Hỏi đáp

Thuốc chữa hen từ trái bí ngô

Nguồn tin:  Thuốc vườn nhà
Cập nhật: 02/03/2015 06:21 SA

Hỏi:

Tôi bị mắc bệnh hen đã nhiều năm, đã chữa nhiều loại thuốc, rất tốn kém mà chưa khỏi hẳn. Gần đây có người nói, bí ngô hấp với đường có thể chữa khỏi được bệnh hen. Đề nghị "Thuốc vườn nhà" cho biết có đúng không? Cách sử dụng cụ thể thế nào? Còn có thể sử dụng bí ngô để chữa trị những bệnh thông thường gì khác?

Nguyễn Mạnh, Phú Thọ

Đáp:

bí ngô

Bí ngô là một loại rau quả bình dân, rẻ tiền và cũng là thuốc quý vườn nhà.

Theo Đông y học: Bí ngô có vị ngọt, tính ấm, không độc; vào kinh Vị và Đại tràng. Có tác dụng bổ trung ích khí, nhuận phế, tiêu viêm, giảm đau. Hạt bí ngô có tác dụng trừ giun sán. Bí ngô là món ăn tốt, song cần lưu ý nếu ăn quá nhiều có thể sinh đàm thấp, làm cho khí cơ úng tắc, gây trướng bụng, mệt mỏi, ...

Về thành phần hóa học: Trong quả bí ngô có nhiều chất đường bột cho nên ăn vào cảm thấy vị ngọt. Trong 100g thịt quả có protein 0,5g, chất béo 0,1g, các chất đường bột 6,9g, canxi 39mg, phôtpho 22mg, sắt 0,2mg, carôten 1,06mg, vitamin B1 0,05mg, vitamin B2 0,06mg, vitamin PP 0,3mg, vitamin C 5mg và nhiều hoạt chất sinh học khác.

Bí ngô là loại thức ăn lý tưởng đối với người bị đái tháo đường (tiểu đường).

Các nghiên cứu hiện đại đã phát hiện thấy: Bí ngô có khả năng xúc tiến sự phân tiết in-su-lin của tuyến tụy, nên có tác dụng phòng ngừa và điều trị bệnh đái tháo đường rất tốt. Ngoài ra, bí ngô còn có khả năng dự phòng tai biến mạch máu não (trúng phong). Đặc biệt trong thành phần của bí ngô còn chứa những hợp chất, có khả năng làm giảm độc tố của một số chất có hại lẫn trong thức ăn, như thuốc trừ sâu, thuốc tăng trưởng, các hợp chất có chứa nitrite, ...

Từ xưa, dân gian đã lưu truyền kinh nghiệm dùng bí ngô để chữa hen theo cách như sau: Bí ngô 1 quả (khoảng 500g), mật ong 60ml, đường phèn 30g; khoét một lỗ trong quả bí ngô, cho mật ong và đường vào rồi lại đậy kín, sau đó đặt lên đĩa hấp cách thủy trong khoảng 1 giờ; chia 2 lần ăn vào buổi sáng và buổi tối, liên tục 5-7 ngày.

Đối với  hen suyễn ở người già do viêm phế quản thì cần gia giảm như sau: Bí ngô gọt vỏ 500g, táo tàu bỏ hạt 15-20 quả, đường đỏ vừa đủ; ninh nhừ ăn hàng ngày.

Ngoài tác dụng chữa hen như trên, trái bí ngô còn có thể sử dụng để chữa trị nhiều chứng bệnh khác. Ngoài ra, hạt, hoa, lá, dây và rễ cũng có thể sử dụng làm thuốc.

Sau đây là một số bài thuốc tương đối đơn giản, có thể áp dụng trong điều kiện gia đình:

    (1) Viêm phổi, ho khạc ra đờm đặc: Bí ngô 500g (bỏ vỏ, cắt thành miếng), thịt bò nạc 250g (thái thành miếng), gừng tươi 25g; dùng 1,5 lít nước đun thịt bò và gừng, đun đến khi gần chín thì cho bí ngô vào đun tiếp đến khi chín hẳn, cho thêm muối và gia vị, chia làm nhiều lần ăn. Món này có tác dụng bổ phế và tiêu đờm rất tốt.

    (2) Viêm thần kinh liên sườn: Lấy bí ngô đem hấp chín đắp vào chỗ đau, có tác dụng tiêu viêm và giảm đau khá tốt.

