Giải mã Đông y

Sinh thạch cao, đoạn thạch cao: Cần sử dụng theo đúng y lý và dược lý của y học cổ truyền

Nguồn tin:  Thuốc vườn nhà
Cập nhật: 13/05/2013 08:13 CH

thạch cao, sinh thạch cao, đoạn thạch cao

Thạch cao

Mới đây một bạn đọc gửi mail đến "Thuốc vườn nhà" hỏi: Tôi đọc báo, thấy giới thiệu một phương thuốc phòng bệnh mùa nóng gọi là "bạch hổ thang", dùng để hạ sốt, chống mất nước và giúp phục hồi nhanh. Thành phần bài thuốc ghi, thạch cao (nướng) 50g, cam thảo 8g, tri mẫu sao 15g, gạo tẻ 1 nắm, nấu với 2 lít nước, ... Tôi cảm thấy rất lạ, vì theo như tôi biết, thạch cao chỉ dùng để đúc tượng hoặc bó bột, mà thạch cao sau khi nướng (nung) gặp nước sẽ vón cục, cho vào thang thuốc như vậy có tác dụng gì không? Mong được "Thuốc vườn nhà" lý giải thêm về vấn đề này.

Câu hỏi của bạn đọc nói trên đã đề cập đến một một vấn đề thiết yếu khi dùng thuốc. Vì vậy "Thuốc vườn nhà" xin được giới thiệu tương đối chi tiết về tính năng và tác dụng của thạch cao, để các Quý bạn đọc khác cùng tham khảo.

Trong xã hội hiện đại, thạch cao chủ yếu được sử dụng làm vật liệu xây dựng (trần nhà, vách ngăn, ...), để đúc tượng, bó bột, ... Do đó, có thể nhiều người còn chưa biết, thạch cao còn thường được sử dụng làm thuốc.

Trong Đông y, thạch cao được coi là vị thuốc giải nhiệt kinh điển. Tính năng và tác dụng chữa bệnh của thạch cao từng được ghi lại trong "Thần Nông bản thảo kinh" - bộ dược điển đầu tiên của Đông y học.

Theo Đông y: Thạch cao có vị cay ngọt, tính đại hàn (rất lạnh); vào 3 kinh Phế, Vị và Tam tiêu. Có tác dụng thanh nhiệt tả hỏa, trừ phiền, chỉ khát. Dùng để chữa các chứng "đại nhiệt" như sốt cao, vã mồ hôi, phiền khát, sốt quá phát cuồng, mạch hồng đại, phế nhiệt sinh ho suyễn, vị hỏa sinh nhức đầu, đau răng, ...

Về mặt hóa học, thạch cao là một loại khoáng vật, có tinh thể tụ tập thành khối. Thường là những cục màu trắng hay hơi hồng, gồm rất nhiều tinh thể không màu, hay hơi vàng hoặc hơi hồng, thỉnh thoảng có những vết sắt.

Thạch cao dùng làm thuốc trong Đông y là một muối can-xi sunfat thiên nhiên, có ngậm 2 phân tử nước. Thành phần chủ yếu của nó là CaSO4.2H2O. Trong đó có chừng 32,5% CaO, 46,6% SO3 và 20,9% H2O, thỉnh thoảng có lẫn ít đất sét, cát, chất hữu cơ, hợp chất sunfua, đôi khi có lẫn ít sắt (Fe), silic (Si) và magiê (Mg).

Thạch cao được sử dụng cả trong Đông y và Tây y, nhưng cách sử dụng rất khác nhau. Tây y chỉ dùng thạch cao dưới dạng khan nước (CaSO4.1/2H2O) để băng bó, đắp khuôn, bó bột, ...

Còn Đông y, thạch cao được xếp trong loại thuốc "thanh nhiệt tả hỏa" (để chữa các bệnh có tính nhiệt). Đặc biệt, sử dụng cả thạch cao sống và thạch cao nung (khan nước); thạch cao sống dùng để uống trong, còn thạch cao nung dùng để dùng ngoài.

Cụ thể:

    • Thạch cao sống (sinh thạch cao):

        - Có tác dụng thanh nhiệt tả hỏa, trừ phiền, chỉ khát.

        - Dùng chữa các chứng thực nhiệt (sốt ngoại cảm), sốt cao phát cuồng, chân tay co giật, phiền khát, vã mồ hôi, miệng lưỡi khô, họng háo, phế nhiệt sinh ho suyễn, vị nhiệt sinh nhức đầu, đau răng, ...

