Hỏi đáp

Tác dụng chữa bệnh của dứa dại

Nguồn tin:  Thuốc vườn nhà
Cập nhật: 20/09/2012 08:34 CH

Hỏi:

Tôi hay thấy một số người thồ những bao tải dứa dại, đã phơi khô, thái lát, đi rao bán ở một số đường phố. Theo như những người bán rong nói, dứa dại là thứ thuốc quý, có thể chữa được nhiều bệnh khó, như xơ gan cổ trướng, đái tháo đường, cao huyết áp, ... Vậy trên thực tế có đúng như vậy hay không? Xin đề nghị "Thuốc vườn nhà" tìm hiểu và thông tin cho biết, có thể dùng dứa dại để chữa những bệnh gì, cách sử dụng cụ thể ra sao?

Một số bạn đọc ở Hà Nội, Bắc Giang, Phú Thọ, ...

Đáp:

dứa dại, dứa gỗ, dứa gai, lỗ cổ tử, sơn ba la, dứa núi, dã ba la, lộ đâu tử, Pandanus tectorius Soland.

Cây dứa dại còn có tên là "dứa gỗ", "dứa gai", sách thuốc Đông y gọi tên là "lỗ cổ tử", còn có tên "sơn ba la" (dứa núi), "dã ba la" (dứa dại), "lộ đâu tử", ... tên khoa học là Pandanus tectorius Soland.

Dứa dại mọc hoang ở nhiều nơi, thường trồng làm hàng rào, một số nơi trồng lấy lá dệt chiếu và túi; vì cây có hoa thơm, nên có người còn trồng làm cảnh trong sân nhà. Một số địa phương người ta dùng đọt non để ăn, phần trắng và mềm của cuống lá đôi khi cũng được dùng để ăn. Ngoài quả, các bộ phận khác như nõn, hoa, rễ đều có thể sử dụng làm thuốc.

Để bạn đọc có thể tìm hiểu kỹ hơn về vị thuốc sẵn có quanh vườn này, xin giới một số kinh nghiệm sử dụng từng bộ phận của cây dứa dại để làm thuốc, trong Đông y và trong dân gian.

1. Quả dứa dại: Thường thu hoạch vào mùa thu, đem sấy hoặc phơi khô dùng dần. Theo Đông y, quả dứa dại có vị ngọt, tính bình; có tác dụng ích huyết, cường tâm, bổ tỳ vị, tiêu đàm, phá tích trệ, giải độc rượu, ...; thường dùng chữa "sán khí" (thoát vị bẹn hoặc thoát vị bìu, đau từ bìu lan lên bụng dưới), tiểu tiện khó khăn, tiểu đường, kiết lỵ, say nắng, mắt mờ, .. Liều dùng: 10-15g, sắc nước, tẩm rượu hoặc tẩm mật uống.

    Cách dùng cụ thể:

        (1) Chữa kiết lỵ: Dùng quả dứa dại 30-60g sắc nước uống (Thường dụng trung thảo dược thủ sách).

        (2) Chữa mắt sinh màng mộng, thị lực giảm dần, nhìn không rõ: Dùng quả dứa dại, thái nhỏ, ngâm trong mật ong, ăn dần trong ngày; mỗi ngày ăn 1 quả, dùng liên tục 1 tháng có thể khỏi bệnh (Cương mục thập di).

        (3) Chữa cảm nắng, say nắng: Dùng quả dứa dại 10-15g, sắc uống (Lĩnh nam thái dược lục).

        (4) Chữa viêm gan siêu vi: Dùng quả dứa dại 12g, diệp hạ châu (chó đẻ răng cưa) 8g, nhân trần 12g, trần bì 8g, hổ trượng căn (cốt khí củ) 12g, ngũ vị tử 6g, cam thảo 4g; sắc với 1000ml, đun cạn còn 450ml; chia thành 3 lần uống lúc đói trong ngày (Hiện đại thực dụng phương tễ).

        (5) Chữa đái buốt, đái rắt, đái đục, đái tháo đường: Dùng quả dứa dại khô 20-30g, thái lát mỏng, sắc hoặc hãm uống thay trà trong ngày (Kinh nghiệm dân gian).

        (6) Bồi bổ cơ thể: Dùng trái dứa dại, thái lát mỏng, ngâm rượu uống (Kinh nghiệm dân gian).