    (3) Trúng độc phân hữu cơ: Lấy thịt quả bí ngô và củ cải - 2 thứ bằng nhau; giã nát, vắt lấy nước cho uống; người bị trúng độc sẽ nôn ra và giải được độc.

    Theo kinh nghiệm của huyện Sùng An, tỉnh Phúc Kiến, Trung Quốc: Làm như vậy đã cấp cứu được 2 người bị trúng độc nặng, sắc mặt tím tái, chân tay lạnh ngắt. Tuy nhiên, sau khi đã cấp cứu tạm thời như trên, cần đưa gấp đến bệnh viện để giải độc triệt để.

    (3) Lấy gai, và dị vật đâm vào thịt: Lấy thịt quả bí ngô già (bỏ hạt) 5 phần và hạt thầu dầu 1 phần (theo tỷ lệ 5/1); có nơi ở Trung Quốc người ta còn cho thêm gián đất (thổ miết trùng) 15g và vài giọt dầu thực vật, cùng đem giã nát, trộn đều, đắp vào chỗ bị thương và băng lại; mỗi ngày thay thuốc 1 lần, gai hoặc các vật nhỏ từ trong thịt sẽ thò ra dần dần.

    (4) Chân lở loét: Lấy thịt quả bí ngô giã nát đắp vào chỗ bị bệnh. Cũng có thể đem thịt quả bí ngồ phơi khô, tán bột và rắc vào chỗ bị lở loét.

    (5) Chữa phù thũng, bụng trướng, tiểu tiện khó khăn: Cuống bí ngô sao tồn tính (để già lửa, sao đến khi bên ngoài cháy đen, bên trong vẫn còn màu sắc cũ), nghiền thành bột mịn; ngày uống 3 lần, mỗi lần 1-1,5g, dùng nước ấm chiêu thuốc.

    (6) An thai (phụ nữ có mang, thai động không yên): Lấy 3-5 cái cuống quả bí ngô rửa sạch, cho nước vào sắc kỹ; chia làm 2-3 lần uống trong ngày.

    (7) Phòng sẩy thai: Lấy cuống quả bí ngô, sao tồn tính, nghiền thành bột mịn; sau khi thụ thai, từ tháng thứ hai, mỗi ngày uống 3-5g, chiêu thuốc bằng nước đã đun sôi, uống ấm.

    (8) Chữa đầu vú bị nứt, ngứa âm nang: Cuống bí ngô phơi khô, sao tồn tính, tán mịn, trộn với dầu vừng bôi vào những chỗ có bệnh.

    (9) Chữa viêm da thần kinh (neurodermatitis): Lấy lá bí ngô tươi sát vào chỗ ngứa; có tác dụng chống ngứa và giúp da mau chóng trở lại bình thường.

    (10) Lao phổi: Lấy dây bí ngô 60g, sắc đặc, thêm đường, uống thay nước hàng ngày. Trong quá trình điều trị lao phổi bằng Tây y, sử dụng thêm phương thuốc này sẽ có tác dụng hỗ trợ tốt, giúp người bệnh đỡ mệt mỏi và chóng hồi phục.

    (11) Chữa đau răng: Lấy 20-30g rễ bí ngô sắc nước uống.


Lương y HUYÊN THẢO


Xin vui lòng ghi rõ nguồn "Thuốc vườn nhà - http://www.thuocvuonnha.com" khi phát hành lại thông tin.


Tuyên bố trách nhiệm:
Thông tin trên thuocvuonnha.com chỉ phục vụ nghiên cứu học tập và mở rộng kiến thức. Không sử dụng làm căn cứ để tiến hành chẩn trị trên lâm sàng. Thông tin trên thuocvuonnha.com có thể được trích dẫn, thu thập từ các ấn phẩm, các trang tin điện tử liên quan trong nước và ngoài nước. Nếu phát sinh vấn đề bản quyền, kính đề nghị phản hồi cho chúng tôi.

Viết bình luận

Để thuận tiện cho việc đăng tải, xin vui lòng nhập tiếng Việt có dấu.
Chúng tôi mong muốn nhận được những bình luận theo hướng mở rộng hoặc bổ sung thông tin liên quan đến bài viết.
Chúng tôi sẽ khóa những bình luận có ngôn từ mang tính kích động hoặc bất nhã.

  Đơn vị bảo trợ thông tin

ĐỐI TÁC - LIÊN KẾT
[ Lên đầu trang ]