Dưỡng sinh

Thảo dược chữa bệnh chàm

Nguồn tin:  Thuốc vườn nhà
Cập nhật: 15/12/2011 08:09 SA

Hỏi:

Cháu năm nay 19 tuổi, đang gặp khó khăn về sức khỏe, cụ thể đang bị nổi mẩn đỏ ở trên tay, chân và phần bụng. Đi khám bác sĩ da liễu bảo bị chàm, kê cho đơn thuốc uống vào thì đỡ ngứa nhưng ngừng thuốc thì mẩm đỏ lại nổi nhiều hơn, rất ngứa ngáy và khó chịu. Cháu mong chuyên mục "Mỹ phẩm từ thiên nhiên" chỉ cho biết có loại cây cỏ có sẵn ở quanh nhà nào có thể chữa được bệnh và làm mờ dần các vết thâm đen do chàm để lại được không?

Lan Anh, Bạc Liêu

Đáp:

IMG

Chàm (Eczema) theo Y học hiện đại là một phản ứng viêm, cấp tính hoặc mạn tính ở lớp nông của da. Đông y thời trước gọi đó là chứng "thấp sang" hoặc "huyết phong sang", hiện tại thường gọi là "thấp chẩn".

Theo Đông y: Bệnh chàm tuy ở ngoài da nhưng nguyên nhân lại là do âm dương khí huyết trong cơ thể mất cân bằng gây nên. Vì vậy, khi chữa trị ngoài việc sử dụng các vị thuốc bôi, rửa bên ngoài để chống viêm, chống đau, chống ngứa còn cần dùng thuốc uống trong để điều hòa lại chức năng tạng phủ và khôi phục cân bằng âm dương khí huyết.

Bạn có thể sử dụng một số loại thuốc sau:

Bài thuốc 1:

    - Thổ phục linh 16g, khổ sâm lá 12g, vỏ núc nác 12g, hạ khô thảo 12g, nhân trần 20g, kim ngân 16g, ké đầu ngựa (sao vàng) 12g, cam thảo 6g. Tất cả các vị thuốc cho vào nồi, đổ ngập nước trên mặt thuốc 2-3cm, đun sôi, giữ nhỏ lửa 15-20 phút, chia thành 3 lần uống trong ngày vào lúc đói bụng.

    - Dùng trong trường hợp chàm cấp tính với những biểu hiện: Bệnh phát nhanh, vết chàm ửng đỏ, nóng rát, mụn nước li ti, loét chảy nước vàng, ngứa gãi không đỡ. Lúc bệnh phát thường có sốt, sưng hạch, miệng khát, đại tiện táo, nước tiểu vàng, chất lưỡi đỏ, rêu lưỡi trắng hoặc vàng nhớt.

Bài thuốc 2:

    - Thương truật 12g, bạch truật 12g, ý dĩ nhân 16g, thổ phục linh 12g, trạch tả 8g, hậu phác 8g, trần bì 8g, xuyên tâm liên 6g. Sắc với 1000ml nước, đun cạn còn 450ml, chia thành 3 phần, uống vào sáng, trưa và chiều tối, lúc đói bụng.

    - Dùng trong trường hợp chàm mạn tính với những biểu hiện: Bệnh phát chậm, vết chàm hơi hồng, ngứa, gãi vào chảy nước vàng; lâu ngày da có thể dầy cộm lên, bong vẩy. Kèm theo các triệu chứng: người mệt mỏi, đầy bụng, chán ăn, tiêu hóa kém, đại tiện lỏng; chất lưỡi nhạt, rêu lưỡi trắng nhớt.

Thuốc rửa:

    - Có thể sử dụng một trong 3 phương thuốc sau: (1) Xà sàng tử 30g, khổ sâm lá 30g. (2) Thủy xương bồ 30g, khổ sâm lá 30g. (3) Xà sàng tử 30g, xuyên tâm liên 30g, quả ké đầu ngựa 30g.

    - Cách dùng: Sắc với 1000ml nước, đun cạn còn 500ml. Chờ cho thuốc đỡ nóng, dùng gạc hoặc bông thấm nước thuốc rửa kỹ các vết chàm. Ngày rửa 2-3 lần, mỗi lần rửa 15-20 phút; nếu thuốc nguội cần hâm lại cho ấm.

Những vết thâm đen sau một thời gian sẽ tự mờ dần vì chàm chỉ làm tổn thương ở lớp nông của da. Cần kiên trì, chớ nóng vội bôi thuốc lung tung, để khỏi bị biến chứng.

Lương y HUYÊN THẢO


Xin vui lòng ghi rõ nguồn "Thuốc vườn nhà - http://www.thuocvuonnha.com" khi phát hành lại thông tin.


Tuyên bố trách nhiệm:
Thông tin trên thuocvuonnha.com chỉ phục vụ nghiên cứu học tập và mở rộng kiến thức. Không sử dụng làm căn cứ để tiến hành chẩn trị trên lâm sàng. Thông tin trên thuocvuonnha.com có thể được trích dẫn, thu thập từ các ấn phẩm, các trang tin điện tử liên quan trong nước và ngoài nước. Nếu phát sinh vấn đề bản quyền, kính đề nghị phản hồi cho chúng tôi.

Viết bình luận

Để thuận tiện cho việc đăng tải, xin vui lòng nhập tiếng Việt có dấu.
Chúng tôi mong muốn nhận được những bình luận theo hướng mở rộng hoặc bổ sung thông tin liên quan đến bài viết.
Chúng tôi sẽ khóa những bình luận có ngôn từ mang tính kích động hoặc bất nhã.

  Đơn vị bảo trợ thông tin

ĐỐI TÁC - LIÊN KẾT
[ Lên đầu trang ]