải trắng (bạch giới tử) sao vàng 3g, hạt tía tô (tô tử) sao 6g; tất cả đem giã nát, bọc vào túi vải, sắc nước uống thay trà trong ngày.

4. Hư háo (hen do suy nhược):

    Nếu thỉnh thoảng lại tái phát những cơn hen kéo dài, suyễn thở (thở gấp), người mệt mỏi, tiếng nói yếu ớt, hễ cử động là bệnh phát thêm nặng; môi và móng tay tím tái, chất lưỡi tối, mạch nhược (yếu), thì nên nghĩ tới trường hợp "hư háo" (hen do cơ thể suy nhược).

    Để chữa trị có thể dùng "Bổ hư định suyễn thang": Đảng sâm 15g, bạch truật 10g, phục linh 10g, ngũ vị tử 10g, sơn thù 10g, tô tử 6g, mẫu lệ 20g, cam thảo 6g; dùng 1200ml nước, cho mẫu lệ vào sắc trước, sau 20 phút mới cho các vị thuốc còn lại vào, sắc còn 450ml, chia ra 3 phần uống trong ngày (buổi sáng, buổi trưa và buổi tối), lúc đang đói bụng.

    Bài thuốc này còn có thể sử dụng củng cố cơ thể trong thời kỳ bệnh tạm hoãn giải. Nếu thấy hay ra mồ hôi, sợ gió, dễ bị cảm lạnh thì cho thêm các vị thuốc "hoàng kỳ" và "phòng phong" vào để củng cố tạng Phế; nếu thấy kém ăn thì cho thêm "bán hạ" và "trần bì" vào để tăng tác dụng kiện Tỳ; nếu thấy lưng gối đau mỏi, hơi hoạt động một chút là tim đập loạn, thì nên sử dụng thêm "thận khí hoàn" (thuốc viên bổ thận) để củng cố tạng Thận.


Lương y HƯ ĐAN


Xin vui lòng ghi rõ nguồn "Thuốc vườn nhà - http://www.thuocvuonnha.com" khi phát hành lại thông tin.


Tuyên bố trách nhiệm:
Thông tin trên thuocvuonnha.com chỉ phục vụ nghiên cứu học tập và mở rộng kiến thức. Không sử dụng làm căn cứ để tiến hành chẩn trị trên lâm sàng. Thông tin trên thuocvuonnha.com có thể được trích dẫn, thu thập từ các ấn phẩm, các trang tin điện tử liên quan trong nước và ngoài nước. Nếu phát sinh vấn đề bản quyền, kính đề nghị phản hồi cho chúng tôi.

Viết bình luận

Để thuận tiện cho việc đăng tải, xin vui lòng nhập tiếng Việt có dấu.
Chúng tôi mong muốn nhận được những bình luận theo hướng mở rộng hoặc bổ sung thông tin liên quan đến bài viết.
Chúng tôi sẽ khóa những bình luận có ngôn từ mang tính kích động hoặc bất nhã.

  Đơn vị bảo trợ thông tin

ĐỐI TÁC - LIÊN KẾT
[ Lên đầu trang ]