        - Kết quả nghiên cứu hiện đại cho thấy, thạch cao sống có tác dụng hạ thân nhiệt mà không làm ra mồ hôi (có thể do tác dụng ức chế trung khu sản nhiệt và trung khu tiết xuất mồ hôi). Thạch cao sống còn có tác dụng tiêu viêm (có thể do tác dụng làm giảm tính thẩm thấu của mạch máu), an thần và chống co giật (có thể do chất can-xi trong thạch cao ức chế thần kinh cơ bắp, đối với sốt cao co giật có tác dụng nhất định).

    • Thạch cao nung (đoạn thạch cao):

        - Có tác dụng trừ thấp, sinh cơ (kích thích lên da), liễm sang (làm liền vết lở loét), chỉ huyết (cầm máu).

        - Dùng chữa các chứng lở loét lâu ngày không liền miệng, ghẻ lở rỉ nước vàng, ngứa, bỏng lửa, ngoại thương xuất huyết.

    • Kiêng kỵ:

        - Thạch cao là vị thuốc rất lạnh (đại hàn) vì vậy, những người hư hàn, không có thực nhiệt không dùng được.

        - "Hư hàn" tức "dương hư" (chân dương bất túc), thường có những biểu hiện như chịu lạnh kém, sắc mặt nhợt nhạt, đầu choáng mắt hoa, kém ăn, bụng lạnh, đại tiện lỏng hoặc ỉa chảy vào lúc sáng sớm, lưng gối đau mỏi, ... "Thực nhiệt" chỉ hiện tượng "nhiệt tà" (tác nhân gây bệnh) xâm nhập vào cơ thể, dẫn tới những chứng trạng như phát sốt, phiền khát, mê sảng, đau đầu, đău răng, miệng lở loét, đại tiện bí kết, rêu lưỡi vàng, ...

    • Chú ý đặc biệt: Khi dùng thạch cao để chữa bệnh, cần đặc biệt chú ý tới cách chế biến, nếu không cẩn thận, có thể gây nguy hiểm đến tính mạng. Cụ thể là:

        1. Dùng để uống trong: Chỉ dùng thạch cao sống, nghĩa là đem thạch cao rửa sạch, đập nhỏ sắc uống hoặc nghiền mịn hòa với nước uống.

        2. Thạch cao nung chỉ dùng ngoài. Sau khi nung, thạch cao sẽ mất bớt nước, thành thạch cao khan nước (CaSO4.1/2H2O). Thạch cao khan nước nếu uống vào sẽ hút nước nở ra, có thể gây tắc ruột mà chết. Y gia thời xưa đã diễn giải điều đó như sau: Thạch cao là một vị thuốc "đại hàn", nếu gặp lửa (đại nhiệt) sẽ dẫn tới xung khắc, nguy hiểm chết người. Cách lý giải của người xưa có phần siêu hình, nhưng việc uống bột thạch cao nung có thể bị tử vong là điều phù hợp với thực tế.

• Bài thuốc "bạch hổ thang":

    Trở lại bài thuốc "bạch hổ thang" mà bạn đề cập. Đây là bài thuốc thanh nhiệt kinh điển, rất nổi tiếng do danh y Trương Trọng Cảnh (thời Đông Hán) lập ra và được ghi chép đầu tiên trong bộ "Thương hàn luận". Bài thuốc có tên là "bạch hổ" vì chủ vị (vị thuốc quan trọng nhất) là thạch cao, mà thạch cao còn có tên gọi là "bạch hổ".

    Thành phần của bài thuốc, chính thức như sau: Sinh thạch cao (đập vụn) 30g, tri mẫu 10g, chích cam thảo (cam thảo nướng) 3g, ngạnh mễ (gạo tẻ) 15g; tất cả 4 vị sắc với 2000ml nước, khi gạo chín thì bỏ bã, chắt lấy nước, chia ra 3 lần uống trong ngày.