2. Đọt dứa dại: Theo Đông y, có vị ngọt, tính lạnh; ó tác dụng thanh nhiệt, lương huyết, chỉ huyết, sinh cơ, tán nhiệt độc; dùng chữa sởi, ban chẩn, đơn độc, mụn nhọt lở loét, tâm phế nhiệt, tiểu tiện vàng đỏ; giã nát đắp chữa đầu đinh, lòi dom, bó gãy xương, ... Liều dùng: 9-18g sắc uống, dùng ngoài giã nát đắp vết thương.

    Cách dùng cụ thể:

        (1) Chữa chân lở loét lâu ngày: Dùng đọt non dứa dại và đậu tương - 2 thứ liều lượng bằng nhau; giã nát, đắp vào chỗ lở loét; có tác dụng sát trùng và lành vết loét (Lĩnh nam thái dược lục).

        (2) Chữa các vết loét sâu gây thối xương: Dùng đọt non dứa dại giã đắp vào vết thương; có tác dụng hút mủ và làm lành vết loét (Lĩnh nam thái dược lục).

        (3) Chữa chứng người bồn chồn, chân tay vật vã, phát nóng: Dùng đọt non dứa dại 30g, đậu đỏ nhỏ hạt (xích tiểu đậu) 30g, cỏ bấc đèn (đăng tâm thảo) 6g, búp tre 15 cái; sắc nước uống (Lục xuyên bản thảo).

        (4) Chữa phù thũng, đái rắt, đái buốt, đái ra máu, đái ra sỏi: Dùng đọt non dứa dại 15-20g, sắc nước uống thay nước trong ngày (Kinh nghiệm dân gian).

3. Hoa dứa dại: Theo Đông y, có vị ngọt, tính lạnh; có tác dụng thanh nhiệt, lợi thủy, trừ thấp nhiệt, cầm ỉa chảy do nhiệt độc; dùng chữa các chứng ho do cảm mạo, sán khí, đái đục, đái buốt, đái nhỏ giọt, tiểu tiện không thông, nhọt mọc ở sau gáy, ... Liều dùng: 10-30g sắc uống, dùng ngoài giã nát đắp.

    Cách dùng cụ thể:

        (1) Chữa ho do cảm mạo: Dùng hoa dứa dại 4-12g hoặc dùng quả 10-15g, sắc nước uống (Quảng Tây trung thảo dược).

4. Rễ dứa dại: Có thể thu hái quanh năm, rửa sạch, thái lát, phơi hoặc sấy khô dùng dần. Có người cho rằng dùng rễ non chưa bám đất thì tốt hơn. Theo Đông y, rễ dứa dại vị ngọt nhạt, tính mát. Có tác dụng làm ra mồ hôi, hạ sốt, lợi thủy, hóa thấp. Dùng chữa các chứng bệnh như cảm mạo, sốt dịch, viêm gan, viêm thận, viêm đường tiết niệu, phù thũng, đau mắt đỏ, thương tổn do bị ngã, bị đánh chấn thương.

    Cách dùng cụ thể:

        (1) Chữa phù thũng, xơ gan cổ trướng: Dùng rễ dứa dại 30-40g, phối hợp với rễ cỏ xước 20-30g, cỏ lưỡi mèo 20-30g; sắc nước uống trong ngày (Kinh nghiệm dân gian).

        (2) Chữa ngã, đánh chấn thương: Dùng rễ dứa dại, giã nát đắp vào chỗ bị thương rồi băng cố định lại (Kinh nghiệm dân gian).

Lương y HUYÊN THẢO


Xin vui lòng ghi rõ nguồn "Thuốc vườn nhà - http://www.thuocvuonnha.com" khi phát hành lại thông tin.


Tuyên bố trách nhiệm:
Thông tin trên thuocvuonnha.com chỉ phục vụ nghiên cứu học tập và mở rộng kiến thức. Không sử dụng làm căn cứ để tiến hành chẩn trị trên lâm sàng. Thông tin trên thuocvuonnha.com có thể được trích dẫn, thu thập từ các ấn phẩm, các trang tin điện tử liên quan trong nước và ngoài nước. Nếu phát sinh vấn đề bản quyền, kính đề nghị phản hồi cho chúng tôi.

Viết bình luận

Để thuận tiện cho việc đăng tải, xin vui lòng nhập tiếng Việt có dấu.
Chúng tôi mong muốn nhận được những bình luận theo hướng mở rộng hoặc bổ sung thông tin liên quan đến bài viết.
Chúng tôi sẽ khóa những bình luận có ngôn từ mang tính kích động hoặc bất nhã.

  Đơn vị bảo trợ thông tin

ĐỐI TÁC - LIÊN KẾT
[ Lên đầu trang ]