    Về thành phần bài thuốc, có hai vấn đề cần lưu ý, thứ nhất là thạch cao sử dụng trong bài thuốc là thạch cao sống, chứ không phải là thạch cao "nướng" (khan nước, như trong tờ báo bạn đề cập); thứ hai là, trong các bài thuốc Đông y có sử dụng thạch cao, do thạch cao khó tan trong nước, nên thường được người xưa sử dụng với lượng lớn. "Bạch hổ thang" thường dùng 30-50g, nhưng trường hợp cần thiết có thể tăng lên tới 250g. Ngoài ra, thạch cao cần sắc cùng với các vị thuốc khác, vì sắc trước bột thạch cao sẽ đọng dưới đáy nồi, làm giảm độ dẫn nhiệt của nồi.

    Tác dụng của "bạch hổ thang": Thanh nhiệt sinh tân. Chủ trị chứng nhiệt vô hình ở khí phận, với biểu hiện chủ yếu là sốt cao, vã mồ hôi, phiền khát, mạch hồng đại hữu lực. Hội chứng nhiệt nói trên, rất hay gặp trong các bệnh truyền nhiễm và nhiễm trùng trong giai đoạn phát sốt, như bệnh viêm não B, viêm màng não, xuất huyết nhiệt, ...

    Như vậy, "bạch hổ thang" là một bài thuốc hiện tại rất thông dụng trên lâm sàng, nhất là trong những ngày nắng nóng.

• "Thuốc vườn nhà" xin giới thiệu thêm một số đơn thuốc tiêu biểu khác có sử dụng thạch cao:

    (1) Chữa sốt kéo dài sau nhiễm trùng: Trong thời kỳ hồi phục vẫn còn sốt, nhiệt độ không cao nhưng kéo dài, miệng khô, khát nước. Dùng sinh thạch cao 30g, trúc diệp (lá tre) 12g, mạch môn đông 20g, nhân sâm 6g, bán hạ 6g, cam thảo 4g, gạo tẻ 30g; sắc lấy nước, chia 3 lần uống trong ngày.

    (2) Chữa sốt cao, bứt rứt, phát cuồng: Thạch cao sống 30g, hoàng liên 8g; sắc nước uống.

    (3) Chữa đổ máu cam, đầu nhức: Thạch cao sống, mẫu lệ; tất cả tán thành bột mịn, trộn đều; ngày uống 3 lần, mỗi lần 4g, hòa nước lạnh uống.

    (4) Chữa đau răng do vị nhiệt (dạ dày nóng): Răng đau kịch liệt, chỗ răng đau và vùng miệng lân cận sưng tấy đỏ, lợi mưng mủ rỉ nước, có khi khó há miệng, thân nhiệt tăng cao, kèm theo miệng khát, tiểu tiện sẻn đỏ hoặc đại tiện táo kết. Dùng sinh thạch cao 30g, hoàng cầm 9g, hoàng liên 6g, sinh địa 10g, đan bì 8g; sắc nước uống trong ngày.

Tóm lại, thạch cao là một vị thuốc thanh nhiệt rất thông dụng trong Đông y học, có thể sử dụng để chữa trị nhiều chứng bệnh, nhất là những bệnh thường xuất hiện trong ngày hè nắng nóng. Tuy nhiên, để tránh những tác dụng phụ ngoài sự mong muốn, cần sử dụng thạch cao theo đúng Y lý và Dược lý của Y học cổ truyền.

Lương y HUYÊN THẢO


Xin vui lòng ghi rõ nguồn "Thuốc vườn nhà - http://www.thuocvuonnha.com" khi phát hành lại thông tin.


Tuyên bố trách nhiệm:
Thông tin trên thuocvuonnha.com chỉ phục vụ nghiên cứu học tập và mở rộng kiến thức. Không sử dụng làm căn cứ để tiến hành chẩn trị trên lâm sàng. Thông tin trên thuocvuonnha.com có thể được trích dẫn, thu thập từ các ấn phẩm, các trang tin điện tử liên quan trong nước và ngoài nước. Nếu phát sinh vấn đề bản quyền, kính đề nghị phản hồi cho chúng tôi.

Viết bình luận

Để thuận tiện cho việc đăng tải, xin vui lòng nhập tiếng Việt có dấu.
Chúng tôi mong muốn nhận được những bình luận theo hướng mở rộng hoặc bổ sung thông tin liên quan đến bài viết.
Chúng tôi sẽ khóa những bình luận có ngôn từ mang tính kích động hoặc bất nhã.

  Đơn vị bảo trợ thông tin

ĐỐI TÁC - LIÊN KẾT
[ Lên đầu trang ]